Câu hỏi bài Cảnh ngày hè chọn lọc - Ngữ văn lớp 10


Câu hỏi bài Cảnh ngày hè chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Cảnh ngày hè Ngữ văn lớp 10 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Cảnh ngày hè này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 10 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 10.

Câu hỏi bài Cảnh ngày hè chọn lọc - Ngữ văn lớp 10

Câu hỏi: Bài thơ “Cảnh ngày hè” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

“Cảnh ngày hè” được sáng tác vào thời gian Nguyễn Trãi về quê sống ẩn dật. Cuộc sống thanh bình, giản dị đã giúp ông lắng nghe trọn vẹn nhịp sống của con người, của thiên nhiên và sáng tác nên bài thơ

Câu hỏi: Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Cảnh ngày hè” là gì?

Trả lời:

Nhan đề bài thơ thể hiện:

   - Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên ngày hè

   - Tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước tha thiết của tác giả.

Câu hỏi: Trong bài thơ “Cảnh ngày hè” có nhiều động từ diễn tả trạng thái của cảnh ngày hè. Đó là những động từ nào, trạng thái của cảnh được diễn tả ra sao?

Trả lời:

- Tác giả sử dụng nhiều động từ mạnh để diễn tả trạng thái của ngày hè: đùn đùn, giương, phun

   + Đùn đùn: gợi hình ảnh xanh thẫm, tầng tầng lớp lớp của tán hòe tuôn ra, giương rộng ra.

   + Cảnh vật tràn đầy sức sống, như có sự thôi thúc, căng tràn

   + Thiên nhiên đẹp đẽ, khỏe khoắn, chứa đựng những điều sống động vô cùng

- Tâm trạng của tác giả vui vẻ, tươi sáng như chính bức tranh mùa hè mà ông vẽ lên

  Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, cảnh vật vì thế mà bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi trở nên sinh động, giàu sức sống

Câu hỏi: Làm sáng tỏ sự hài hòa giữa âm thanh và màu sắc, cảnh vật và con người trong bài thơ “Cảnh ngày hè”.

Trả lời:

Cảnh có sự giao hòa giữa âm thanh, màu sắc, con người và cảnh vật:

   - Màu sắc của mùa hè tươi sáng, rực rỡ: màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của sen.

      + Cảnh vật hòa nhập với nhau, dưới ánh sáng của nắng vàng (lầu tịch dương)

   - Âm thanh của sự sống: lao xao chợ cá, tiếng ve sầu (dắng dỏi cầm ve)

      + Tác giả lắng nghe âm thanh sự sống bằng tất cả sự tinh tế của bản thân

⇒ Bức tranh cảnh vật có sự giao hòa, kết hợp với âm thanh sự sống, hình ảnh con người khiến bức tranh ngày hè trở nên có hồn hơn.

- Vẻ đẹp của cảnh ngày hè bình dị, trong lành, gần gũi và ấm áp tình quê hương, con người xứ Việt.

Câu hỏi: Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào trong bài thơ “Cảnh ngày hè”?

Trả lời:

Cảm nhận của tác giả:

   + Nhà thơ sử dụng mọi giác quan của mình để cảm nhận vẻ đẹp ngày hè: khứu giác, thính giác, cảm giác

   + Thiên nhiên ngày hè được tái hiện thông qua lăng kính quan sát tinh tế của tác giả

   + Sự hòa quyện hài hòa về màu sắc, âm thanh chứng tỏ tâm hồn nhà thơ đẹp, giàu xúc cảm

Câu hỏi: Qua bài “Cảnh ngày hè” em thấy Nguyễn Trãi là người có tấm lòng như thế nào đối với thiên nhiên?

Trả lời:

Tấm lòng của tác giả:

   + Tha thiết yêu thiên nhiên, đất nước

   + Tìm thấy trong tình yêu thiên nhiên có nguồn cội của tình yêu cuộc đời, cuộc sống

   + Tấm lòng đau đáu luôn hướng về dân, về nước

Câu hỏi: Hai câu thơ cuối bài thơ “Cảnh ngày hè” cho ta hiểu tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với người dân như thế nào?

Trả lời:

- Hai câu kết diễn tả khát vọng, nỗi lòng da diết của tác giả về cuộc sống yên bình, hạnh phúc của dân chúng:

    + Nhà thơ mong mỏi khúc đàn Nam Phong của vua Thuấn, khúc đàn tượng trưng cho sự no đủ, thuận hòa của nhân dân.

    + Lấy chuyện xưa để nói tới hiện tại, cho thấy tấm lòng yêu nước thương dân tới muôn đời.

- Câu thơ cũng gợi lên khúc nhạc ngợi ca cuộc sống thái bình, no đủ của dân chúng, đồng thời cũng là lời nhắc các bậc quân vương lấy dân làm trọng.

- Nhà thơ thể hiện niềm mong ước, nguyện vọng cho đất nước thái bình chính là tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi.

    + Tư tưởng này có nguồn gốc từ lời dạy của Khổng Tử “dân vi bản, xã tắc vi quy, quân vi khinh”.

Câu hỏi: Âm điệu câu thơ lục ngôn (sáu chữ) kết thúc bài thơ “Cảnh ngày hè” khác âm điệu những câu thất ngôn (bảy chữ) như thế nào?

Trả lời:

Âm điệu những câu thơ lục ngôn (sáu chữ) kết thúc bài thơ khác âm điệu những câu thơ thất ngôn (bảy chữ) ở chỗ nó như dồn nén trong câu chữ những tính cảm của ông dành cho nhân dân.

Tác dụng của việc kết thúc bằng câu thơ lục ngôn: cảm xúc được dồn nén, dư âm được mở ra – đó cũng là tác dụng khi kết thúc bằng câu thơ sáu chữ trong thơ thất ngôn.

Câu hỏi: Sự thay đổi âm điệu trong bài thơ “Cảnh ngày hè” có tác dụng gì trong việc thể hiện tình cảm của tác giả?

Trả lời:

Sự thay đổi âm điệu lúc nhanh dồn dập, lúc lại thong thả khoan thai, nó như dồn nén trong câu chữ những tính cảm của ông dành cho nhân dân. Ông ước mơ người dân đất nước ta có cuộc sống no đủ sum vầy hạnh phúc, ấm êm.

Câu hỏi: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ “Cảnh ngày hè” là gì?

Trả lời:

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ

– Nguồn gốc từ tình yêu thiên nhiên, lòng yêu đời, yêu đất nước, khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân.

– Xuất phát từ khát vọng hòa bình cho nhân dân cộng hưởng với vẻ đẹp tâm hồn, lí tưởng của Nguyễn Trãi, nhân cách của Nguyễn Trãi.

⇒ Bài thơ sử dụng hình ảnh gần gũi, bình dị, câu thơ thất ngôn xen lục ngôn, tác giả mang lại bức tranh thiên nhiên đầy sức sống, tươi đẹp.

Câu hỏi: Giá trị nội dung và nghệ thuật trong “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi.

Trả lời:

Giá trị nội dung

    + Bài thơ đã dựng nên bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, đẹp đẽ, thơ mộng và khung cảnh của cuộc sống sinh hoạt bình an, yên ổn. Điều đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và khát vọng xã hội phồn vinh, nhân dân no đủ, đất nước thịnh vượng của người nghệ sĩ hết lòng vì nước, vì dân.

    + Đồng thời, bài thơ cũng khắc họa tâm hồn và nhân cách cao thượng, tấm lòng yêu quê hương, yêu đất nước của Nguyễn Trãi. Ngay cả khi đang bị chèn ép, nghi ngờ, Nguyễn Trãi cũng vẫn lo lắng cho nhân dân, vẫn khao khát được cống hiến tài năng, công sức của mình cho dân, cho nước.

Giá trị nghệ thuật

    + Tác giả đã vận dụng một cách sáng tạo thể thơ Đường luật với sự đan xen của câu sáu chữ và câu bảy chữ.

    + Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, gần gũi với khẩu ngữ (lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân) nhưng lại rất giàu cảm xúc và giàu sức gợi.

    + Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc trưng của văn học trung đại: Miêu tả thiên nhiên, đất trời và cảnh đời sống sinh hoạt của con người để qua đó bộc lộ một cách kín đáo tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của mình về con người, về cuộc đời.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 10 chọn lọc, hay khác: