Dựa vào nội dung mục III.2, hãy trình bày về 4 vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta


Dựa vào nội dung mục III.2, hãy trình bày về 4 vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta.

Giải Chuyên đề Địa Lí 12 Các loại vùng kinh tế ở Việt Nam - Kết nối tri thức

Câu hỏi trang 31 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục III.2, hãy trình bày về 4 vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta.

Lời giải:

- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ:

+ Là vùng có vai trò quan trọng hàng đầu về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học – công nghệ của cả nước. Là vùng tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển vùng tập trung vào Tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh để tạo nên vùng động lực, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng quan trọng nhất trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế.

+ Tập trung đầu tư, đi đầu trong khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; chú trọng kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải,…

- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:

+ Có vị trí chiến lược và thuận lợi hình thành các hành lang giao lưu kinh tế, thương mại với các quốc gia láng giềng cả trên đất liền và đường hàng hải quốc tế. Phát triển tập trung vào khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi, tạo vùng động lực. Chú trọng phát triển dịch vụ, công nghiệp, khoa học – công nghệ; trung tâm logistics và du lịch biển. TP Đà Nẵng là cực tăng trưởng quan trọng trong liên kết và thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng và vùng Tây Nguyên.

+ Phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô – phụ trợ ngành cơ khí, khu công nghệ cao. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:

+ Nằm trên các tuyến giao thông quan trọng, có nhiều cửa ngõ thuận lợi cho giao lưu kinh tế - xã hội trong cả nước, khu vực và quốc tế. Phát triển tập trung vào Tứ giác TP Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó TP Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng lớn nhất; giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Nam và kết nối quốc tế.

+ Các lĩnh vực dịch vụ được đẩy mạnh là tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập trung phát triển mạnh khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Chú trọng phát triển kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển.

- Vùng kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực, thực phảm của cả nước. Phát triển tập trung vào Tam giác Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang, trong đó TP Cần Thơ là cực tăng trưởng quan trọng nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; xây dựng vùng dẫn đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ về nông nghiệp quốc gia và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Tăng cường phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; cơ khí sản xuất hóa chất phục vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó Phú Quốc được xây dựng thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế.

Lời giải Chuyên đề Địa Lí 12 Các loại vùng kinh tế ở Việt Nam hay, ngắn gọn khác:

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác: