Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Những vấn đề chung - Cánh diều


Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Chuyên đề Địa 12 Những vấn đề chung sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Chuyên đề học tập Địa Lí 12.

Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Những vấn đề chung - Cánh diều

1. Quan niệm về thiên tai

- Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Các dạng thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

2. Đặc điểm của thiên tai

a) Có nhiều loại thiên tai:

- Do các đặc điểm về vị trí địa lí, khí hậu, địa hình, sông ngòi,… nên nước ta thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai khác nhau.

- Mỗi loại thiên tai lại có sự khác nhau về điều kiện hình thành, đặc điểm, quy mô, mức độ nguy hiểm, khả năng gây thiệt hại,…

- Các thiên tai phổ biến nhất và gây nhiều thiệt hại là: bão, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất, lũ quét, nắng nóng, mưa lớn, xâm nhập mặn, rét hại,…

Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Những vấn đề chung | Cánh diều

b) Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và có sự khác nhau giữa các vùng:

- Biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực đã làm cho thiên tai ở nước ta những năm gần đây có xu hướng gia tăng cả về tần suất, quy mô và cường độ. Thời gian xuất hiện ngày càng dị thường, trái quy luật nên rất khó dự báo và phòng chống, đặc biệt là mưa lớn, lũ, ngập lụt, bão, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn,…

- Thiên nhiên nước ta có sự phân hóa đa dạng theo không gian và thời gian, đặc biệt là sự phân hóa của khí hậu và địa hình. Chính vì thế, mỗi vùng thường có các loại thiên tai khác nhau, tủy thuộc vào vị trí địa lí và những đặc điểm tự nhiên mang tính đặc thủ của từng vùng. Cụ thể:

+ Lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, động đất… phân bố chủ yếu ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

+ Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại, mưa lớn…. phân bố chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng

+ Nắng nóng, hạn hán, lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt… phân bố chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

+ Áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, nước dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, mưa lớn, lốc, mưa đá… phân bố chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Những vấn đề chung | Cánh diều

c) Thiên tai được phân thành các cấp rủi ro khác nhau:

- Các cấp rủi ro được xác định dựa vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai. Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và được phân tối đa thành 5 cấp theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai.

- Các cấp rủi ro thiên tai được công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai. Đây là cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Nguyên nhân của thiên tai

a) Tác động của các nhân tố tự nhiên:

- Vị trí địa lí nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có lượng mưa lớn và phân mùa sâu sắc nên mùa mưa thường có mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng,…; mùa khô thường bị hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại,…

- Vị trí tiếp giáp với Biển Đông – là vùng biển nhiệt đới nên hằng năm nước ta thường chịu ảnh hưởng nhiều của bão, áp thấp nhiệt đới,…

- Địa hình nhiều đồi núi, chia cắt phức tạp, vỏ phong hóa dày trong điều kiện mưa lớn và phân mùa nên thường xảy ra sạt lở đất, lũ quét,…

b) Tác động của biến đổi khí hậu:

- Biến đổi khí hậu trên toàn cầu và khu vực là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện và gia tăng thiên tai ở nước ta trong tất cả các mùa.

- Xu hướng tăng lên của nhiệt độ Trái Đất, mực nước biển dâng, gia tăng tính thất thường của mưa,… đã làm cho các loại thiên tai phổ biến ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều hơn, với cường độ lớn hơn và diễn biến phức tạp, khó lường.

Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Những vấn đề chung | Cánh diều

c) Tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội:

- Gia tăng dân số cùng với những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế - xã hội như khai thác rừng, xây dựng hồ chứa, khai thác khoáng sản, khai thác nước ngầm, đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng (công trình giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí,…),… là nguyên nhân làm gia tăng tính bất thường của thiên tai ở nước ta cả về cường độ, quy mô và thời gian xuất hiện.

- Việc gia tăng các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển thủy điện, phát triển công nghiệp ở thượng lưu, trung lưu các sông lớn như sông Hồng, sông Cửu Long thuộc lãnh thổ các nước trong khu vực cũng là nguyên nhân góp phần làm trầm trọng hơn các loại thiên tai ở vùng hạ lưu thuộc lãnh thổ nước ta như: lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất,…

Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Những vấn đề chung | Cánh diều

Gia tăng dân số là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính bất thường của thiên tai

4. Phân loại thiên tai

- Căn cứ vào vùng lãnh thổ chia thành 2 loại:

+ Thiên tai diễn ra trên phạm vi hẹp (1 huyện hoặc 1 vài huyện);

+ Thiên tai diễn ra trên phạm vi rộng (gồm nhiều tỉnh, thành phố).

- Căn cứ vào thời gian diễn ra chia thành 2 loại:

+ Thiên tai xuất hiện trong thời gian ngắn (1 vài phút, 1 vài giờ)  như lốc, sét, lũ quét,…

+ Thiên tai xuất hiện trong thời gian dài (1 vài ngày đến hàng tháng) như bão, ngập lụt, hạn hán,…

- Căn cứ vào mức độ thiệt hại, chia thành 2 loại:

+ Hiểm họa là những thiên tai có thể gây tổn thất về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội. Hiểm họa có thế diễn ra đột ngột, tốc độ nhanh (động đất, lũ quét,…) hoặc có thể diễn ra trong thời gian dài (hạn hán).

+ Thảm họa là những thiên tai dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Thảm họa thường có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, làm gián đoạn cuộc sống của cộng đồng và suy thoái môi trường.

- Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh chủ yếu, chia thành 3 loại:

+ Thiên tai có nguồn gốc khí tượng (thiên tai khí tượng): bão, sét, mưa đá,…

+ Thiên tai có nguồn gốc thủy văn (thiên tai thủy văn): ngập lụt, lũ, nước dâng,…

+ Thiên tai có nguồn gốc địa chất (tai biến địa chất): động đất, sạt lở đất, sụt lún đất,…

Xem thêm tóm tắt lý thuyết chuyên đề Địa Lí lớp 12 Cánh diều hay khác: