Trình bày những chứng cứ lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam qua khai thác thông tin
Trình bày những chứng cứ lịch sử về chủ quyền biển, đảo Việt Nam qua khai thác thông tin, tư liệu và quan sát các hình từ 3.1 đến 3.4.
Lịch Sử và Địa Lí 9 Chủ đề 3: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông - Cánh diều
Câu hỏi trang 216 Lịch Sử và Địa Lí 9: Trình bày những chứng cứ lịch sử về chủ quyền biển, đảo Việt Nam qua khai thác thông tin, tư liệu và quan sát các hình từ 3.1 đến 3.4.
Trả lời:
- Về nguồn sử liệu thành văn:
+ Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 thể hiện rõ đảo Đại Trường Sa (tức quần đảo Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi.
+ Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú biên soạn năm 1821 ghi chép cụ thể về địa thế, sản vật ở Hoàng Sa.
+ Sách Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng ghi chép nhiều sự kiện diễn ra dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị như tái lập Đội Hoàng Sa, thăm dò đường biển, xây miếu, dựng bia, trồng cây, vẽ bản đồ ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
+ Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng quan trọng khẳng định việc nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
+ Nhiều tài liệu của Trung Quốc cũng gián tiếp xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, tiêu biểu là Hải ngoại kí sự của nhà sư Thích Đại Sán năm 1696.
- Về bản đồ cổ:
+ Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, do Đỗ Bá sưu tầm và biên soạn giữa thế kỉ XVII. Trong phần chú giải trên bản đồ ghi rõ: giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa) dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm.
+ Đại Nam nhất thống toàn đồ (biên vẽ dưới thời vua Minh Mạng), trong đó có ghi hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
+ Bộ Át-lát Thế giới của P. Van-déc-ma-lăng, xuất bản năm 1827 tại Bờ-rúc-xen (Vương quốc Bỉ), trong đó có các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều ghi chú rõ ràng quần đảo Hoàng Sa (Pa-ga-xen) thuộc chủ quyền của Đế quốc An Nam, tức Việt Nam.
- Về nguồn sử liệu hiện vật: được lưu giữ trong các bảo tàng, nhà truyền thống ở các địa phương, tiêu biểu là:
+ Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây trưng bày hơn 100 hiện vật của người lính Đội Hoàng Sa.
+ Hai tấm bia được xây dựng tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết năm 1956 (nay thuộc xã Song Tử Tây và xã Sinh Tổn, huyện Trường Sa).
+ Ngọn hải đăng ở Hoàng Sa cũng là nguồn sử liệu hiện vật đặc biệt quan trọng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Lời giải bài tập Lịch Sử & Địa Lí 9 Chủ đề 3: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông hay khác: