Hãy trình bày hiểu biết của bản thân về các dân tộc cư trú tại địa phương
Giải Lịch sử 10 Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Vận dụng 2 trang 126 Lịch Sử 10 trong Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam, lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh biết cách làm bài tập Lịch sử 10.
Vận dụng 2 trang 126 Lịch Sử 10: Hãy trình bày hiểu biết của bản thân về các dân tộc cư trú tại địa phương (nếu có); hoặc kể lại một trải nghiệm qua một chuyến du lịch đến các địa phương có các dân tộc cư trú (ví dụ: học sinh có thể nói về phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, ca múa,… của các dân tộc).
Lời giải:
(*) Giới thiệu lễ hội Ka-tê:
- Ka-tê là lễ hội dân gian thiêng liêng, đặc sắc và quan trọng nhất của dân tộc Chăm. Đây là dịp người Chăm dâng lễ vật tri ân các vị thần và tưởng nhớ tổ tiên của mình. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 9 - đầu tháng 10 dương lịch tại cụm di tích tháp Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận, Bình Thuận,… Người dân tập trung tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Mọi người nghỉ ngơi và tràn ngập niềm vui, đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau. Lễ hội được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội.
- Nghi thức hành lễ đón rước phục y, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc phục y cho tượng thần, đại lễ. Khi điệu múa thiêng kết thúc thì ngoài tháp Chăm bắt đầu mở hội. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với trống Gi-năng, trống Pa-ra-nưng và kèn Sa-ra-nai làm vui nhộn cả một vùng.
- Lễ hội Ka-tê được tổ chức theo quy mô nhỏ ở từng làng, một ngày sau đó là lễ hội từng gia đình. Các thành viên từng gia đình cùng quần tụ đông đủ, có một người chủ tế cầu mong cho gia đình được tổ tiên, thần linh phù hộ, con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình gần gũi, gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau hơn trong cuộc sống, là dịp để vui chơi, giải trí sau một năm lao động miệt mài.