X

Lịch sử 10 Kết nối tri thức

Giả sử có một chủ đề của hội thảo về du lịch di sản như sau


Giải Lịch sử 10 Kết nối tri thức Bài 4: Sử học với một số lĩnh vực, ngành nghề hiện đại

Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Vận dụng 2 trang 32 Lịch Sử 10 trong Bài 4: Sử học với một số lĩnh vực, ngành nghề hiện đại, lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh biết cách làm bài tập Lịch sử 10.

Vận dụng 2 trang 32 Lịch Sử 10: Giả sử có một chủ đề của hội thảo về du lịch di sản như sau: “Lựa chọn lợi ích về kinh tế hay văn hóa lịch sử? Lợi ích lâu dài hay trước mặt?”. Dựa vào kiến thức đã học và hiểu biết của bản thân, em hãy viết một bài khoảng 200 từ thể hiện quan điểm của em về vấn đề được nêu.

Lời giải:

(*) Bài viết tham khảo:

- Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Việc cân đối, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội là khuynh hướng ứng xử với di sản lý tưởng nhất và được khuyến khích nhất. Khi gắn phát triển du lịch với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, chúng ta sẽ đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là một bài toán khó không dễ gì thực hiện và hiện nay chỉ có một số di sản đạt tới.

+ Hội An là một ví dụ tiêu biểu về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Các ngôi nhà cổ với những nét kiến trúc Nhật Bản và Trung Hoa đa phần được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đúng quy cách; các đền, chùa, hội quán vẫn giữ được bản sắc riêng; những đêm Rằm phố cổ vừa giữ được không khí cổ xưa, vừa mang hơi thở cuộc sống mới…

+ Quần thể di tích cố đô Huế, sau một thời gian bị UNESCO đưa vào “danh sách đen”, đến nay đã trở thành nơi bảo tồn khá tốt các giá trị cảnh quan, kiến trúc, nghệ thuật cũng như các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với vùng đất cố đô, với con người Huế. Những kỳ festival với sự góp mặt của các làng nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trang phục phối hợp cùng với các sự kiện văn hóa mới đã ngày càng khẳng định thương hiệu. Năm 2019, tổng lượng khách tham quan các di tích cố đô Huế đạt hơn 3,5 triệu lượt, tổng doanh thu bán vé đạt gần 388 tỷ đồng (tăng 1,6% so năm 2018), doanh thu dịch vụ đạt gần 19 tỷ đồng.

+ Tại Vịnh Hạ Long, sau khi bị UNESCO đưa vào danh sách khuyến nghị, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng cải thiện và đạt nhiều bước tiến trong việc kết hợp giữa khai thác cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những hình thức lễ hội mới như trình diễn đường phố, carnaval, ẩm thực đường phố… Năm 2019, Vịnh Hạ Long đã đón được 4,4 triệu khách, trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng.

- Nhằm xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, có thể tập trung vào một số giải pháp như sau:

+ Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

+ Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản.

+ Ba là, phát huy vai trò của cộng đồng trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

+ Bốn là, tận dụng vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, phản biện xã hội trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

- Một dân tộc muốn phát triển đi lên không thể không giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa quý giá từ quá khứ. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, sự chủ động linh hoạt vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án bảo tồn tối ưu, làm sao vừa khai thác được tiềm năng kinh tế của di sản, vừa giữ gìn được các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của chúng, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo

Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: