Em hãy tìm hiểu và giới thiệu Chương trình tín dụng của Nhà nước cho học sinh, sinh viên vay vốn hỗ trợ học tập
Giải SBT KTPL 10 Bài 9: Dịch vụ tín dụng
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải SBT KTPL 10 Bài tập 5 trang 31 trong Bài 9: Dịch vụ tín dụng sách Kết nối tri thức hay nhất. Hy vọng rằng với lời giải ngắn gọn nhưng đủ ý sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT KTPL 10.
Bài tập 5 trang 31 SBT Kinh tế Pháp luật 10: Em hãy tìm hiểu và giới thiệu Chương trình tín dụng của Nhà nước cho học sinh, sinh viên vay vốn hỗ trợ học tập.
Lời giải:
(*) Bài tham khảo:
- Ngày 4/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
- Theo Quyết định, đối tượng vay vốn bao gồm: Học sinh các cấp đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
- Để được vay vốn, học sinh, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
+ Không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.
- Mỗi học sinh, sinh viên đáp ứng các điều kiện trên có thể được vay vốn với mức tối đa là 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên, lãi suất 1,2%/năm và thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng. Vốn vay được sử dụng để mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến bao gồm: Máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam), thiết bị thu thanh (microphone).
- Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của học sinh, sinh viên là người đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã đủ 18 tuổi thì được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở nếu hộ gia đình không còn thành viên nào đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay.
Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo