Đọc thông tin trang 45 SBT Kinh tế pháp luật 11
Đọc thông tin
Giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật 11 Bài 8: Đạo đức kinh doanh - Cánh diều
Bài 13 trang 45 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Đọc thông tin
1. CHIẾC KHẨU TRANG VÀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
Lá thư của một em học sinh lớp 4 gửi Thủ tướng với mong muốn được góp toàn bộ số tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay giúp mọi người phòng chống dịch. Rồi hình ảnh cậu bé 11 tuổi dành toàn bộ số tiền lì xì mua khẩu trang tặng người đi đường,... như những câu chuyện ấm áp sưởi ấm lòng người trong những ngày đầu năm chộn rộn với mối lo về dịch bệnh do virus corona.
Hành động của những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi theo một cách gián dị đã giúp nhiều người cảm nhận thêm sự ấm nóng của tình người ngay trong “tâm bão”. Trong khi ở nhiều nơi khác, người dân lại phải chứng kiến sự đội giá nhanh không tưởng của những chiếc khẩu trang.
Trục lợi giữa hoang mang
Chưa hết hoang mang vì sự đội giá vùn vụt của những chiếc khẩu trang với nỗi lo về dịch bệnh do virus corona. Chưa hết nỗi buồn khi có đến hơn 1 200 cửa hàng “chặt chém” giá khẩu trang y tế, dung dịch sát trùng thì lại tiếp chuyện về những phát ngôn, chia sẻ trên hội nhóm của các nhà thuốc kêu gọi ngừng phục vụ các mặt hàng phòng dịch trong bối cảnh dịch do virus corona đang có nguy cơ bùng phát. Những ngày này, cùng với việc cập nhật thường xuyên diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cộng đồng còn thường xuyên chia sẻ và bày tỏ bức xúc, bất bình khi nhiều cơ sở kinh doanh thuốc “chặt chém” giá khẩu trang,...
Những tấm biển “Không bán khẩu trang, đừng hỏi” lạnh lùng đến bất lương, đã không chỉ khiến lòng người chùng xuống mà còn tiếp tục đặt ra vấn đề về sự xuống cấp trong đạo đức kinh doanh. Lên án, tẩy chay, các cơ quan chức năng yêu cầu người dân nếu phát hiện tình trạng “chặt chém” giá khẩu trang, nước rửa tay, hãy thông báo ngay theo các đường dây nóng,... Tất cả chúng ta phải thốt lên: Vì sao lại ứng xử với nhau như thế ngay trong cơn dịch? Lòng tương thân, tương ái giữa người với người đang ở đâu?
Câu hỏi: Em hãy tìm những hành vi, việc làm trong thông tin trên biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh.
2. ĐAU LÒNG CÂU CHUYỆN ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
Những ngày gần đây, dư luận hết sức ngỡ ngàng trước thông tin công ty điện tử A sử dụng sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc dán nhãn “Made in Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng. Đây là “chiêu” không mới, nhưng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức kinh doanh.
Công ty A, một thương hiệu ti vi, đồ điện tử, điện lạnh gia dụng lớn, nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng, một thương hiệu được dán nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” bỗng nhiên “sụp đổ” hoàn toàn trong mắt người tiêu dùng khi bị phanh phui “đánh lận con đen”, dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt. nay, cơ quan chức năng chưa có những kết luận cụ thể về vấn đề này, nhưng với những bằng chứng mà báo chí thu thập được cộng với việc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đối với công ty A phần nào đã nói lên bản chất của sự việc.
Câu chuyện làm ăn gian dối này đang cho thấy một điều đáng báo động về đạo đức kinh doanh ở một bộ phận doanh nghiệp hiện nay và khiến lòng tin của người tiêu dùng bị tổn thương không nhỏ. Bởi chỉ mới đây thôi, doanh nghiệp của “đại gia” S bị cơ quan Công an đưa ra ánh sáng việc buôn bán xăng giá với quy mô lớn. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đình đám trong lĩnh vực xăng dầu, có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tiếc là “thành quả” đó lại được xây dựng dựa trên nền tảng của những hành động làm ăn lừa đảo.
Bài học của doanh nghiệp “đại gia” S sụp đổ, biến mất khỏi thị trường, “đại gia” S đối mặt với vòng lao lí, doanh nghiệp phá sản và không ai nói trước được cái tên công ty A sẽ còn có mặt trên thị trường bao lâu nữa. Đó là hậu quả tất yếu của kiểu làm ăn chụp giật, gian dối, lừa đảo của những doanh nghiệp này. Thế nhưng, nó lại gây ra sự tổn thương rất lớn đối với người tiêu dùng, nhất là những người trót đặt niềm tin vào các doanh nghiệp đó. Xa hơn nữa là tổn thương cả nền kinh tế khi mà các đối tác đến làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải e dè hơn. Và điều đó sẽ gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính trong việc tạo lập niềm tin ở người tiêu dùng, đối tác làm ăn.
Câu hỏi: Những hành vi, việc làm nào của doanh nghiệp A là biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh? Vì sao?
Lời giải:
♦ Trả lời câu hỏi ở thông tin 1:
Những hành vi, việc làm trong thông tin trên biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh là:
- “Chặt chém” giá khẩu trang y tế, dung dịch sát trùng.
- Các cửa hàng ngừng phục vụ các mặt hàng phòng dịch trong bối cảnh dịch do virus corona đang có nguy cơ bùng phát.
♦ Trả lời câu hỏi ở thông tin 2:
- Hành vi, việc làm của doanh nghiệp A là biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh là: sử dụng sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc dán nhãn “Made in Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng.
- Vì: đây là hành vi thiếu trung thực, lừa dối khách hàng.
Lời giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật 11 Bài 8: Đạo đức kinh doanh hay khác:
Bài 12 trang 45 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Đạo đức kinh doanh thể hiện ở nguyên tắc nào dưới đây?....