Trích dẫn và giải thích ý nghĩa của một số câu văn/ đoạn văn thể hiện quan niệm của nhân vật Hộ
Trích dẫn và giải thích ý nghĩa của một số câu văn/ đoạn văn thể hiện quan niệm của nhân vật Hộ về hoạt động sáng tác văn chương.
Trích dẫn và giải thích ý nghĩa của một số câu văn/ đoạn văn thể hiện quan niệm của nhân vật Hộ
Câu 7 trang 32 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Trích dẫn và giải thích ý nghĩa của một số câu văn/ đoạn văn thể hiện quan niệm của nhân vật Hộ về hoạt động sáng tác văn chương.
Trả lời:
Truyện ngắn này là một truyện ngắn có tính chất luận đề của Nam Cao, qua đó ông bộc lộ những quan niệm về nghệ thuật của mình một cách đầy đủ và sâu sắc.
Có thể trích dẫn và giải thích ngắn gọn một số câu văn/ đoạn văn sau:
“Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”: đây là đoạn văn cho thấy lí tưởng viết văn của Hộ. Anh muốn sáng tác một tác phẩm lớn, có ý nghĩa, có giải thưởng lớn, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Và muốn vậy anh phải lao tâm khổ tứ với nó.
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”: Hộ quan niệm viết văn phải cẩn thận, trau chuốt, kĩ lưỡng, không chấp nhận lối viết cẩu thả.
“Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”: văn chương đòi hỏi phải sáng tạo, có cá tính, có chiều sâu và độc đáo.
“Những khi được đọc một đoạn văn như đoạn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng. Sướng lắm! Sao thiên hạ lại có người tài đến thế? Mình tính: người ta tả cái cảnh một người nhớ quê hương chỉ mất có ba câu, đúng ba câu!... Mình có hiểu không? ... Ba câu giản dị một cách không ngờ – mà hay được đến như thế này...: văn chương là niềm vui, hạnh phúc, lẽ sống của Hộ. Anh đề cao sự tiếp nhận của độc giả.
“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”: đối với Hộ, một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm mang tính nhân văn, phải vượt biên giới một quốc gia lan toả ra thế giới, giúp con người hướng thiện và xích lại gần nhau.
Nhìn chung, những quan niệm nghệ thuật trên đây của Hộ (cũng chính là của Nam Cao) rất xác đáng, sâu sắc và thâm thuý. Có lẽ văn chương muôn đời nay đều mong mỏi đạt được cái đích như thế.
Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 2 Đọc trang 21, 22, 31, 32 hay khác: