Giải SBT Ngữ Văn 6 Bài 7: Viết trang 20 - Chân trời sáng tạo Sách bài tập Ngữ văn 6


Giải SBT Ngữ Văn 6 Bài 7: Viết trang 20 - Chân trời sáng tạo

Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 7: Viết trang 20 bộ sách Chân trời sáng tạo chi tiết được Giáo viên biên soạn bám sát chương trình Sách bài tập Ngữ Văn 6 giúp học sinh làm bài tập về nhà trong SBT Ngữ Văn 6 dễ dàng hơn.

Giải SBT Ngữ Văn 6 Bài 7: Viết trang 20 - Chân trời sáng tạo

Câu 1 trang 20 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Chân trời sáng tạo: Một đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ cần đạt những yêu cầu nào?

Trả lời:

Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức của đoạn văn.

- Trình bày cảm xúc về một bài thơ.

- Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.

- Các câu trong đoạn văn cần được liên kết với nhau chặt chẽ để tạo sự mạch lạc cho đoạn văn.

- Cấu trúc gồm có 3 phần:

+ Mở đoạn: giới thiệu nhan đề, tác giả và cảm xúc chung về bài thơ (câu chủ đề).

+ Thân đoạn: trình bày cảm xúc của người đọc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, làm rõ cảm xúc bằng những hình ảnh, từ ngữ được trích từ bài thơ.

+ Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với bản thân.

Câu 2 trang 20 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Chân trời sáng tạo: Câu lạc bộ văn học của trường em đang chuẩn bị tổ chức Hội thơ để mọi người thi sáng tác thơ, giới thiệu những bài thơ hay và chia sẻ những cảm xúc của mình về những bài thơ ý nghĩa,...

Em hãy viết một đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình về một bài thơ em yêu thích để gửi Hội thơ này. Chú ý các yêu cầu về đoạn văn mà em đã trình bày trong câu 1.

Trả lời:

Để viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ, em cần thực hiện các bước sau:

- Chuẩn bị: Em cần đọc kĩ đề bài và xác định đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì, độ dài đoạn văn cần viết là bao nhiêu, bài thơ em định viết là bài thơ nào.

- Tìm ý và lập dàn ý: Em cần đọc bài thơ đã chọn và cảm nhận những cảm xúc mà bài thơ mang lại, xác định chủ đề của bài thơ và những từ ngữ, hình ảnh độc đáo, những biện pháp tu từ đã làm nên giá trị cho bài thơ. Từ đó, em lí giải vì sao em có cảm xúc đặc biệt với bài thơ này. Sau khi đã liệt kê nhanh những cụm từ thể hiện các ý trên, em hãy sắp xếp các ý thành 3 phần:

+ Mở đoạn: giới thiệu cảm xúc khái quát về bài thơ.

+ Thân đoạn: trình bày chi tiết cảm xúc của bản thân về bài thơ.

+ Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của bài thơ với bản thân.

- Viết bài: Dựa vào dàn ý trên, em hãy viết thành đoạn văn hoàn chỉnh. Khi viết, em cần chú ý đảm bảo các yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ.

- Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm:

Sau khi viết thành đoạn văn hoàn chỉnh, em hãy sử dụng Bảng kiểm đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ dưới đây để tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc đoạn văn.

Các phần của đoạn văn

Nội dung kiểm tra

Đạt/ Chưa đạt

Mở đoạn

Mở đoạn bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng.


Dùng ngôi thứ nhất để ghi lại cảm xúc về bài thơ.


Nêu nhan đề, tên tác giả và cảm xúc khái quát về bài thơ.


Thân đoạn

Trình bày cảm xúc về bài thơ theo một trình tự hợp lí bằng một số câu.


Trích một số từ ngữ, hình ảnh gợi cảm xúc trong bài thơ.


Sử dụng một số từ ngữ để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các câu.


Kết đoạn

Khẳng định lại cảm xúc và ý nghĩa của bài thơ với bản thân.


Kết đoạn bằng dấu câu dùng để ngắt đoạn.


* Đoạn văn mẫu

Những cánh buồm là bài thơ hay của Hoàng Trung Thông nói về tình cảm cha con, đồng thời nói về ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ. Bài thơ mở ra một không gian rộng rãi, khoáng đạt, tươi tắn, trong trẻo. Trên cái nền không gian ấy, hai cha con xuất hiện với phép tương phản: tương phản về tuổi tác, tương phản về hình ảnh:

“Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch”.

Người cha nghe tiếng con bước mà lòng vui phơi phới. Con ngây thơ hỏi cha về biển. Đất nước ta dài và rộng. Sức cha thì có hạn đâu có thể đi hết được. Cho nên sau câu trả lời, người cha “trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời”. Theo câu trả lời của cha, ước mơ của con bay theo cùng những cánh buồm trắng. Ước mơ thật hồn nhiên mà táo bạo:

“Cha mượn cho con buồm trắng nhé,

Để con đi...”

Ba dấu chấm lửng đằng sau ba chữ “Để con đi...” muốn nói đến những nơi cha chưa đến thì người con sẽ đến. Ý thơ toát ra ở sự kế tiếp thế hệ sau và thế hệ trước. Những gì cha chưa làm được, người con sẽ làm tiếp tạo thành một dòng đời không đứt đoạn. Cánh buồm trắng ở đây đã trở thành biểu tượng của ước mơ, khát vọng được đi xa, được hiểu biết của tuổi trẻ. Ước mơ được đi xa, được hiểu biết của người con ngày hôm nay là ước mơ của người cha ngày hôm qua:

“Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm?”

Người cha như trẻ lại, tìm thấy lại mình từ tiếng nói ước mơ của đứa con. Thế hệ con đã tiếp nối ý chí thế hệ cha. Bài thơ Những cánh buồm, là bài thơ có tính tượng trưng, nó giúp chúng ta nuôi dưỡng những ước mơ và khát vọng để hướng tới tương lai, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Xem thêm các bài giải Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Chân trời sáng tạo hay khác: