Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài tập 8 trang 29, 30 - Kết nối tri thức


Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài tập 8 trang 29, 30

Bài tập 8. trang 29, 30 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Biển Đông có đa dạng loài sinh vật biển rất cao và nguồn lợi sinh vật biển phong phú với hơn 160.000 loài, bao gồm 10 000 loài thực vật và 260 loài chim biển. Trữ lượng các loài động vật biển ước tính khoảng 32,5 tỷ tấn, trong đó các loài cá chiếm 86% tổng trữ lượng. Trong vùng biển này còn có nhiều loài động vật quý hiếm, như đồi mồi, rắn biển, chim biển và thú biển. Ngoài ra, Biển Đông còn cung cấp nhiều loài rong biển có giá trị kinh tế. Riêng biển Việt Nam đã có khoảng 638 loài rong biển. Đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và là nguồn dược liệu phong phú đặc trưng cho một vùng biển nhiệt đới.

(Theo Nguyễn Chu Hồi (Chủ biên), An ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông,

NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2019, tr. 34 – 35)

Câu 1 trang 29 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Thông tin chính mà đoạn trích đưa đến cho độc giả là gì?

Trả lời:

Đoạn trích cho biết sự đa dạng loài cũng như trữ lượng dồi dào của sinh vật biển ở Biển Đông và lợi ích kinh tế của việc khai thác nguồn tài nguyên này.

Câu 2 trang 29 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Đặc trưng nào của văn bản thông tin đã được thể hiện đậm nét qua đoạn trích?

Trả lời:

Sử dụng nhiều số liệu cụ thể để làm tăng tính thuyết phục của vấn đề được nói tới, đó là một trong những đặc trưng nổi bật của văn bản thông tin. Trong đoạn trích này, đặc trưng đó đã được thể hiện rõ nét, khi tác giả đưa ra nhiều con số chứng minh Biển Đông là nơi có sự đa dạng sinh học cao và trữ lượng sinh vật biển rất lớn.

Câu 3 trang 29 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Cái nhìn toàn diện của người viết về sự “đa dạng loài” ở Biển Đông đã được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?

Trả lời:

Đoạn trích thực sự đã đưa đến cái nhìn toàn cảnh về sự “đa dạng loài” ở Biển Đông. Ngoài việc nêu tổng số loài, người viết còn kể chi tiết về số lượng các loài thực vật và liệt kê hàng loạt loài động vật quý hiếm khác ngoài cá (cá vốn là loài có trữ lượng lớn nhất).

Câu 4 trang 30 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Hãy so sánh cách nói về “biển bạc” trong đoạn trích trên và trong đoạn thơ sau đây của Huy cận để rút ra nhận xét về sự khác biệt giữa văn bản thông tin và văn bản văn học:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đước đen hồng.

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long

(Đoàn thuyền đánh cá)

Trả lời:

Đoạn trích đang phân tích và đoạn thơ của Huy Cận không thuộc cùng một loại văn bản. Đoạn trích (Biển Đông có... nhiệt đới) thuộc loại văn bản thông tin, rất quan tâm tới tính xác thực của điều được nói tới, vì vậy, đã chú ý đưa ra hàng loạt số liệu cụ thể. Còn đoạn thơ của Huy Cận thuộc loại văn bản văn học, tuy có sử dụng hình thức liệt kê nhưng không nhằm đưa ra một danh sách đầy đủ về đối tượng mà chỉ cốt gợi mở và khơi dậy những rung động thẩm mỹ ở độc giả.

Câu 5 trang 30 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Em suy nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa vấn đề “nguồn lợi” và vấn đề “đa dạng loài sinh vật biển”?

Trả lời:

Đoạn trích gợi lên cùng lúc hai vấn đề: sự đa dạng loài sinh vật biển và nguồn lợi sinh vật biển. Giữa hai vấn đề này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nguồn lợi càng lớn nếu sự đa dạng càng lớn. Ngược lại, nguồn lợi sẽ giảm đi nếu sự đa dạng vốn có bị đe dọa.

Câu 6 trang 30 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Những thông tin về sự phong phú của sinh vật biển ở Biển Đông có ý nghĩa như thế nào đối với nhận thức và hành động của chúng ta hôm nay?

Trả lời:

Những thông tin nói về sự phong phú của sinh vật biển ở Biển Đông giúp ta nhận thức được đầy đủ hơn về tầm quan trọng của Biển Đông đối với tương lai phát triển của đất nước. Đồng thời, chúng khơi dậy ở ta ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyết không để bất cứ thế lực ngoại bang nào xâm phạm, chiếm đoạt phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Câu 7 trang 30 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Nếu bỏ đi các từ ngữ như còn có (ở câu 3), ngoài ra (ở câu 4), riêng (ở câu 5), đây là (ở câu 6), sự liên kết trong đoạn trích sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Trả lời:

Các từ ngữ như còn có (ở câu 3), ngoài ra (ở câu 4), riêng (ở câu 5), đây là (ở câu 6) đảm nhiệm việc liên kết các câu văn trong đoạn trích. Nếu thiếu những từ ngữ liên kết này, đoạn trích sẽ rời rạc, thiếu thống nhất.

Câu 8 trang 30 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 2 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Nêu những điểm giống nhau và khác nhau giữa đoạn trích này với đoạn trích ở bài tập 4 về phương diện bố cục.

Trả lời:

Đoạn trích ở bài tập 4 và đoạn trích ở bài tập 8 có những điểm giống và khác nhau về bố cục. Giống: cả hai đều có câu chủ đề và ý của câu đó được triển khai cụ thể trong những câu tiếp sau. Khác: cuối đoạn trích ở bài tập 4 có câu khái quát về những điều được nêu ở phần trên, còn cuối đoạn trích ở bài tập 8 thì không xuất hiện câu mang tính chất này.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay khác: