Em cùng gia đình nên sử dụng những loại vật dụng gì
Giải Sinh 10 Bài 1: Giới thiệu khái quát môn sinh học
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Câu 3 trang 11 Sinh học 10 trong Bài 1: Giới thiệu khái quát môn sinh học. Hy vọng rằng với lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh biết cách làm bài tập Sinh học 10.
Câu 3 trang 11 Sinh học 10: Em cùng gia đình nên sử dụng những loại vật dụng gì để có thể góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường? Tại sao chúng ta cần phân loại rác thải và hạn chế sử dụng sản phẩm làm phát sinh rác thải nhựa?
Lời giải:
- Những loại vật dụng nên sử dụng để có thể góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường:
+ Sử dụng các vật dụng có nguồn gốc sinh học, an toàn và dễ phân hủy: màng bọc thực phẩm, túi đựng rác, nước giặt, nước rửa bát,…
+ Sử dụng các đồ dùng bằng nhựa dùng được nhiều lần hoặc các đồ dùng thay thế thân thiện hơn với môi trường để thay thế cho các đồ dùng bằng nhựa chỉ sử dụng được một lần.
+ Sử dụng phân vi sinh, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học để trồng cây.
+ Sử dụng các phương tiện đi lại ít gây ô nhiễm môi trường như xe đạp, xe điện,…
- Cần phân loại rác thải vì: Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lí chất thải; góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm; góp phần tiết kiệm tài nguyên (tái chế rác thải); giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lí rác thải.
- Cần hạn chế sử dụng sản phẩm làm phát sinh rác thải nhựa vì: Rác thải nhựa gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, cụ thể:
- Rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. VD: chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm,…
- Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.
- Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc dioxin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…
- Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxygen đi qua đất gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.
- Rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người,…