Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng - Cánh diều


Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng Ngữ Văn 7 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn nhưng đủ ý sẽ giúp các bạn dễ dàng soạn bài môn Ngữ văn 7.

Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng

1. Chuẩn bị

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính: 

- Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” kể về việc tía nuôi dắt An đi thăm chú Võ Tòng. Trong cuộc gặp đó Võ Tòng kể cho hai cha con An về việc giết hổ, giết tên địa chủ và hành động Võ Tòng làm mũi tên tẩm độc trao cho ông Hai.

Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng | Hay nhất Soạn văn 7 Cánh diều

* Trả lời câu hỏi giữa bài: 

Câu 1 (trang 15 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1): Tiếng kêu và hình ảnh của con vượn bạc má trong phần 1 tạo nên cảm giác về một bối cảnh như thế nào? 

Trả lời:

- Tiếng kêu “ché…ét, ché…ét” và hình ảnh của con vượn bạc má “ngồi vắt vẻo, nhe răng” tạo một cảm giác sợ hãi, rợn rợn khó tả và gợi một bối cảnh hoang vu, ảm đạm giữa rừng sông nước.

Câu 2 (trang 16 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Những chi tiết về nhà cửa, cách ăn mặc và tiếp khách, … gợi lên ấn tượng gì về chú Võ Tòng? 

Trả lời:

- Những chi tiết về nhà cửa (lều, cái bếp cà ràng, nồi đất, ngồi bằng gộc cây…), cách ăn mặc (cởi trần, mặc quần kaki mới thắt xanh-tuya-rông, bên hông lủng lẳng lưỡi lê) và tiếp khách (chai rượu vơi và đĩa khô, xưng hô chú em) gợi ấn tượng về chú Võ Tòng: có đôi chút cảm tình xen lẫn với ngạc nhiên hơi buồn cười. 

Câu 3 (trang 17 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Chỉ ra dấu hiệu về sự chuyển đổi ngôi kể. 

Trả lời:

- Đoạn văn có sự chuyển đổi ngôi kể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba: ở đoạn đầu nhân vật xưng tôi “chắc tôi ngủ một giấc…tôi bước qua mấy bậc gỗ…” sang đoạn thứ ba chuyển đổi sang : “không ai biết tên thật của gã là gì”.

Câu 4 (trang 17 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Chuyện Võ Tòng giết hổ hé mở điều gì về tính cách, cuộc đời nhân vật?  

Trả lời:

- Chuyện Võ Tòng giết hổ gợi cho người đọc một nhân vật có sức mạnh phi thường, tính cách khẳng khái, trượng nghĩa hào hiệp. Tuy nhiên hành động đó cũng hé mở cho người đọc một cuộc đời nhiều sóng gió của nhân vật.

Câu 5 (trang 17 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)So sánh hành vi chống trả tên địa chủ ngang ngược với việc đánh hổ của Võ Tòng. 

Trả lời:

- Hành vi chống trả tên địa chủ với việc đánh hổ của Võ Tòng có nhiều điểm giống nhau:

+ Giống nhau về nguyên nhân: cái ác đều tự tìm đến với nhân vật: “gã đang ngủ trong lều, có con hổ chúa mò vào”; “tên này bắt gã bỏ mụt măng xuống và vu cho gã lấy trộm măng tre của hắn”.

+ Giống nhau về hành động tiêu diệt cái ác là nhân vật thẳng tay trừng trị cái ác: “gã vớ luôn cái mác…đâm thẳng một nhát vào hàm dưới con hổ chúa”; “nhát dao chém trả vào mặt…nằm gục xuống vũng máu”.

+ Giống nhau về kết quả là cái ác bị tiêu diệt “con hổ lộn vòng rơi xuống đất”, tên địa chủ “nằm gục xuống vũng máu”. Và nhân vật Võ Tòng cũng nhận lại kết quả đau đớn theo suốt quãng đường đời còn lại là “hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ”, bị tù mười năm và đứa con trai độc nhất đã chết khi gã còn trong tù.

- Điểm khác nhau trong hành vi chống trả tên địa chủ và giết hổ của Võ Tòng là: khi giết hổ là giết loài vật và là hành động tự vệ bản năng. Khi giết hổ thì thể hiện được sức mạnh và vang danh “Võ Tòng”. Còn khi giết tên địa chủ là giết người và là hành động bảo vệ danh dự “đánh lên đầu là nơi thờ phụng ông bà”. Sau khi hành sự xong thì gã không chốn chạy mà đi đến nhà việc để chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Câu 6 (trang 18 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Chú ý cách uống rượu và lời nói của chú Võ Tòng với tía nuôi “tôi” .

Trả lời:

- Cách uống rượu của Võ Tòng: rót rượu ra bát, uống một ngụm, trao bát sang cho tía nuôi tôi. Cách uống rượu từ tốn có chút thận trọng nhưng cũng hết sức gần gũi.

- Lời nói của Võ Tòng với tía nuôi “tôi”: sự so sánh giữa con dao găm, cánh nỏ với cái súng của bọn giặc. Võ Tòng cho rằng súng dở lắm, kêu ầm ĩ và cầm súng là nhát gan vì ở xa cũng bắn được mà. Còn cầm dao và nỏ thì tách một tiếng không ai hay biết. Qua đây người đọc thấy được khí phách kiên cường, bản lĩnh gan dạ dũng cảm của nhân vật Võ Tòng.

Câu 7 (trang 19 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Chú ý thái độ của chú Võ Tòng khi tẩm thuốc độc vào tên. 

Trả lời:

- Khi tẩm thuốc độc vào tên Võ Tòng có thái độ bình tĩnh có phần nghiêm nghị, điều đó được thể hiện qua hành động rút từng mũi tên nhúng vào thuốc, nheo mắt ngắm, nắn nắn chon gay, làm say sưa không dám thở mạnh.

Câu 8 (trang 19 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Chú ý tiếng “cười lớn” của chú Võ Tòng ở đây và phần cuối văn bản. 

Trả lời:

- Tiếng “cười lớn” của Võ Tòng: Chú Võ Tòng chăm chú nhìn tôi một lúc rồi cười lớn: “- Chú em nói ngẫm cũng đúng. Nhưng mà…những người nghèo, những người không ăn bậy, ít khi đau mồm và đau dạ dày lắm!”

- Tiếng cười lớn ở cuối bài: “Chú nuôi đầy rừng, muốn con cỡ nào chú bắt cho đúng con cỡ ấy!”, Chú Võ Tòng vẫy vẫy tay, cười lớn một thôi dài.

Câu 9 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai và lời đáp của chú Võ tòng thể hiện điều gì? 

Trả lời:

- Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai: “Xin đa tạ chú! Đa tạ chú!”, đây không phải là lời cảm ơn của riêng bản thân ông Hai, mà ông trang trọng nói cảm ơn Võ Tòng thay người dân Nam Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung vì đã làm mũi tên để giết giặc. Lời đáp của Võ Tòng “Có gì đâu anh Hai. Vì nghĩa chung mà!” thể hiện chí hướng chung của hai nhân vật là chống giặc cứu nước!

* Trả lời câu hỏi cuối bài: 

Câu 1 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng kể về việc gì? Đoạn trích có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhan đề văn bản gợi cho em những suy nghĩ gì?

Trả lời:

- Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng kể về việc hai cha con ông Hai và An ghé thăm nơi ở của Võ Tòng.

- Đoạn trích có 3 những nhân vật: bé An- nhân vật tôi, ông Hai và Võ Tòng.

- Nhân vật chính: Võ Tòng.

- Nhan đề văn bản gợi cho em suy nghĩ về người đàn ông sống giữa rừng hoang vu hẻo lánh, sống cuộc sống cô độc, lạnh lẽo và hình hài có phần dị dạng.

Câu 2 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em.

Trả lời:

- Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện: nơi ở, cách ăn mặc, lời nói (cách tiếp đãi khách), hành động (giết hổ, giết địa chủ, làm mũi tên).

- Miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em: Qua việc đọc văn bản, Võ Tòng hiện lên là người có thân hình vạm vỡ, tóc dài, khuôn vặt chữ điền, có vết sẹo dài từ thái dương xuống cổ; chú có ngước da ngăm đen khỏe mạnh; giọng nói của chú trầm và rõ ràng. Đồng thời em cũng thấy được Võ Tòng là một con người nghĩa hiệp, bản lĩnh và yêu nước.

Câu 3 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1): Nêu tác dụng của việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc hoạ nhân vật Võ Tòng.

Trả lời:

- Việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba có tác dụng giúp cho việc kể được linh hoạt hơn và nhân vật Võ Tòng hiện lên rõ nét hơn, khách quan hơn.

Câu 4 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Hãy nêu ra một số yếu tố (ngôn ngữ, phong cảnh, tính cách con người, nếp sinh hoạt,...) trong văn bản để thấy truyện của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ.

Trả lời:

Một số yếu tố mang đậm màu sắc Nam Bộ trong văn bản:

- Ngôn ngữ: sử dụng nhiều từ ngữ vùng Nam Bộ như: xuồng, gộc cây, cà ràng, tẩu, xanh- tuya-rông, nhai bậy….

- Phong cảnh: cảnh sông nước thông qua hình ảnh chiếc xuồng ở đầu và cuối văn bản, cảnh nhà lều với những bếp củi cà ràng giữa nhà…

- Tính cách con người: chân thật, khẳng khái nhưng hết sức tình cảm và hồn hậu. Điều đó được thể hiện rõ nét qua nhân vật Võ Tòng.

- Nếp sinh hoạt: ở trong nhà có bậc thang gỗ, đốt củi, dùng nồi đất, ăn đồ khô (thịt phơi)…

Câu 5 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Qua văn bản, em hiểu thêm được gì về con người và thiên nhiên của vùng đất phương Nam? Hãy nêu một chi tiết mà em thích nhất và lí giải vì sao.

Trả lời:

- Qua văn bản, em hiểu thêm về con người và thiên nhiên của vùng đất phương Nam là: 

Thiên nhiên được Đoàn Giỏi vẽ lên bằng những màu sắc sinh động, tràn trề sức sống, mở đầu là tiếng kêu “ché…ét, ché…ét” và hình ảnh của con vượn bạc má “ngồi vắt vẻo, nhe răng”, tiếp đó là “tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau trở dậy đón bình minh trên những ngọn cây”…

 + Con người Nam bộ chân phác với những nét sắc sảo lạ lùng: ông Hai và Võ Tòng đều không có đất, quanh năm ở đợ, làm thuê cho địa chủ, bị chúng cướp công, cướp người yêu, cướp vợ, họ đã đánh trả và bị tù, chỗ khác nhau là ông Hai bắt rắn đã trốn tù, đón vợ rồi bỏ vào rừng U Minh. Một con thuyền nhỏ, hai vợ chồng, thằng con trai và con chó Luốc đi lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề: câu rắn, lấy mật, săn cá sấu…còn Võ Tòng một thân một mình trốn vào sâu trong rừng U Minh….

- Chi tiết em thích nhất là chi tiết Võ Tòng giết hổ bởi vì: đó là một hình ảnh đẹp; hình ảnh đó cho thấy sức mạnh phi thường của con người, con người đủ khả năng chống trọi lại mọi khó khan khắc nghiệt của tự nhiên để bảo vệ bản thân. Đồng thời hình ảnh đó cũng cho em thấy được tinh thần tự vệ cao của con người Việt Nam.

Câu 6 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)Viết một đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng) nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng”. 

Trả lời:

          Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” là một trong những đoạn văn tiêu biểu trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Văn bản sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, thông qua đó người đọc hình dung được phong cảnh thiên nhiên cũng như thói quen sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Đoàn Giỏi đã khắc họa thành công nhân vật của mình thông qua việc miêu tả kết hợp kể về hình dáng, lời nói, hành động của nhân vật. Chính những điều đó mà nhân vật của ông mang đậm chất Nam Bộ. Bên cạnh đó, bằng việc thay đổi linh hoạt ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba, nhân vật hiện lên dưới ngòi bút của tác giả rõ nét, trung thực và khách quan hơn.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 Cánh diều hay, ngắn gọn khác: