Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ ngắn nhất


Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ

Với các mẫu Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ hay, ngắn gọn nhất sẽ giúp học sinh nắm được nội dung chính của các tác phẩm qua đó dễ dàng soạn văn lớp 8 hơn.

Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ - Ngữ văn lớp 8

A/ Nội dung bài Tức nước vỡ bờ

Trong tự nhiên có quy luật đã được khái quát thành câu tục ngữ, cũng có quy luật "Có áp bức có dấu tranh" Quy luật này được thể hiện khá rõ trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" của Ngô Tất Tố. Chúng ta cùng tìm hiểu quy luật đó thể hiện như thế nào trong văn bản.

B/ 5 mẫu Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ 

Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ - mẫu 1

Gia đình anh Dậu nghèo khổ không có tiền nộp sưu. Anh Dậu vì thiếu sưu mà bị lôi ra đình đánh đập và khi được trả về chỉ còn là một thân xác rũ rượi. Được bà hàng xóm cho bát gạo, chị Dậu nấu cháo cho anh Dậu ăn. Nhưng anh chưa kịp ăn thì tên cai lệ và người nhà lí trưởng đến đòi sưu. Chị Dậu van xin chúng tha cho anh Dậu nhưng chúng không nghe mà còn đánh chị và sấn đến định trói anh Dậu mang đi. Quá phẫn nộ, chị đã liều cự lại và chống trả quyết liệt, quật ngã hai tên tay sai.

Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ - mẫu 2

Gia đình chị Dậu là một gia đình nghèo khó sống ở thôn Đoài. Đến ngày sưu thuế thì chị phải chạy vạy khắp nơi để đóng thuế sưu cho anh Dậu. Vì đóng sưu chậm nên anh Dậu bị điệu ra đình và bị bọn cai lệ đánh như chết đi sống lại. Ngày sau chúng trả anh về cho chị Dậu, thấy chồng bị đánh đập chị Dậu lo kiếm bát cháo cho anh ăn đỡ đói, anh Dậu chưa kịp ăn thì bọn cai lệ và người nhà lí trưởng lại xông vào nhà. Bọn chúng mặt hầm hè đằng đằng sát khí vào nhà chị đòi thêm tiền sưu của chú Hợi đã chết từ lâu. Túng quá chị Dậu không đủ tiền đóng đành năn nỉ chúng thế mà bọn chúng vẫn không cho khất còn xông tới đòi đánh anh Dậu. Thương chồng và chịu không nổi cái tính của bọn cai lệ chị Dậu liều mạng đánh chúng một trận tả tơi.

Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ - mẫu 3

Chồng chị Dậu ốm, chị Dậu được người hàng xóm cho vay bát gạo để nấu cháo cho chồng ăn. Chị Dậu đang bưng bát cháo lên thì bị bọn cai lệ và người nhà lí trưởng xông vào đòi bắt trói chồng chị. Chị Dậu sợ hãi, van xin chúng bằng giọng điệu khẩn thiết, xưng hô ông - con. Chúng không hề nhún nhường, vẫn tiếp tục hung hăng đòi bắt trói, chị Dậu đã chuyển sang xưng hô: ông - tôi nhằm cãi lí với tên cai lệ rằng chồng chị đang ốm nên chúng không được bắt. Đám quan sai hách dịch và vô lại ấy không màng đến lời trần tình của chị, lôi chồng chị đi. Chị Dậu bị bọn chúng đánh nên đã vùng lên mạnh mẽ, lớn tiếng quát tháo với xưng hô: mày - bà "Mày trói chồng bà, bà cho mày xem". Chị tức giận, dùng hết sức lực quật ngã đám tay sai hung ác.

Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ - mẫu 4

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” xoay quanh mối mâu thuẫn, xung đột giữa bọn người nhà lí trưởng và gia đình chị Dậu. Gia đình chị Dậu thuộc hạng “nhất nhì trong hạng cùng đinh” nên mấy hôm nay chị phải chạy vạy khắp nơi để có tiền nộp suất sưu cho anh Dậu. Chị đã cố gắng bán đi tất cả, bán khoai, bán chó, thậm chí bán cả con mà vẫn không lo đủ tiền sưu thuế cho anh Dậu và người em chồng đã mất. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai xông đến đánh, trói, cùm kẹp đến thập tử nhất sinh, tưởng như không thể giữ nổi mạng sống. Anh vừa trở về nhà thì bọn cai lệ lại ập đến nhà một lần nữa. Sau nhiều lần vai xin, luồn cúi nhưng cai lệ nhất quyết không chịu tha cho anh Dậu mà còn “bịch” vào ngực chị mấy “bịch”. Biết không thể nhẫn nhịn thêm nữa, chị Dậu vùng lên phản kháng, chống trả bọn cai lệ hung hăng, bạo tàn.

Tóm tắt bài Tức nước vỡ bờ - mẫu 5

Chị Dậu nấu xong nồi cháo thì anh Dậu cũng vừa tỉnh lại. Cháo đã hơi nguội. Anh Dậu run rẩy vừa định húp bát cháo thì cai lệ ập đến với roi song, tay thước, dây thừng. Chúng thúc ép nhà anh Dậu nộp sưu. Chị Dậu van nài xin khất. Cai lệ quát mắng dọa dỡ nhà, đánh chị Dậu rồi xông đến trói anh Dậu. Không thể chịu được, chị Dậu vùng lên đánh lại tên cai lệ và người nhà lí trưởng.

C/ Hoàn cảnh sáng tác và Giá trị

- Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1939, trích chương XVIII tác phẩm Tắt đèn.

- Giá trị nội dung:

+ Giá trị hiện thực: Phản ánh số phận khốn khổ của người nông dân trước cách mạng tháng Tám dưới sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân nửa phong kiến.

+ Giá trị nhân đạo: Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Yêu chồng thương con và có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ; Là tiếng nói thương cảm của tác giả với số phận khốn cùng của người nông dân; Tiếng nói tố cáo giai cấp bóc lột đã đẩy người nông dân vào hoàn cảnh khốn cùng.

- Giá trị nghệ thuật: 

+ Thành công trong việc tạo tình huống truyện đảo ngược tình thế.

+ Miêu tả, kể chuyện và xây dựng nhân vật điển hình.

Xem thêm các bài tóm tắt ngữ văn lớp 8 chọn lọc, hay khác: