Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ năm 2023


Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ năm 2023

Bài văn Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.

Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ năm 2023 - Văn mẫu lớp 7

Đề bài: Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ.

A/ Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Giới thiệu lối sống giản dị, thanh bạch của Bác

II.Thân bài

1. Giản dị, thanh bạch trong cách ăn

- Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, dân dã…

- Lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm nào

- Ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất…

2. Giản dị, thanh bạch trong cách ở

- Những ngày ở chiến khu Việt Bắc: Bác sống trong hang Pác Bó, làm việc trên chiếc bàn đá đơn sơ…

- Từ chối không ở phủ Chủ tịch

- Sống trong căn nhà gỗ đơn sơ vẹn chỉ có vài ba phòng, chăm sóc vườn cây, ao cá.

- Chỗ ở lúc nào cũng ngăn nắp, chan hoà với thiên nhiên

3. Giản dị, thanh bạch trong cách mặc

- Bác tặng lại quần áo mới cho những chiến sĩ, đồng bào thiếu thốn, nghèo khó.

- Bác mặc bộ quần áo kaki đã sờn vai, bộ đồ bà ba màu nâu giản dị…

- Bác đi đôi dép lốp đã mòn

4. Giản dị, thanh bạch trong lời nói, bài viết

- Khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Người đã dừng lại và hỏi nhân dân một câu rất thân tình “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”?

- Dùng những từ ngữ bình dân, đơn giản, dễ hiểu.

- Khi cầm bút, Bác luôn xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Bác luôn đặt ra các câu hỏi: viết cho ai? viết để làm gì? viết cái gì? viết như thế nào?

5. Giản dị, thanh bạch trong lối sống, cách suy nghĩ

- Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn... đến việc rất nhỏ... việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp

- Bác làm mọi việc vì đồng bào, dân tộc.

6. Giản dị, thanh bạch trong cách cư xử với nhân dân

- Bác luôn chỉ dạy mọi người cách hành xử để trở thành một công dân tốt, một người Cách mạng có phẩm chất tốt từ những câu chuyện gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

- Bác “viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn...”.

- Bác đã đặt cho các đồng chí của mình “những cái tên mà gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!”

- Những lần thăm làng quê, Bác còn xắn quần, lội xuống ruộng cùng làm việc với những nông dân

- Bác thường viết thư cho trẻ em để chúc mừng Trung thu, Tết cổ truyền và động viên các em học hành thật ngoan, thật tốt

III. Kết bài

- Khẳng định: giản dị, thanh bạch là lối sống cao đẹp của Bác

- Bài học rút ra cho bản thân

B/ Sơ đồ tư duy

Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ năm 2023

C/ Bài văn mẫu

Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ - mẫu 1

Trong số những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có một di sản đặc biệt quý giá, đó là đạo đức Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức của Người được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày - đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và thanh bạch.

Suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Thật vậy, trước kia, dù là anh Văn Ba đang làm phụ bếp trên tàu Đô đốc La Tusơ Tơrêvin, là Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng đầy khó khăn ở thủ đô Paris của nước Pháp, hay sau này là một vị Chủ tịch nước sống kham khổ nơi chiến khu trong những năm kháng chiến, hay là một vị nguyên thủ quốc gia sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh yêu lao động, hết sức giản dị và tiết kiệm.

Đức tính giản dị, thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết trong lối ăn, mặc, ở của Người. Hẳn đã là người Việt Nam, không ai là không biết hay nghe kể về cuộc sống giản dị của Bác. Mấy chục năm xa cách quê hương, trở về, Người vẫn yêu thích những món ăn mang đậm chất Việt Nam như: cá kho, dưa chua, cà muối…

Kể cả khi hòa bình, về Hà Nội, Người ăn uống vẫn rất thanh đạm. Sau khi xong bữa, Người luôn tự tay thu dọn bát đũa gọn gàng để người phục vụ chỉ việc mang đi. Quần áo Người mặc thường ngày cũng chỉ là bộ bà ba màu nâu với đôi dép cao su, khi tiếp khách hay đến những sự kiện quan trọng cũng chỉ bộ kaki màu vàng với đôi giày vải.

Lúc ở chiến khu, Người sống chung với cán bộ, nhân viên, cùng ăn ở, sinh hoạt như mọi người. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác cùng Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng và nhà nước trân trọng mời Bác về ở tại tòa nhà của Toàn quyền Đông Dương trước kia, nhưng Bác đã từ chối. Bác đã chọn cho mình ngôi nhà nhỏ của một người thợ điện phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương để ở và làm việc.

Đến năm 1958, theo ý tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước đã làm cho Người ngôi nhà sàn bằng gỗ giống như những ngôi nhà sàn của đồng bào trên Chiến khu Việt Bắc. Ngôi nhà sàn cũng đơn sơ, giản dị, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Nhà gác đơn sơ một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn/ Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn” (Theo chân Bác).

15 năm cuối cuộc đời, sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, trong đó 11 năm trực tiếp ở nhà sàn là một khoảng thời gian khá dài trong sự nghiệp cách mạng của Bác và là giai đoạn có ý nghĩa vô cùng lớn lao, quyết định đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Chính vì vậy, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành một địa danh lớn phản chiếu về cuộc đời thanh bạch và giản dị của Người.

Không chỉ thể hiện trong lối sống, đức tính khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện thông qua cách nói, cách viết, cách làm việc của người. Là người có trí tuệ uyên thâm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà chính trị tài ba, nhà ngoại giao sắc sảo, nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc nhưng khi bàn luận, giải thích hay đề cập đến vấn đề chính trị, người luôn trình bày đơn giản, không triết lý, dài dòng, không vòng vo, khuôn sáo, sách vở, biến những điều phức tạp thành dễ nghe, dễ hiểu.

Dù là lãnh tụ tối cao nhưng khi tiếp xúc với nhân dân, cử chỉ, lời nói của Người vẫn hết sức mộc mạc, dân dã. Ngay cả khi đứng trên lễ đài đọc Bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, người cũng dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hiếm có vị lãnh tụ nào lại có nếp nghĩ, cách nói giản dị như thế!

Không chỉ nói, Bác hành động cụ thể. Bác đến với các chiến sĩ trên mặt trận, cùng chiến sĩ hành quân; Bác đi thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; Bác trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; Bác đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; Bác viết thư thăm hỏi người già, trẻ em… Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu.

Có thể thấy, giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Bác. Điều đó đã được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của người, và có sức thuyết phục to lớn mà không một bài giảng về đạo đức nào có tác dụng giáo dục sâu sắc bằng.

500 bài mẫu hay nhất

Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ - mẫu 2

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, là người cha già muôn vàn kính yêu của cả dân tộc Việt Nam. Bác đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân. Bác là tấm gương sáng mà con người Việt Nam đời đời noi theo - một con người sống trọn đời giản dị và thanh bạch.

Suốt cuộc đời mình, Bác luôn giữ cho mình lối sống giản dị, thanh bạch. Bác sinh ra trong một gia đình nho giáo, tại quê hương Nghệ An hiếu học, yêu nước. Ngay từ khi còn trẻ, Bác đã nuôi chí lớn, khát khao giải phóng dân tộc. Đó là điều nổi bật trong nếp sống thanh bạch của Bác. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ấy mang theo hai bàn tay trắng, quyết tâm rời quê hương đi tìm đường cứu nước. Bác bôn ba khắp bốn biển để tìm một con đường đưa nước ta thoát khỏi lầm than.

Tìm được con đường cứu nước rồi suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ, Bác vẫn sống giản dị, thanh cao. Cháo bẹ, rau măng...đạm bạc, Bác vẫn lạc quan trải qua một thời gian dài.

Sau này, điều kiện kháng chiến chuyển tốt hơn, Bác cũng không 1 lần yêu cầu cao hơn, cứ giản dị như thế. Lối sống giản dị của Bác thể hiện trong tất cả mọi việc, từ bữa cơm đến cách ăn mặc. Bác ăn cà pháo, tép đồng kho, rau muống luộc, khi ăn không để rơi vãi một hạt cơm. Bác tiết kiệm tiết kiệm sức dân, quý trọng công lao của nhân dân lao động. Về trang phục, đại lễ Bác mới lấy ra bộ ka ki, ngày thường chỉ mặc bộ bà ba, đi guốc gỗ hay dép cao su. Nhà Bác ở không tiện nghi mà đơn sơ lắm. Cả căn nhà chỉ vẻn vẹn ba phòng sơ sài, gần gũi với thiên nhiên. Trên bàn làm việc không bày biện nhiều đồ, chỉ để thuận lợi đọc, viết. Bác luôn quý trọng, giữ gìn, vui vẻ sống và làm việc với hoàn cảnh đó.

Bác sống giản dị, thanh bạch, hòa hợp với thiên nhiên, cả đời chỉ lo nghĩ làm sao cho dân được ấm no, hạnh phúc. Bác gần gũi, thương yêu nhân dân như yêu thương những người thân ruột thịt. Bác tặng kẹo cho trẻ thơ, tặng lụa cho cụ già “sữa để em thơ, lụa tặng già... Sống hi sinh cho nước, cho dân, thời gian rảnh cũng chỉ để hồn mình hòa hợp với thiên nhiên, cây cỏ. Việc gì có thể tự làm sẽ không sai khiến hay nhờ vả cấp dưới, thanh bạch đoan chính vô cùng.

Từ ngày đất nước còn chìm trong chiến tranh đến ngày trở thành chủ tịch nước, Bác vẫn giản dị. Những ngày trước, khi vội vã lên đường ra trận, không có thời gian nghỉ ngơi, giặt giũ quần áo, Bác chẳng ngại cùng anh em bộ đội vắt quần áo vào gậy, vác trên vai, vừa đi vừa hong khô, gần gũi, giản dị. Bác đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, làm việc và chịu không ít khó khăn trên đất khách. Thế nhưng, sự giản dị của Bác vẫn ngày càng tốt đẹp.

Lối sống giản dị của Bác thể hiện trong cả lời ăn, tiếng nói, qua tâm hồn và tình yêu thương. Bác luôn suy nghĩ cho người khác, lo cho chiến sĩ, cho dân công, lo cho cả chuyện hạnh phúc của một nữ đồng chí. Năm 1945, Bác tiên phong nhịn ăn để góp “hũ gạo cứu đói” cứu sống bao người. Bác dành tình thương và sự quan tâm đặc biệt cho thiếu niên, cho thế hệ trẻ Việt Nam. Bác khuyên mọi người phải biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bác công bằng trong mọi việc, ngoài việc phê bình, Bác nhắc nhở chúng ta còn phải tự phê bình để bản thân ngày càng tốt đẹp.

Những câu chuyện về lối sống giản dị, thanh bạch của Bác không được ghi lại cụ thể trên bất kỳ trang sách nào nhưng luôn rõ ràng trong tiềm thức nhân dân ta. Bác không câu nệ về đề tài, những gì có trong cuộc đời Bác đều đưa vào thơ. Bác viết văn, làm thơ một cách giản dị, làm chủ nghệ thuật như đã làm chủ thời gian, sinh hoạt, tiện nghi, tình thế, lịch sử... Cuộc đời Bác là tấm gương sáng mà thế hệ người Việt đời đời kính trọng và noi theo.

Bác đã đi xa mãi mãi, nhưng hình tượng vị lãnh tụ sống giản dị, thanh bạch vẫn luôn sống mãi trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Mỗi công dân, nhất là thế hệ trẻ cần học tập và làm theo tấm gương của Bác. Cả dân tộc Việt Nam mãi mãi khắc ghi và tự hào về Bác.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ - mẫu 3

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, dù ở bất kỳ cương vị nào, từ một người phụ bếp trên con tàu “Amiran Latouche Tréville” lúc ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn giữ một nếp sống vô cùng giản dị. Đó cũng chính là điểm nổi bật trong phong cách, đạo đức của Người.

Theo lời kể của những người từng được sống gần Bác hoặc qua những tư liệu còn lưu trữ được, chúng ta thấy việc ăn, mặc, ở cũng như sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày Bác đều hết sức tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, Bác quy định không quá 3 món và thường là các món dân tộc như: tương cà, dưa, cá kho... Bác bảo ăn món gì phải hết món ấy, không được để lãng phí. Có quả chuối hơi “nẫu”, nhiều người ngại không ăn, Bác bảo lấy dao gọt phần nẫu đi để ăn. Khi đi công tác các địa phương, Bác thường bảo các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm, thức ăn từ nhà mang đi. Chỉ khi nào công tác ở đâu lâu, Bác mới chịu ăn cơm, nhưng trước khi ăn, bao giờ Bác cũng dặn “chủ nhà” là: Đoàn đi có từng này người, nếu được, chỉ ăn từng này, từng này…

Có thể dẫn ra nhiều câu chuyện về cách ăn uống chắt chiu, tiết kiệm của Bác. Thậm chí liên hoan chào mừng Ngày thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh và đĩa cá. Khi tiếp đãi khách, Bác thường nói: “Chủ yếu là thật lòng với nhau”. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc đã giúp Bác mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng mang về, Bác cũng chỉ “khao” một món canh và hai đĩa thức ăn, có thêm chén rượu gạo, tổng cộng chưa hết một đồng bạc, thế mà vẫn đậm đà tình cảm giữa chủ và khách. Bác nói: Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên. Hơn nữa, Bác luôn nghĩ đến người khác, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình. Bác sẻ cho người này, sẻ cho người kia rồi sau cùng mới đến phần mình và phần Bác thường là ít nhất.

Trong trang phục hàng ngày, Bác chỉ có bộ quần áo dạ màu đen mặc khi đi ra nước ngoài; chiếc mũ cát Bác đội khi đi ra ngoài trời; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh và một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc mùa hè. Nói về sự giản dị trong cách ăn mặc của Bác, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến đôi dép cao su và bộ quần áo kaki. Đôi dép cao su được Bác dùng hơn 20 năm đến khi mòn gót phải lấy một miếng cao su khác vá vào, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ. Còn bộ quần áo kaki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo. Những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay”.

Về chỗ ở, khi Bác mới về nước là một hang đá thuộc Pác Bó, Cao Bằng. Sau này vì bí mật nên Bác phải ở nhà riêng nhưng rất đơn giản. Nhà làm nhỏ, bốn bề với tay được vì tiết kiệm nguyên vật liệu. Đến năm 1954, Chính phủ chuyển về thủ đô Hà Nội, nhiều người đề nghị Bác ở Phủ Toàn quyền Đông Dương tráng lệ, nhưng Bác đã từ chối và chỉ chọn căn phòng nhỏ của người thợ điện đơn sơ bên ao cá để ở. Mãi đến ngày 17-5-1958, Bác mới chuyển về ở căn nhà sàn chỉ vẻn vẹn có 23,14m2 cho đến lúc qua đời.

Nhận xét về nếp sống giản dị của Bác, một tờ báo nước Pháp đã viết: “Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông...”.

Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp. Người tiết kiệm nhưng không ki bo, kiệt xỉ, không lãng phí, phô trương. Noi gương Người, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, tu dưỡng mình theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị (khóa X). Điều này tưởng dễ nhưng lại rất khó. Dễ vì nếp sống của Bác rất bình thường, đơn giản nếu quyết tâm thì ai cũng làm được. Còn khó vì nếu không có tâm trong sáng, không có chí hướng, có lý tưởng, không có lòng yêu thương con người thực sự thì không thể làm được. Ngày nay, xã hội phát triển, mức sống đã cao hơn trước rất nhiều nên chúng ta đang dần được ăn ngon mặc đẹp. Song là cán bộ, đảng viên - “người đầy tớ” của dân, chúng ta phải biết hy sinh lợi ích, tham vọng của cá nhân mình để phấn đấu xây dựng một đất nước mạnh giàu theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

500 bài mẫu hay nhất

Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ - mẫu 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, cũng là Người đã dành trọn một đời vì dân, vì nước, để rồi ngay khi đã trở về với đất mẹ, Người vẫn để lại trong lòng muôn người dân Việt Nam một nỗi buồn thương, nhớ tiếc. Nhắc đến Người, ta còn nghĩ đến một người có lối sống giản dị và thanh bạch.

Sống giản dị và thanh bạch là lối sống đẹp, đó là không cầu kì, xa hoa, nhưng cũng không phải là hà tiện, mà đó là sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện vốn có của bản thân, rộng là là của gia đình và dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có rất nhiều lối sống đẹp và nếp sống giản dị, thanh cao là một trong đức tính ấy. Nó được biểu hiện trên nhiều phương diện khác nhau và được thể hiện trong cuộc sống thường nhật của Bác.

Người ta vẫn còn nhắc đến một câu chuyện về vị Cha già của dân tộc với trang phục không phải là cầu kỳ, xa hoa như những ông hoàng, bà chúa thời viễn cổ, cũng chẳng phải gấm vóc hay lụa là mà đó là bộ quần áo kaki đã phai màu theo năm tháng cùng đôi dép cao su quen thuộc mà chúng ta vẫn hay gọi là đôi dép cụ Hồ. Khi gặp những người lao động, Bác không hề vận trang phục để tạo ra khoảng cách giữa lãnh tụ và người dân mà đó là bộ quần áo bà ba nâu.

Đồ dùng của Bác cũng vô cùng giản dị. đơn sơ. Người ta khi đến thăm nhà Bác kể lại rằng Bác sống trong một ngôi nhà sàn nhỏ nhưng rất gọn gàng. Trong nhà, những đồ dùng đã cũ nhưng đều được Bác hết sức nâng niu, trân trọng, là chiếc giường nhỏ đơn sơ, là chiếc đài cũ mà Bác vẫn thường xuyên sử dụng để nghe tin tức và vài ba chiếc ghế để Bác tiếp đón khách. Những đồ vật tuy giản dị ấy nhưng đã nói lên phẩm chất của một con người sống không xa hoa và cầu kì.

Không chỉ vậy, những sinh hoạt thường ngày của Bác cũng rất giản dị và thanh bạch. Đó không phải những món ăn là cao lương mĩ vị mà chỉ là nồi cá kho hay cháo hoa. Nhưng thức ăn giản dị mà đơn sơ đó nhưng lại đưa Bác về gần với đời sống và tâm hồn Việt.

Mặc dù là Người học rộng, tài cao, thông hiểu nhiều tiếng và biết văn hóa của nhiều dân tộc khác trên thế giới nhưng khi nói chuyện với những người dân lam lũ, ít chữ, Bác lại dùng những từ rất giản dị mà gần gũi, chứ không hề tạo ra khoảng cách.

Chính lối sống giản dị và thanh bạch đó đã góp phần làm nên phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặt trong hoàn cảnh của những năm đất nước còn nghèo đói, khó khăn, lối sống ấy chính là mẫu mực cho muôn người học hỏi, đặt trong thời buổi mà con người mà con người ta đang chạy đua theo lối sống Tây hóa, Âu hóa, gạt bỏ những giá trị truyền thống tự lâu đời là bản sắc của dân tộc thì lối sống ấy còn thức tỉnh con người ta sống cao đẹp, sống giản dị sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bản thân và dân tộc hơn.

Đến hôm nay và đến tận mãi sau này, những phẩm chất tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương cho muôn người dân Việt Nam noi theo. Người đã đi xa rồi, nhưng Người vẫn mãi bên chúng ta để soi đường tỏa lối cho ta trên con đường đi tới tương lai và bồi đắp tâm hồn mỗi người Việt ngày càng phong phú, tốt đẹp, sống đúng với phẩm chất của CON NGƯỜI thực sự!

Chứng minh lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch ở Bác Hồ - mẫu 5

Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc Việt Nam, Người đã đời đời gắn bó, chiến đấu cùng nhân dân trong hai cuộc kháng chiến trường kì không ngại gian lao, không cần sự đền đáp. Bác đã hiến trọn cuộc đời mình cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam. Ở Người hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp mà thế hệ chúng ta cần noi theo và học hỏi. Một trong số đó là lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Người.

Bác Hồ giản dị từ cách ăn mặc và sinh hoạt thường ngày. Ăn thì vẫn cà pháo, tép đồng kho, rau muống luộc; lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hạt cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Bác bảo ăn món gì phải hết món ấy, không được để lãng phí. Có quả chuối hơi “nẫu”, nhiều người ngại không ăn, Bác bảo lấy dao gọt phần nẫu đi để ăn. Khi đi công tác các địa phương, Bác thường bảo các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm, thức ăn từ nhà mang đi. Chỉ khi nào công tác ở đâu lâu, Bác mới chịu ăn cơm, nhưng trước khi ăn, bao giờ Bác cũng dặn “chủ nhà” là: Đoàn đi có từng này người, nếu được, chỉ ăn từng này, từng này… Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ. Căn nhà cũng chỉ có vài ba phòng nhưng lúc nào cũng gió lộng, hòa hợp với thiên nhiên. Tiện nghi thì rất ít, đơn sơ: giường gỗ, màn cá nhân, chiếc quạt nan, ở trong ngôi nhà gỗ cất khiêm nhường tại một góc vườn. Trên bàn làm việc, Bác không bày biện nhiều đồ, chỉ là tiện nghi tối thiểu để đọc, viết. Tất cả những vật dụng chỉ có thế nhưng Bác vẫn làm việc và sống vui vẻ với hoàn cảnh hiện tại của mình. Nỗi băn khoăn lớn nhất của Bác chỉ mong sao dân tộc ta thoát khỏi vòng lệ thuộc của các nước phương Tây để có một cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc. Bác luôn luôn quan tâm và gần gũi, cởi mở với người khác. Người giúp việc của Bác chỉ đếm trên đầu ngón tay, Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi là những người may mắn được chăm sóc và gần gũi với Bác nhất. Thế nhưng, những gì Bác tự làm được thì Bác không cần ai giúp. Trong cái mặc hàng ngày, Bác Hồ cũng giản dị, gần gũi với nhân dân như thế. Nhắc đến Bác, ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh. Người trong bộ quần áo kaki trắng, đôi dép lốp cao su đã sờn và chiếc gậy ba-toong. Trong kháng chiến gian lao, vào mùa đông rét mướt, Bác được một đồng chí nước ngoài tặng một chiếc áo ấm nhưng Bác lại lấy đó làm quà tặng những người chiến sĩ ngoài chiến trường. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Nhà Bác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”

Người gần gũi thân tình như người bác, người cha, người ông, không hề có sự phân cách giữa lạnh tụ và nhân dân, Bác tặng kẹo cho trẻ thơ, tặng lụa cho cụ già, vỗ tay cất nhịp cùng hát bài kết đoàn.

Lối sống giản dị của Bác còn được thể hiện qua cả lời ăn, tiếng nói. Bác nói được với mọi người, hơn thế, nói được với mỗi người, bởi đó là tiếng nói chân thực, giản dị; giản dị vì trước hết là tiếng của một tấm lòng.

Về lĩnh vực văn nghệ, Bác rất giản dị ở sự nhìn nhận, đánh giá bản thân. Mặc dù, Người là nhà thơ, nhà văn lớn nhưng Người chưa một lần nhận mình là nhà thơ, nhà văn. Viết thơ, văn, Bác không câu nệ về đề tài, những gì có trong cuộc đời, đến như mất cái gậy, rụng chiếc răng… Người đều đưa vào thơ. Bác cũng rất giản dị về việc lựa chọn thể loại, không nhất thiết là truyện, ký, kịch hay thơ…; thơ thì thơ luật hay thơ tự do, làm thơ luật nhưng đâu có bị khuôn vào niêm luật, dùng cả văn ngôn lẫn bạch thoại, thơ tứ tuyệt mà vẫn viết quá bốn câu… (tập “Nhật ký trong tù”). Trong truyện, kết hợp nhiều yếu tố, đưa vào cả huyền thoại, viễn tưởng chính trị (“Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Con người biết mùi hun khói”…). Có thể nói, Bác viết văn, làm thơ một cách giản dị, làm chủ nghệ thuật như đã làm chủ thời gian, sinh hoạt, tiện nghi, tình thế, lịch sử… Người phá bỏ các quy phạm nghệ thuật gò bó mà chỉ giữ lại quy luật chung nhất của nghệ thuật mà thôi. Giọng điệu văn thơ cũng giản dị, chẳng thấy Bác cao đạo, đại ngôn, khẩu khí “vĩ nhân” bao giờ. Có những bài thơ của Bác ngay cả người giàu trí tuệ, am hiểu văn hóa, văn học, vẫn chưa hiểu hết. Ðể dịch “Ngục trung nhật ký” của Bác, Viện Văn học đã tập trung những nhà Hán học uyên thâm, những nhà thơ xuất sắc do ông Nam Trân đứng đầu, thế mà dù đã cố gắng, nhưng không ít bài dịch vẫn lạc giọng nguyên tác. Không phải là nhà nghiên cứu phê bình, dịch thuật thiếu tài năng, càng không phải thiếu tình với thơ Bác, mà chỉ do thơ Bác giản dị quá, tự nhiên đến mức không ngờ.

Tại sao Bác giản dị đến nhường ấy? Bởi con người Bác là sự kết tinh của nhiều nền văn hóa. Bác làm chủ hoàn toàn được mình về trí tuệ, tình cảm, bởi Bác sống “như trời đất của ta”, hiểu được lẽ Trời Ðất, thiên mệnh, sống hòa nhịp với con người, với thời gian hiện tại nhưng lại hướng về tương lai, nghĩa là Người là biểu tượng của nhân loại ở thời kỳ “từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của Tự do”

Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp. Người tiết kiệm nhưng không ki bo, kiệt xỉ, không lãng phí, phô trương. Sự giản dị, thanh bạch trong đời sống của Người là một tấm gương sáng cho những thế hệ người Việt chúng ta noi theo.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 7 chọn lọc, hay khác: