Phân tích nhân vật Thành và Thủy trong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê năm 2023
Phân tích nhân vật Thành và Thủy trong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê năm 2023
Bài văn Phân tích nhân vật Thành và Thủy trong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Phân tích nhân vật Thành và Thủy trong truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê
Bài văn mẫu
Cuộc chia tay của những con búp bê do Khánh Hoài sáng tác đã để lại những dư âm, xúc động sâu sắc trong lòng người đọc. Đọc tác phẩm hẳn chúng ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh của Thành và Thủy hai đứa trẻ tội nghiệp, đáng thương phải chia xa nhau vì những khúc mắc của người lớn.
Trước hết, Thành là người có tình yêu thương em sâu sắc. Trong những ngay gia đình hòa thuận, êm ấm, cậu luôn yêu thương, chiều chuộng em, chiều nào cũng đón em đi học về, cùng nắm tay nhau đi và trò chuyện. Cho đến những ngay gia đình sắp phải li tán, anh em mỗi người đôi ngả tình cảm cậu dành cho em lại càng sâu đậm hơn. Với tâm hồn của một đứa trẻ nhạy cảm, dù đã gắng gượng nhưng cả đêm Thành vẫn khóc, đến mức ướt đầm cả hai gối. Khi chia đồ chơi, Thành nhường tất cả cho em: “Không phải chia nữa, anh cho em tất”. Rồi cậu mong sao tất cả những điều này chỉ là một giấc mơ, sau giấc mơ này mọi việc sẽ trở lại như cũ. Thành còn là một cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Chi tiết Thành nhận xét sự thay đổi của cảnh vật xung quanh: “cảnh vật vẫn như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này” hay “Ra khỏi trường tôi kinh ngạc khi thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Những suy nghĩ đó càng cho thấy rõ hơn sự nhạy cảm tinh tế của Thành, đồng thời sự đối lập giữa ngoại cảnh và tâm cảnh khiến cho người đọc thêm xót xa và cảm thương hơn cho số phận bất hạnh của hai anh em.
Ta không chỉ ấn tượng với một người anh – Thành yêu thương, chiều chuộng em, mà còn nhớ về một Thủy – người em có tâm hồn, tấm lòng nhân hậu trong sáng và cũng hết sức yêu thương, quan tâm anh.
Trước hết, Thủy là cô bé chu đáo, luôn quan tâm và yêu thương anh. Bằng đôi bàn tay khéo léo, cô bé đã vá lại chiếc áo rách cho anh thật hoàn hảo; tối tối sau khi học bài xong lại “võ trang” cho con Vệ Sĩ và đem đặt lên đầu giường để canh giấc ngủ cho anh. Cô bé cũng là đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm, trước tình cảnh gia đình phải chia lìa, anh em phải rời xa nhau, Thủy đã khóc cả đêm, đôi mắt em sưng húp lên, như mất hồn, người loạng choạng như sắp ngã khi mẹ yêu cầu chia đồ chơi. Làm sao em có thể sống một cách bình thường khi mà em sắp phải chia tay người em yếu quý nhất. Tác giả đã thật tinh tế và sâu sắc khi nắm bắt chính xác những cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Khi chia đồ chơi trong tâm trạng Thủy xảy ra sự mâu thuẫn: một mặt, Thủy tru tréo giận giữ khi anh để con búp bê ra hai phía, mặt khác lại lo lắng nếu để hai con búp bê theo mình, thì lấy ai gác đêm cho anh ngủ ngon. Rồi cuối cùng em quyết định để hai con búp bê lại cho anh, để chúng không bao giờ phải xa nhau. Những suy nghĩ, hành động của Thủy trong việc chia búp bê cho thấy em là một đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng, không chỉ yêu thương anh mà còn có tấm lòng vị tha cao cả. Trong hoàn cảnh này, Thủy là một đứa bé vô cùng đáng thương, em không suy nghĩ cho bản thân, mà chỉ suy nghĩ đến người khác, vì người khác. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chia li, Thủy đã có hành động vô cùng bất ngờ Thủy tụt xuống xe và chạy về chiếc giường đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ. Dù hai anh em phải chia tay nhưng tình cảm của hai em thì mãi không thể chia cắt.
Số phận của Thủy còn có phần bất hạnh hơn anh trai, có lẽ người anh ở với bố vẫn được tiếp tục học tập, còn với Thủy điều ấy không thể xảy ra. Trong cuộc chia tay với lớp học, khi cô giáo tặng em bút và vở, Thủy đã từ chối không nhận, lí do em đưa ra khiến người đọc ứa nước mắt: “Thưa cô em không dám nhận … em không được đi học nữa” “Nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Tình cảnh của em thật đáng thương, Thủy không chỉ bị cướp đi cuộc sống gia đình hạnh phúc, cướp đi người anh trai yêu quý mà em còn bị cướp đi quyền học tập, vui chơi – quyền cơ bản nhất của mỗi đứa trẻ. Em sớm phải lao vào đời kiếm sống.
Để tạo nên thành công của tác phẩm, Khánh Hoài đã kết hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật. Trước hết là việc lựa chọn ngôi kể, lấy người anh một người trong cuộc chứng kiến và thấu hiểu nỗi đau chia li, qua đó thể hiện một cách chân thành và cảm động những suy nghĩ, tâm trạng đau đớn, xót xa của nhân vật. Xây dựng tình huống truyện đặc sắc, mượn câu chuyện hai anh em Thành và Thủy phải chia lìa vừa thể hiện tâm hồn trẻ thơ trong sáng, vừa thể hiện được nỗi đau của trẻ em khi tổ ấm gia đình tan vỡ. Nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, phù hợp với tâm lí trẻ em.
Thành và Thủy là hình ảnh đại diện của rất nhiều đứa trẻ trong xã hội, sớm phải chịu cảnh gia đình li tán. Qua hai nhân vật này, tác giả Khánh Hoài cũng gửi gắm đến người đọc những thông điệp ý nghĩa: Tổ ấm gia đình mỗi người là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Bởi vậy, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ phải cố gắng gìn giữ, không nên vì bất cứ lí do nào mà làm tổn hại những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.