Tả cây đa làng em năm 2023
Tả cây đa làng em năm 2023
Bài văn Tả cây đa làng em gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Em hãy tả cây đa đầu làng em.
Bài văn mẫu 1
Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.
Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé vào quán tranh nghỉ chân, uống một bát nước chè xanh hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.
Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo... Thế là đã có một "con trâu lá đa", cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiên. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ... nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!
Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ nhặt về có thể làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu "toe" lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.
Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.
Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phấp phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây... Rồi chuyện làm ăn hàng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.
Bài văn mẫu 2
Tôi sinh ra ở một vùng quê thanh bình nơi có những con sông hiền hòa, chảy xiết, những cánh diều bay lả lơi mỗi khi chiều về, những con đê đuổi nhau chạy dài tít tắp, những cánh đồng lúa xanh ngát thẳng cánh cò bay. Đặc biệt, tôi yêu và tự hào hơn cả đó là cây đa cổ thụ ngàn năm của quê hương tôi, nó là linh hồn của làng quê và gắn với tâm hồn của tuổi thơ tôi.
Không biết cây đa có từ bao giờ nhưng mọi người đều truyền tai nhau rằng nó đã ăn sâu bám rễ ở mảnh đất quê hương tôi thuở thời xây làng lập nước. Cây đa cao sừng sững nơi đầu làng vươn rộng cành lá xum xuê như người mẹ hiền dang rộng vòng tay ôm ấp những đứa con bé bỏng của mình. Thân cây to sừng sững như cột đình mà hai ba đứa trẻ như tôi vòng tay ôm không xuể. Vỏ cây sần sùi, khô cứng như một minh chứng của năm tháng và sự tác động bởi thiên nhiên. Bộ rễ của nó to và dài nhấp nhô trên mặt đất như những con trăn khổng lồ đang uốn lượn. Hơn một lần tôi được chứng kiến sự thay da dổi thịt của cây đa mỗi khi thời tiết chuyển mình. Mùa xuân, những chiếc trồi non trên thân cây bắt đầu nảy mầm, sự sinh sôi nảy nở như tiếng mời chào đàn chim bay về đây ca hát. Mùa hạ cây đa như một người thiếu nữ khoác trên mình một sắc xanh mơn mởn, tràn đầy sự sống. Mùa thu, cô gái ấy trở nên đỏng đảnh với trong màu áo mới rực rỡ hơn. Những chiếc áo vàng, áo đỏ nhanh chóng được khoác lên rồi cũng sớm bị cởi ra, rụng rơi xuống mặt đất. Mùa đông, cây đa trơ trụi chỉ còn lại những chiếc cành khẳng khiu, giống như dấu hiệu của tuổi tác hằn trên nếp da của người phụ nữ. Mỗi mùa mỗi vẻ, hình bóng của cây đa trong sự đổi khác của nó luôn in sâu trong tâm trí của tôi.
Tôi yêu cây đa bởi nó gắn bó sâu sắc với những kí ức của tuổi thơ. Tôi còn nhớ như in những buổi chiều chăn trâu cùng bạn bè, ngồi dưới gốc đa chúng tôi nói với nhau bao điều, kể với nhau bao câu chuyện. Những bác nông dân đi làm đồng về, gốc đa cũng chính là điểm dừng chân lí tưởng. Bóng đa mát rượi xua đi bao cơn nóng mùa hè để người dân quê tôi có nơi hóng mát, lũ trẻ con chúng tôi thoải mái đùa nô, vui vẻ. Nhiều lúc rảnh rỗi, chúng tôi còn lấy lá đa để làm thành những con nghé rất ngộ nghĩnh. Cây đa chính là cuốn nhật kí dài ghi chép lại biết bao kỉ niệm tuổi thơ tôi.
Cây đa sống cùng làng quê tôi bao đời nay, từ ngày cụ tôi, ông tôi còn sống cũng vẫn thường hay kể những câu chuyện về cây đa. Tôi nhớ nhất câu chuyện mà ông tôi đã từng kể, năm ấy mưa bão lớn đến bất ngờ, cuốn đi bao mái nhà, bật đổ bao gốc cây. Thế nhưng cây đa cổ thụ vẫn đứng sừng sững ở đầu làng, chịu bao trận mưa giông rát buốt, bao cơn lốc, trận gió dữ tợn mà vẫn kiên cường, bất khuất, hiên ngang vững trãi không hề lung lay. Nó chính là biểu tượng của sự trường tồn và sức sống dẻo dai của quê hương tôi.
Cây đa còn là chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao sự đổi thay của cảnh vật và con người của quê hương tôi. Những năm kháng chiến, cây đa đã kiên cường kề vai sát cánh cùng cha ông tôi giữ làng, giữa nước. Trong những năm xây và phát triển quê hương, cây đa cũng gắn bó và theo sát từng chặng đường, thấy được sự thay thay da đổi thịt từng ngày của làng quê tôi. Đặc biệt cây đa là biểu tượng tâm linh mà dân làng tôi luôn luôn kính trọng, tôn thờ. Người ta thường nói “cây gạo có ma cây đa có thần” và chúng tôi tin vào điều đó, rằng đã có một vị thần xuống trần gian để sống và gắn bó cùng làng quê tôi. Cây đa đã trở thành biểu tượng và cũng là linh hồn của quê hương. Những người con phương xa mỗi khi trở về, thấp bóng đa thấp thoáng đầu làng ai ai cũng rưng rưng xúc động.
Giờ đây, khi đã khôn lớn trưởng thành, tôi đã đi đến biết bao miền quê, sống ở những nơi phố thị xa hoa nhưng chưa bao giờ tôi thôi ao ước được trở về quê hương, được vòng tay ôm lấy gốc đa già đầu làng, được sống lại với những kỉ niệm tuổi thơ. Bây giờ và cho đến cả mai sau tôi sẽ mãi mãi không quên hình bóng của cây đa quê hương mình.