Thuyết minh về lễ hội đặc sắc ở quê hương em năm 2023
Thuyết minh về lễ hội đặc sắc ở quê hương em năm 2023
Bài văn Thuyết minh về lễ hội đặc sắc ở quê hương em gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Thuyết minh về lễ hội đặc sắc ở quê hương em.
Bài văn mẫu
Mỗi vùng đất cũng có những truyền thống của riêng mình để ghi nhớ, tự hào và truyền lại cho đời sau. Vùng đất quê em cũng vậy, vùng đất lịch sử huyền thoại đồng thời cũng là nơi có nền văn hiến, văn hóa lâu đời. Điều đó được thể hiện qua rất nhiều lễ hội, trong đó nổi tiếng và đặc sắc hơn cả có lẽ là lễ hội Kiệu Quay của làng Đa Tiện.
Đa Tiện quê em tuy chưa được gọi là làng Việt cổ nhưng được hình thành từ khá lâu đời. Trước kia, đất Đa Tiện nằm giữa Đồng bằng Bắc Bộ thuộc xã Đa Tiện, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Đa Tiện, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm ven đường 182 từ Hà Nội về Lương Tài). Để nhớ ơn công đức của Thần Hoàng làng và cũng là để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, hằng năm nhân dân quê em tổ chức Lễ hội vào ngày 10/3 âm lịch (ngày sinh Đức Thánh). Mở hội là dịp để con dân trong làng có cơ hội thể hiện mình, để mọi người tham gia hội phải biết tu, tĩnh tâm, nghĩ điều hay, làm việc tốt, sống trong sạch, lành mạnh hơn. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để gắn kết cộng đồng, yêu thương nhau hơn, đoàn kết xây dựng quê hương. Hơn hết tổ chức hội là dịp giúp dân làng hiểu thêm về truyền thống của làng, về Thần Hoàng làng, tăng thêm lòng yêu làng, yêu nước để hăng say lao động, tích cực học tập làm ra nhiều của cải vật chất, làm giàu quê hương đất nước.
Hội làng quê em diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, ngày sinh Thánh ông Tả Thông. Nhưng lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 9/3 (Lễ rước văn và Lễ Nhập tịch) và kết thúc vào ngày 16/3 (sau ngày dự hội 15/3 bên Giao Tự). Lễ hội diễn ra trên chính mảnh đất quê hương, ngoài ra còn mở rộng sang bên đình Giao Tự thuộc làng Giao Tự - Kim Sơn - Gia Lâm - Hà Nội (Hai đình làng cách nhau 4 cây số). Các cụ kể lại, từ xa xưa Đa Tiện giao hữu với thôn Giao Tự - Kim Sơn – Gia Lâm – Hà Nội. Hai dân gọi là hai chạ (làng) giao hiếu với nhau cùng nhau tổ chức lễ hội, coi nhau như anh em mà có thể gọi là “Lưỡng triều thế viễn. Thiên tải kì phùng” (Hai triều đại cách xa nhau, ý trời cho gặp nhau).
Hằng năm Đa Tiện và Giao Tự tổ chức lễ hội theo cùng nghi thức. Hội có 3 hình thức tổ chức: Đại hội (Long sa phụng tán), Chinh cổ kỳ tán (chỉ có chiêng trống, cờ lọng, không có long giá và xã mâu bát bỉu), Hội lệ chỉ có cụ Từ, tổng cờ, khẩu mèn một chiếu văn hội và lão ông lão bà có thể có 10 lá cờ thần. Ngày 15/3 dân làng Đa Tiện ra Giao Tự dự hội, chuẩn bị lễ gồm: cau, quả hương, nến. Hàng nghìn năm qua, lễ hội Đa Tiện vẫn diễn ra với những nghi thức trang trọng. Lễ hội Đa Tiện được tổ chức lành mạnh, vui tươi, đậm bản sắc truyền thống văn hóa với nét đặc sắc là phần lễ rước kiệu Thần hoàng làng Đa Tiện đón Thần hoàng làng Giao Tự về giao hữu. Ngày 10/3/1995 trong khi rước hội ban đầu không có hiện tượng gì xảy ra sau đó Long giá tự quay tít, không ai điều khiển hay can thiệp được. Từ đó cho đến nay năm nào tổ chức đại lễ là năm đó kiệu nhà ngài đều quay tít. Con dân làng Đa Tiện và những người dân khác trong vùng đều có cách lí giải riêng của mình. Nhưng trong tiềm thức, tâm thức, mọi người dân đều tôn kính Thần hoàng làng và có ý thức bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa trong hội làng.
Lễ hội có ý nghĩa tích cực trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hoạt động lễ chùa, du xuân, trảy hội không chỉ là thói quen bình thường mà đã trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Mỗi lễ hội đều có nét đặc sắc riêng, thể hiện niềm tự hào riêng của người dân về nét đẹp của quê hương.
Có thể nói, lễ hội làng Đa Tiện – Xuân Lâm đã tích tụ trong đó nhiều ước mơ, hoài bão của dân chúng cần lao, nó sống mãi trong niềm yêu thích, ngưỡng mộ của nhân dân địa phương qua nhiều thế hệ. Trong cuộc sống đương đại, con người ngày càng có nhu cầu tìm về giá trị cội nguồn. Lễ hội Đa tiện là sự tiếp nối dòng chảy trong mạch nguồn văn hoá, lịch sử của dân tộc.