Tục ngữ có câu Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau năm 2023


Tục ngữ có câu Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau năm 2023

Bài văn Tục ngữ có câu Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.

Tục ngữ có câu Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau năm 2023 - Văn mẫu lớp 7

Bài văn mẫu 1

   Con người chúng ta mất hai năm đầu đời để tập nói nhưng phải mất cả đời để giữa gìn lời ăn tiếng nói của mình. Quả đúng là như vậy, lời nói có tầm quan trọng và sự ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống con người. Từ xa xưa, cha ông ta đã nhận thức được sâu sắc ý nghĩa giá trị của lời nói cho nên rất nhiều bài học học đạo đức về cách đối nhân xử thế đều có răn dạy về cách sử dụng lời nói. Câu tục ngữ “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chính là một trong những bài học như thế. Nó dạy ta phải biết nói lời hay ý đẹp sao cho không mất lòng người khác mà vẫn giữa được phẩm giá của chính mình.

   Lời nói là phương tiện giao tiếp quan trọng bậc nhất của con người dùng để diễn đạt thông tin, bày tỏ thái độ, tình cảm. Nó là công cụ tốt nhất để mỗi người thực hiện và đạt được mục đích giao tiếp của mình. Nhờ lời nói mà ta có thể quan tâm, thấu hiểu và cảm thông và chia sẻ cùng nhau, từ đó mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn bó, khăng khít hơn. Lời nói là yếu bẩm sinh mà tạo hóa ban tặng cho con người và nó chỉ có ở loài người. Chúng ta không mất tiền để mua nó nhưng đó lại là thứ quý giá mà ta phải trân trọng. Cũng giống như một bát nước đã hất đi là không thể đong đầy, một lời nói thốt ra cũng không thể rút được lại, vì thế mỗi người cần phải nhận thức được giá trị của lời nói. Sống ở đời, con người luôn luôn phải đặt mình trong mối quan hệ xã hội với sự góp mặt của vô số kiểu người, vì thế mỗi chúng ta phải biết lựa lời để giao tiếp thì mới có thể thích nghi được với nhiều mối quan hệ phức tạp ấy. Biết nói ra những lời hay ý đẹp, tế nhị, khéo léo sẽ dễ khiến ta có được cảm tình từ người khác, người nghe sẽ dễ dàng tiếp thu và đồng cảm. Cùng là chỉ ra sai lầm, khiếm khuyết của người khác, thay vì dùng lời lẽ quát nạt, mắng mỏ, mạt sát thì ta nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ ra lỗi sai và đi tìm nguyên nhân để giải quyết như vậy đối với cả hai bên sẽ nhẹ nhàng và thấm thía hơn rất nhiều. Đặc biệt trong cách đối nhân xử thế giữa người với người với, một lời nói hay chân thành có thể giúp người khác vui sống nhưng một lời nói xấu xa, cay nghiệt có thể để lại niềm đau, vết nhơ thậm chí gây ra hận thù suốt đời. Chính vì thế biết “lựa lời” trong cách nói sẽ giúp ta thêm bạn bớt thù.

   Lời nói là thước đo đánh giá cốt cách và nhân phẩm của con người. Biết nói lời hay ý đẹp vừa thể hiện sự tôn trọng người khác vừa thể hiện sự hiểu biết, khôn ngoan, khéo léo của chính mình. Đôi khi người ta đánh giá nhau qua lời nói, một người giỏi giang, khéo léo phải là người biết nói những lời hợp lòng mình, hợp ý người. Biết góp ý chân thành, thẳng thắn mà vẫn khéo léo, tế nhị để không làm mất lòng người khác mới là người có tài. Ai cũng có thể thốt ra được lời nói nhưng làm sao để lời nói ấy có giá trị phải phụ thuộc vào khả năng và bản lĩnh của mỗi người.

   Tuy nhiên phải nhấn mạnh, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” ở đây không phải cổ vũ những lời nói sống nịnh bợ, giả dối để lấy lòng người khác. Gió chiều nào theo chiều đấy, tâng bốc người trên, nói xấu người dưới để đạt được mục đích của mình. Thực tế trong cuộc sống, đã có rất nhiều người cố tình hiểu sai ý nghĩa câu nói và vin vào đó để biện minh cho thói sống xấu xa của mình. Cũng có nhiều người coi lời nói tầm thường rẻ mạt bởi họ cho rằng đó là thứ có sẵn nên không cần trân trọng, nói năng bộp chộp không biết suy nghĩ. Họ đâu biết rằng hành động ấy đã vô tình đánh mất đi thứ vô cùng giá trị mà bản thân không hề hay biết. Tiếc thay cho những ai chưa kịp tỉnh ngộ và nhận ra “lời nói là gói vàng”.

   Trong cuộc sống, chúng ta phải biết nói lời hay ý đẹp cho vừa lòng người khác nhưng những lời lẽ đó phải chân thành, thẳn thắn khách quan. Không vì sợ mất lòng mà thờ ơ mặc kệ những sai lầm, nhún nhường trước hành động sai trái không dám nói lên sự thật. Tuy nhiên cùng một mục đích nói nếu biết lựa chọn cách thể hiện khéo léo, tế nhị sẽ đem đến hiệu quả bất ngờ. Người đời đã dạy trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần ngụ ý phải biết suy nghĩ, tính toán trước khi thốt lên lời bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mình mà còn có tác động sâu sắc đến người khác.

   Lời nói không mất tiền mua bởi đó là tài sản tự nhiên của con người nhưng làm thế nào để lời nói có giá trị mới là điều đáng để ta phải quan tâm. Câu tục ngữ là một lời dạy, lời khuyên bổ ích đối với mỗi chúng ta trong việc sử dụng lời nói để đối nhân xử thế. Trong một xã hội nếu như ai cũng biết lựa lời để nói cùng nhau thì cuộc sống sẽ văn minh và tươi đẹp biết bao. Để làm được điều này không phải là không thể, hãy bắt đầu từ từng cá nhân biết cách tu dưỡng, trau dồi bản thân, tập nói những lời hay ý đẹp trước hết với những người xong quanh gần gũi nhất với bản thân mình. Nhiều cá nhân như thế sẽ làm nên một tập thể xã hội tốt đẹp.

Bài văn mẫu 2

   Lời nói là phương tiện để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm và kinh nghiệm với nhau (bao gồm cả kinh nghiệm xử thế, lao động sản xuất, học tập... ). Vì thế, nó có giá trị đặc biệt trong đời sống. Để khuyên bảo mọi người cách nói năng sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp, ông cha ta đã từng căn dặn:

   Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

   Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn lời nói thích hợp thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Mỗi người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có lời thô, lời vụng. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Ta có thể chọn lựa được lời nói tùy theo ý định và trình độ văn hóa của mình. Ông cha ta nhận thấy lời nói như một thứ công cụ dễ kiếm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ tạo hiệu quả lớn, còn lựa sai, thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.

   Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, sự ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích trong giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, cần phải biết lựa chọn lời nói thích hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, với sắc thái tình cảm.

   Cùng nói về một hiện tượng là cái chết nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau: sư già đã viên tịch; người chiến sĩ ấy đã hy sinh vì Tổ quốc; ông cụ nơi khuất núi... Người có văn hóa khi giao tiếp thường biết lựa chọn cách nói thích hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.

   Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về sự cẩn trọng trong cách nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; Học ăn, học nói, học gói, học mở.

   Tuy chú ý đến việc lựa lời để để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng người xưa không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp là để vừa lòng nhau.

   Cần phải chọn lời nói thích hợp, nhưng đúng đắn chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì có những khi nói thật mất lòng. Một lời nói êm tai, nhẹ nhàng nhưng giả dối không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thật, sau đó mới là lời nói đẹp.

   Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người. Biết dùng lời nói thích hợp sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta cần phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 7 chọn lọc, hay khác: