Top 100 Đề thi Ngữ Văn lớp 9 năm 2023 Học kì 1, Học kì 2 có đáp án


Top 100 Đề thi Ngữ Văn lớp 9 năm 2023 Học kì 1, Học kì 2 có đáp án

Haylamdo biên soạn và sưu tầm Top 100 Đề thi Ngữ Văn lớp 9 năm 2023 Học kì 1, Học kì 2 có đáp án, có đáp án với trên 100 đề thi môn Ngữ văn được tổng hợp từ các trường THCS trên cả nước sẽ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức bài học và ôn luyện để đạt kết quả cao trong các bài thi môn Văn lớp 9.

Đề thi Ngữ văn 9 Học kì 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 1

Năm học 2023

Môn: Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề thi số 3)

Phần I (7đ)

Cho đoạn văn sau:

“Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”

Câu 1 : Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Được viết bằng chữ gì? (1đ)

Câu 2 : Đoạn văn trên có dùng điển tích gì, nêu ý nghĩa của việc dùng các điển tích đó?(1đ)

Câu 3 : Nhân vật bày tỏ nỗi lòng trong đoạn văn trên là ai? Điều muốn bày tỏ là gì? (1đ)

Câu 4 : Bằng đoạn văn khoảng 10-12 câu, hãy phát biểu cảm nghĩ về nhân vật chính trong tác phẩm có đoạn trích trên. Gạch chân câu chủ đề của đoạn văn em trình bày. (4đ)

Phần II (3đ)

Trong một bài thơ có đoạn:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!

Ngột làm sao chết uất thôi

Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu

Câu 1 : Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Viết trong hoàn cảnh nào? (1đ)

Câu 2 : Viết đoạn văn diễn dịch nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên? (Đoạn văn có sử dụng câu ghép chính phụ có quan hệ nguyên nhân-kết quả, xác định rõ câu ghép đó bằng cách gạch chân) (2đ)

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần I (7đ)

Câu 1 :

- Đoạn văn trên trích trong văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương (0,25đ)

- Thuộc tác phẩm: Truyền kì mạn lục (0,25đ)

- Tác giả: Nguyễn Dữ (0,25đ)

- Viết bằng chữ Hán (0,25đ)

Câu 2 :

- Dùng điển tích ngọc Mị Nương, cỏ Ngu mĩ (0,5đ)

- Ý nghĩa của việc dùng điển tích: Thể hiện sự trong sáng, thủy chung của Vũ Nương. (0,5đ)

Câu 3 :

- Nhân vật muốn bày tỏ nỗi niểm trong đoạn văn là Vũ Nương. (0,5đ)

- Muốn bày tỏ với trời đất để giải nỗi oan cho mình. (0,5đ)

Câu 4 :

- Viết đúng hình thức đoạn văn, số lượng không vượt quá hoặc ít quá 2 câu. (0,5đ)

- Nội dung (3,5đ)

+ Ngay từ đầu đã được giới thiệu “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.

+ Là vợ đảm đang, biết giữ gìn khuôn phép, một lòng một dạ chung thủy với chồng (thể hiện trong những cư xử khéo léo để gia đình không lâm vào cảnh thất hòa, dù người chống có tính đa nghi; trong lời dặn dò ân tình, đằm thắm khi tiễn chồng đi lính; chung thủy chờ chồng “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”).

+ Là một người mẹ hiền, dâu thảo: vừa một mình nuôi dạy con thơ vừa làm tròn phận sự của một nàng dâu…

+ Nạn nhân của chế độ nam quyền, của cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa: cuộc hôn nhân của nàng không xuất phát từ tình yêu; phải đằng đẵng chờ chồng khi chồng đi chiến trận.

+ Bị chồng nghi ngờ lòng chung thủy chỉ vì lời nói ngây thơ của con trẻ (chú ý các lời thoại của Vũ Nương: cố phân trần với chồng, biện bạch cho mình mà không được, đau khổ tuyệt vọng khi bị chồng mắng nhiếc, đánh đuổi đi, bị dồn vào bước đường cùng: phải tự vẫn ở bến Hoàng Giang để bảo toàn danh dự).

+ Đoạn kết của truyện tuy mang màu sắc cổ tích (kết thúc có hậu) nhưng vẫn không làm mờ đi bi kịch của Vũ Nương: nàng không thể trở về dương thế sống bên cạnh chồng con được nữa.

Phần II (3đ)

Câu 1 :

- Tác phẩm: Khi con tu hú- Tố Hữu (0,5đ)

- Hoàn cảnh ra đời: Viết khi tác giả đang bị nhốt trong nhà lao phủ Thừa Thiên. (0,5đ)

Câu 2 :

- Viết đúng hình thức đoạn văn(0,5đ)

- Nội dung cảm nhận được tâm trạng bức bối của người chiến sĩ trong tù ngục và dùng 1 câu ghép chính phụ có quan hệ nguyên nhân-kết quả, có xác định bằng cách gạch chân (2đ)

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Học kì 1

Năm học 2023

Môn: Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề thi số 3)

Phần I. (7 điểm)

Trong một đoạn trích sách Ngữ Văn 9 (Tập 1) có viết:

    “ Làn thu thủy nét xuân sơn

    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh ”

Câu 1: Chép chính xác tám câu thơ tiếp theo để hoàn chỉnh đoạn thơ?

Câu 2: Cho biết đoạn thơ em vừa chép trích trong văn bản nào? Thuộc tác phẩm nào? Của ai? Vị trí của văn bản đó trong tác phẩm?

Câu 3: Theo em, có thể thay thế từ “hờn” trong câu thơ thứ hai thành từ “buồn” được không? Vì sao?

Câu 4: Viết một đoạn văn khoảng 12-15 câu theo cách tổng phân hợp để làm nổi bật vẻ đẹp sắc sảo mặn mà của nhân vật trong đoạn thơ trên (trong đó có dùng một câu ghép, phép thế và gạch chân).

Phần II. (1,5 điểm)

    “ Hoàng Lê nhất thống chí ” là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán có quy mô lớn nhất và đạt những thành công xuất sắc về nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết của văn học Việt Nam thời trung đại.

Câu 1: Hãy giải thích nhan đề tác phẩm.

Câu 2: Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút của tác giả khi tạo dựng hình ảnh nhân vật chính Quang Trung - Nguyễn Huệ?

Phần III. (1,5 điểm)

    Bác Hồ không chỉ là một con người vĩ đại trong cuộc sống mà còn là một hình tượng tuyệt đẹp trong tác phẩm văn học. Trong chương trình Ngữ Văn 9 có một văn bản nhật dụng viết rất hay về vẻ đẹp phong cách của người.

Câu 1: Hãy cho biết đó là văn bản nào? Của ai?

Câu 2: Viết một đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi trình bày những bài học về phong cách tư tưởng đạo đức mà em học được từ Người qua tác phẩm đó.

Đáp án và Thang điểm

Phần I. (7 điểm)

Câu 1: Chép thuộc thơ (1 điểm)

    “ Làn thu thủy nét xuân sơn

    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

    Một hai nghiêng nước nghiêng thành

    Sắc đành đỏi một tài đành họa hai

    Thông minh vốn sẵn tính trời,

    Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

    Cung thương làu bậc ngũ âm,

    Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.

    Khúc nhà tay lựa nên chương

    Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

Câu 2: Đoạn thơ vừa chép nằm trong văn bản Chị em Thúy Kiều, thuộc tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du

Vị trí đoạn trích: Nằm ở phần mở đầu tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Kiều. Tác giả tập trung tả tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều. (0,5 điểm)

Câu 3: Không thể thay thế từ “hờn” thành từ “buồn” bởi ghen- hờn đi liền với nhau.

Từ “buồn” chỉ sự âu sầu, không vui

Từ “hờn” thể hiện thái độ ghen ghét, đố kị

Ở đây, vẻ đẹp của Kiều khiến cho tạo hóa, tự nhiên phải ghen ghét, đô kị dự báo trước cuộc đời sóng gió (0,5 điểm)

Câu 4: Phân tích vẻ đẹp của Kiều (5 điểm)

- Mở đoạn: Giới thiệu nhân vật Thúy Kiều, được xây dựng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng với vẻ đẹp có một không hai (1 điểm)

- Vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều được tả khái quát. Tác giả tả vẻ đẹp của Vân làm đòn bẩy khéo léo miêu tả vẻ đẹp của Kiều nổi bật hơn cả (0,5 điểm)

- Đặc tả đôi mắt của Kiều, gợi lên khí chất, nét đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Tài năng của Kiều được miêu tả lên tới đỉnh điểm của sự sắc sảo, tài năng (tài đàn hát, cầm kì thi họa…) (0,5 điểm)

- Vẻ đẹp của Kiều khiến cho tạo hóa ghen tị, hờn dỗi điều này dự báo trước số phận lận đận của Kiều (0,5 điểm)

- Bút pháp ước lệ tượng trưng, làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều (0,5 điểm)

→ Vẻ đẹp của Kiều được lý tưởng hóa “mười phân vẹn mười” xưa nay hiếm gặp, điều đó khẳng định được tài năng của Nguyễn Du khi tạo nhân vật (1 điểm)

- Đoạn văn sử dụng câu ghép, phép thế (1 điểm)

Phần II. (1,5 điểm)

Câu 1: Nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí (0,5 điểm)

- Chí là thể loại ghi chép lại sự vật, sự việc

- Nhan đề được viết bằng chữ Hán ghi chép quá trình thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Tác phẩm còn tái hiện được giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỉ XVIII, mấy năm đầu thế kỉ XIX. Tiểu thuyết có 17 hồi.

Câu 2: Nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút của tác giả khi tạo

dựng hình ảnh nhân vật chính Nguyễn Huệ (1 điểm)

Các tác giả Ngô gia văn phái vốn trung thành với nhà Lê nhưng vẫn viết về vua Quang Trung đầy tinh thần ngợi ca, họ đứng trên tinh thần dân tộc phản ánh. Nhờ điều đó, càng tạo ra cho tác phẩm sức thuyết phục, tính chân thực, chứng tỏ tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử

Đây là đặc điểm đặc sắc của thể loại truyền thuyết lịch sử.

Phần III. (1,5 điểm)

Câu 1: Văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của nhà báo Lê Anh Trà (0,5 điểm)

Câu 2: Bài học từ phong cách đạo đức của Hồ Chí Minh:

- Nói được Hồ Chí Minh: tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và nét đẹp trong lối sống giản dị, thanh cao của Người

- Học hỏi sự giản dị trong: lối sinh hoạt (ăn, ở, mặc…), tác phong làm việc

- Sự thanh cao trong nhân cách: thường xuyên học tập, nuôi dưỡng tâm hồn

- Người có đức tính khiêm tốn, chân thành, cởi mở… Bác hi sinh tất cả, quên mình lo cho dân cho nước

→ Tỏ lòng yêu mến, biết ơn Bác Hồ, phán đấu rèn luyện theo gương Bác

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2023

Môn: Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề thi số 3)

Phần I: Đọc - hiểu (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.

(Trích Phong cách Hồ Chí Minh, Lê Anh Trà, Ngữ văn 9, tập một, tr. 5)

Câu 1 : (0.5 điểm) Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

Câu 2 : (1 điểm) Qua đoạn trích tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi các yếu tố nào?

Câu 3 : (1.5 điểm) Xác định hai danh từ được dùng như tính từ trong câu văn sau và cho biết hiệu quả nghệ thuật của việc dùng từ ấy?

Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.

Câu 4 : (1 điểm) Từ đoạn trích, em rút ra được bài học gì cho bản thân về cách học tập, tiếp thu văn hóa nhân loại?

Phần II: Tạo lập văn bản (6,0 điểm)

Phần cuối câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” (SGK Ngữ văn 9 - tập I, trang 160) có viết: “Mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá”. Em hãy trình bày suy nghĩ của em về lời khuyên trên.

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần I: Đọc - hiểu (4,0 điểm)

Câu 1 : Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2 : Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa:

- Giữa những ảnh hưởng văn hóa quốc tế với cái gốc văn hóa dân tộc.

- Giữa sự bình dị rất Việt Nam, rất phương Đông với cái hiện đại và mới mẻ.

Câu 3 :

- Hai danh từ được sử dụng như tính từ: Việt Nam, phương Đông.

- Cách dùng từ ấy có hiệu quả nghệ thuật cao: Tác giả muốn khẳng định và nhấn mạnh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bản sắc phương Đông trong con người Bác.

Câu 4 : HS có thể trình bày ý kiến theo nhiều cách, nhưng cần thể hiện được các ý:

- Phải chăm chỉ rèn luyện, học tập, nắm vững kiến thức, học đi đôi với thực hành, vận dụng lí thuyết vào giải quyết vấn đề cuộc sống. Học hỏi, tìm hiểu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời phê phán những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa ngoại lai.

- Không ngừng học tập và làm theo tấm gương phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh: sống giản dị, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tránh xa lối sống sính ngoại, chây lười ỉ lại, buông thả, chạy theo mốt mà quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp mang bản sắc dân tộc.

Phần II: Tạo lập văn bản (6,0 điểm)

*Yêu cầu chung:

- Về kiến thức: Trình bày suy nghĩ, ý kiến của bản thân về vấn đề: tấm lòng bao dung, sự trân trọng, biết ơn người khác.

- Về kĩ năng:

+ Bài viết thể hiện đúng đặc trưng của kiểu văn bản nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí. Sử dụng phương thức biểu đạt nghị luận kết hợp phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm.

+ Bài viết có bố cục rõ ràng, đầy đủ ba phần.

+ Đầy đủ các luận điểm, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục; lập luận chặt chẽ, mạch lạc.

+ Trình bày khoa học, chữ viết sạch đẹp, không sai chính tả.

*Yêu cầu cụ thể:

- Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề tự sự.

- Thân bài: Đảm bảo 4 luận điểm sau:

+ Luận điểm 1 : Giải thích lời khuyên

Học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát nghĩa là học cách tha thứ cho ai đó đã gây cho mình những đau buồn, bất hạnh trong cuộc đời.

Khắc ghi những ân nghĩa lên đá nghĩa là luôn biết trân trọng và khắc sâu mãi mãi trong con tim khối óc lòng biết ơn đối với những ai đã quan tâm, giúp đỡ ta nhất là trong hoàn cảnh khó khăn.

+ Luận điểm 2 : Khẳng định nội dung lời khuyên là hoàn toàn đúng đắn và lí giải rõ vì sao.

Trong cuộc sống, con người ai cũng có lúc mắc sai lầm, cũng có khi gây ra đau buồn cho người khác. Nếu chúng ta không thông cảm, không tha thứ, bỏ qua lỗi lầm người khác gây ra cho mình thì sẽ sống mãi trong thù hận, gây ra mâu thuẫn; tâm hồn, tư tưởng luôn căng thẳng, nặng nề.

Chúng ta luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người để vượt qua khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

Sự giúp đỡ của người khác giúp chúng ta có nghị lực, niềm tin, ý chí để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, sống tốt, sống đẹp.

→ Vậy sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của người khác dành cho ta là những điều cao đẹp, đáng trân trọng mà mỗi người luôn ghi nhớ, biết ơn, khắc cốt ghi tâm.

(Học sinh trình bày một số dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ cho lời khẳng định)

+ Luận điểm 3 : phê phán thái độ, việc làm sai trái đi ngược lại với lời khuyên.

Có người cố chấp, nuôi thù hận trước lỡ lầm, đau buồn mà người khác gây ra cho mình rồi dẫn đến việc trả thù,…

Có người không trân trọng, biết ơn người đã quan tâm, giúp đỡ mình mà “vô ơn bội nghĩa”, “ăn cháo đá bát”.

+ Luận điểm 4 : Nêu nhận thức, thái độ, việc làm đúng.

Luôn thông cảm, bao dung, độ lượng, tha thứ cho những lỗi lầm, sai lầm của người khác.

Mở rộng vòng tay, trái tim nhân ái để yêu thương, giúp đỡ mọi người.

Trân trọng, biết ơn những người mang đến cho mình điều tốt đẹp.

Tích cực học tập, rèn luyện sức khỏe, kĩ năng sống, tu dưỡng đạo đức để sau này giúp đỡ mọi người và góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Cần kiên quyết phê bình cái xấu, cái ác để xã hội ngày càng tốt đẹp.

- Kết bài: Khái quát, nâng cao vấn đề nghị luận điểm.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Học kì 2

Năm học 2023

Môn: Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề thi số 3)

I. Trắc nghiệm (3 điểm)

1. Thành phần biệt lập trong câu: “Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi.” là:

a. Thành phần tình thái

b. Thành phần cảm thán

c. Thành phần phụ chú

d. Thành phần gọi đáp

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi 2, 3:

“ ..Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng chốc nữa sẽ nổ..”

         (Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD)

2. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào?

a. Bến quê

b. Những ngôi sao xa xôi

c. Rô – bin – sơn ngoài đảo hoang

d. Con chó Bấc

3. Câu văn: “Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ.” sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

a. Nhân hóa    b. So sánh    c. Ẩn dụ    d. Hoán dụ

4. Nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ Nói với con của Y Phương là:

a. Từ ngữ, hình ảnh mộc mạc, giàu sức gợi cảm

b. Giọng điệu trầm lắng, suy tư

c. Đối thoại xen lẫn với độc thoại nội tâm

d. Hình ảnh phong phú, từ ngữ trau chuốt

5. Đâu không phải là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu?

a. Bãi bồi bên kia sông

b. Bông bằng lăng nở cuối mùa

c. Anh con trai sa vào xem đám chơi phá cờ thế

d. Đám trẻ con giúp Nhĩ dịch chuyển ra mép tấm phản

6. Câu thơ: “ Dù ở gần con/ Dù ở xa con” sử dụng phương thức liên kết nào?

a. Phép lặp    b. Phép thế    c. Phép nối    d. Phép liên tưởng

II. Tự luận (7 điểm)

1. Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. (5đ)

2. Xác định các phép liên kết có trong các câu sau (2đ):

a. Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối bao trùm lấy hai con mắt. (Kim Lân)

b. Khu vườn nhà Lan không rộng lắm. Nó chỉ bằng một cái sân nhỏ nhưng có bao nhiêu là cây.

Đáp án và thang điểm

I. Phần trắc nghiệm

1 2 3 4 5 6
a b b a d a

II. Phần tự luận

1.

Là nhân vật chính của truyện, một nữ thanh niên xung phong đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. (0.25đ)

   - Hoàn cảnh, công việc của Phương Định:

      + Là cô thanh niên xung phong sống trên cao điểm giữa khói bụi Trường Sơn và bom đạn hủy diệt của kẻ thù. (0.25đ)

      + Công việc của tổ trinh sát mặt đường là: “Đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. (0.5đ)

→ công việc nguy hiểm nhưng càng ngời sáng sự dũng cảm của cô. (0.5đ)

   - Tính cách: trong sáng, mơ mộng, hồn nhiên đầy trẻ thơ (0.5đ)

      + Là cô gái Hà Nội vào chiến trường. Dù trong khói lửa chiến tranh vẫn luôn đầy ắp những kỉ niệm về Hà Nội và gia đình. (0.5đ)

      + Cô gái lạc quan, hay cười, hay ngắm mình trong gương, tự đánh giá mình là cô gái khá với đôi mắt “dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”, được nhận xét là “cô có cái nhìn sao mà xa xăm” (0.5đ)

→ Hồn nhiên, đáng yêu, chân thực. (0.25đ)

      + Chị được nhiều người dành tình cảm quý mến

→ Thấy vui, tự hào. Nhạy cảm nhưng không bộc lộ tình cảm giữa đám đông, khiến người khác cảm thấy có phần hơi kiêu kì. (0.5đ)

      + Dũng cảm, bình tĩnh, vượt lên mọi hiểm nguy. (0.25đ)

• Quen với công việc đầy hiểm nguy: “Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi”. Nhưng mỗi lần trải qua thử thách vẫn như cuộc thách thức thần kinh cho đến từng cảm giác.

• Làm việc bình tĩnh, thành thạo khi phá bom. (0.25đ)

      + Quan tâm, lo lắng cho đồng đội khi bạn đi lên cao điểm chưa về; chăm sóc tận tình khi đồng đội bị thương; hiểu tính cách đồng đội. (0.25đ)

      + Cũng rất cần sự cổ vũ của đồng đội.

   → Người nữ thanh niên xung phong anh hùng nhưng cũng rất đời thường với thế giới nội tâm phong phú. Ngòi bút Lê Minh Khuê đã thành công trong khắc họa tâm lí nhân vật. Trong chiến tranh, con người sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, chấp nhận hi sinh cả mạng sống để hoàn thành nhiệm vụ được giao. (0.5đ)

2.

Xác định các phép liên kết có trong các câu sau:

a. Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối bao trùm lấy hai con mắt. (Kim Lân)

   → Phép liên tưởng: nhìn ra – con mắt. (1đ)

b. Khu vườn nhà Lan không rộng lắm. Nó chỉ bằng một cái sân nhỏ nhưng có bao nhiêu là cây.

   → Phép thế: khu vườn nhà Lan – nó. (1đ)

Xem thêm bộ đề thi các môn học lớp 9 chọn lọc, có đáp án hay khác: