Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Khái quát - Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Chuyên đề Địa 12 Khái quát sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Chuyên đề học tập Địa Lí 12.
Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Khái quát - Chân trời sáng tạo
1. Khái niệm
- Làng nghề: là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.
- Làng nghề truyền thống là những làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời với sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất tuyền.
Làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)
2. Đặc điểm
- Sự phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Ví dụ: phát triển làng nghề giúp phát triển du lịch thúc đẩy hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn.
- Các làng nghề mới được phát triển theo hướng đảm bảo giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Ví dụ: các làng nghề mới quan tâm đến công tác khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm.
- Nguồn lao động trong làng nghề thường là lao động thủ công, sống tại địa phương. Ví dụ: các nghệ nhân, thợ giỏi đều là những người trong làng nghề, sống tại địa phương, đào tạo và truyền nghề cho lao động ở địa phương.
Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)
- Quá trình sản xuất trong nhiều làng nghề có sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, sản phẩm của làng nghề phong phú, đa dạng. Ví dụ: các làng nghề áp dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn sản xuất, kết hợp giữa máy móc và thủ công trong gốm, sứ, mây tre đan, điêu khắc đá,…
- Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề đa dạng. Ví dụ: tổ chức sản xuất hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp,…
- Các làng nghề thường gắn với khu vực nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Ví dụ: các làng nghề truyền thống ra đời nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong bối cảnh xã hội nông nghiệp truyền thống nên phân bố chủ yếu ở vùng nông thôn, ven đô thị.
3. Quá trình hình thành và phát triển
- Các sản phẩm thủ công xuất hiện từ thời Đông Sơn, cách đây hàng nghìn năm, trước hết là các sản phẩm của nghề đúc đồng, rèn sắt phục vụ phát triển nông nghiệp. Sự phát triển của các nghề, làng nghề có nhiều thăng trầm do chiến tranh, chính sách phát triển làng nghề, nhu cầu thị trường,… Những nghề, làng nghề thủ công có triển vọng và hiệu quả cao dần được phát triển, tạo nên hướng chuyên môn hóa riêng cho mỗi làng nghề.
- Thời kì Văn Lang, Âu Lạc, một số nghề thủ công phát triển như đúc đồng, làm gốm, dệt vải, đóng thuyền. Sang thời kì Bắc thuộc, một số nghề mới xuất hiện như làm giấy, khảm xà cừ, thuộc da, đúc ngói, gạch cho xây dựng,… Nghề đúc đồng tiếp tục kế thừa và phát triển với kĩ thuật cao.
- Thời Lý (1009 - 1225) các nghề truyền thống tiếp tục phát triển, cả nước có hơn 60 làng nghề mang tính truyền thống.
- Thời Trần (1226 - 1400), nhiều làng thủ công chuyên nghiệp ra đời. Thăng Long có 61 phường sản xuất.. Các nghề tạc tượng, làm giấy, khắc gỗ,… phát triển.
- Thời Hậu Lê (1428 - 1789) các nghề thủ công phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tiêu biểu như gốm Chu Đậu, làng làm đồ sắt Vân Chàng, đồ đồng Đại Bái,… Nghề dệt lụa phát triển với các làng nghề nổi tiếng như La Khê, Vạn Phúc, Vân Nội,… Một số nghề thủ công mới xuất hiện như nghề làm đường cát trằng, nghề khắc in bản gỗ.
- Thời Nguyễn (1802 - nửa đầu thế kỉ XIX), các nghề thủ công truyền thống tiếp tục phát triển, do nhu cầu xây dựng gia tăng nên phát triển nghề sản xuất gạch, cham khắc đá, kim hoàn,…
- Từ nửa cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX, chính quyền Pháp đã củng cố các nghề tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích phát triển và đổi mới về sản phẩm làng nghề để phù hợp với thị hiếu người châu Âu.
- Từ nửa cuối thế kỉ XX đến nay, chia thành các giai đoạn:
+ Giai đoạn 1945 - 1985: tại một số làng nghề xuất hiện các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất các hàng thủ công, mĩ nghệ để xuất sang các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Đức, Ba Lan,… Nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một và suy thoái. Một số người dân miền Bắc di cư vào miền Nam hình thành các làng nghề. Đầu những năm 80 của thế kỉ XX, đời sống các hộ tiểu thủ công nghiệp trở nên khó khăn, buộc phải khôi phục một số nghề truyền thống để có thêm thu nhập.
+ Giai đoạn 1986 - 1992: giai đoạn phát triển quan trọng của làng nghề. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Đầu những năm 90 của thế kỉ XX, sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên xô dẫn đến sụt giảm thị trường tiêu thụ nên sản xuất ở nhiều làng nghề bị đình trệ.
+ Giai đoạn 1993 đến nay: mở ra thời kì mới để khôi phục các ngành nghề truyền thống. Nhiều địa phương có làng nghề truyền thống đã khôi phục lại các ngành nghề, tim kiếm thị trường mới. Một số làng nghề được khôi phục trong giai đoạn này như chạm bạc Đồng Xâm, gốm sứ Bát Tràng,… Một số làng nghề truyền thống đã mở rộng phạm vi thành xã nghề như xã Nam Cao, Hồng Thái. Nhiều làng nghề mới xuất hiện như làng gốm Xuân Quan, làng dệt lưới Hải Thịnh,… Bên cạnh đó, một số làng nghề ngày càng phát triển chậm, có nguy cơ mất nghề truyền thống.