Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Vai trò và tác động của làng nghề đến phát triển kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường - Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Chuyên đề Địa 12 Vai trò và tác động của làng nghề đến phát triển kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Chuyên đề học tập Địa Lí 12.
Lý thuyết Chuyên đề Địa Lí 12 Vai trò và tác động của làng nghề đến phát triển kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường - Chân trời sáng tạo
1. Đối với kinh tế:
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Góp phần đa dạng hóa kinh tế địa phương, thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác. Sử dụng hợp lí các nguồn lực ở nông thôn như đất, vốn, lao động, nguyên vật liệu,…
- Góp phần hình thành trung tâm giao lưu buôn bán, dịch vụ và trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa khu vực nông thôn.
- Sản phẩm làng nghề là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho địa phương.
- Thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, hình thức hợp tác liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với làng nghề ngày càng phổ biến. Góp phần mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương.
- Mô hình làng nghề du lịch góp phần tăng hiệu quả kinh tế làng nghề nhờ tăng tiêu thụ sản phẩm và có thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
- Những làng nghề hoạt động không hiệu quả gây trở ngại cho phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều sản phẩm làng nghề chưa đăng kí thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chưa đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm làng nghề Việt Nam. Những làng nghề phát triển không theo quy hoạch ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế địa phương.
2. Đối với xã hội:
- Góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn Việt Nam vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Là động lực trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, mang lại ý nghĩa về mặt chính trị - xã hội.
- Tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
- Giúp ổn định cuộc sống người dân, người dân yên tâm phát triển tại địa phương. Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành và theo lãnh thổ. Góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới thông qua việc phát triển các hoạt động thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh,…
- Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và đất nước.
- Nhiều làng nghề truyền thống do không đáp ứng được xu thế phát triển chung nên đang bị mai một, dẫn đến nguy cơ mất dần các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Mặt khác, những nơi làng nghề phát triển nhanh chóng cũng xuất hiện các thách thức khác như giữ gìn văn hóa lối sống của cộng đồng địa phương, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự,…
3. Đối với tài nguyên và môi trường:
- Góp phần khai thác, sử dụng hợp lí các nguồn lực, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh tại địa phương. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề ít sử dụng năng lượng, ít phát thải khí nhà kính, tận dụng các tài nguyên, nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
- Trong quá trình phát triển một số làng nghề đã bộc lộ những tồn tại, đặc biệt là hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững làng nghề. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, dây chuyển sản xuất còn chậm đổi mới làm cho sản xuất chưa đạt hiệu quả tối đa, lãng phí tài nguyên. Công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn khí thải, chất thải rắn chưa qua xử lí thải ra môi trường với mức độ ô nhiễm cao. Ô nhiễm tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.
- Một số mô hình xử lí chất thải tại các làng nghề đã được triển khai. Nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên, hạn chế phát thải chất thải trực tiếp ra môi trường, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.