Giải Chuyên đề Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo trang 17


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời Giải Chuyên đề Lịch sử 10 trang 17 trong Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam sách Chân trời sáng tạo. Với lời giải ngắn gọn nhưng đủ ý hy vọng sẽ giúp các học sinh dễ dàng nắm được cách làm bài tập Chuyên đề Sử 10.

Chuyên đề Lịch sử 10 trang 17 Chân trời sáng tạo

Câu hỏi trang 17 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, trong lịch sử kinh tế Việt Nam, thời kì nào sản xuất ra nhiều lúa gạo nhất? Ngành kinh tế nào xuyên suốt trong lịch sử kinh tế Việt Nam? Tại sao?

Lời giải:

- Trong lịch sử kinh tế Việt Nam, thời kì hiện đại, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1986 đến nay, sản xuất ra nhiều lúa gạo nhất, do có áp dụng những thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại và gieo trồng nhiều giống lúa mới cho năng suất và chất lượng cao. Ví dụ như: giống lúa BC15; giống lúa TBR225; giống lúa ST25…

- Nông nghiệp là ngành kinh tế xuyên suốt trong lịch sử kinh tế Việt Nam, vì:

+ Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, như: có nhiều đồng bằng rộng lớn, đất đai màu mỡ, sông ngòi dày đặc, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mưa nhiều,...

+ Nông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống, tạo ra nguồn lương thực nuôi sống con người.

+ Phần đông dân số Việt Nam sinh sống ở nông thôn (năm 2019, tỉ lệ dân số Việt Nam sống ở nông thôn đạt 65%).

Luyện tập 1 trang 17 Chuyên đề Lịch sử 10: Tại sao thông sử thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu lịch sử?

Lời giải:

- Do ưu điểm trình bày nhiều tri thức tổng quan, toàn diện, đầy đủ về quá trình lịch sử, nên thông sử thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Luyện tập 2 trang 17 Chuyên đề Lịch sử 10: Trình bày mối quan hệ giữa các lĩnh vực sử học. Lí giải tại sao lại có mối quan hệ này?

Lời giải:

- Lịch sử được trình bày theo nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội loài người như: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tư tưởng,... Các lĩnh vực này có mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau.

- Sở dĩ có mối quan hệ trên là do: trong quá khứ, con người thực hiện nhiều hoạt động trên các lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế, xã hội… và những hoạt động này có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân, bài làm trên mang tính tham khảo.

Vận dụng 1 trang 17 Chuyên đề Lịch sử 10: Hãy lựa chọn một số sự kiện lịch sử và trình bày theo cách biên niên.

Lời giải:

(*) Lựa chọn: Các sự kiện tiêu biểu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở Việt Nam

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 diễn ra qua ba chiến dịch: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Hồ Chí Minh.

* Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 - 3 đến ngày 24 - 3)

- Ngày 4/3/1975, quân dân Việt Nam tập trung chủ lực mạnh với vũ khí, kĩ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên.

- Ngày 10/3/1975, quân dân Việt Nam giành thắng lợi quan trọng tại Buôn Ma Thuột.

- Ngày 12/3/1975, chính quyền Sài Gòn phản công định chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng không thành. Hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển, quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.

- Ngày 14/3/1975, quân đội Sài Gòn rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung.

- Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng.

=> Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

* Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/1975).

- Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh, hết sức thuận lợi ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên tiến hành chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.

- Ngày 21/3, quân dân Việt Nam đánh thẳng vào căn cứ quân đội Sài Gòn ở Huế, chặn các đường rút chạy, hình thành thế bao vây quân đội Sài Gòn trong thành phố. Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 25/3, quân dân Việt Nam tiến vào cố đô Huế; đến ngày 26/3, giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên.

- Cùng thời gian này, quân dân Việt Nam tiến vào giải phóng thị xã Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai… tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.

- Sáng 29/3, quân dân Việt Nam từ ba phía bắc, tây, nam tiến thẳng vào thành phố Đà Nẵng. Đến 3 giờ chiều, toàn bộ thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

* Chiến dịch Hồ Chí Minh (24/6 đến 30/4/1975).

- Trước khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, quân dân Việt Nam tiến công Xuân Lộc và Phan Rang. Ngày 18/ 4/1975, Tổng thống Mĩ ra lệnh di tản hết người Mĩ khỏi Sài Gòn. Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống.

- Khoảng 5 giờ chiều ngày 26 /4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân cùng lúc vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng.

- 10 giờ 45 phút, xe tăng của quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn.

- 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 17 Chuyên đề Lịch sử 10: Sưu tầm tư liệu về kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Lời giải:

* Bài tham khảo: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam qua 35 năm đổi mới đất nước (1986 - 2021)

- Giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của Việt Nam chỉ đạt 4,4% / năm.

- Giai đoạn 1991 - 1995, đất nước dần dần ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái. Nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó: tốc độ tăng trưởng tương đối cao, GDP bình quân tăng 8,2%/năm.

- Giai đoạn 1996 - 2000: Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực (giai đoạn 1997 - 1999) và thiên tai nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. GDP bình quân của cả giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7% / năm.

- Giai đoạn 2001 - 2005: Sự nghiệp đổi mới ở giai đoạn này đi vào chiều sâu, việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 và Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 mà Đại hội IX của Đảng thông qua đã đạt được những kết quả nhất định. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, theo hướng tích cực, GDP tăng bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%.

- Giai đoạn 2006 - 2010: Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, từ nhóm nước thu thập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). GDP bình quân 5 năm đạt 7%.

- Giai đoạn 2011 - 2015: Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,68% / năm.

- Giai đoạn 2016 - 2020: với sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân đạt mức 6,8%. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

(Nguồn khai thác thồng tin: trang web của Tổng cục thống kê; Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xhcn Việt Nam…)

Xem thêm lời Giải Bài tập Chuyên đề Sử 10 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác: