Soạn bài Tri thức tổng quát trang 4 - Kết nối tri thức
Haylamdo sưu tầm và biên soạn bài Tri thức tổng quát trang 4 Chuyên đề Văn 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Ngữ văn 12.
Soạn bài Tri thức tổng quát trang 4 - Kết nối tri thức
Khái niệm văn học hiện đại
Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm văn học hiện đại. Thứ nhất, văn học hiện đại là một thời đại văn học, phân biệt với văn học trung đại. Giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về thời điểm ra đời của văn học hiện đại, song nhiều học giả cho rằng, ở phương Tây, văn học hiện đại manh nha từ thời Phục hưng (thường được gọi là hiện đại sơ kì), bắt đầu định hình rõ nét về tư tưởng và đường hướng vận động từ khoảng thế kỉ XVIII - XIX. Từ đây, văn học bước sang một giai đoạn mới, thoát khỏi những khuôn mẫu của văn học trung đại, đề cao cá tính, chú trọng cách tân về hình thức nghệ thuật, phát triển với một nhịp độ đặc biệt mau lẹ, dẫn đến sự thay thế liên tục của các trào lưu, trường phái văn học như: chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại,... ở Việt Nam, văn học bước sang quỹ đạo hiện đại từ đầu thế kỉ XX và chính thức khẳng định sự tồn tại từ thập niên ba mươi của thế kỉ XX, với sự ra đời của các "dòng" văn học như lãng mạn, hiện thực. Thứ hai, văn học hiện đại là một trào lưu văn học (được gọi là văn học hiện đại chủ nghĩa) hình thành ở phương Tây vào cuối thế kỉ XIX , đầu thế kỉ XX và phát triển đặc biệt mạnh mẽ vào những năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với đặc trưng là cảm quan bất an, bi đát và hoài nghi sâu sắc về con người; áp dụng phổ biến các thủ pháp nghệ thuật như ám dụ, kết cấu phân mảnh, kĩ thuật dòng ý thức,... Thứ ba, văn học hiện đại có thể được hiểu như một khuynh hướng nghệ thuật, nhăm chỉ tính chất cách tân, phá bỏ khuôn mẫu, giải phóng cá tính trong văn chương. Hiểu theo nghĩa này, có thể nói, khuynh hướng hiện đại đã xuất hiện thấp thoáng trong các tác phẩm văn học trước thời kì hiện đại, ví dụ như truyện ngắn của Bô-ca-xi-ô (Boccaccio) ở Ý, tiểu thuyết của Ra-bơ-le (Rabelais) ở Pháp; tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Quản, Hoàng Ngọc Phách ở Việt Nam,... Trong chuyên đề này, văn học hiện đại được hiểu theo nghĩa một thời đại văn học.
Đặc trưng của văn học hiện đại
- Ý thức về cá tính và phong cách cá nhân: Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của văn học hiện đại là sự để cao cá tính. Khác với văn học trung đại, văn học hiện đại khẳng định tiếng nói của cái tôi, cái riêng như một cá thể duy nhất, không lặp lại.
- Sự phá vỡ điển phạm: Văn học hiện đại có xu hướng phá vỡ những điển phạm, khuôn mẫu nhận thức và biểu đạt đã định hình trong văn học trung đại. Trong thơ ca, sự phá vỡ điển phạm thể hiện ở việc chống lại các công thức gò bó, sáng tạo ra những hình ảnh, cách thức biểu đạt mới, những thể thơ mới,...; ví dụ, những cách kết hợp từ ngữ mới lạ trong thơ của nhóm Xuân thu nhã tập, những bài thơ không vần của Nguyễn Đình Thi,...
- Sự cách tân về nghệ thuật: Ý thức đề cao cá tính và sự phá bỏ những điển phạm của văn học trung đại đã mở đường cho những cách tân nghệ thuật mang tính đột phá trong văn học hiện đại. Các trào lưu văn học liên tục thay thế, phủ định lẫn nhau. Thơ tượng trưng chủ nghĩa đề cao trực giác, chống lại nguyên tắc giãi bày cảm xúc của thơ ca lãng mạn, nhấn mạnh vai trò của âm nhạc, chủ trương sử dụng các ám dụ, biểu tượng, tạo nên một mạch liên kết nhìn bề ngoài có vẻ rời rạc, đứt đoạn, không liên tục. Thơ siêu thực chủ nghĩa lại đi sâu thăm dò tiềm thức, chủ trương một lối viết tự động, để cho "ngòi bút tự chạy trên trang giấy".
- Cảm quan cô đơn, bất an, hoài nghi trước thực tại: Khác với thái độ an nhiên, điềm tĩnh thường thấy trong các tác phẩm trung đại, văn học hiện đại thể hiện nỗi cô đơn, sầu muộn của chủ thể và cái nhìn bi đát, tuyệt vọng, hoang mang trước một thực tại xa lạ, hỗn độn, phi lí. Âm hưởng chủ đạo trong văn học hiện đại là nỗi buồn sầu, cảm giác bị vây bủa trước một thế giới chật chội "Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối" (Xuân Diệu); cảm giác muốn trốn chạy khỏi một thế giới đổ vỡ “anh đưa em đi trốn/ những giày vò ngày mai" (Thanh Tâm Tuyền).
Tham khảo các bài soạn Chuyên đề Văn 12 Chuyên đề 1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học hiện đại hay khác: