Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật
Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật là yếu tố hóa học và yếu tố lí học:
Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật
Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật là yếu tố hóa học và yếu tố lí học:
1. Chất hoá học
a. Chất dinh dưỡng
- Đối với vi sinh vật, các chất hữu cơ cơ bản cấu thành nên sự sống như cacbohiđrat, prôtêin, lipit,… được xem là các chất dinh dưỡng
.- Một số chất vô cơ (Zn, Mo,…) và một số chất hữu cơ (vitamin, axit amin,…) cần cho sự sinh trưởng của vi sinh vật nhưng với hàm lượng rất ít được gọi là các nhân tố sinh trưởng.
- Dựa vào khả năng tự tổng hợp các nhân tố sinh trưởng, người ta phân chia vi sinh vật thành 2 nhóm chính, đó là vi sinh vật nguyên dưỡng và vi sinh vật khuyết dưỡng.
b. Chất ức chế sinh trưởng
- Một số chất hoá học mà khi có mặt trong môi trường có tác dụng kìm hãm hoạt động cũng như sự sinh trưởng của vi sinh vật. Chúng được gọi chung là chất ức chế sinh trưởng.
- Hiện nay, những chất hoá học phổ biến dùng để ức chế sinh trưởng của vi sinh vật được xếp vào một trong các nhóm sau :
+ Các hợp chất phênol
+ Các loại cồn (êtanol, izôprôpanol 70 – 80%)
+ Iôt, rượu iôt (2%)
+ Clo (natri hipôclorit), cloramin
+ Các hợp chất kim loại nặng (thuỷ ngân, bạc,…)
+ Các anđêhit (phoocmanđêhit 2%)
+ Các loại khí êtilen ôxit (10 – 20%)
+ Các chất kháng sinh
2. Các yếu tố lí học
a. Nhiệt độ
- Nhiệt độ ảnh hưởng đến tốc độ của các phản ứng sinh hoá học trong cơ thể, tăng cường hoặc kìm hãm sự sinh sản của vi sinh vật. Nhiệt độ cao thường làm biến tính các loại prôtêin, axit nuclêic.
- Dựa vào khả năng chịu nhiệt, người ta phân chia vi sinh vật làm 4 nhóm : vi sinh vật ưa lạnh, vi sinh vật ưa ấm, vi sinh vật ưa nhiệt và vi sinh vật ưa siêu nhiệt.
b. Độ ẩm
- “Ở đâu có nước là ở đó có sự sống”, do đó, độ ẩm là một trong những yếu tố tiên quyết phạm vi phân bố của các loài vi sinh vật.
- Nhìn chung, vi khuẩn là nhóm sinh vật đòi hỏi độ ẩm cao hơn so với nấm men và nấm sợi. Chính vì vậy người ta có thể ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật thông qua việc điều chỉnh độ ẩm của môi trường mà chúng đang sinh sống.
c. pH
- Độ pH ảnh hưởng đến tính thấm qua màng, hoạt động chuyển hoá vật chất trong tế bào, hoạt tính enzim, sự hình thành ATP,…
- Dựa vào mức độ thích nghi với pH của môi trường, người ta phân chia vi sinh vật thành 3 nhóm chính : vi sinh vật ưa axit, vi sinh vật ưa kiềm và vi sinh vật ưa pH trung tính.
d. Ánh sáng
- Ánh sáng là nhu cầu thiết yếu của những sinh vật quang tự dưỡng, quang dị dưỡng. Ngoài ra, ánh sáng còn tác động đến sự hình thành bào tử sinh sản, tổng hợp sắc tố, chuyển động hướng sáng,…
- Bức xạ ánh sáng có thể tiêu diệt hoặc ức chế hoạt động của vi sinh vật. Ví dụ : tia Rơn ghen có thể làm ion hoá các prôtêin và axit nuclêic của vi sinh vật khiến chúng bị đột biến hoặc bị huỷ hoại.
e. Áp suất thẩm thấu
- Sự chênh lệch áp suất thẩm thấu có thể gây phản ứng co nguyên sinh, ức chế sự phân chia của vi sinh vật hoặc làm phá vỡ tế bào do tác động của hiện tượng trương nước. Dựa vào cơ chế này, người ta đã ứng dụng vào thực tiễn để kìm hãm hoạt động của vi sinh vật. Ví dụ điển hình là việc ngâm rau quả vào nước muối để loại bỏ, giảm thiểu lượng vi sinh vật còn sót lại trên bề mặt của chúng.