Đề kiểm tra 1 tiết Thơ lớp 9 Học kì 2 năm 2023 có đáp án (4 đề)
Đề kiểm tra 1 tiết Thơ lớp 9 Học kì 2 năm 2023 có đáp án (4 đề)
Với Đề kiểm tra 1 tiết Thơ lớp 9 Học kì 2 năm 2023 có đáp án (4 đề) được tổng hợp chọn lọc từ đề thi môn Ngữ văn 9 của các trường trên cả nước sẽ giúp học sinh có kế hoạch ôn luyện từ đó đạt điểm cao trong các bài thi Văn lớp 9.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Học kì 2
Năm học 2023
Môn: Văn 9 - phần Thơ
Thời gian làm bài: 45 phút
(Đề kiểm tra số 1)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
1. Đâu không phải là những hình ảnh, hiện tượng của đất trời khi chuyển mình sang thu trong cảm nhận của nhà thơ Hữu Thỉnh?
a. Hương ổi phả trong gió se
b. Lá vàng rơi
c. Dòng sông bắt đầu vội vã
d. Đám mây hạ - thu
2. Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là:
a. Biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi con người
b. Sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cái tôi cá nhân với cái ta cộng đồng
c. Nguyện ước muốn làm một mùa xuân cống hiến những gì tươi đẹp nhất cho cuộc đời, cho đất nước một cách khiêm nhường và lặng lẽ.
d. Cả a, b, c
3. Bài thơ Con cò được rút ra từ tập thơ nào của nhà thơ Chế Lan Viên?
a. Ánh sáng và phù sa (1960)
b. Hoa ngày thường – chim báo bão (1967)
c. Hái theo mùa (1977)
d. Hoa trên đá (1984)
4. Nội dung chính của bài thơ Mây và sóng là gì?
a. Ca ngợi tình cảm của đứa con dành cho mẹ
b. Ca ngợi công lao của người mẹ đối với con
c. Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên
d. Ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt
5. Dòng nào dưới đây nêu đầy đủ tên các bài thơ có nội dung đề cập đến tình cảm của cha mẹ đối với con cái?
a. Con cò, Nói với con, Mây và sóng
b. Sang thu, con cò
c. Nói với con, Viếng lăng Bác
d. Mùa xuân nho nhỏ, Con cò, Nói với con
6. Câu thơ: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
a. Ẩn dụ b. So sánh c. Nhân hóa d. Hoán dụ
II. Tự luận (7 điểm)
1. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con. (4đ)
2. Chép lại chính xác khổ thơ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh và nêu cảm nhận của em về đoạn thơ đó. (3đ)
Đáp án và thang điểm
I. Phần trắc nghiệm
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
b | d | b | d | a | c |
II. Phần tự luận
1.
HS viết được một đoạn văn nêu cảm nhận của bản thân về đoạn thơ trên, về cơ bản phải nêu được các nội dung sau:
- Đoạn thơ là sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về tình cảm mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng, ca ngợi tình mẹ, lòng mẹ thương con. (1đ)
- Hình ảnh người mẹ được hình tượng hóa trong hình ảnh con cò quen thuộc trong ca dao để nói lên sự gắn bó máu thịt, sự quan tâm dìu dắt suốt đời của mẹ dành cho con cái, dù cho ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào. (2đ)
- Hình tượng nghệ thuật độc đáo, âm hưởng lời ru ngọt ngào, triết lí sâu xa. (1đ)
2.
Chép lại chính xác khổ thơ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi. (1đ)
HS nêu cảm nhận về đoạn thơ đó, về cơ bản phải nêu được những nét sau:
- Vẻ đẹp của sự giao mùa, của tâm hồn con người giao cảm với thiên nhiên và mang đầy dự cảm, thể hiện sự chiêm nghiệm và suy tư của nhà thơ. (0.5đ)
- Những tia nắng hạ vẫn còn, cơn mưa ồ ạt cũng vơi dần đi. Nắng – mưa là hai hình ảnh tương phản chuyển giao của đất trời trước thời khắc giao mùa. (0.5đ)
- Hai dòng thơ cuối vừa mang nét nghĩa tả thực, vừa là hình ảnh ẩn dụ :
+ Ý nghĩa tả thực: sấm gắn với cơn mưa mùa hạ cũng đã bớt dần. (1đ)
+ Ý nghĩa ẩn dụ: Sấm - những gì bất thường dữ dội trong cuộc sống, hàng cây đứng tuổi - người từng trải. Con người từng trải sẽ bình thản hơn, trưởng thành hơn, điềm đạm chín chắn hơn với những bão tố của cuộc đời. (1đ)
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Học kì 2
Năm học 2023
Môn: Văn 9 - phần Thơ
Thời gian làm bài: 45 phút
(Đề kiểm tra số 2)
I. Trắc nghiệm (4 điểm)
1. Hai câu thơ: “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” được trích từ tác phẩm nào? Ai là tác giả?
a. Sang thu – Hữu Thỉnh
b. Nói với con – Y Phương
c. Viếng lăng Bác – Viễn Phương
d. Con cò – Chế Lan Viên
2. Theo Y Phương, cội nguồi sinh dưỡng nuôi con lớn khôn là:
a. Tình yêu thương của cha mẹ
b. Dòng sữa mát trong của mẹ
c. Chiếc nôi quê hương êm đềm
d. Tình yêu thương của cha mẹ và quê hương
3. Các từ in đậm trong hai câu thơ: “Môt mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời” thể hiện điều gì?
a. Sự nhỏ bé, mỏng manh
b. Sự khiêm nhường hiến dâng cho đời, cho quê hương, đất nước
c. Sự tận hiến cho cuộc đời
d. Mùa xuân giản dị, bình yên
4. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh cây tre trong bài thơ Viếng lăng Bác là:
a. Hình ảnh con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, bền bỉ
b. Phẩm chất trung – hiếu tiêu biểu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam
c. Cả a và b
5. Nội dung chính của bài thơ Mây và sóng là:
a. Ca ngợi tình cảm của đứa con dành cho mẹ
b. Ca ngợi công lao của người mẹ đối với con
c. Ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả, bất diệt
d. Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên
6. Dấu hiệu đầu tiên của mùa thu được Hữu Thỉnh cảm nhận trong bài Sang thu là:
a. Hương ổi
b. Sương qua ngõ
c. Tiếng sấm
d. Hàng cây đứng tuổi
7. Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải đã thể hiện thái độ dâng hiến cho đời như thế nào?
a. Sôi nổi, ồn ào
b. Tươi vui, náo nức
c. Lặng lẽ, khiêm nhường
d. Thành kính, nghiêm trang
8. Từ trời xanh trong câu: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi” sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
a. So sánh b. Nhân hóa c. Hoán dụ d. Ẩn dụ
II. Tự luận (6 điểm)
1. Đọc câu thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Ta làm con chim hót”
a. Chép lại chính xác 7 câu thơ tiếp theo. (1đ)
b. Nêu cảm nhận của em về ước nguyện sống cao đẹp của tác giả trong đoạn thơ trên. (2đ)
2. Trong bài thơ Nói với con, người cha nhắc nhở người con về những đức tính cao đẹp nào của “người đồng mình”. Nêu cảm nhận của em về 4 câu cuối bài thơ:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con” (3đ)
Đáp án và thang điểm
I. Phần trắc nghiệm
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
c | d | b | c | c | a | c | d |
II. Phần tự luận
1.
Đọc câu thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Ta làm con chim hót”
a. Chép lại chính xác 7 câu thơ tiếp theo:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc. (1đ)
b. Nêu cảm nhận của em về ước nguyện sống cao đẹp của tác giả trong đoạn thơ trên.
HS nêu được các ý cơ bản sau:
- 2 đoạn thơ thể hiện ước muốn của tác giả được cống hiến cho đất nước, dân tộc. (0.25đ)
- Những điều nguyện hóa thân của tác giả thật đơn sơ và bình dị, nhỏ nhoi và chân tình: “con chim hót”, “một nhành hoa”, “một nốt trầm xao xuyến” nghệ thuật lặp “Ta làm” thể hiện ước muốn thôi thúc khôn nguôi, (0.25đ)
- Tác giả nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho mùa xuân đất nước, góp mùa xuân nho nhỏ của mình hòa vào mùa xuân lớn lao của dân tộc. Tác giả nguyện sẽ mãi mãi được làm việc, được hi sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân lẫn khi về già, mong ước ấy mãi luôn cháy bỏng. (0.5đ)
2.
- Những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” là:
+ Dễ thương, giàu tình cảm.
+ Thủy chung, gắn bó với quê hương.
+ Hồn nhiên, mạnh mẽ.
+ Bản lĩnh, bền bỉ
+ Mộc mạc, chân chất mà to lớn, kiêu hãnh. (1đ)
- Cảm nhận về 4 câu cuối bài thơ:
+ Lời nói của cha đầy trìu mến và tin tưởng, thôi thúc con đi trên đường đời. (0.5đ)
+ Tuy thô sơ da thịt nhưng không nhỏ bé, “Nghe con” nghe sao trìu mến thân thương. Lời cha thốt lên tự đáy lòng: dù ở bất cứ đâu vẫn không quên nguồn cội, luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp, gắn bó với mảnh đất quê hương mình. Đó là nơi mang đậm những đức tính quý báu và tâm hồn cao đẹp. Mong con vượt lên khó khăn, tiếp nối truyền thống để sống có nghĩa, có tình. (1.5đ)
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Học kì 2
Năm học 2023
Môn: Văn 9 - phần Thơ
Thời gian làm bài: 45 phút
(Đề kiểm tra số 3)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
1. Nối tên tác phẩm ở cột A với năm sáng tác ở cột B cho phù hợp
A | B |
1. Con cò | a. 1980 |
2. Sang thu | b. 1977 |
3. Viếng lăng Bác | c. 1962 |
4. Mùa xuân nho nhỏ | d. 1976 |
2. Cách xưng hô “con – Bác” của Viễn Phương trong bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện điều gì?
a. Sự gần gũi, thân thương
b. Sự thành kính, nghiêm trang
c. Sự ngưỡng mộ, biết ơn chân thành
d. Cả a, b, c
3. Lựa chọn từ thích hợp nhất để điền vào chỗ... trong nhận định sau: “Bài thơ con cò không chỉ đề cao tình mẫu tử thiêng liêng mà còn khẳng định ý nghĩa của...đối với cuộc đời mỗi con người”.
a. Lòng biết ơn
b. Sự thiếu thảo
c. Lời hát ru
d. Sự yêu thương
4. Câu thơ: “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” ngoài nghĩa tả thực còn sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
a. So sánh b. Ẩn dụ c. Nhân hóa d. Hoán dụ
5. Nội dung bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là:
a. Vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất nước
b. Tâm trạng tươi vui, rộn ràng của nhà thơ khi nhìn ngắm vẻ đẹp mùa xuân của thiên nhiên, đất nước
c. Tiếng lòng yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; đồng thời thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến, góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc
d. Nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng mùa xuân đất nước
II. Tự luận (7 điểm)
1. Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
a. Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ nào? Của tác giả nào? (0.5đ)
b. Trong chương trình ngữ văn 9 cũng có một bài thơ thể hiện ước muốn cống hiến của tác giả với quê hương, đất nước. Đó là bài thơ nào? (0.5đ)
c. Cảm nhận của em về đoạn thơ trên. (2đ)
2. Chứng minh rằng: “Sang thu thể hiện cảm xúc tinh tế của Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu”. (4đ)
Đáp án và thang điểm
I. Phần trắc nghiệm
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
1 – c; 2 – b; 3 - d; 4 - a | d | c | b | c |
II. Phần tự luận
1.
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
a. Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. (0.5đ)
b. Trong chương trình ngữ văn 9 cũng có một bài thơ thể hiện ước muốn cống hiến của tác giả với quê hương, đất nước. Đó là bài thơ mùa xuân nho nhỏ. (0.5đ)
c. Cảm nhận về đoạn thơ trên.
- Tình cảm của tác giả khi đứng giữa lăng Bác mà nghĩ đến cảnh ngày mai phải xa lìa mà bịn rịn, trào dâng niềm xúc động khôn nguôi “thương trào nước mắt”.(0.5đ)
- Lời nói tha thiết, chân thành, nỗi đau thương không nói thành lời. (0.5đ)
- Ước nguyện thành kính, tự nguyện của tác giả qua điệp từ “muốn làm”. Tác giả mong muốn hóa thân thành những vật xung quanh để quây quần bên Người, giữ cho Người giấc ngủ yên bình giữa dòng đời biến động: “con chim”, “đóa hoa” , “cây tre”. Hình ảnh cây tre xuất hiện cuối bài là phẩm chất bao đời của con dân nước Việt. (0.5đ)
- Lời thơ mang cảm xúc chân thành, ước muốn giản dị. (0.5đ)
2..
Chứng minh rằng: “Sang thu thể hiện cảm xúc tinh tế của Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu”. (4đ)
HS chứng minh qua các khổ thơ
- Khổ thơ 1; 2: Cảm nhận tinh tế của tác giả trước sự biến đổi của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu.
Khổ 1 (1đ)
+ Bỗng nhận ra => sự bất ngờ, sửng sốt, chưa được báo trước.
+ Hương ổi phả vào trong gió se, sương giăng mắc ngoài ngõ..là những dấu hiệu đặc trưng báo hiệu khoảnh khắc giao mùa, rằng thu đã về!
+ Phả: động từ diễn tả sự chủ động tác động của mùa thu vào cảnh vật.
+ Hình như diễn tả tâm trạng còn chưa chắc chắc. Tâm hồn thi sĩ có sự cảm nhận thật tinh tế.
Khổ 2 (1đ)
+ Cảm nhận về bức tranh mùa thu được miêu tả ở tầm cao, xa. Dòng sông mùa thu cũng trôi chậm rãi, không bị những cơn mưa mùa hạ thúc giục hối hả nữa. Ngược lại là đàn chim hối hả bay về phương Nam chuẩn bị tránh rét. Nghệ thuật đối “dềnh dàng” >< “hối hả” => trạng thái chủ động.
+ Đám mây mùa hạ được nhân hóa, diễn tả sự dùng dằng, luyến tiếc, thể hiện sự níu kéo thời gian.
→ Mùa thu đặc trưng của miền Bắc
- Khổ thơ 3: Suy ngẫm của tác giả về triết lý nhân sinh trong cuộc đời con người.
+ Những tia nắng hạ vẫn còn, cơn mưa ồ ạt cũng vơi dần đi. Nắng – mưa là hai hình ảnh tương phản chuyển giao của đất trời trước thời khắc giao mùa.
Hai dòng thơ cuối vừa mang nét nghĩa tả thực, vừa là hình ảnh ẩn dụ :
+ Ý nghĩa tả thực: sấm gắn với cơn mưa mùa hạ cũng đã bớt dần.
+ Ý nghĩa ẩn dụ: Sấm - những gì bất thường dữ dội trong cuộc sống, hàng cây đứng tuổi - người từng trải. Con người từng trải sẽ bình thản hơn, trưởng thành hơn, điềm đạm chín chắn hơn với những bão tố của cuộc đời. (1đ)
→ Khẳng định lại nhận định trên.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Học kì 2
Năm học 2023
Môn: Văn 9 - phần Thơ
Thời gian làm bài: 45 phút
(Đề kiểm tra số 4)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
1. Nối tên tác phẩm ở cột A với nội dung ở cột B sao cho phù hợp
A | B |
1. Con cò | a. Tình cảm của người cha đối với con; ngợi ca truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ, vẻ đẹp tâm hồn của người dân miền núi. |
2. Mùa xuân nho nhỏ | b. Ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa lời ru đối với cuộc sống mỗi con người. |
3. Nói với con | c. Niềm xúc động thành kính của nhà thơ và mọi người đối với Bác khi vào viếng lăng Bác. |
4. Viếng lăng Bác | d. Tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước và cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước. |
2. Đức tính cao đẹp của “người đồng mình” trong câu thơ: “Người đồng mình thô sơ da thịt – Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con” mà người cha nói với con trong bài thơ “Nói với con” là:
a. Dễ thương, giàu tình cảm
b. Hồn nhiên, mạnh mẽ
c. Mộc mạc, chân chất mà to lớn, kiêu hãnh
d. Bản lĩnh, bền bỉ
3. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” là:
a. So sánh và nhân hóa
b. Ẩn dụ và nhân hóa
c. Hoán dụ và so sánh
d. Hoán dụ và ẩn dụ
4. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên là gì?
a. Cuộc sống đầy đủ của đứa con
b. Cuộc sống lam lũ nhưng thanh bình ở làng quê
c. Tấm lòng của người mẹ và ý nghĩa của những lời hát ru
d. Tình cảm và phẩm chất cao quý của người mẹ
5. Hình ảnh “Hàng cây đứng tuổi” trong bài thơ Sang thu có ý nghĩa biểu tượng nào?
a. Hình ảnh hàng cây già đi theo năm tháng
b. Hàng cây qua bao mùa thay lá
c. Con người từng trải đã đi qua nhiều giông bão của cuộc đời nay trở nên vững chãi, chín chắn.
II. Tự luận (7 điểm)
1. Trong bài thơ “Viếng lăng Bác”, tác giả Viễn Phương đã viết hai câu thơ có sử dụng hình ảnh mặt trời.
a. Em hãy chép lại chính xác hai câu thơ ấy. (1đ)
b. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh đó. (1đ)
2. Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
a. Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Ai là tác giả? (1đ)
b. Chỉ ra tính ẩn dụ của hai hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi” (2đ)
c. Viết đoạn văn từ 7 - 10 câu nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên. (4đ)
Đáp án và thang điểm
I. Phần trắc nghiệm
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
1 – b, 2 – d, 3 – a, 4 -c | c | b | c | c |
II. Phần tự luận
1.
Trong bài thơ “Viếng lăng Bác”, tác giả Viễn Phương đã viết hai câu thơ có sử dụng hình ảnh mặt trời.
a. Em hãy chép lại chính xác hai câu thơ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. (1đ)
b. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh đó.
- Câu thơ thể hiện niềm tôn trọng, thành kính của tác giả, cũng như là của dân tộc đối với Bác.
- Câu thơ có 2 hình ảnh mặt trời: một mặt trời thực tế trong cuộc sống, một mặt trời mang ý nghĩa ẩn dụ.
+ Mặt trời thực tế: mặt trời đi qua trên lăng trong câu thơ thứ nhất. Đây là hình ảnh mặt trời tự nhiên, mang ánh sáng, sự sống đến cho muôn loài. Nghệ thuật nhân hóa “đi”, “thấy” chan chứa niềm tôn kính.
+ Mặt trời trong lăng: hình ảnh ẩn dụ cho Bác Hồ - người mang lại ánh sáng, ấm no, xua tan đêm trường nô lệ cho dân tộc Việt Nam(1đ)
2.
Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
a. Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh. (1đ)
b. Tính ẩn dụ của hình ảnh
- “sấm” : hiện tượng tự nhiên, ẩn dụ cho những giông bão, thăng trầm, biến thiên của cuộc đời (1đ)
- “hàng cây đứng tuổi”: hàng cây đi qua nhiều năm tháng, ẩn dụ cho lớp người trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. (1đ)
c. Viết đoạn văn từ 7 - 10 câu nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên. (4đ)
HS nêu cảm nhận về đoạn thơ đó, về cơ bản phải nêu được những nét sau:
- Vẻ đẹp của sự giao mùa, của tâm hồn con người giao cảm với thiên nhiên và mang đầy dự cảm, thể hiện sự chiêm nghiệm và suy tư của nhà thơ. ( 1đ)
- Những tia nắng hạ vẫn còn, cơn mưa ồ ạt cũng vơi dần đi. Nắng – mưa là hai hình ảnh tương phản chuyển giao của đất trời trước thời khắc giao mùa. ( 1đ)
- Hai dòng thơ cuối vừa mang nét nghĩa tả thực, vừa là hình ảnh ẩn dụ :
+ Ý nghĩa tả thực: sấm gắn với cơn mưa mùa hạ cũng đã bớt dần. (1đ)
+ Ý nghĩa ẩn dụ: Sấm - những gì bất thường dữ dội trong cuộc sống, hàng cây đứng tuổi - người từng trải. Con người từng trải sẽ bình thản hơn, trưởng thành hơn, điềm đạm chín chắn hơn với những bão tố của cuộc đời. (1đ)