Giải Địa Lí 12 trang 40 Kết nối tri thức
Với Giải Địa Lí 12 trang 40 trong Bài 7: Lao động và việc làm Địa 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Địa Lí 12 trang 40.
Giải Địa Lí 12 trang 40 Kết nối tri thức
Câu hỏi trang 40 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục III, hãy:
- Phân tích vấn đề việc làm ở nước ta.
- Nêu các hướng giải quyết việc làm ở nước ta.
Lời giải:
- Vấn đề việc làm ở nước ta:
+ Việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư tạo việc làm.
+ Hầu hết lao động nước ta có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm khá thấp. Khu vực thành thị thường có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn khu vực nông thôn.
+ Việc làm là một vấn đề kinh tế - xã hội lớn ở nước ta hiện nay. Các việc làm giản đơn còn phổ biến, những việc làm này có năng suất thấp, thu nhập không cao.
+ Những năm gần đây, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đem lại cho người lao động ở nước ta nhiều cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề và chất lượng lao động.
+ Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về việc làm.
- Hướng giải quyết việc làm ở nước ta:
+ Hoàn thiện chính sách, luật pháp về lao động nhằm khuyến khích, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực đầu tư tạo việc làm.
+ Đẩy mạnh việc đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động, bao gồm cả trình độ chuyên môn kĩ thuật, kĩ năng làm việc, tác phong công nghiệp.
+ Phát triển hệ thống tư vấn, thông tin về thị trường lao động, việc làm để kết nối thông tin lao động – việc làm nhanh nhất, giao dịch lành mạnh và hiệu quả.
+ Xây dựng và thực hiện tốt hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tích cực để người mất việc sớm trở lại làm việc.
+ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động.
Luyện tập trang 40 Địa Lí 12: Dựa vào bảng 7.1, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và năm 2021. Nêu nhận xét.
Lời giải:
- Vẽ biểu đồ:
- Nhận xét: Nhìn chung cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và năm 2021 đã có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng trong ngành nông – lâm – thủy sản, tăng tỉ trọng trong ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, cụ thể:
+ Tỉ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giảm từ 65,1% năm 2000 xuống chỉ còn 29,1% năm 2021, giảm 36%.
+ Tỉ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng trong ngành công nghiệp và xây dựng, tăng từ 13,1% năm 2000 lên 33,1% năm 2021, tăng 20%.
+ Tỉ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng trong ngành dịch vụ, tăng từ 21,8% năm 2000 lên 37,8% năm 2021, tăng 16%.
Vận dụng trang 40 Địa Lí 12: Sưu tầm thông tin, tìm hiểu về một số ngành nghề mới có nhiều cơ hội việc làm ở nước ta.
Lời giải:
1. Ngành Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin là một ngành học "hot" đặc biệt, với xu hướng làm việc từ xa, khi các công ty dần chuyển qua hình thức làm việc trực tuyến, đã kéo theo nhu cầu tuyển dụng lập trình viên và kỹ sư phần mềm tăng cao. Ngành này đòi hỏi người học phải hội tụ nhiều yếu tố như: Chịu được áp lực công việc cao; Có kiến thức sâu rộng về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực bổ trợ khác; Sáng tạo và tư duy khoa học; Thích ứng nhạy bén với tốc độ phát triển của lĩnh vực trên toàn cầu; Thành thạo ngoại ngữ… Có thể nói đây là một ngành học lý tưởng và đầy triển vọng trong tương lai. Bất cứ ngành công nghiệp nào cũng đều cần đến sự hiện diện của công nghệ thông tin, chính vì lý do đó mà ngành học này được dự báo vẫn tiếp tục hấp dẫn trong tuyển dụng.
2. Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe
Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang thay đổi qua từng ngày. Khách hàng hiện nay đang cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe riêng tư với chất lượng tốt hơn, đây cũng là một tín hiệu tốt tạo cơ hội việc làm cho nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn ngành học này trong những năm tới. Mức lương cơ bản của ngành này tại Việt Nam theo trang Cao Đẳng Việt Mỹ, rơi vào khoảng từ 6-15 triệu/tháng và còn tiếp tục tăng theo cấp bậc và kinh nghiệm của người làm.
3. Ngành Marketing
Tính tới năm 2025, ngành Marketing cần tới ít nhất 21.600 người. Ngành Marketing hiện thu hút được rất nhiều sự quan tâm của sinh viên bởi môi trường học năng động, cơ hội việc làm đa dạng, mức thu nhập tốt cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngành Marketing đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, và được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi. Rất nhiều các công ty và doanh nghiệp đang tích cực tuyển dụng nhân sự marketing với mức lương cao và đãi ngộ hấp dẫn.
4. Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Theo thống kê trong 3 năm tới, lĩnh vực Logistics cần khoảng 18.000 lao động. Tương lai của ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Theo Tổng cục Thống kê, mức lương khởi điểm của một nhân viên Logistics tại Việt Nam vào khoảng 350-500 USD/tháng; mức lương trung bình của vị trí Quản lý Logistics là 3.000-4.000 USD/tháng và Giám đốc Chuỗi cung ứng là 5.000-7.000 USD/tháng.