Giáo án Lịch sử 6 Bài 5: Sự chuyển biến từ xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp - Chân trời sáng tạo
Giáo án Lịch sử 6 Bài 5: Sự chuyển biến từ xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp - Chân trời sáng tạo
I. MỤC TIÊU
1. Kiến thức:
Thông qua bài học, HS nắm được:
- Quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của kim loại đối với sự chuyển biến từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp.
- Sự tan rã của xã hội nguyên thuỷ và sự hình thành xã hội có giai cấp trên thế giới và ở Việt Nam.
- Sự phân hoá không triệt để của xã hội nguyên thuỷ ở phương Đông.
2. Năng lực
* Năng lực chung:
- Năng lực giao tiếp, hợp tác: Trao đổi, thảo luận để thực hiện các nhiệm vụ học tập.
- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Sử dụng các kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế, tìm tòi, phát hiện giải quyết các nhiệm vụ trong cuộc sống.
* Năng lực riêng:
- Trình bày được quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của kim loại đối với sự chuyển biến từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp.
- Mô tả được sự hình thành xã hội có giai cấp.
- Giải thích được vì sao xã hội nguyên thuỷ tan rã.
- Nêu và giải thích được sự phân hoá không triệt để của xã hội nguyên thuỷ ở phương Đông.
- Nêu được một số nét cơ bản của xã hội nguyên thuỷ Việt Nam trong quá trình tan rã.
3. Phẩm chất
- Tình cảm đối với tự nhiên và nhân loại.
- Tôn trọng những giá trị nhân bản của loài người như sự bình đẳng trong xã hội.
- Tôn trọng di sản văn hoá của tổ tiên để lại.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Đối với giáo viên
- Giáo án, SGV, SGK Lịch sử và Địa lí 6.
- Sơ đồ mô phỏng sự chuyển biến xã hội cuối thời nguyên thủy.
- Các hình ảnh về công cụ bằng đồng, sắt của người nguyên thủy trên thế giới và ở Việt Nam
- Máy tính, máy chiếu (nếu có).
2. Đối với học sinh
- SGK Lịch sử và Địa lí 6.
- Tranh ảnh, tư liệu sưu tầm liên quan đến bài học (nếu có) và dụng cụ học tập theo yêu cầu của GV.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế hứng thú cho học sinh và từng bước làm quen bài học.
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề, HS trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS lắng nghe và tiếp thu kiến thức.
d. Tổ chức thực hiện:
- GV kể chuyện về người băng và yêu cầu HS quan sát Hình 5.1, trả lời câu hỏi:
? Tại sao chúng ta có thể biết người băng Ốt-di sống vào đầu thời kì đồ đồng - khi kim loại bắt đầu xuất hiện?
? Chi tiết nào cho thấy Ốt-di đã có “của ăn của để, có tích luỹ lương thực?
- HS tiếp nhận nhiệm vụ và trả lời câu hỏi:
- GV dẫn dắt vấn đề:
“Người băng Ốt-di hơn 5000 năm tuổi, được tìm thấy trong băng ở núi Alps thuộc nước I-ta-li-a, cùng với một số công cụ bằng kim loại nhự rìu đồng, mũi tên đồng. Đáng chú ý là trên người Ốt-di vẫn còn một mũi tên đồng cắm sau vai trái. Phát hiện này là một bằng chứng quan trọng giúp các nhà khoa học nghiên cứu về sự chuyên biển của xã hội cuối thời kì nguyên thủy, khi đá không còn là nguyên liệu duy nhất để chế tạo công cụ lao động hay vũ khí. Bài học này sẽ giúp chúng ta phần nào làm sáng tỏ những bí mật của người băng. Chúng ta cùng vào Bài 5 - Sự chuyển biến từ xã hội nguyên thủy sang xã hội các có giai cấp.
B. HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
Hoạt động 1: Tìm hiểu mục I.Sự xuất hiện của công cụ lao động bằng kim loại
a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS hiểu được người nguyên thủy đã luyện được đồng thau và sắt, công cụ kim loại ra đời sớm nhất ở Tây Á và Bắc Phi; việc chế tạo được công cụ lao đồng bằng kim loại giúp con người tăng được diện tích trồng trọt, một số công việc mới xuất hiện (luyện kim, chế tạo vũ khí,...).
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SGK, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.
c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân và trả lời câu hỏi.
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS |
DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: GV chuyển giao NV học tập - GV nhắc lại kiến thức, trước khi xuất hiện công cụ lao động bằng kim loại, người nguyên thủy sử dụng đá làm công cụ lao động. - GV yêu cầu HS đọc thông tin mục I SGK trang 27,28 và trả lời câu hỏi: |
I. Sự xuất hiện của công cụ lao động bằng kim loại |
? Kim loại được phát hiện ra như thế nào? |
- Kim loại được con người tình cờ phát hiện ra khi khai thác đá vào khoảng thiên niên kỉ IV TCN. |
? Đồng có ở đâu? Ngoài đồng ra, những kim loại nào còn được khai thác trong tự nhiên? |
- Đồng có sẵn trong tự nhiên, là đồng đỏ. Việc biết sử dụng lửa và làm đồ gốm dẫn đến việc luyện ra đồng thau, sắt. |
- GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp, quan sát Hình 5.2 đến 5.4 và trả lời câu hỏi: ? Công cụ và vật dụng bằng kim loại có điểm gì khác biệt về hình dáng, chủng loại so với công cụ bằng đá? |
- Điểm khác biệt của công cụ bằng kim loại so với công cụ bằng đá là: + Phong phú, đa dạng về chủng loại (có các loại công cụ như: mũi tên, kiếm, dao găm, lưỡi câu, lưỡi cày bằng kim loại…). + Hình dáng công cụ mảnh, thanh thoát và sắc bén hơn, hiệu quả hơn. |
- GV giới thiệu kiến thức: Như vậy, công cụ bằng kim loại đã thay thế hoàn toàn cho công cụ bằng đá. Đến thời đồng thau, đồ đá còn rất ít, đến thời đồ sắt đồ đá đã bị loại bỏ hoàn toàn. |
|
- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: ? Kim loại được sử dụng vào những mục đích gì trong đời sống của con người cuối thời nguyên thủy? |
- Kim loại được sử dụng vào các mục đích sau: + Chế tạo công cụ lao động, vũ khí… + Làm đồ trang sức (vòng tay…) + Khai thác mỏ (dùng dụng: búa, đục, lưỡi rìu bằng đồng… để khai thác mỏ). + Xuất hiện nghề luyện kim. |
- GV chốt kiến thức: Sự xuất hiện của công cụ lao động bằng kim loại đã tạo ra: chiến tranh giữa các bộ lạc, có đánh nhau giữa các cá nhân, có kẻ giàu người nghèo. Đã có chuyên môn hoá một số nghề trong xã hội. Xuất hiện nông nghiệp dùng lưỡi cày bằng sắt và sức kéo của động vật. |
|
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập - HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu. - GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết. |
|
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận - GV mời HS trả lời câu hỏi. - GV mời HS khác nhận xét, bổ sung. |
|
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới. |
Hoạt động 2: Tìm hiểu mục II. Sự chuyển biến trong xã hội nguyên thủy
a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS hiểu nhờ có công cụ bằng kim loại xuất hiện, đã tạo ra một lượng sản phẩm dư thừa; quá trình phân hóa xã hội và tan rã của xã hội nguyên thủy trên thế giới không giống nhau.
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SGK, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.
c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân, thảo luận theo cặp và trả lời câu hỏi.
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS |
DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: GV chuyển giao NV học tập - GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp, đọc thông tin mục II, quan sát Sơ đồ 5.5. SGK trang 28,29 và trả lời câu hỏi: |
II. Sự chuyển biến trong xã hội nguyên thủy |
? Nguyên nhân nào dẫn đến sự phân hoá xã hội thành người giàu và người nghèo? |
- Nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa xã hội thành “người giàu” và “người nghèo” là: tình trạng “tư hữu” (một số người có chức quyền trong thị tộc, bộ lạc đã chiếm hữu một phần của cải tập thể thành của riêng; điều này khiến cho quan hệ “công bằng và bình đẳng” bị phá vỡ) |
? Mối quan hệ giữa người với người như thế nào trong xã hội có phân hoá giàu, nghèo? |
- Trong xã hội có giai cấp: quan hệ công bằng – bình đẳng bị phá vỡ, thay vào đó là mối quan hệ bất bình đẳng giữa các giai cấp. + Giai cấp thống trị nắm trong tay quyền lực, được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi. + Giai cấp bị thống trị không được hưởng đặc quyền, đặc lợi; bị áp bức. |
- GV giới thiệu kiến thức: Quá trình phân hóa xã hội và tan rã của xã hội nguyên thủy trên thế giới không giống nhau, diễn ra không đồng đều ở những khu vực khác nhau: + Không đồng đều về mặt thời gian: có nơi sớm hơn, có nơi muộn hơn. + Không đồng đều về mức độ triệt để (triệt để được hiểu với nghĩa ở mức độ cao nhất không còn có thể hơn về tất cả các mặt): có nơi bị xóa bỏ hoàn toàn, có nơi tàn dư của xã hội nguyên thủy vẫn còn được bảo tồn triệt để mãi đến sau này. |
|
- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: ? Vì sao xã hội nguyên thủy ở phương Đông không phân hóa triệt để? |
- Ở phương Đông, vào cuối thời nguyên thủy, cư dân đã sinh sống và canh tác nông nghiệp vem các dòng sông lớn. Họ thường sống quây quần, gắn bó với nhau để cùng làm thủy lợi (đắp đê, đào kênh, mương…), cùng sản xuất nông nghiệp. Do đó, mối quan hệ giữa người với người vẫn rất gần gũi, thân thiết => xã hội phân hóa không triệt để |
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập - HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu. - GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết. |
|
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận - GV mời HS trả lời câu hỏi. - GV mời HS khác nhận xét, bổ sung. |
|
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới. |
Hoạt động 3: Tìm hiểu mục III. Việt Nam cuối thời kì nguyên thủy
a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS hiểu được cách đây hơn 4.000 năm, xã hội nguyên thủy ở Việt Nam có những chuyển biến quan trọng, phát minh ra thuật luyện kim và chế tạo công cụ lao động, vũ khí bằng đồng; một số tác dụng của việc sử dụng công cụ lao động bằng kim loại.
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SGK, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.
c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân và trả lời câu hỏi.
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS |
DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: GV chuyển giao NV học tập - GV giới thiệu kiến thức: Cách đây hơn 4.000 năm, xã hội nguyên thủy Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng. - GV yêu cầu HS đọc thông tin mục III và quan sát Hình 5.6 đến Hình 5.9 và trả lời câu hỏi: |
|
? Nêu một số nét cơ bản của xã hội nguyên thủy Việt Nam trong quá trình tan rã |
- Việc sử dụng các công cụ lao động bằng kim loại đã giúp người nguyên thủy mở rộng địa bàn cư trú, chuyển dần xuống vùng đồng bằng và định cư ven các con sông lớn như: sông Hồng, sông Mã,… - Con người làm nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi, biết nung gốm ở nhiệt độ cao, biết đúc công cụ và vật dụng bằng đồng… Những xóm làng đã xuất hiện. |
? Cuối thời nguyên thủy, người Việt cổ đã có những công cụ lao động và những ngành nghệ sản xuất nào? |
- Những công cụ lao động của người Việt cổ ở cuối thời nguyên thủy là: Mũi giáo, mũi tên, lưỡi câu, đồ gốm… - Những ngành nghề của người Việt cổ ở cuối thời nguyên thủy là: làm nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi, nung gốm, rèn đúc công cụ và vật dụng bằng đồng… |
- GV mở rộng kiến thức: Cũng giống như xã hội nguyên thủy ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam dưới sự xuất hiện của công cụ sản xuất bằng kim loại đã dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, xã hội nguyên thủy tan rã. Đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện các quốc gia sơ kì đầu tiên tại Việt Nam. |
|
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập - HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu. - GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết. |
|
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận - GV mời HS trả lời câu hỏi. - GV mời HS khác nhận xét, bổ sung. |
|
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới. |
C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi lý thuyết .
b. Nội dung: HS sử dụng SGK, kiến thức đã học, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi 1phần Luyện tập SGK trang 30.
- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.
- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.
D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi thực hành.
b. Nội dung: HS sử dụng SGK, kiến thức đã học, kiến thức và hiểu biết thực tế, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi 2, 3 phần vận dụng SGK trang 30.
- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.
- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.
* DẶN DÒ:
- Học bài và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa.
- Xem trước bài 6 - Ai Cập cổ đại.
- Sưu tầm những tranh ảnh, tư liệu về việc xây dựng công trình kim tự tháp, tượng nhân sư, xác ướp…