Lý thuyết Giáo dục quốc phòng 11 Kết nối tri thức Bài 6: Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Giáo dục quốc phòng 11 Bài 6: Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn GDQP 11.
Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 6: Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo
I. Súng bộ binh
1. Hiểu biết chung về súng bộ binh
a) Khái niệm
- Súng bộ binh là súng trang bị cho cá nhân và phân đội bộ binh.
b) Một số loại súng bộ binh
- Súng trường CKC
+ Súng trường CKC cỡ 7,62 mm là loại súng nòng dài, bán tự động, trang bị cho từng người, dùng hoả lực để tiêu diệt sinh lực địch; ngoài ra, có thể sử dụng lưỡi lê, báng súng để đánh gần.
+ Súng chỉ bắn được phát một.
- Súng tiểu liên AK
+ Súng tiểu liên AK cỡ 7,62 mm là loại súng nòng dài, tự động nạp đạn, trang bị cho từng người, dùng hoả lực để tiêu diệt sinh lực địch; ngoài ra, có thể sử dụng lưỡi lê, báng súng để đánh gần.
+ Súng bắn được liên thanh và phát một. Hình
+ Súng tiểu liên AK cải tiến có 2 loại:
▪ AKM có thêm bộ phận giảm nẩy lắp ở đầu súng; có lẫy giảm tốc; thước ngắm có vạch khác đến 10, tương ứng với cự li 1000 m;
▪ AKMS có báng bằng sắt, gập lại được.
2. Tính năng, cấu tạo, nguyên lí hoạt động của súng tiểu liên AK
a) Tính năng
- Dùng đạn kiểu 1943 do Liên Xô sản xuất, đạn kiểu 1956 do Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác sản xuất. Có các loại đầu đạn: đầu đạn thường; đầu đạn vạch đường; đầu đạn xuyên cháy và đầu đạn cháy. Hộp tiếp đạn chứa được 30 viên đạn.
- Tầm bắn ghi trên thước ngắm: Thước ngắm ghi số từ 1 đến 8, tương ứng với cự li bắn từ 100 m đến 800 m ngoài thực địa.
- Tầm bắn hiệu quả: 400 m; hoả lực bắn tập trung tiêu diệt mục tiêu mặt đất, mặt nước: 800 m; bắn máy bay, quân dù: 500 m.
- Tầm bắn thẳng đối với mục tiêu người nằm: 350m; đối với mục tiêu người chạy: 525m.
- Tốc độ đầu của đầu đạn: 710 m/s.
- Tốc độ bắn:
+ Lí thuyết 600 phát/phút;
+ Chiến đấu: khi bắn phát một khoảng 40 phát/phút, khi bắn liên thanh khoảng 100 phát/phút.
- Khối lượng của súng: 3,8 kg; khi lắp đủ 30 viên đạn: 4,3 kg.
b) Cấu tạo
- Cấu tạo của súng tiểu liên AK gồm 11 bộ phận chính: Nòng súng, bộ phận ngắm, hộp khoá nòng và nắp hộp khoá nòng, bệ khoá nòng và thoi đẩy, khoá nòng, bộ phận cò, bộ phận đẩy về, ống dẫn thoi đẩy và ốp lót tay, báng súng và tay cầm, hộp tiếp đạn, lê.
- Ngoài các bộ phận chính, súng tiểu liên AK còn có đồng bộ của súng như phụ tùng (ống đựng, cái vặn vít, chổi lông, tống chốt,...), thông nòng và dây súng.
c) Nguyên lí hoạt động
- Gạt cần định cách bắn về vị trí bắn, kéo tay kéo bệ khoá nòng về sau hết cỡ. Khi thả tay kéo bệ khoá nòng, lò xo đẩy về giãn ra, đẩy bệ khoá nòng và khoá nòng tiến về phía trước, đẩy viên đạn thứ nhất vào buồng đạn.
- Bóp cò, búa đập vào kim hoả, kim hoả chọc vào hạt lửa, hạt lửa phát lửa đốt cháy thuốc phóng. Thuốc phóng cháy sinh ra khí thuốc có áp suất rất lớn, đẩy đầu đạn chuyển động trong nòng súng.
- Khi đầu đạn chuyển động qua lỗ trích khí thuốc, một phần khí thuốc phụt qua lỗ trích khí thuốc đập vào mặt thoi đẩy, đẩy bệ khoá nòng và khoá nòng lùi, vỏ đạn được hất ra ngoài.
- Khi bệ khoá nòng lùi hết cỡ, lò xo đẩy về giãn ra, đẩy bệ khoá nòng và khoá nòng tiến về phía trước, đẩy viên đạn tiếp theo vào buồng đạn. Mọi hoạt động của súng cứ lặp đi, lặp lại như vậy cho đến khi hết đạn.
3. Tháo, lắp thông thường súng tiểu liên AK
a) Quy tắc tháo, lắp
- Người tháo, lắp phải nắm vững cấu tạo của súng.
- Chọn nơi khô ráo, sạch sẽ để tháo, lắp súng. Chuẩn bị đầy đủ các vật chất cần thiết như bàn (vải bạt, chiếu, ni-lông) và phụ tùng của súng.
- Trước khi tháo súng phải kiểm tra, khám súng.
- Khi tháo, lắp phải dùng đúng phụ tùng; động tác phải đúng thứ tự, nhẹ nhàng. Khi gặp vướng mắc phải nghiên cứu thận trọng, không dùng sức mạnh để đập, bẩy làm hư hỏng súng.
b) Tháo súng
- Bước 1: Tháo hộp tiếp đạn, kiểm tra súng
+ Tay trái nắm ốp lót tay, giữ súng dựng đứng trên bàn (vải bạt, chiếu hoặc ni-lông), mặt súng quay sang trái, miệng nòng súng hướng lên trên. Tay phải nắm hộp tiếp đạn, ngón tay cái ấn lẫy giữ hộp tiếp đạn; đồng thời, đẩy hộp tiếp đạn lên, lấy ra, đặt xuống bàn.
+ Tay phải nắm tay kéo bệ khoá nòng, hơi kéo bệ khoá nòng sau, mắt quan sát buồng đạn. Nếu trong súng có đạn phải lấy ra, sau đó kéo bệ khoá nòng hết cỡ về sau, rồi thả ra, không bóp cò, không đóng khoá an toàn.
- Bước 2: Tháo ống đựng phụ tùng
+ Tay trái giữ súng như cũ, nhấc súng lên khỏi mặt bàn (đế báng súng cách mặt bàn từ 15 đến 20 cm).
+ Tay phải dùng ngón trỏ ấn nắp ổ chứa ống đựng phụ tùng rồi thả ra, lò xo đẩy ống đựng phụ tùng ra ngoài, tay phải cầm ống đựng phụ tùng.
+ Đặt súng xuống bàn, kết hợp hai tay mở nắp ống đựng phụ tùng, lấy các phụ tùng ra ngoài đặt lên bàn
- Bước 3: Tháo thông nòng
+ Tay trái giữ súng như khi tháo hộp tiếp đạn.
+ Tay phải cầm đuôi thông nòng kéo sang phải, rút lên và lấy ra (trường hợp thông nòng chặt quá, dùng tống chốt cắm vào lỗ ngang ở đuôi thông nòng để rút lên)
- Bước 4: Tháo nắp hộp khoá nòng
+ Súng đặt trên bàn, nòng súng hướng về trước, mặt súng hướng lên trên.
+ Tay trái nắm cổ báng súng, ngón cái ấn mấu giữ nắp hộp khoá nòng cho mẫu thụt vào trong, tay phải nắm nắp hộp khoá nòng nhấc ra khỏi súng
- Bước 5: Tháo bộ phận đẩy về
+ Tay trái giữ súng như cũ.
+ Tay phải cầm đuôi cốt lò xo, đẩy về trước cho chân đuôi cốt lò xo rời khỏi rãnh dọc hộp trên khoá nòng, rồi nâng lên, lấy bộ phận đẩy về ra
- Bước 6: Tháo bệ khoá nòng và khoá nòng
+ Tay trái giữ súng như cũ. Tay phải nắm bệ khoá nòng kéo về sau hết cỡ rồi nhấc lên, tháo ra khỏi hộp khoá nòng
+ Đặt súng xuống bàn, tay trái nắm ngửa bệ khoá nòng, tay phải xoay khoá nòng sang trái về phía sau, để mấu đóng mở của khoá nòng rời khỏi rãnh lượn của bệ khoá nòng, rồi tháo khoá nòng ra khỏi bệ khoá nòng
- Bước 7: Tháo ống dẫn thoi đẩy và ốp lót tay trên
+ Tay trái nắm hộp khoá nòng, tay phải dùng ngón trỏ hoặc ống đựng phụ tùng xoay lẫy, giữ ống dẫn thoi đẩy lên trên, sao cho mặt bằng của lẫy thẳng với mặt cắt sau ốp lót tay, rồi lấy ống dẫn thoi đẩy và ốp lót tay trên ra khỏi súng
Chú ý: Khi tháo súng, các bộ phận tháo ra được đặt theo thứ tự từ phải qua trái
c) Lắp súng
Thứ tự các bước làm ngược lại khi tháo (Bộ phận nào tháo ra sau thì lắp vào trước).
- Bước 1: Lắp ống dẫn thoi đẩy và ốp lót tay trên
+ Tay trái nắm hộp khoá nòng giữ súng như khi tháo.
+ Tay phải cầm ống dẫn thoi đẩy và ốp lót tay trên, lắp đầu ống dẫn thoi đẩy khớp vào khuyết ở khâu truyền khí thuốc, rồi ấn xuống, gạt lẫy giữ ống dẫn thoi đẩy xuống hết mức.
- Bước 2: Lắp bệ khoá nòng và khoá nòng
+ Lắp khoá nòng vào bệ khoá nòng: Tay trái cầm ngửa bệ khoá nòng, tay phải lắp đuôi khoá nòng vào lỗ chứa, rồi xoay khoá nòng từ sau sang phải về trước.
+ Lắp bệ khoá nòng và khoá nòng vào súng: Tay trái trao bệ khoá nòng và khoá nòng cho tay phải. Tay phải cầm ngửa bệ khoá nòng, ngón cái tì vào tai trái khoá nòng để khoá nòng ở vị trí phía trước hết cỡ, sau đó lật úp bệ khoá nòng. Tay trái ngửa nắm cổ báng súng, tay phải đưa đầu thoi đẩy vào lỗ chứa thoi đẩy, đặt bệ khoả nòng vào sát phía sau hộp khoá nòng, rồi ấn xuống sao cho hai rãnh trượt ở bệ khoá nòng khớp vào hai gờ trượt ở hộp khoá nòng, đẩy bệ khoá nòng và khoá nòng về trước hết cỡ.
- Bước 3: Lắp bộ phận đẩy về
+ Tay trái giữ súng như khi tháo, tay phải cầm đuôi cốt lò xo đẩy về, lắp đầu bộ phận đẩy về vào lỗ chứa ở bệ khoá nòng, ấn về trước, lựa sao cho chân đuôi cốt lò xo đẩy về khớp vào rãnh dọc ở hộp khoá nòng.
- Bước 4: Lắp nắp hộp khoá nòng, kiểm tra chuyển động
+ Tay trái giữ súng như khi tháo, tay phải cầm nắp hộp khoá nòng, lựa cho đầu nắp hộp khoá nòng lọt vào khuyết giữ ở sau bệ thước ngắm, dùng lòng bàn tay phải ấn nắp hộp khoá nòng xuống, sao cho mấu giữ nắp hộp khoá nòng lọt vào lỗ chứa ở đuôi nắp hộp khoá nòng.
+ Kiểm tra chuyển động: Tay trái nắm ốp lót tay trên, nòng súng hướng lên trên. Tay phải cầm tay kéo bệ khoá nòng kéo về sau hết cỡ rồi thả ra, làm 2 hoặc 3 lần, thấy bệ khoá nòng và khoá nòng chuyển động bình thường, sau đó bóp cò búa đập mạnh là được. Gạt cần định cách bắn và khoá an toàn về vị trí an toàn.
- Bước 5: Lắp thông nòng
+ Tay trái nắm ốp lót tay, giữ súng như khi tháo, tay phải cầm đuôi thông nòng, lắp đầu thông nòng lọt vào lỗ chứa dưới khâu truyền khí thuốc và khâu giữ ốp lót tay dưới; hơi kéo đuôi thông nòng sang phải và ấn xuống hết cỡ.
- Bước 6: Lắp ống đựng phụ tùng
+ Tay trái cầm ống đựng phụ tùng, tay phải lắp các phụ tùng vào ống đựng, đóng nắp lại. Tay trái nắm ốp lót tay, nâng súng lên cách mặt bàn từ 15 đến 20 cm.
+ Tay phải đặt đầu ống đựng phụ tùng vào ổ chứa, dùng ngón trỏ đẩy ống vào hết mức, rút ngón tay ra, nắp giữ ống đựng phụ tùng tự động đóng lại.
- Bước 7: Lắp hộp tiếp đạn
+ Tay trái giữ súng như khi tháo, tay phải cầm hộp tiếp đạn lắp mấu trước của hộp tiếp đạn khớp vào khuyết chứa ở hộp khoá nòng, ấn cho mấu sau của hộp tiếp đạn khớp vào lẫy giữ ở trước vành cò.
II. Thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo
1. Thuốc nổ
a) Khái niệm
- Thuốc nổ là chế phẩm của chất nổ mà khi chịu tác động của những xung kích thích từ bên ngoài đủ mạnh thì thường nổ (mà ít cháy)
b) Một số loại thuốc nổ thường dùng
- Thuốc nổ Trinitrotoluen (TNT)
+ Tính năng: Có dạng tinh thể rắn; màu vàng nhạt (Hình 6.5a); khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời ngả sang màu nâu; có vị đắng; khi cháy tạo ra lửa đỏ, khói đen, mùi nhựa thông; ít hút ẩm; dùng được ở dưới nước; dễ hoà tan trong benzen, axeton, ete, rượu etylic hoặc các loại acid đậm đặc; gây nổ bằng kíp số 6 trở lên, nếu thuốc nổ đúc khi gây nổ phải dùng thuốc nổ mồi. Nóng chảy ở 81 °C, bốc cháy ở 310 °C, nổ ở 350 °C; nếu tăng nhiệt độ đột ngột lên 300 °C sẽ nổ.
+ Tác dụng: Được sử dụng rộng rãi trong quân đội cũng như trong một số lĩnh vực khác; thường được đúc thành từng bánh có khối lượng từ 15 g đến 400 g để làm các loại lượng nổ; trộn với thuốc nổ mạnh làm dây nổ; trộn với thuốc nổ yếu để phá đất, phá đá.
- Thuốc nổ C4
+ Tính năng: Là thuốc nổ hỗn hợp gồm 80% thuốc nổ mạnh Hexogen bột trộn với 20% chất kết dính. Màu trắng đục, mùi hắc, dẻo, nhào nặn dễ dàng, vị hơi ngọt (Hình 6.5b); không hút ẩm, không tan trong nước. Sử dụng trong điều kiện nhiệt độ từ -30 °C đến 50 °C. Nếu nhiệt độ càng thấp thì độ dẻo càng giảm; gây nổ bằng kíp số 6 trở lên; đốt khó cháy, đốt nóng đến 190 °C thì cháy, khi cháy ở 201 °C thì nổ.
+ Tác dụng: Dùng để phá huỷ các vật thể có hình dạng phức tạp; dùng làm lượng nổ lõm.
c) Đồ dùng gây nổ
Bộ đồ dùng gây nổ thường gồm kíp thường, nụ xuỳ và dây cháy chậm.
- Kíp thường
+ Cấu tạo: Kíp thường có cấu tạo gồm vỏ kíp, mắt ngỗng, bát kim loại, thuốc gây nổ và thuốc nổ mạnh. Căn cứ vào kích thước, kíp được phân ra 10 cỡ số, từ 1 đến 10; trong thực tế thường dùng kíp số 6, 8, 10. Số kíp càng lớn, thuốc càng nhiều, gây nổ càng mạnh.
+ Tính năng, tác dụng: Dùng để gây nổ thuốc nổ hoặc dây nổ. Cảm ứng của kíp rất nhạy; nếu để va chạm, cọ xát, chấn động mạnh, vật nặng đè lên, tăng nhiệt độ hoặc khêu móc, chọc vào thuốc gây nổ (mắt ngỗng) đều có thể nổ.
- Nụ xuỳ
+ Cấu tạo: Nụ xuỳ có cấu tạo gồm vỏ, gờ định vị dây cháy chậm, lỗ thoát khí, dây kim loại, bát kim loại chứa thuốc phát lửa và dây giật
+ Tính năng, tác dụng: Nụ xuỳ dùng để phát lửa đốt cháy dây cháy chậm hoặc gây nổ kíp (gây nổ trực tiếp). Nụ xuỳ phát lửa rất nhạy nhưng khi hút ẩm không phát lửa được. Vì vậy, phải giữ gìn, bảo quản cẩn thận.
- Dây cháy chậm
+ Cấu tạo: Dây cháy chậm có cấu tạo gồm vỏ, lớp sợi, lõi thuốc đen và dây tim
+ Tính năng, tác dụng: Dây cháy chậm dùng để dẫn lửa gây nổ kíp. Tốc độ cháy trung bình của dây cháy chậm trong không khí là 1 cm/s, nếu cháy dưới nước thì nhanh hơn. Khi dùng phải căn cứ vào tính năng, ý định, cách đánh và khoảng cách bảo đảm mà cắt dây cháy chậm dài hay ngắn.
2. Vật cản
a) Khái niệm
- Vật cản là tên gọi chung các vật thể, phương tiện do người làm ra hoặc cải tạo cái có sẵn để làm chậm hoặc ngăn cản cơ động, gây khó khăn cho các hoạt động khác và thiệt hại cho đối phương
b) Phân loại
- Vật cản tự nhiên là loại vật cản có sẵn trong tự nhiên như rừng, núi, sông, suối, ao, hồ,…..
- Vật cản nhân tạo là vật cản do con người tạo ra, gồm vật cản nổ và vật cản không nổ.
+ Vật cản nổ là vật cản bằng mìn, lượng nổ,... dùng uy lực thuốc nổ để tiêu diệt địch. Trong đó, có vật cản chống các phương tiện cơ giới (mìn chống tăng, lượng nổ mạnh,...); vật cản chống bộ binh (mìn chống bộ binh, lượng nổ nhỏ,…); thuỷ lôi,...
+ Vật cản không nổ có nhiều loại như hàng rào thép gai, hàng rào tre, hàng rào điện, hào, hố, vách đứng, vách hụt,...
c) Một số loại vật cản
3. Vũ khí tự tạo
- Vũ khí tự tạo là vũ khí có cấu tạo và nguyên lí hoạt động đơn giản, dễ chế tạo bằng những phương pháp và phương tiện thủ công, dùng vật liệu tại chỗ, đạn dược hỏng hoặc cải tiến các loại đạn dược thu được của đối phương
- Vũ khí tự tạo có khả năng sát thương, tiêu diệt sinh lực địch hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng trong lực lượng vũ trang của địa phương.
- Vũ khí tự tạo có nhiều loại như dao, mã tấu, giáo, mác, kiếm; gậy tầm vông, cung, nỏ, chông các loại; bẫy chông, bẫy đá, bẫy đạn; tổ ong; bom, lựu đạn, mìn tự chế,....