Khoa học lớp 5 Bài 17: Ôn tập chủ đề Thực vật và động vật - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải bài tập Khoa học lớp 5 Bài 17: Ôn tập chủ đề Thực vật và động vật sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập Khoa học lớp 5.
Giải Khoa học lớp 5 Bài 17: Ôn tập chủ đề Thực vật và động vật - Kết nối tri thức
Câu hỏi mở đầu trang 64 SGK Khoa học lớp 5: Hãy nói một số điều em thích sau khi học chủ đề Thực vật và động vật.
Trả lời:
Một số điều em thích sau khi học chủ đề Thực vật và động vật:
- Em biết về quá trình phát triển của một số loài thực vật, vòng đời của một số loài động vật.
- Em biết quá trình sinh sản ở thực vật, động vật,…
Hoạt động luyện tập, vận dụng 1 trang 64 SGK Khoa học lớp 5: Dựa vào hình 1, hãy trình bày tóm tắt một số nội dung đã học trong chủ đề Thực vật và động vật.
Trả lời
Một số nội dung đã học trong chủ đề Thực vật và động vật là:
- Thực vật có hoa: Hoa là cơ quan sinh sản. Hoa đơn tính chỉ có nhị hoặc nhuỵ, hoa lưỡng tính có cả nhị và nhuỵ trên cùng một hoa. Cây con có thể mọc lên từ hạt hoặc từ rễ, thân, lá của cây mẹ.
- Sinh sản của động vật có hai hình thức là đẻ trứng hoặc đẻ con. Ở động vật đẻ trứng, tinh trùng kết hợp với trứng qua thụ tinh tạo thành hợp tử, hợp tử phát triển thành phôi trong trứng rồi nở ra con non hoặc ấu trùng. Ở động vật đẻ con, tinh trùng kết hợp với trứng qua thụ tinh tạo thành hợp tử, hợp tử phát triển thành phôi. Phôi phát triển thành thai trong cơ quan sinh dục của con cái. Sau một thời gian con non sinh ra.
Hoạt động luyện tập, vận dụng 2 trang 65 SGK Khoa học lớp 5: Quan sát hình 2 và cho biết:
- Cây con trong hình 2a, 2b mọc lên từ bộ phận nào của cây mẹ?
- Các giai đoạn phát triển của cây con trong mỗi hình.
Trả lời
- Cây con trong hình 2a mọc lên từ hạt của cây mẹ, cây con trong hình 2b mọc lên từ thân của cây mẹ.
- Các giai đoạn phát triển của cây con trong mỗi hình:
Hình 2a: Từ hạt cà tím, nảy mầm, cây con mọc lên, phát triển thành cây trưởng thành. Cây trưởng thành ra hoa, kết trái.
Hình 2b: Từ thân cây mía mẹ, nảy chồi, cây con mọc lên, phát triển nhiều lá, nhánh thành bụi cây trưởng thành.
Hoạt động luyện tập, vận dụng 3 trang 65 SGK Khoa học lớp 5: Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của ếch.
- Sắp xếp các giai đoạn theo trình tự phát triển vòng đời của ếch trong hình 3.
- Trình bày vòng đời và sự phát triển của ếch.
Trả lời
- Sắp xếp các giai đoạn theo trình tự phát triển vòng đời của ếch trong hình 3 theo thứ tự: (3), (1), (4) và (2).
- Vòng đời và sự phát triển của ếch trải qua 4 giai đoạn: Trứng → nòng nọc → ếch con → ếch trưởng thành.
Từ trứng nở thành nòng nọc, nòng nọc mọc chân trở thành ếch con, ếch con rụng đuôi trở thành ếch trưởng thành, ếch trưởng thành đẻ trứng.
Hoạt động luyện tập, vận dụng 4 trang 65 SGK Khoa học lớp 5: Tìm hiểu xung quanh nhà:
- Cho biết em nhìn thấy ấu trùng muỗi và muỗi có ở đâu.
- Nhận xét về hình dạng của ấu trùng so với muỗi.
- Dựa vào vòng đời của muỗi, hãy đề xuất một số biện pháp để hạn chế sự phát triển của muỗi. Giải thích.
Trả lời
- Em nhìn thấy ấu trùng muỗi ở trên mặt nước ao, bể,…. và muỗi có ở nơi tối, khu chăn nuôi gia súc,…
- Nhận xét về hình dạng của ấu trùng so với muỗi: Ấu trùng không có chân, cánh như muỗi, mình phủ nhiều lông.
- Dựa vào vòng đời của muỗi, hãy đề xuất một số biện pháp để hạn chế sự phát triển của muỗi:
+ Đậy kín bề, bình chứa nước.
+ Không để nước đọng trong chậu lâu ngày.
+ Phun thuốc.
+ Vệ sinh sạch sẽ nơi ở.
Vì các biện pháp trên sẽ làm cho muỗi không có nơi sinh sản, sinh sống.