X

Khoa học tự nhiên 9 Chân trời sáng tạo

Giải Khoa học tự nhiên 9 trang 213 Chân trời sáng tạo


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải KHTN 9 trang 213 trong Ôn tập chủ đề 12 môn Khoa học tự nhiên 9 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập KHTN 9 trang 213.

Giải KHTN 9 trang 213 Chân trời sáng tạo

Bài 1 trang 213 KHTN 9: Hình bên cho thấy đặc điểm thích nghi về khả năng nguy trang của loài bọ que.

a) Khả năng ngụy trang của bọ que có được gọi là sự tiến hóa thích nghi không? Tại sao?

b) Dựa trên quan điểm của Darwin, hãy giải thích sự hình thành đặc điểm thích nghi ở loài bọ que.

c) Theo em, nhân tố tiến hóa nào có vai trò trong sự hình thành đặc điểm thích nghi ở loài bọ que? Giải thích.

Hình bên cho thấy đặc điểm thích nghi về khả năng nguy trang của loài bọ que

Trả lời:

a) Khả năng ngụy trang của bọ que được gọi là sự tiến hóa thích nghi vì khả năng ngụy trang này giúp cho loài bọ que thích nghi với môi trường sống, tránh được sự săn bắt của kẻ thù.

b) Giải thích sự hình thành đặc điểm thích nghi ở loài bọ que dựa trên quan điểm của Darwin: Quá trình sinh sản đã phát sinh nhiều biến dị sai khác về hình dạng cơ thể của loài bọ que trong đó có biến dị quy định cơ thể có hình que. Những cá thể bọ que mang biến dị quy định cơ thể có hình que có khả năng ngụy trang tốt hơn nên tránh được sự tấn công của những loài ăn côn trùng (được chọn lọc tự nhiên giữ lại). Nhờ đó, những cá thể bọ que này có khả năng sống sót và sinh sản vượt trội so với những cá thể bọ que mang biến dị quy định cơ thể có hình dạng khác. Qua nhiều thế hệ, kết quả hình thành quần thể bọ que có hình que.

c) Nhân tố tiến hóa có vai trò trong sự hình thành đặc điểm thích nghi ở loài bọ que là đột biến, chọn lọc tự nhiên. Giải thích: Trong quần thể bọ que, có nhiều đột biến được phát sinh, trong đó có đột biến tạo thành allele quy định cơ thể có hình que. Qua giao phối hình thành các biến dị tổ hợp quy định kiểu hình cơ thể có hình que. Trong môi trường sống nhiều cây cối, chọn lọc tự nhiên tác động theo hướng giữ lại bọ que có cơ thể có dạng hình que và đào thải các bọ que có hình dạng khác. Qua thời gian, các bọ que có hình que được sống sót, sinh sản và chiếm ưu thế.

Bài 2 trang 213 KHTN 9: Hình bên mô tả mối quan hệ họ hàng giữa người và một số loài vượn hiện nay.

a) Cho biết loài có mối quan hệ họ hàng xa nhất và gần nhất với loài người.

b) Cho biết dựa vào những đặc điểm nào để có thể xác định người và các loài vượn đó có cùng nguồn gốc.

c) Tại sao con người có khả năng thích nghi với đời sống lao động và văn hóa xã hội còn các loài linh trưởng khác không có khả năng này?

Hình bên mô tả mối quan hệ họ hàng giữa người và một số loài vượn hiện nay

Trả lời:

a) Loài có mối quan hệ họ hàng xa nhất với loài người là khỉ và loài có mối quan hệ họ hàng gần nhất với loài người là tinh tinh.

b) Đặc điểm để có thể xác định người và các loài vượn đó có cùng nguồn gốc là các đặc điểm sinh học chung như cấu trúc gene, hình thái học, các đặc điểm hành vi,…

c) Con người có khả năng thích nghi với đời sống lao động và văn hóa xã hội còn các loài linh trưởng khác không có khả năng này là do: Con người có tư duy phát triển cao, khả năng học hỏi linh hoạt và khả năng lao động. Còn các loài linh trưởng khác không có khả năng này do sự phát triển trí não và khả năng học hỏi của chúng không đạt đến trình độ tương tự.

Bài 3 trang 213 KHTN 9: Khi dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt quần thể sâu hại lúa, người ta nhận thấy có hiện tượng "nhờn thuốc" ở một số cá thể. Sau một thời gian, tác động trừ sâu của thuốc suy giảm nhanh chóng đối với quần thể sâu. Dựa vào hiểu biết về cơ chế tiến hóa, hãy giải thích hiện tượng trên.

Trả lời:

Giải thích hiện tượng “nhờn thuốc”: Trong quần thể sâu hại lúa, có nhiều đột biến được phát sinh, trong đó có đột biến tạo thành allele quy định tính kháng thuốc. Qua giao phối hình thành các biến dị tổ hợp quy định kiểu hình tính kháng thuốc. Trong môi trường có thuốc trừ sâu, chọn lọc tự nhiên tác động theo hướng giữ lại các con sâu mang biến dị quy định tính kháng thuốc và đào thải các con sâu không mang biến dị quy định tính kháng thuốc. Qua thời gian, các con sâu mang biến dị quy định tính kháng thuốc được sống sót, sinh sản và chiếm ưu thế (hiện tượng nhờn thuốc).

Xem thêm lời giải bài tập Khoa học tự nhiên 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: