X

Kinh tế pháp luật 12 Cánh diều

Giải Kinh tế Pháp luật 12 trang 14 Cánh diều


Với Giải Kinh tế Pháp luật 12 trang 14 trong Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập KTPL 12 trang 14.

Giải Kinh tế Pháp luật 12 trang 14 Cánh diều

Câu hỏi trang 14 KTPL 12:

a) Từ thông tin 1, em hiểu thế nào là phát triển bền vững? Em hãy chỉ ra mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Thông tin 1. Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất về Môi trường và Phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới và Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển gồm: Phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lí, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; khai thác hợp lí và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

b) Từ thông tin 2, em hãy làm rõ chủ trương, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam.

Thông tin 2. Ngày 25/9/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 136 NQCP về phát triển bền vững. Tại Nghị quyết, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tổng quát cho quá trình phát triển bền vững là: duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lí và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển, xây dựng một xã hội Việt Nam hoà bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững. Nghị quyết cũng đưa ra 17 mục tiêu cụ thể phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam.

(Theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững)

Lời giải:

♦ Yêu cầu a)

- Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

- Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

+ Tăng trưởng kinh tế là một nội dung của phát triển bền vững.

+ Ngược lại, phát triển bền vững tạo điều kiện thuận lợi phát huy các nguồn lực tự nhiên và xã hội để tăng trưởng kinh tế diễn ra mạnh mẽ, bền vững hơn.

♦ Yêu cầu b) Chủ trương, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam:

- Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lí và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển, xây dựng một xã hội Việt Nam hoà bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững.

Luyện tập 1 trang 14 KTPL 12: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

A. Tăng trưởng kinh tế là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về mọi mặt của nền kinh tế.

B. Tăng trưởng kinh tế là sự lớn lên về quy mô sản lượng của nền kinh tế.

C. Với một lượng thu nhập quốc dân xác định, quy mô dân số của một quốc gia không ảnh hưởng tới độ lớn của thu nhập quốc dân bình quân đầu người.

Lời giải:

- Ý kiến a. Không đồng tình, vì:

+ Tăng trưởng kinh tế đơn thuần chỉ là sự thay đổi về lượng, chưa phản ánh sự biến đổi về chất của một nền kinh tế.

+ Phát triển kinh tế có phạm vi rộng hơn, toàn diện hơn so với tăng trưởng kinh tế.

- Ý kiến b. Đồng tình, vì: Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về quy mô sản lượng của một nền kinh tế trong một thời kì nhất định so với thời kì gốc.

- Ý kiến c. Không đồng tình. Quy mô dân số có ảnh hưởng lớn đến thu nhập bình quân đầu người. Vì: thu nhập quốc dân bình quân đầu người được tính bằng công thức: tổng thu nhập quốc dân (GNI) chia cho tổng số dân. => Quy mô dân số càng lớn thì thu nhập quốc dân bình quân đầu người càng nhỏ và ngược lại.

Luyện tập 2 trang 14 KTPL 12: Em hãy cho biết trong những chỉ tiêu dưới đây, chỉ tiêu nào được dùng để đo lường tăng trưởng kinh tế. Vì sao?

A. Mức tăng thu nhập của từng cá nhân trong một thời kì nhất định.

B. Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong một thời kì nhất định.

C. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của một nền kinh tế hằng năm.

D. Mức tăng thu nhập quốc dân bình quân đầu người hằng năm.

E. Mức tăng tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội trong một thời kì nhất định.

Lời giải:

- Những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là:

+ Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong một thời kì nhất định (GDP). Vì: GDP được sử dụng trong tính toán các cân đối lớn của nền kinh tế, phản ánh rõ ràng đặc điểm, tính chất tăng trưởng của một quốc gia. Đặc biệt, chỉ tiêu GDP giúp phản ánh rõ ràng hơn thực trạng sản xuất của nền kinh tế, từ đó các Chính phủ sẽ có định hướng tập trung phát triển khu vực kinh tế, vùng kinh tế phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ sở để ra quyết định đầu tư, mở rộng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Mức tăng thu nhập quốc dân bình quân đầu người hằng năm (GNI/người). Vì: GNI/ người sẽ cho biết mức thu nhập trung bình của người dân ở một quốc gia, qua đó, cũng phần nào phản ánh mức độ giàu có của đất nước.

Luyện tập 3 trang 14 KTPL 12: Theo em, nhận định nào dưới đây phản ánh đúng cách hiểu về phát triển kinh tế? Vì sao?

A. Một quốc gia muốn phát triển kinh tế chỉ cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

B. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế không phải là tăng trưởng kinh tế hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà là sự tiến bộ xã hội cho con người.

C. Phát triển kinh tế là quá trình biến đổi cả về lượng và về chất của nền kinh tế.

Lời giải:

- Nhận định C Phát triển kinh tế là quá trình biến đổi cả về lượng và về chất của nền kinh tế” phản ánh đúng cách hiểu về phát triển kinh tế. Vì: phát triển kinh tế là một quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế trong một thời gian nhất định, bao hàm sự tăng trưởng kinh tế ổn định và dài hạn (đây là sự biến đổi về chất); đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lí và tiến bộ xã hội (đây là sự biến đổi về lượng).

Lời giải KTPL 12 Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế hay khác:

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn khác: