Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 12 Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KTPL 12.
Lý thuyết KTPL 12 Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Kết nối tri thức
1. Khái niệm, hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
- Khái niệm: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là toàn bộ trách nhiệm bắt buộc và tự nguyện mà doanh nghiệp thực hiện đối với xã hội bằng những chính sách và việc làm cụ thể, mang lại những ảnh hưởng tích cực đến xã hội, cộng đồng, đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội và sự phát triển bền vững quốc gia.
- Các hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp:
+ Trách nhiệm kinh tế: đảm bảo kinh doanh hiệu quả, việc làm, thu nhập và cơ hội phát triển cho người lao động; cung ứng nhiều sản phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng,...
+ Trách nhiệm pháp lí: tuân thủ pháp luật về thuế, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Trách nhiệm đạo đức: thực hiện đạo đức kinh doanh, không gây hại cho xã hội và môi trường; đối xử công bằng với người lao động.
+ Trách nhiệm nhân văn: tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, công ích, đóng góp cho sự phát triển cộng đồng và xã hội.
- Khi thực hiện nhiệm vụ điều hành doanh nghiệp, mỗi công dân có trách nhiệm:
+ Tuân thủ các quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn, quyền lợi chính đáng cho người lao động;
+ Đảm bảo chất lượng sản phẩm, quyền lợi người tiêu dùng;
+ Cùng tập thể lãnh đạo xây dựng chính sách, kế hoạch thực hiện trách nhiệm với cộng đồng phù hợp với điều kiện và khả năng của doanh nghiệp.
2. Ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
- Việc tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mang lại nhiều ý nghĩa đối với xã hội và doanh nghiệp.
- Đối với xã hội: thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ:
+ Góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước;
+ Hỗ trợ giải quyết những khó khăn, thách thức của cộng đồng và xã hội;
+ Góp phần bảo vệ môi trường.
- Đối với doanh nghiệp: Thực hiện trách nhiệm xã hội mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như:
+ Góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp;
+ Tạo dựng niềm tin đối với công chúng, người lao động; tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp,... nhờ đó doanh nghiệp ngày càng phát triển.