Giải Lịch Sử 11 trang 34 Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời Giải Lịch Sử 11 trang 34 trong Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á Sử 11 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Lịch Sử 11 trang 34.
Giải Lịch Sử 11 trang 34 Chân trời sáng tạo
Câu hỏi trang 34 Lịch Sử 11: Nêu ý nghĩa của công cuộc cải cách đối với sự phát triển của Vương quốc Xiêm.
Lời giải:
- Công cuộc cải cách đã góp phần bảo vệ được nền độc lập, chủ quyền của Xiêm trước sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Nhờ đường lối ngoại giao khôn khéo, thực dụng, biết lựa chọn và tận dụng tốt những cơ hội khách quan nên Xiêm là nước duy nhất trong khu vực thoát khỏi thân phận là một nước thuộc địa.
- Công cuộc cải cách ở Xiêm mang tính chất tiến bộ, đáp ứng phần nào yêu cầu của lịch sử, đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa và giữ được nền độc lập dân tộc mặc dù vẫn còn lệ thuộc về nhiều mặt.
Luyện tập 1 trang 34 Lịch Sử 11: Hoàn thành bảng thống kê các nước thực dân phương Tây xâm lược các quốc gia ở Đông Nam Á theo mẫu bên.
Lời giải:
|
Các nước Đông Nam Á bị thực dân phương Tây xâm lược |
Thực dân Anh |
Miến Điện, Mã Lai |
Thực dân Pháp |
Việt Nam, Lào, Campuchia |
Thực dân Hà Lan |
Inđônêxia |
Thực dân Tây Ban Nha |
Philíppin |
Luyện tập 2 trang 34 Lịch Sử 11: Vì sao trong khu vực Đông Nam Á, Xiêm là nước duy nhất không trở thành thuộc địa của các nước thực dân phương Tây?
Lời giải:
- Xiêm là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây, vì:
+ Trong bối cảnh bị thực dân phương Tây đe dọa xâm lược, chính phủ Xiêm đã nhanh chóng tiến hành cải cách đất nước một cách toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, hành chính, giáo dục, ngoại giao,… Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc cải cách, chính phủ Xiêm đã tăng cường được sức mạnh của quốc gia, có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.
+ Mặt khác, Xiêm có vị trí địa lí rất đặc biệt. Ở thời điểm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, vị trí địa lí của Xiêm nằm giữa hai khu vực là: Ấn Độ thuộc Anh (bao gồm Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai) và Đông Dương thuộc Pháp (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia). Trên thực tế cả Anh và Pháp đều không muốn đụng độ với nhau ở Xiêm nên đã quyết định biến Xiêm trở thành “vùng đệm”. Nhận thức được ưu thế về vị trí địa chiến lược của mình, chính phủ Xiêm đã khôn khéo kí kết các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình.
Vận dụng trang 34 Lịch Sử 11: Hãy lí giải vì sao trong cùng bối cảnh, Vương quốc Xiêm đã thực hiện thành công cải cách, trong khi cải cách ở Việt Nam lại không thành công.
Lời giải:
Trong cùng bối cảnh, Vương quốc Xiêm đã thực hiện thành công cải cách, trong khi cải cách ở Việt Nam lại không thành công, vì:
- Thứ nhất, khác biệt về vị thế, tiềm lực của vương triều Chakri (ở Xiêm) và triều Nguyễn (ở Việt Nam)
+ Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Xiêm đã được xây dựng và củng cố từ giữa thế kỷ XVIII. Nhìn chung, trong thời gian trị vì của vua Rama I đến Rama V, tình hình chính trị - xã hội ở Xiêm tương đối ổn định.
+ Ở Việt Nam, nhà Nguyễn ra đời vào đầu thế kỉ XIX; tình hình chính trị - xã hội của đất nước không ổn định do triều Nguyễn thường xuyên phải đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Tính chung từ đầu thời Gia Long (năm 1802), đến thời Tự Đức (1862), ở Việt Nam đã diễn ra khoảng 405 cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại triều đình.
- Thứ hai, khác biệt về tiền đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
+ Những cơ sở chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, giáo dục của vương quốc Xiêm so với Việt Nam vào thế kỷ XIX có nhiều thuận lợi hơn cho việc hình thành, phát triển và thực hiện các chủ trương cải cách.
+ Mặc dù cả Xiêm và Việt Nam đều là chế độ phong kiến trung ương tập quyền, nhưng so với Việt Nam, xã hội Xiêm là một xã hội thống nhất, cởi mở hơn. Tuy nền kinh tế của cả hai nước đều lấy canh tác nông nghiệp làm cơ sở phát triển, nhưng yếu tố hàng hoá, thị trường ở Xiêm phát triển mạnh hơn nhiều so với Việt Nam.
=> Nói tóm lại, ở Xiêm, những tiền đề cho xu hướng cải cách được định hình và phát triển đầy đủ hơn.
- Thứ ba, khác biệt về lực lượng tiến hành cải cách
+ Ở Xiêm: các nhà vua Thái Lan và các quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính, vừa là những người chủ xướng đưa ra ý tưởng cải cách, canh tân đất nước, vừa là những người có quyền lực để thực thi những chủ trương đó.
+ Ở Việt Nam: lực lượng đề xướng cho trào lưu cải cách, canh tân đất nước là một số ít quan lại, nho sĩ tiến bộ, thức thời. Những nhà cải cách ở Việt Nam không phải là người nắm giữ quyền lực tối cao của đất nước. Bên cạnh đó, trào lưu cải cách ở Việt Nam cũng không nhận được sự ủng hộ của triều Nguyễn (đứng đầu là vua Tự Đức).
- Thứ tư, sự khác biệt trong thái độ ứng phó với thực dân phương Tây
+ Ở Xiêm: triều đình Xiêm đã có nhận thức đúng đắn về tình hình khu vực và quốc tế, biết tận dụng một cách triệt để thời cơ, biết khai thác mâu thuẫn giữa các đối thủ, biết hy sinh những lợi ích trước mắt, phục vụ cho những mục tiêu lâu dài. Trên cơ sở đó, họ đã đề ra đường lối đối ngoại phù hợp, cởi mở, thực dụng (Xiêm nhận thức được vị trí “vùng đệm” của mình và những mâu thuẫn, sự kình địch giữa thực dân Anh và Pháp, trên cơ sở đó, chính phủ Xiêm đã khôn khéo kí kết các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình).
+ Ở Việt Nam: trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã thiếu quyết tâm kháng chiến; phạm nhiều sai lầm trong đường lối chỉ đạo chiến đấu và đường lối ngoại giao. Mặt khác, trước sức mạnh quân sự vượt trội của Pháp, nội bộ triều Nguyễn đã có sự phân hóa thành hai phái: chủ hòa và chủ chiến (phái chủ hòa lại chiếm ưu thế trong triều đình).