Trình bày sơ lược vị trí địa lí của khu vực Đông Nam Á. Với vị trí địa lí
Lịch Sử lớp 6 Bài 10: Sự ra đời và phát triển của các vương quốc ở Đông Nam Á (Từ những thế kỉ tiếp giáp công nguyên đến thế kỉ X)
Luyện tập 1 trang 52 Lịch Sử lớp 6 - Cánh diều: Trình bày sơ lược vị trí địa lí của khu vực Đông Nam Á. Với vị trí địa lí như vậy, các vương quốc ở Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng từ bên ngoài như thế nào trong quá trình ra đời và phát triển?
Lời giải:
* Vị trí địa lí của khu vực Đông Nam Á:
- Đông Nam Á: bao gồm 2 bộ phận: Đông Nam Á lục địa (bán đảo Trung - Ấn) và Đông Nam Á hải đảo (hàng vạn các đảo/ quần đảo trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương).
- Nằm ở phía Đông Nam của châu Á.
- Án ngữ ở vị trí ngã tư đường giao thông quốc tế: là cầu nối giữa 2 đại dương (Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương) và 2 lục địa (lục địa Á – Âu và lục địa Ô-xtrây-li-a).
* Tác động của vị trí địa lí tới sự phát triển của các vương quốc ở Đông Nam Á:
- Thứ nhất, tác động đến sự phát triển của lịch sử:
+ Địa hình Đông Nam Á bị chia cắt mạnh bởi núi đồi, cao nguyên, biển cả... => hạn chế khả năng tập hợp dân cư, hạn chế sự phát triển của kinh tế - xã hội. Do đó, các quốc gia thống nhất ở Đông Nam Á ra đời tương đối muộn so với các nơi khác và xu hướng cát cứ địa phương thường trỗi dậy khi chính quyền trung ương suy yếu.
+ Đông Nam Á có vị trí địa – chính trị quan trọng => các nước Đông Nam Á sớm bị các cường quốc bên ngoài nhòm ngó, đe dọa xâm lược; hiện nay, khu vực Đông Nam Á vẫn là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều cường quốc trên thế giới.
- Thứ hai, tác động đến sự phát triển của kinh tế:
+ Hầu hết các nước Đông Nam Á đều giáp biển, nên từ rất sớm, ở các nước Đông Nam Á, nghề buôn bán trên biển đã ra đời.
+ Đông Nam Á có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ trên nhiều tuyến đường giao thương quốc tế quan trọng => tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao lưu kinh tế với quốc tế.
- Thứ ba, tác động đến sự phát triển của văn hóa: Đông Nam Á nằm ở ngã tư đường giao thông quốc tế, nên quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa ở Đông Nam Á diễn ra từ rất sớm và liên tục qua nhiều thế kỉ, góp phần làm phong phú văn hóa truyền thống Đông Nam Á. Ví dụ:
+ Tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Ấn Độ từ những thế kỉ tiếp giáp Công nguyên trở đi.
+ Tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Trung Quốc từ những thế kỉ tiếp giáp Công nguyên (ảnh hưởng sâu đậm và tiêu biểu nhất là Việt Nam)
+ Tiếp xúc, giao lưu với Đạo Hồi và văn hóa Hồi giáo từ thế kỉ XI thông qua các thương nhân Arập và thương nhân Ấn Độ.
+ Tiếp xúc, giao lưu với văn hóa phương Tây từ thế kỉ XVI trở đi - gắn với việc mở rộng buôn bán Tây – Đông; sự truyền đạo của giáo sĩ phương Tây; sự xâm lược và đô hộ của thực dân phương Tây.