Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 68 Cánh diều


Với Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 68 trong Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật Sách bài tập KHTN lớp 7 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập trong SBT KHTN 7 trang 68.

Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 68 Cánh diều

Bài 31.7 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Tại sao sâu bướm phá hoại cây cối, mùa màng rất nặng nề, trong khi đó bướm trưởng thành thường không gây hại cho cây trồng?

Lời giải:

Sâu bướm phá hoại cây cối, mùa màng rất nặng nề, trong khi đó bướm trưởng thành thường không gây hại cho cây trồng vì:

- Sâu bướm ăn lá cây nhưng không có enzyme tiêu hóa cellulose nên tiêu hóa và hấp thụ thức ăn có hiệu quả thấp, vì vậy sâu phải ăn rất nhiều lá cây mới đáp ứng được nhu cầu chất dinh dưỡng cho cơ thể. Việc ăn lá cây của sâu bướm khiến cây cối bị tổn thương, gây ảnh hưởng nặng nề đến năng suất cây trồng.

- Hầu hết bướm trưởng thành sống bằng mật hoa, trong ống tiêu hóa chỉ có enzyme saccharase tiêu hóa đường saccharose. Việc hút mật hoa của bướm trưởng thành không gây hại cho cây trồng, thậm chí còn giúp ích cho việc thụ phấn của cây trồng.

Bài 31.8 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Để cải thiện chất lượng dân số Việt Nam, chúng ta cần làm gì?

Lời giải:

Để cải thiện chất lượng dân số Việt Nam như tăng chiều cao, giảm thiểu các dị tật,… cần:

- Cải thiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao phù hợp.

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Không sử dụng ma túy, chống nghiện thuốc lá, chống lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích khác.

- Thực hiện các biện pháp sàng lọc trước khi sinh.

Bài 31.9 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Để tăng tuổi thọ, con người có thể thực hiện những biện pháp nào?

Lời giải:

Để tăng tuổi thọ, con người cần thực hiện nhiều biện pháp như:

- Có chế độ dinh dưỡng hợp lí và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Luyện tập thể dục phù hợp.

- Tập các bài tập thư giãn, tránh căng thẳng.

- Vệ sinh cơ thể, răng miệng thường xuyên.

- Khám sức khỏe định kì.

- Bảo vệ môi trưởng sống trong sạch.

Bài 32.1 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Sinh sản là gì?

Lời giải:

Khái niệm sinh sản: Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới bảo đảm sự phát triển kế tục của loài. Có hai kiểu sinh sản là sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.

Bài 32.2 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Sinh sản vô tính là gì? Cho ví dụ minh họa.

Lời giải:

- Khái niệm sinh sản vô tính: Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp yếu tố đực và yếu tố cái. Do vậy, cơ thể con chỉ nhận được chất di truyền từ cơ thể mẹ nên giống nhau và giống cơ thể mẹ.

- Ví dụ sinh sản vô tính:

+ Cây thuốc bỏng con được sinh ra từ lá của cây mẹ.

+ Củ gừng mọc lên cây gừng con.

+ Thủy tức con được tạo ra bằng hình thức nảy chồi từ cơ thể mẹ.

+ Trứng không thụ tinh phát triển thành ong đực.

+ Sao biển con được sinh ra từ một phần của cơ thể sao biển mẹ.

Bài 32.3 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Trình bày các hình thức sinh sản sinh dưỡng ở thực vật theo bảng sau.

Hình thức sinh sản sinh dưỡng

Cây con được hình thành

Ví dụ

Sinh sản từ lá









Lời giải:

Hình thức sinh sản sinh dưỡng

Cây con được hình thành

Ví dụ

Sinh sản từ lá

Cây con được hình thành từ lá cây.

Cây thuốc bỏng, cây càng cua, cây sam nhật,…

Sinh sản từ thân bò

Cây con được hình thành từ mấu thân của cây mẹ.

Cây rau má, cây dâu tây, cây khoai lang, cây trầu không, cây rau muống,…

Sinh sản từ thân rễ

Cây con được hình thành từ phần rễ của cây mẹ.

Gừng, cỏ mần trầu, cỏ gà,…

Sinh sản từ rễ củ

Cây con được hình thành từ phần củ của cây mẹ.

Cây khoai lang, củ cải, cà rốt, củ đậu,…

Bài 32.4 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Trong sinh sản sinh dưỡng ở thực vật, cây mới được tạo ra

A. từ một phần của cơ quan sinh dưỡng của cây.

B. chỉ từ rễ của cây.

C. chỉ từ một phần thân của cây.

D. chỉ từ lá của cây.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong sinh sản sinh dưỡng ở thực vật, cây mới được tạo ra từ một phần của cơ quan sinh dưỡng của cây như lá, thân hoặc rễ.

Bài 32.5 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Đặc điểm nào sau đây không thuộc sinh sản vô tính?

A. Cơ thể con sinh ra hoàn toàn giống nhau và giống cơ thể mẹ ban đầu.

B. Tạo ra cá thể mới rất đa dạng về các đặc điểm thích nghi.

C. Tạo ra số lượng lớn con cháu trong một thời gian ngắn.

D. Tạo ra các cá thể thích nghi tốt với môi trường sống ổn định.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp yếu tố đực và yếu tố cái. Do vậy, cơ thể con chỉ nhận được chất di truyền từ cơ thể mẹ nên giống nhau và giống cơ thể mẹ. Từ đó, có thể thấy ưu điểm của sinh sản vô tính là có thể tạo ra số lượng lớn con cháu trong một thời gian ngắn, tạo ra các cá thể thích nghi tốt với môi trường sống ổn định. Tuy nhiên, cũng chính do không có sự biến đổi chất di truyền nên nhược điểm của hình thức sinh sản vô tính chính là đời con có độ đa dạng di truyền thấp, khả năng thích nghi với những biến đổi của môi trường kém, dễ bị chết hàng loạt khi điều kiện môi trường thay đổi.

Bài 32.6 trang 68 sách bài tập KHTN 7: Trường hợp nào sau đây không phải là sinh sản vô tính ở thực vật?

A. Cây cỏ gấu non phát triển từ rễ củ.

B. Cây dương xỉ non phát triển từ bào tử.

C. Cây sắn dây phát triển từ một đoạn thân.

D. Cây táo non phát triển từ hạt.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

- Hạt được tạo ra do sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái → Cây táo non phát triển từ hạt không phải là hình thức sinh sản vô tính mà là hình thức sinh sản hữu tính.

- Cây cỏ gấu non phát triển từ rễ củ, cây sắn dây phát triển từ một đoạn thân là hình thức sinh sản sinh dưỡng ở thực vật – một hình thức sinh sản vô tính ở thực vật.

- Cây dương xỉ non phát triển từ bào tử là hình thức sinh sản bằng bào tử ở thực vật – một hình thức sinh sản vô tính ở thực vật.

Lời giải SBT KHTN 7 Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật Cánh diều hay khác:

Xem thêm lời giải sách bài tập KHTN 7 Cánh diều hay, chi tiết khác: