Trong buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12, một diễn giả đã dẫn câu nói sau


Trong buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12, một diễn giả đã dẫn câu nói sau: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp.”. Em hiểu câu nói trên thế nào? Hãy viết bài văn nghị luận giải thích, bình luận về ý nghĩa của câu nói đó và liên hệ với tuổi trẻ.

Trong buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12, một diễn giả đã dẫn câu nói sau

Câu 5 trang 49 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Trong buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12, một diễn giả đã dẫn câu nói sau: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp.”. Em hiểu câu nói trên thế nào? Hãy viết bài văn nghị luận giải thích, bình luận về ý nghĩa của câu nói đó và liên hệ với tuổi trẻ.

Trả lời:

“Trên hành trình lập thân, lập nghiệp, dường như mỗi bạn trẻ đều đã từng một lần đứng trước câu hỏi: Mình sẽ làm nghề gì ? Đâu là nghề nghiệp tốt nhất mà mình có thể lựa chọn? Để góp phần trả lời câu hỏi đó, ta hãy thử nghe lời khuyên: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp”.

Nghề nghiệp, hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là công việc, hoạt động lao động của con người theo một hình thức đặc trưng nào đó mà xã hội phân công và các cá nhân đã lựa chọn. Đi sâu hơn, đó là công việc chuyên môn theo từng lĩnh vực cụ thể gắn với hệ thống kiến thức, kĩ năng mang tính đặc thù. Còn danh giá là tên tuổi (danh) và giá trị (giá) của mỗi người, mỗi nghề nghiệp. trong cộng đồng, xã hội. Nói đến danh giá là nói đến vị thế, sự vẻ vang, đến một “thương hiệu” gắn với niềm tin và sự ngưỡng mộ của nhiều người. Như vậy, theo ý kiến trên thì nghề nghiệp không thể tự làm nên vị thế, tên tuổi và giá trị của mỗi người trong cuộc sống mà chính con người mới là chủ thể làm cho nghề nghiệp trở nên vẻ vang và bản thân mình có chỗ đứng trong xã hội.

Nghề nghiệp do con người tạo ra, duy trì và phát triển thông qua bàn tay, khối ốc và tình yêu của mình. Từ những nghề thủ công truyền thống như chạm khắc đá, dệt lụa, đúc đồng, chạm bạc,... đến những nghề hiện đại đòi hỏi vận hành máy móc tỉnh xảo như sản xuất phần mềm, vi mạch điện tử, lái máy bay... tất cả đều là sản phẩm của trí tuệ và tài năng của con người trong quá trình lịch sử. Cũng như bao sự vật, hiện tượng khác, nghề nghiệp chỉ là một tồn tại khách quan, chứa đựng các yếu tố giá trị ở dạng tiềm năng. Vị thế và đóng góp của nó đối với sự phát triển của xã hội chỉ được hiện thực hoá khi có sự tác động, cải tiến của con người. Không có con người vận hành máy móc hay lao động chân tay để tạo ra sản phẩm sẽ không ai biết đến sự tồn tại của một nghề nào đó, càng không thể biết ý nghĩa của nó với cộng đồng. Cho nên, nghề nghiệp không thể tự làm nên bất cứ điều gì cho con người mà chính con người đã sản sinh nghề nghiệp và làm cho nghề ấy trở thành một phần của lịch sử và thời đại.

Nghề nào trong xã hội cũng quan trọng, cần thiết như nhau. Mỗi nghề có một vai trò riêng đóng góp vào sự vận hành của đời sống. Không thể nói nghề dạy học danh giá hơn nghề y hay nghề kinh doanh đáng kính trọng hơn nghề nông, nghề vệ sinh đường phố,... mà bất cứ ai làm bất kì công việc gì nếu góp phần vào sự tồn tại và phát triển của xã hội thì cả người ấy lẫn nghề ấy đều đáng được coi trọng và đều có vị thế, ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. Lúc sinh thời, trong bài viết Lao động nào cũng vẻ vang, Bác Hồ đã kể câu chuyện về “cô Bín làm vệ sinh” và “cô Thơm làm việc mọi cống”. Sau khi kể chuyện, Bác phân tích: “Nếu không có cô Bin thì anh em ở nhà máy tắc tị hết. Có ăn có nhập mà không có xuất thì rồi ốm hết. Nếu không có cô Thơm thì thành phố Hải Phòng có sạch không? – Không. Không sạch sẽ thì bẩn thỉu, bẩn thỉu thì sinh bệnh.”. Rồi Người kết luận và nhắc nhở: “Vì vậy, cho nên tất cả đồng bào Hải Phòng chúng ta phải biết ơn và kính trọng những người như cô Bín và cô Thơm... Bất kì công việc nào ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, cho xã hội đều là vẻ vang cả”.

Không chỉ là chủ thể sáng tạo nghề nghiệp, con người còn là nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ của nghề nghiệp. Bằng tâm huyết, tình yêu với nghề, bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, bằng khối óc mẫn tiệp, con người không ngừng đổi mới cung cách làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, khiến cho nghề nghiệp mà mình theo đuổi đem lại nhiều lợi ích, giá trị cho cộng đồng, được xã hội thừa nhận, tôn vinh. Lúc ấy, chẳng những nghề đó sẽ trở thành một công việc hấp dẫn trong mắt của nhiều người mà còn thành một nghề “danh giá” được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đấy chẳng phải là chính con người đã làm cho nghề nghiệp trở nên vẻ vang! Nhân loại những thập kỉ qua và có lẽ mãi về sau sẽ còn nhắc đến tên tuổi của Bin Ghết (Bill Gates, không chỉ bởi ông từng là người giàu nhất thế giới, là một nhà từ thiện lớn mà bởi trước hết ông là nhà sáng lập ra hãng máy tính Microsoft, “ông vua phần mềm” của thế giới công nghệ thông tin. Nhưng bằng nỗ lực và trí tuệ của mình, Bin Ghết cùng các cộng sự của ông đã đưa ngành công nghiệp máy tính lên thành một nghề có “thương hiệu” trong đời sống xã hội. Ngày nay, không ai không thấy ý nghĩa của máy tính điện tử cùng các phần mềm của nó đối với xã hội loài người. Và cùng với sự thành đạt cả trên phương diện danh tiếng và tài chính của tỉ phú Bin Ghết, nghề sản xuất kinh doanh máy tính điện tử và các phần mềm ứng dụng đã trở thành một công việc có tầm ảnh hưởng to lớn trong xã hội hiện đại. Nhiều khoa công nghệ thông tin đã được mở ở nhiều trường đại học để đào tạo những kĩ sư, cử nhân công nghệ cho hoạt động của nghề này trong tương lai. Những người như Bản Ghết có phải đã làm rạng danh cho nghề của mình?!

Đúng là con người đã làm danh giá cho nghề nghiệp. Tuy nhiên, ta cũng cần phải thấy nghề nghiệp vẫn có những ý nghĩa và giá trị nội tại riêng của nó. Dù không trực tiếp tạo ra sự vinh quang cho con người nhưng nó là cơ hội, hoàn cảnh, môi trường công tác không thể thiếu để mỗi người có thể tiến thân, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, thậm chí làm vẻ vang cho gia đình, đất nước.

Có thể thấy việc lựa chọn nghề nghiệp vô cùng quan trọng. Song trên thực tế, nhiều người nhất là các bạn trẻ đang bị lệch hướng trong việc chọn nghề. Một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay đang có xu hướng chạy theo các nghề “thời thượng” như kinh tế, ngân hàng, tài chính, xây dựng, ngoại giao,... Thực ra, đây là quyền lợi chính đáng của mỗi các bạn trẻ, thậm chí nó còn rất đáng khuyến khích nếu đó là ước mơ, là niềm say mê, và những khả năng lao động có thật của các bạn. Thế nhưng, vì quan niệm phải chọn nghề “danh giá” nên nhiều bạn trẻ “chạy theo” phong trào, theo “mốt” để đến với các nghề trên mà không hề tính đến sở thích, sở trường, khả năng thực tế,... của bản thân. Thực tiễn cuộc sống đã cho thấy nhiều bạn trẻ đã vấp ngã và để lại những bài học đau xót, thấm thía.... Nếu tuổi trẻ hiểu rằng chính con người chứ không phải ai khác sẽ làm nên sự vẻ vang cho nghề, sự vinh quang cho bản thân thì các bạn sẽ thấy điều quan trọng trước tiên chưa phải là tên gọi hay tính chất của nghề (thời thượng hay không thời thượng, quan phương hay bình dị, lao động trí óc hay lao động chân tay, môi trường công tác nhiều độc

tố hay sạch sẽ, vô trùng,..) mà ở chỗ nghề nghiệp ấy có phù hợp với bản thân, có khơi dậy, phát huy hết nhiệt tình, sở trường hay không. Do đó, chọn đúng nghề và làm tốt nghề nghiệp tức là bạn đã tạo lập vị trí, tiếng tăm cho bản thân và cho chính công việc mà bạn đang theo đuổi. Về điều này, cha ông ta đã từng răn dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

Tóm lại, chọn nghề là một trong những việc trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Lời khuyên trên rất hữu ích đối với thanh niên, học sinh, sinh viên – những người đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mỗi bạn trẻ cần có ý thức chọn lựa nghề nghiệp sao cho phù hợp với bản thân đồng thời kết hợp với nhu cầu của đất nước. Không nên chạy theo hư danh mà phải chú ý đến thực chất trong việc lựa chọn ngành nghề cho mình. Hiện tại, mỗi học sinh, sinh viên cần cố gắng học tập, rèn luyện để có lí tưởng đẹp, hiểu biết đúng, quyết định sáng suốt, bản lĩnh vững vàng (một cái đầu lạnh, một trái tim nóng, đôi bàn tay vàng, đôi bàn chân thép) nhằm chọn đúng nghề và sau này làm nghề một cách hiệu quả”.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài tập viết và nói - nghe trang 48, 49 hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác: