Từ các văn bản Ca Huế, Hội thi thổi cơm, Những nét đặc sắc trên “đất vật” Bắc Giang, hãy viết bài thuyết minh
Từ các văn bản , hãy viết bài thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho hoạt động đã được giới thiệu hoặc các hoạt động tương tự của địa phương em.
Từ các văn bản Ca Huế, Hội thi thổi cơm, Những nét đặc sắc trên “đất vật” Bắc Giang, hãy viết bài thuyết minh
Câu 2 trang 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Từ các văn bản Ca Huế, Hội thi thổi cơm, Những nét đặc sắc trên “đất vật” Bắc Giang, hãy viết bài thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho hoạt động đã được giới thiệu hoặc các hoạt động tương tự của địa phương em.
Trả lời:
Tham khảo bài văn sau:
“LỄ HỘI ĐUA BÒ Ở BẢY NÚI – AN GIANG
Hằng năm, đồng bào Khmer ở An Giang tổ chức lễ cúng báo hiếu ông bà tổ tiên, những ân nhân đã qua đời gọi là Sen Dolta, kéo dài ba ngày, từ 29 tháng 8 cho đến mồng 1 tháng 9 âm lịch (nếu tháng thiếu thì kéo sng mồng 2 tháng 9).
Ba ngày mang ba ý nghĩa khác nhau: ngày thứ nhất nghênh tiếp, ngày thứ hai lưu giữ và ngày thứ ba đưa tiễn ông bà. Trong không khí ấy, người Khmer dành trọn cả đêm để thưởng thức dàn nhạc ngũ âm biểu diễn hoặc hào hứng uốn mình trong điệu múa lăm vông đầy ấn tượng. Nhưng đặc biệt nhất của lễ Dolta là hằng năm đều có tổ chức lễ hội đua bò, hoặc ở chùa Thamit (Vĩnh Trung, Tịnh Biên), hoặc ở chùa Tà Miệt (Lương Phi, Tri Tôn) thuộc vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.
Lễ hội đua bò có kéo bừa là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của người Khmer ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Bò được nuôi để làm sức kéo phục vụ cho nông nghiệp. Trước đây, họ thường cho bò chạy đua trên thửa ruộng của mình và nó đã trở thành trò chơi dân gian có từ lâu đời của người Khmer ở vùng này.
Ngày nay, đua bò đã được nâng lên thành lễ hội (được công nhận cấp quốc gia) của vùng Bảy Núi vào dịp lễ Dolta. Sân đua bò là một thửa ruộng có kích thước không quy định cụ thể, tùy khu đất được chọn làm sân đua. Chiều dài có thể đến 200 mét, chiều rộng khoảng 100 mét. Sân đua được bao bọc bởi những tán cây xanh mát và những bờ đất cao. Mặt ruộng sân đua được bơm nước vào vừa ngập khoảng 5 – 10 xăng-ti-mét, bên trên đường chạy là ban giám khảo và trọng tài. Đường chạy vòng quyết định dài gần 100 mét, rộng 4 mét, hai đầu đặt điểm xuất phát và đích đến chừa một khoảng cách an toàn khá xa.
Các đôi bò đăng kí dự thi đã được chăm sóc kĩ từ mấy tháng trước, cho ăn những thức ăn bổ dưỡng và tập luyện gian khổ. Với những chiếc lục lạc vàng sáng loáng, chiếc ách sơn phết đẹp mắt cùng cặp sừng nhỏ nhắn nhưng chắc chắn, các đôi bò bắt cặp nhau chờ vào vòng đua. Trong cuộc thi, từng đôi bò phải tranh nhau quyết liệt với từng đối thủ qua từng vòng đấu, chỉ cần thua một vòng là bị loại ra khỏi cuộc chơi. Từng cặp đối thủ loại nhau trực tiếp cho đến vòng cuối cùng. Người điều khiển đôi bò thi đấu cũng thuộc tay nhà nghề, gan dạ, khôn khéo, mưu trí để hiểu ý đôi bò của mình mà thúc giục chúng vào thời điểm thích hợp, đồng loạt, không lệch đường đua. Nếu không may, người điều khiển đôi bò chạy trước không đứng vững trên thanh bừa, rơi xuống đất sẽ bị đôi bò chạy sau giẫm đạp lên rất nguy hiểm.
Luật thi đấu không giống bất kì luật của cuộc tranh tài nào khác. Mỗi đôi bò được đặt ách vào cổ để kéo cái bừa có người điều khiển đứng lên trên. Trước khi thi đấu, hai người điều khiển bò thi đấu được rút thăm ai trước, ai sau.
Bắt đầu thi đấu, cả hai đôi bò sẽ phải chạy chậm quanh sân như để làm “nóng” cuộc đua, gọi là “vòng hô”. Sau hai “vòng hô” là tới điểm phất cờ (đôi trước, đôi sau chứ không phải chạy song song) để bước vào “vòng thả”. Đoạn “thả” quyết định phân thắng bại, nếu đôi trước bị đôi sau đạp lên, chạy qua mặt là đôi sau thắng.
Cuộc đua cứ như vậy, hết đôi này đến đôi khác, đạp tung nước trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả. Ngược lại, nếu đôi bò chạy trước nhanh hơn, không để đôi sau đuổi kịp, qua mặt và về đến đích là đôi bò đó thắng cuộc. Trên đường đua, đôi bò nào bị sức ép cổ vũ của khán giả, bỏ đường chạy cũng bị loại.
Theo giới khán giả sành điệu thì hấp dẫn nhất của cuộc đua bò là ở hai “vòng hô”, tuy bò chạy chậm nhưng đó là lúc người điều khiển đôi bò thể hiện tài năng của mình. Và chàng kị sĩ thắng cuộc sẽ được mọi người tán tụng, xem như vị anh hùng cầm vàm bò can đảm nhất vùng.
Mỗi lần lễ hội được tổ chức có khoảng 70 đôi bò tham gia. Huyện nào đăng cai tổ chức sẽ được ưu tiên một số lượng tham gia theo quy định. Hiện nay, những người cos bò đăng kí tham gia lễ hội không chỉ khoanh vùng ở Tịnh Biên và Tri Tôn, ban tổ chức còn mời gọi các tay đua từ nhiều địa phương khác để tạo thêm số lượng tham gia phong phú, sôi nổi, lễ hội thêm tưng bừng, hào hứng.
Lễ hội đua bò là môn thể thao hấp dẫn nên lễ hội này ngày càng thu hút nhiều du khách, không những trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ về tham dự.”.
(Theo Minh Đạt, cema.gov.vn)