Gieo hai con xúc xắc 6 mặt cân đối
Giải sách bài tập Toán lớp 7 Bài 1: Làm quen với biến cố ngẫu nhiên
Bài 6 trang 81 sách bài tập Toán lớp 7 Tập 2: Gieo hai con xúc xắc 6 mặt cân đối. Trong các biến cố sau, hãy chỉ ra biến cố nào là chắc chắn, không thể, ngẫu nhiên.
A: “Tích số chấm xuất hiện trên 2 con xúc xắc bằng 36”;
B: “Tích số chấm xuất hiện trên 2 con xúc xắc bằng 14”;
C: “Tổng số chấm xuất hiện trên 2 con xúc xắc bằng 13”.
Lời giải:
Con xúc xắc có số chấm ở 6 mặt như sau: 1 chấm, 2 chấm, 3 chấm, 4 chấm, 5 chấm, 6 chấm.
Kí hiệu (i; j) là kết quả con xúc xắc thứ nhất xuất hiện i chấm, con xúc xắc thứ hai xuất hiện j chấm (với i, j ∈ {1; 2; 3; 4; 5; 6}).
‒Biến cố A: “Tích số chấm xuất hiện trên 2 con xúc xắc bằng 36” là biến cố ngẫu nhiên vì không biết trước được có xảy ra hay không.
+ Nếu i = j = 6 thì ij = 36 nên biến cố A sẽ xảy ra.
+ Chẳng hạn nếu i = 1, j =2thì ij =1 . 2 = 2 < 36 nên biến cố A không xảy ra.
‒Biến cố B: “Tích số chấm xuất hiện trên 2 con xúc xắc bằng 14” là biến cố không thể vì:
Ta có 14 = 1 . 14 = 2 . 7
Do đó một trong hai con xúc xắc phải gieo được mặt 7 chấm (con xúc xắc còn lại gieo được mặt 2 chấm) hoặc 14 chấm (con xúc xắc còn lại gieo được mặt 1 chấm).
Mà xúc xắc chỉ có mặt 1 chấm, 2 chấm, 3 chấm, 4 chấm, 5 chấm, 6 chấm.
Do đó biến cố B không xảy ra.
‒Biến cố C: “Tổng số chấm xuất hiện trên 2 con xúc xắc bằng 13” là biến cố không thể vì giả sử hai con xúc xắc cùng xuất hiện mặt nhiều chấm nhất i = j = 6 thì i + j = 12 < 13. Do đó biến cố C không xảy ra.
Vậy biến cố A là biến cố ngẫu nhiên; biến cố B và C là biến cố không thể.