Giải Sinh học 10 trang 63 Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời Giải Sinh học 10 trang 63 trong Bài 10: Sự chuyển hóa năng lượng và enzyme sách Cánh diều. Với lời giải ngắn gọn nhưng đủ ý hy vọng sẽ giúp các học sinh dễ dàng nắm được cách làm bài tập Sinh học 10.
Giải Sinh học 10 trang 63 Cánh diều
Luyện tập 2 trang 63 Sinh học 10: Dựa vào hình 10.5 nêu cấu tạo của ATP. ATP được phân giải và tổng hợp như thế nào? Đặc điểm nào để có thể ví ATP là “đồng tiền” năng lượng trong tế bào?
Lời giải:
• Cấu tạo ATP:
ATP gồm 3 thành phần cơ bản là:
+ Phân tử adenine: một cấu trúc vòng bao gồm các nguyên tử C, H và N.
+ Phân tử đường ribose: một phân tử đường có 5 Carbon.
+ Phần đuôi với 3 gốc phosphate. Khi liên kết giữa các gốc phosphate bị phá vỡ sẽ giải phóng năng lượng.
• Sự tổng hợp và phân giải ATP:
+ Sự phân giải ATP: Khi tế bào sử dụng ATP, liên kết giữa hai gốc phosphate của ATP bị phá vỡ, năng lượng được chuyển hóa trực tiếp cho các hoạt động cần năng lượng của tế bào. Lúc này, ATP bị phân giải thành ADP và giải phóng một nhóm phosphate.
+ Sự tổng hợp ATP: Sau khi hoạt động chức năng, nhóm phosphate liên kết trở lại với ADP để hình thành ATP. Sự phân giải các hợp chất dự trữ năng lượng cung cấp năng lượng cho sự hình thành liên kết giữa các gốc phosphate trong phân tử ATP.
• ATP là “đồng tiền” năng lượng trong tế bào vì:
- ATP có các liên kết phosphate cao năng dễ bị phá vỡ để giải phóng năng lượng → Điều đó giúp ATP đáp ứng được việc cung cấp năng lượng một cách nhanh chóng, kịp thời cho tế bào.
- Trong tế bào, ATP thường xuyên được sinh ra và ngay lập tức được sử dụng cho mọi hoạt động sống của tế bào như tổng hợp và vận chuyển các chất, co cơ,…
Câu hỏi 5 trang 63 Sinh học 10: Người ta tiến hành thí nghiệm đun sôi 200 mL dung dịch tinh bột với 5 mL chất xúc tác HCl 1N trong 1 giờ. Kết quả cho thấy tinh bột bị phân giải thành đường. Khi nhai cơm, ta thấy có vị ngọt vì tinh bột được phân giải thành đường nhờ enzyme amylase. Nhận xét về điều kiện và tốc độ của hai phản ứng.
Lời giải:
- Phản ứng phân giải tinh bột với chất xúc tác HCl cần điều kiện nhiệt độ (đun sôi) và tốc độ phản ứng diễn ra chậm (trong 1 giờ).
- Phản ứng phân giải tinh bột với chất xúc tác enzyme amylase không cần điều kiện nhiệt độ (nhiệt độ bình thường của cơ thể) và tốc độ phản ứng diễn ra nhanh chóng (chỉ mất một vài phút).
Luyện tập 3 trang 63 Sinh học 10: Nếu không có enzyme, các phản ứng hóa học và quá trình chuyển hóa năng lượng trong tế bào có diễn ra được không? Điều gì sẽ xảy ra nếu trong một chuỗi phản ứng do nhiều enzyme xúc tác mà có một enzyme không hoạt động?
Lời giải:
- Nếu tế bào không có enzyme thì các phản ứng hóa học cần chất xúc tác và điều kiện phản ứng sẽ không thể xảy ra, kéo theo đó các quá trình chuyển hóa năng lượng trong tế bào cũng không thể diễn ra.
- Nếu trong một chuỗi phản ứng do nhiều enzyme xúc tác mà có một enzyme không hoạt động thì không những sản phẩm không được tạo thành mà cơ chất của enzyme đó còn tích lũy gây độc cho tế bào, cơ thể.
Câu hỏi 6 trang 63 Sinh học 10: Phản ứng do enzyme xúc tác thay đổi như thế nào khi trung tâm hoạt động của enzyme bị thay đổi hình dạng không phù hợp với cơ chất?
Lời giải:
Để thực hiện được phản ứng do enzyme xúc tác, enzyme phải kết hợp với cơ chất bằng sự liên kết đặc hiệu (trung tâm hoạt động của enzyme có cấu hình không gian phù hợp với cơ chất) tạo nên phức hợp enzyme – cơ chất → Khi trung tâm hoạt động của enzyme bị thay đổi hình dạng không phù hợp với cơ chất thì phản ứng do enzyme xúc tác sẽ không xảy ra do enzyme không liên kết được với cơ chất.