X

Sinh học 11 Kết nối tri thức

Sinh 11 Kết nối tri thức Bài 11: Thực hành: Một số thí nghiệm về tuần hoàn


Haylamdo biên soạn và sưu tầm với giải bài tập Sinh 11 Bài 11: Thực hành: Một số thí nghiệm về tuần hoàn sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh học 11 Bài 11.

Giải Sinh học 11 Kết nối tri thức Bài 11: Thực hành: Một số thí nghiệm về tuần hoàn

Thu hoạch trang 71 Sinh học 11: Viết báo cáo thực hành theo các nội dung sau:

Viết báo cáo thực hành theo các nội dung trang 71

Lời giải:

BÁO CÁO THỰC HÀNH

MỘT SỐ THÍ NGHIỆM VỀ TUẦN HOÀN

1. Mục đích

- Thực hành đo được huyết áp ở người và nhận biết được trạng thái sức khỏe từ kết quả đo; đếm được nhịp tim của người ở các trạng thái hoạt động khác nhau và giải thích kết quả.

- Mổ được tim ếch và tìm hiểu tính tự động của tim; tìm hiểu được vai trò của dây thần kinh giao cảm, đối giao cảm; tìm hiểu được tác động của adrenalin đến hoạt động của tim.

2. Kết quả và giải thích

a. Kết quả đếm nhịp tim khi nghỉ ngơi và ngay sau khi hoạt động. Giải thích.

- Kết quả:

+ Học sinh tiến hành xác định nhịp tim khi đang nghỉ ngơi và ngay khi hoạt động mạnh (chạy nhanh tại chỗ hoặc chống 2 tay xuống ghế và nâng hạ cơ thể vài chục lần) theo hướng dẫn trong SGK và giáo viên; ghi lại kết quả đếm nhịp tim.

Tên

Khi đang nghỉ ngơi

(lần/phút)

Ngay sau khi hoạt động mạnh

(lần/phút)

Nguyễn Văn A

 

 

+ Lưu ý: Nhịp tim khi đang nghỉ ngơi của người trưởng thành khoảng 75 lần/phút. Nhịp tim tăng lên khi tăng cường độ hoạt động (khi chạy bộ là khoảng 100 – 160 lần/phút).

- Giải thích:

+ Ở người trưởng thành, một chu kì hoạt động của tim kéo dài khoảng 0,8 s → Nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi của người trưởng thành khoảng 75 lần/phút.

+ Nhịp tim tăng lên sau khi hoạt động mạnh vì: Khi hoạt động mạnh, tốc độ hô hấp tế bào ở các tế bào cơ tăng lên để đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho cơ xương hoạt động liên tục. Khi tốc độ hô hấp tế bào tăng ở các tế bào cơ tăng, hàm lượng O2 trong máu giảm (hô hấp tế bào tiêu hao O2), hàm lượng CO2 trong máu tăng (hô hấp tế bào thải ra CO2), pH máu giảm. Điều này sẽ tác động lên thụ thể hóa học ở cung động mạch chủ, xoang động mạch cổ (cảnh) kích thích hoạt động thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim để đảm bảo cung cấp đủ O2 và đào thải kịp thời CO2 cho các tế bào cơ xương hoạt động.

b. Kết quả đo huyết áp khi đang nghỉ ngơi, từ đó rút ra kết luận về tình trạng huyết áp.

- Kết quả: Học sinh tiến hành đo huyết áp của những bạn trong nhóm theo hướng dẫn trong SGK và giáo viên; ghi giá trị huyết áp tối đa, huyết áp tối thiểu của từng bạn vào bảng.

Tên

Huyết áp tối đa

(mmHg)

Huyết áp tối thiểu

(mmHg)

Nguyễn Văn A

135

75

…………………………

…………………………

…………………………

- Kết luận:

+ Ở người trưởng thành, giá trị huyết áp tối đa bình thường trong khoảng 90 – 140 mmHg; huyết áp tối thiểu bình thường trong khoảng 60 – 90 mmHg.

+ Huyết áp tối đa cao hơn 140 mmHg hoặc huyết áp tối thiểu cao hơn 90 mmHg được coi là tăng huyết áp (huyết áp cao).

+ Huyết áp tối đa thấp hơn 90 mmHg, huyết áp tối thiểu thấp hơn 60 mmHg được coi là hạ huyết áp (huyết áp thấp).

c. Kết quả đếm nhịp tim khi chưa thắt chỉ với nhịp đập xoang nhĩ, nhịp tim sau khi thắt chỉ.

- Kết quả: Học sinh thực hiện thí nghiệm theo hướng dẫn trong SGK và giáo viên; rồi ghi kết quả vào bảng:

Thời điểm

Vị trí

Trước khi

thắt nút

Sau khi

thắt nút

Phần xoang tĩnh mạch

 

 

Phần còn lại của tim

 

 

- Giải thích:

+ Sau khi thắt nút ngăn cách xoang tĩnh mạch với tim, xoang tĩnh mạch vẫn đập và đập nhanh hơn nhịp tim ban đầu vì: Xoang tĩnh mạch của ếch có nút Remark (tương ứng với nút xoang nhĩ ở người) có khả năng tự phát xung động. Đồng thời, do sự cản trở bởi nút thắt, lưu lượng máu trong xoang tĩnh mạch tăng mạnh làm cho tế bào thụ thể tiếp nhận kích thích phát xung thần kinh nhanh hơn nhằm giảm áp lực.

+ Sau khi thắt nút, tim ngay lập tức dừng hoạt động trong vài giây vì: Nút thắt này ngăn cách xoang tĩnh mạch với tim mà xoang tĩnh mạch có nút Remark - nơi có tính tự động mạnh nhất dẫn đến khi thắt nút thì xung thần kinh phát từ nút xoang nhĩ không thể truyền xuống phía dưới được. Do đó, phần trên nút thắt vẫn hoạt động bình thường, còn dưới thì bị ngừng vài giây. Sau đó, phần dưới nút thắt hoạt động trở lại sau vài giây nhưng yếu hơn trước vì: Giữa tâm thất và tâm nhĩ có nút Bidder (tương ứng với nút nhĩ thất) cũng có khả năng tự động phát xung thần kinh nhịp nhàng nhưng yếu hơn nút Remark.

d. Kết quả đếm nhịp tim lúc bình thường, nhịp tim trong khi và ngay sau khi kích thích dây thần kinh giao cảm – đối giao cảm. Giải thích.

- Kết quả: Học sinh thực hiện xác định và kích thích dây thần kinh đối giao cảm – giao cảm rồi ghi kết quả vào bảng:

Thời điểm

Số nhịp tim

Trước khi kích thích

 

Trong khi kích thích

 

Sau khi kích thích 1 – 2 phút

 

→ Khi kích thích, tim ngừng đập ở thì tâm trương. Sau khi kích thích 1 – 2 phút, tim lại đập trở lại bình thường.

- Giải thích: Hoạt động của tim chịu sự chi phối của dây đối giao cảm – giao cảm. Khi kích thích vào vị trí giữa dây đối giao cảm – giao cảm, xung thần kinh từ dây thần kinh đối giao cảm đến tim trước gây ra các tác dụng giảm nhịp tim, giảm trương lực cơ tim, giảm tốc độ dẫn truyền xung động trong tim, nếu cường độ kích thích cao sẽ làm tim ngừng đập ở thì tâm trương.

e. Kết quả đếm nhịp tim lúc bình thường và khi có tác động của adrenalin. Giải thích.

- Kết quả: Học sinh thực hiện thí nghiệm theo hướng dẫn trong SGK và giáo viên; rồi ghi kết quả vào bảng:

Thời điểm

Số nhịp tim

Khi bỏ tim vào dung dịch sinh lí

 

Khi bỏ tim vào dung dịch sinh lí có adrenalin

 

→ Khi nhỏ adrenaline, cường độ co tim tăng.

- Giải thích: Adrenaline là loại hormone có ảnh hưởng đến hoạt động của tim theo hướng làm tăng nhịp tim, tăng hoạt động cơ tim.

3. Trả lời câu hỏi

a. Tại sao thông qua bắt mạch cổ tay có thể đếm được nhịp tim?

Thông qua bắt mạch cổ tay có thể đếm được nhịp tim vì: Ở cổ tay có động mạch đi qua. Trong chu kì của tim, tim dồn máu vào động mạch theo từng đợt dẫn đến sự co dãn theo chu kì của tim tạo nên sự dao động nhịp nhàng của động mạch. Do đó, người ta có thể thông qua việc bắt động mạch ở cổ tay để có thể đếm được nhịp tim.

b. Tại sao khi đo huyết áp phải tránh bị căng thẳng thần kinh, không nói chuyện, nghỉ ngơi ít phút trước khi đo nếu từ nơi khác đến?

Khi đo huyết áp phải tránh bị căng thẳng thần kinh, không nói chuyện, nghỉ ngơi ít phút trước khi đo nếu từ nơi khác đến vì: Khi người ở trạng thái hoạt động hay căng thẳng thần kinh đều sẽ làm thay đổi giá trị huyết áp (ví dụ: khi hoạt động mạnh như thể dục thể thao hoặc khi hồi hộp, lo lắng sẽ làm tăng huyết áp), dẫn đến kết quả đo không còn được chính xác.

c. Tại sao khi nghiên cứu tính tự động của tim ếch và tìm hiểu vai trò của dây thần kinh giao cảm – đối giao cảm đối với hoạt động của tim ếch phải phá tủy sống của ếch?

Khi nghiên cứu tính tự động của tim ếch và tìm hiểu vai trò của dây thần kinh giao cảm – đối giao cảm đối với hoạt động của tim ếch phải phá tủy sống của ếch vì: Việc phá tủy sống của ếch sẽ khiến ếch duỗi thẳng các chi và không cử động được nhưng vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động của tim và dây thần kinh giao cảm. Từ đó, giúp các thao tác nghiên cứu được thực hiện dễ dàng hơn.

d. Tại sao phải tách tim ra khỏi cơ thể ếch (làm tim rời) khi nghiên cứu tác động của adrenalin lên hoạt động của tim ếch?

Phải tách tim ra khỏi cơ thể ếch (làm tim rời) khi nghiên cứu tác động của adrenalin lên hoạt động của tim ếch vì: Khi tim được gắn liền với cơ thể, việc tim đập nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Vì vậy, để chứng minh sự tác động của adrenalin lên hoạt động của tim ếch, cần tách tim ra khỏi cơ thể ếch nhằm loại bỏ tối đa những yếu tố ảnh hưởng đến sự hoạt động của tim ếch.

Xem thêm lời giải bài tập Sinh học lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: