X

Sinh học 12 Kết nối tri thức

Sinh học 12 Bài 6: Thực hành: Tách chiết DNA - Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải bài tập Sinh 12 Bài 6: Thực hành: Tách chiết DNA sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh học 12 Bài 6.

Giải Sinh học 12 Bài 6: Thực hành: Tách chiết DNA - Kết nối tri thức

Trả lời mục Thu hoạch trang 34 SGK Sinh học 12 – Kết nối tri thức: Học sinh viết báo cáo thực hành theo các nội dung sau:

Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 6: Thực hành: Tách chiết DNA | Giải Sinh học 12

Trả lời:

BÁO CÁO THỰC HÀNH

TÁCH CHIẾT DNA

1. Mục đích

- Tách chiết được DNA từ các mẫu vật sống.

2. Kết quả và giải thích

- Sau thực hiện quy trình thí nghiệm, thấy xuất hiện búi kết tủa trắng đục chứa DNA nằm lơ lửng trong lớp cồn.

Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 6: Thực hành: Tách chiết DNA | Giải Sinh học 12

DNA tách chiết được từ các tế bào gan gà

3. Trả lời câu hỏi

a) Tại sao phải sử dụng dung dịch nước rửa chén bát hay dung dịch tẩy rửa?

Việc sử dụng dung dịch nước rửa chén bát hay dung dịch tẩy rửa có tác dụng phá hủy màng tế bào, màng nhân nhằm giải phóng dịch nhân tế bào vào dung dịch chiết xuất.

b) Tại sao cần sử dụng nước dứa? Có thể thay nước dứa bằng dung dịch gì?

Trong tế bào nhân thực, DNA liên kết với nhiều protein (như histone, các protein điều hòa và phiên mã) nên việc cho dịch chiết nước dứa vào dịch chiết mô có tác dụng phân cắt chuỗi polypeptide của các protein này thành các amino acid đơn phân hoặc đoạn peptide nhỏ nhờ khả năng phân giải protein của enzyme protease có trong dịch chiết nước dứa. Nhờ đó, dung dịch lúc này chỉ còn các đại phân tử DNA và RNA.

Có thể thay nước dứa bằng các dung dịch có chứa enzyme protease như dung dịch enzyme protease tinh chế, dung dịch nước đu đủ xanh,…

c) Tại sao cần sử dụng cồn ethanol?

Việc cho ethanol vào hỗn hợp có tác dụng kết tủa DNA. Do ethanol nhẹ hơn nước, nên khi cho ethanol vào phía trên dịch chiết tế bào sẽ tách thành lớp trong suốt trong ống nghiệm. Lúc này, DNA sẽ đi từ dịch chiết tế bào lên, đẩy sát lại gần nhau và bị kết tủa dưới dạng vật chất có màu trắng đục.

d) Cần phải cải tiến, khắc phục điều gì để thu được kết quả tốt hơn?

Cần lưu ý các điểm sau để thu được kết quả tốt hơn:

- Cần phải sử dụng các mẫu vật là mô thực vật hay động vật còn tươi.

- Nên sử dụng mẫu vật là mô động vật vì mô thực vật thường chứa nhiều nước, ít DNA hơn. Nếu sử dụng mô thực vật cần phải loại bỏ sắc tố trước khi tách chiết. Nên sử dụng mẫu vật là gan gà hoặc gan lợn vừa dễ nghiền, vừa giàu DNA; trước khi cắt nhỏ gan cần loại bỏ lớp màng bao bọc bên ngoài.

- Lựa chọn khối lượng mẫu vật phù hợp: thường là 5 g đối với mô động vật và 50 g đối với mô thực vật.

- Đảm bảo thực hiện các thao tác đúng quy trình.

- Ở bước 5, có thể sử dụng ethanol lạnh để tăng hiệu quả gây kết tủa DNA.

- Có thể kiểm tra và đánh giá hiệu suất tách chiết bằng cách sử dụng các phương pháp như dùng dung dịch diphenylamine ở nhiệt độ cao, đo OD, điện di trên gel agarose, PCR,...

Xem thêm lời giải bài tập Sinh học lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: