Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn nghị luận ngắn gọn - Soạn văn lớp 10
Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn nghị luận ngắn nhất năm 2021
Với Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn nghị luận ngắn gọn nhất Ngữ văn lớp 10 năm 2021 mới sẽ giúp các bạn học sinh dễ dàng soạn văn lớp 10. Ngoài ra, bản soạn văn lớp 10 này còn giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm để giúp bạn nắm vững được kiến thức văn bản trước khi đến lớp.
A. Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn nghị luận (ngắn nhất)
Hướng dẫn soạn bài
Đoạn văn tham khảo
Sách có sức sống phi thường, vượt qua không gian và thời gian, đưa ta “trở về quá khứ”, tìm đến những biến cố lịch sử, những cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc. Những điều trong quá khứ, những gì mà người xưa đã chứng kiến và trải qua đã được lưu lại qua những trang sách. Nhờ có sách, thế hệ sau có thể biết được nhiều tri thức về cuộc sống của những người xưa, đồng thời có thể đối thoại lại với họ. Nói cách khác, sách là một kênh đối thoại giữa những lớp người ở không gian và thời gian khác nhau. Sách không chỉ cho ta kiến thức học tập mà còn cho ta những kĩ năng trong cuộc sống. Đọc mỗi trang sách, ta như hiểu thêm về những thứ xung quanh ta mà ta chưa từng biết. Ví dụ ta đọc sách về địa lý, sách mang cho ta những kiến thức về đất đai diện tích lãnh thổ, ... Đọc sách về văn học, ta hiểu thêm về cách sử dụng ngôn từ, những biện pháp nghệ thuật, những cuộc sống khốn khó của người dân thời xưa, mang cho tâm hồn chúng ta những bay bổng trầm lắng. Còn rất nhiều, rất nhiều loại sách khác. Mỗi quyển mở cho ta một chân trời kiến thức bao la. Sách phải được trân trọng, bảo vệ, nâng niu. Sách luôn là người bạn đồng hành mà chúng ta phải trân trọng.
B. Kiến thức cơ bản
I. Khái niệm đoạn văn
1. Về nội dung: Đoạn văn diễn đạt tương đối trọn vẹn một ý.
2. Về hình thức: Đoạn văn là phần văn bản:
- Bắt đầu từ chữ viết hoa lùi vào đầu dòng.
- Kết thúc là một dấu chấm xuống dòng.
- Đoạn có một hoặc do nhiều câu liên kết tạo thành.
3. Các câu trong đoạn văn.
- Câu mở đoạn: Là câu nêu vấn đề.
- Câu khai triển đoạn: Là câu phát triển ý được nêu ở câu mở đoạn.
- Câu kết đoạn: Là câu khép lại vấn đề.
- Câu chủ đề: Là câu mang ý chính của toàn đoạn. Vị trí của câu chủ đề tùy thuộc vào kết cấu của đoạn.
II. Đoạn nghị luận.
1. Khái niệm.
- Đoạn văn nghị là một phần của văn bản nghị luận.
- Văn bản nghị luận là văn bản được viết ra nhằm xác lập cho người đọc (người nghe) một tư tưởng, một quan điểm.
2. Các yếu tố chính trong bài văn nghị luận.
Muốn xây dựng bài văn nghị luận cần phải xác lập các yếu tố:
a. Luận điểm: Là ý kiến thể hiện quan điểm, tư tưởng trong bài văn nghị luận.
b. Luận cứ: Là căn cứ để xây dựng luận điểm.
c. Luận chứng: Là chứng cứ minh họa cho luận cứ, luận điểm.
d. Lập luận: Là cách lựa chọn, sắp các luận cứ để dẫn đến luận điểm.
3. Một số cách viết trong bài văn nghị luận.
- Đoạn diễn dịch: Diễn dịch là phương pháp trình bày ý từ luận điểm suy ra các luận cứ (Từ ý tổng quát suy ra ý cụ thể).
- Đoạn quy nạp: Quy nạp là phương pháp trình bày ý từ các luận cứ rút ra những nhận định tổng quát, rút ra luận điểm (Từ các ý cụ thể rút ra nhận định chung).
- Đoạn tổng – phân – hợp: Đoạn tổng – phân – hợp là đoạn nghị luận có cách triển khai ý từ luận điểm suy ra các luận cứ, rồi từ các luận cứ khẳng định lại luận điểm. Qua mỗi bước vấn đề được nâng cao hơn.