Soạn bài Tôi đi học ngắn gọn - Soạn văn lớp 8
Soạn bài Tôi đi học ngắn nhất năm 2021
Với Soạn bài Tôi đi học ngắn gọn nhất Ngữ văn lớp 8 năm 2021 mới sẽ giúp các bạn học sinh dễ dàng soạn văn lớp 8. Ngoài ra, bản soạn văn lớp 8 này còn giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm để giúp bạn nắm vững được kiến thức văn bản trước khi đến lớp.
A. Soạn bài Tôi đi học (ngắn nhất)
Câu 1 (trang 9 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1):
+ Những cảm xúc, suy nghĩ lạ lẫm, mới mẻ vào ngày đầu tiên đi học đã được gợi lên trong lòng nhân vật “tôi”.
+ Những kỉ niệm ấy được nhà văn diễn tả theo trình tự thời gian.
Câu 2 (trang 9 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1):
Chi tiết thể hiện tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật “tôi”:
+ Khi cùng mẹ đi trên đường tới trường: Con đường đã quen…lạ; cảnh vật chung quanh đều thay đổi; thấy mình trang trọng…; muốn thử sức cầm bút thước.
+ Khi nghe gọi tên và phải rời mẹ đi vào lớp: chơ vơ, tim như ngừng đập, , giật mình lúng túng; thấy nặng nề kì lạ; dúi đầu vào lòng mẹ khóc; chưa lần nào thấy xa mẹ như lần này.
+ Khi ngồi trong lớp: cái gì cũng thấy lạ và hay hay; lạm nhận bàn ghế là vật riêng của mình; thấy gần gũi với người bạn mới gặp lần đầu; trong lòng dấy lên sự quyến luyến bất ngờ.
Câu 3 (trang 9 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1):
Thái độ của những người lớn đối với các em bé lần đầu tiên đi học: ân cần, quan tâm, hiền từ và dịu dàng.
Câu 4 (trang 9 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1):
+ Những cảm giác … quang đãng: cảm xúc trừu tượng vô hình được so sánh với hình ảnh cụ thể, hữu hình, cảm xúc ngày đầu tiên đi học luôn rực rỡ, bừng sáng như những cành hoa tươi không bao giờ tàn úa.
+ Ý nghĩ ấy … ngọn núi: hình ảnh so sánh hữu hình hóa dòng chảy của cảm xúc, suy nghĩ, đầy chất thơ, khiến lời văn đậm chất trữ tình.
+ Họ như … e sợ: những cậu học trò mới trong ngày đầu tiên đi học như những chú chim non sắp tập bay, vừa muốn khám phá, tìm hiểu, vừa thấy bỡ ngỡ, rụt rè.
Câu 5 (trang 9 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1):
+ Đặc sắc nghệ thuật:
-> không tạo ra những gay cấn, xung đột trong cốt truyện, mà mang đến cho người đọc những đồng cảm, rung động và xao xuyến về ngày đầu tiên đi học.
-> đan xen, kết hợp nhuần nhuyễn tự sự với miêu tả và biểu cảm.
+ Sức cuốn hút của tác phẩm được tạo nên từ ngôn ngữ giàu chất thơ, nhẹ nhàng, tinh tế.
Luyện tập
Câu 1 (trang 9 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1):
Dòng cảm xúc của nhân “tôi” là dòng cảm xúc nhẹ nhàng nhưng tự nhiên và đầy chân thật. Sự chân thật ấy khơi gợi nên những rung động, đồng cảm trong lòng người đọc. Kỉ niệm ngày đầu tiên đi học chỉ có một trong đời đã được Thanh Tịnh một lần nữa làm sống dậy đầy xúc cảm thông qua hồi ức của nhân vật “tôi”.
Câu 2 (trang 9 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1):
Ngày tựu trường đầu tiên có lẽ là một trong những khoảnh khắc thiêng liêng, khó quên nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Trong ngày tựu trường đầu tiên ấy, với tôi mọi thứ đều trở nên mới mẻ lạ lẫm. Con đường hằng ngày tôi vẫn đi, những ngôi nhà, hàng cây ngày ngày tôi vẫn nhìn thấy, hôm nay bỗng trở nên khác lạ. Bầu trời như xanh hơn, tiếng chim hót cũng rộn rã hơn như thúc giục tôi. Lòng tôi háo hức một cách kì lạ, tôi mong được gặp những người bạn mới, được viết vào cuốn vở mới bằng chiếc bút mới tinh mẹ mới mua cho. Tới trường, mọi thứ trước mắt tôi sao thật rộng lớn, đẹp đẽ: chiếc trống trường, những hàng cây, dãy cờ hoa xanh đỏ,… Tất cả đều mới mẻ làm sao. Tôi vừa hồi hộp, vừa háo hức nhưng cũng vừa thấy nhớ mẹ dù mẹ tôi ở ngay đây. Tôi cảm thấy trang trọng như mình sắp làm một điều gì thật lớn lao trong cuộc đời, như mình sắp thực hiện một hành trình vĩ đại trước mắt.
Những dấu ấn về ngày tựu trường đầu tiên ấy, cho tới giờ, vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi không thể phai mờ.
B. Giới thiệu sơ lược về tác giả
- Thanh Tịnh (1911 – 1988) tên khai sinh là Trần Văn Ninh, quê ở xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế.
- Từ năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi vào nghề dạy học và bắt đầu viết văn, làm thơ.
- Sự nghiệp văn học:
+ Tác phẩm chính: Hận chiến trường (tập thơ, 1937), Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941), Ngậm ngải tìm trầm (tập truyện ngắn, 1943)…
+ Sáng tác của ông đều toát lên vẻ đẹp đằm thắm, êm dịu, trong trẻo.
- Ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
C. Tìm hiểu tác phẩm Tôi đi học
- Xuất xứ: in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941,
- Thể loại: hồi kí, ghi lại những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ trong buổi tựu trường.
- Phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
- Tóm tắt: Hằng năm cứ vào cuối thu, khung ảnh thiên nhiên lại làm cho tác giả nhớ đến những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học. Nhân vật tôi được mẹ đưa đến trường trong lòng tràn ngập cảm giác mới lạ: Hôm nay tôi đi. Cậu tự nhiên thấy muốn tự mình cầm bút thước, thấy những trò quậy phá rong ruổi với đám bạn đã xa tít tắt. Khi tới trường, quan sát những học sinh cậu thấy họ như những con chim non còn bỡ ngỡ trong những cử chỉ hành động gần như trở nên thừa thãi. Khi thầy Đốc trường Mĩ Lí điểm danh cho học sinh xếp hàng vào lớp, ai cũng hồi hộp, lo âu, không biết phải làm gì nhưng sau câu nói của thầy mọi chuyện đều ổn. Lớp học bắt đầu với dòng chữ đầu tiên thầy viết lên bảng đó là bài tập viết: Tôi đi học!
- Bố cục: 3 phần
+ Phần 1 (Từ đầu đến …trên ngọn núi): Tâm trạng nao nức về kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên.
+ Phần 2 (Tiếp đến …tôi cũng lấy làm lạ): Khung cảnh sân trường làng Mĩ Lí ngày khai trường.
+ Phần 3 (Còn lại): Cảm xúc nhân vật "tôi" khi vào lớp.
- Ngôi kể thứ nhất.
- Giá trị nội dung: Tái hiện tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ, kỉ niệm trong sáng tuổi học trò của nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Tình huống truyện độc đáo: ngày đầu tiên đi học.
+ Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương thức: tự sự, miêu tả và biểu cảm.
+ Truyện cấu tạo theo dòng hồi tưởng: từ hiện tại nhớ về quá khứ.
+ Hình ảnh được miêu tả đặc sắc, giàu sức gợi hình, gợi cảm.
+ Giọng điệu trữ tình, trong sáng.
+ Sử dụng ngôn ngữ giàu yếu tố biểu cảm, hình ảnh so sánh độc đáo ghi lại dòng liên tưởng, hồi tưởng của nhân vật tôi.