Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 97 - Ngắn nhất Soạn văn 10 Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Tri thức ngữ văn trang 97 Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức ngắn gọn nhất nhưng đủ ý hy vọng rằng sẽ giúp các bạn nắm bắt được các ý chính từ đó dễ dàng và soạn bài môn Ngữ văn 10.
Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 97
1. Sử thi
a. Sử thi (anh hùng ca) là thể loại tự sự dài, dung lượng đồ sộ, ra đời vào thời cổ đại. Cốt truyện sử thi xoay quanh những biến cố trọng đại liên quan đến vận mệnh của toàn thể cộng đồng như chiến tranh hay công cuộc chinh phục thiên nhiên để ổn định và mở rộng địa bàn cư trú.
b. Nhân vật sử thi
- Nhân vật sử thi là người anh hùng đại diện cho sức mạnh, phẩm chất lí tưởng và khát vọng chung của cộng đồng. Không gian sử thi kì vĩ, cao rộng, mang tính cộng đồng, có thể bao quát cả thế giới thần linh và con người. Thời gian sử thi là quá khứ thiêng liêng, thuộc về một thời đại xa xưa được cộng đồng ngưỡng vọng.
c. Lời kể trong sử thi
- Lời kể trong sử thi thành kính, trang trọng; nhịp điệu châm rãi; trần thuật tỉ mỉ, lặp đi lặp lại những từ ngữ khắc họa đặc điểm cố định của nhân vật, sự vật, thường xuyên sử dụng thủ pháp so sánh trùng điệp. Lời người kể chuyện và cả lời nhân vật nhiều khi mang tính khoa trương, cường điệu.
- Sử thi không chỉ lưu dấu những biến cố quan trọng trong lịch sử của một cộng đồng, mà còn phản ánh diện mạo đời sống tinh thần, hệ giá trị, niềm tin của cộng đồng ấy. Nhiều chủ đề trong sử thi vẫn có ý nghĩa lớn đối với nhân loại. Những tác phẩm sử thi như Ma-ha-bha-ra-ta, Ra-ma-ya-na (Ấn Độ); I-li-át, Ô-đi-xê (Hy Lạp); Đăm Săn (Việt Nam); … vẫn tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo thuộc nhiều loại hình nghệ thuật đời sau.
2. Trích dẫn trong văn bản
- Trích dẫn trong văn bản thường có hai loại: trích dẫn trực tiếp và trích dẫn gián tiếp. Trích dẫn trực tiếp là đưa nguyên văn một phần câu, một câu, một đoạn văn… của bản gốc vào bài viết và toàn bộ phần trích dẫn này được đặt trong ngoặc kép. Trích dẫn gián tiếp là sử dụng ý tưởng của người khác và diễn đạt lại theo cách viết của mình nhưng phải đảm bảo trung thành với nội dung của bản gốc. Phần trích dẫn gián tiếp không phải đặt trong dấu ngoặc kép. Khi tạo lập văn bản, cần tránh lạm dụng trích dẫn vì điều đó dẫn đến tình trạng ý kiến riêng của người viết bị lu mờ hoặc chỉ còn mang tính chất phụ họa.
- Để việc trích dẫn đảm bảo tình hình chính xác, khoa học, khách quan, các phần trích dẫn cần được ghi rõ nguồn gốc, bao gồm thông tin về tác giả, tên văn bản gốc, nơi công bố, thời gian công bố văn bản, vị trí của phần trích dẫn trong văn bản gốc.
3. Phần bị tỉnh lược trong văn bản
- Phần bị tỉnh lược là phần thông tin ít quan trọng nhất của văn bản gốc (theo cách nhìn và định hướng sử dụng văn bản của người tổ chức bản thảo) đã được rút ngắn hoặc cắt bỏ, giúp cho nội dung văn bản trích dẫn trở nên tập trung và cô đọng hơn. Phần bị tỉnh lược thường được đánh dấu bằng ngoặc vuông và dấu ba chấm […].