Soạn bài Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau Ngữ Văn lớp 10 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn nhưng đủ ý sẽ giúp các bạn dễ dàng soạn văn 10.
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau
* Yêu cầu:
- Lựa chọn được vấn đề cần thảo luận.
- Khái quát, phân tích được những ý kiến khác nhau về vấn đề xã hội được lựa chọn để thảo luận.
- Nêu ý kiến, quan điểm của cá nhân về vấn đề.
- Tổng hợp, nêu được một số quan điểm đã thống nhất hoặc những ý kiến bổ sung.
1. Chuẩn bị thảo luận
a. Chuẩn bị nói
* Lựa chọn đề tài
Thực tế luôn có những vấn đề xã hội thu hút sự quan tâm của nhiều người, được nhìn nhận, đánh giá từ những quan điểm khác nhau. Lựa chọn vấn đề gần gũi, có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với môi trường và lứa tuổi học đường: Tình yêu tuổi học trò, nên hay không nên?
* Tìm ý và sắp xếp ý
- Bài nói cần có các ý sau:
+ Trình bày thực trạng vấn đề.
+ Trình bày một số quan điểm về vấn đề.
+ Trình bày quan điểm của bản thân đối với vấn đề.
* Xác định từ ngữ then chốt
- Có thể sử dụng các cụm từ phù hợp với kiểu bài nói này như: xoay quanh vấn đề này, có rất nhiều cách hiểu; theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận vấn đề, góc nhìn khác biệt, quan điểm chung,..
b. Chuẩn bị nghe
- Tìm hiểu đề tài, nội dung của vấn đề xã hội được đưa ra thảo luận, xác định quan điểm cá nhân trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề.
- Chuẩn bị phương tiện ghi chép, hình dung cụ thể về các tiêu chí đánh giá sẽ được vận dụng.
2. Thực hành nói và nghe
Người nói
|
Người nghe
|
- Giới thiệu được vấn đề cần thảo luận.
- Tóm lược những ý kiến khác nhau về vấn đề, trình bày ý kiến cá nhân, sử dụng lí lẽ và bằng chứng để chứng minh cho quan điểm của mình; trao đổi thảo luận với những người có ý kiến khác - Khái quát những điểm chung có thể thống nhất, nhấn mạnh tác dụng của cuộc thảo luận đối với cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề xã hội. |
- Lắng nghe, ghi chép lại những ý kiến muốn trao đổi với người nói.
- Chuẩn bị nội dung trao đổi. |
* Bài nói mẫu tham khảo:
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............ học sinh......... lớp......... trường……….
Bàn luận về các vấn đề xã hội đã trở thành một nhu cầu phổ biến, tất yếu của con người hiện đại. Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp rất nhiều những vấn đề mà xung quanh nó có vô vàn hướng suy nghĩ, vô vàn quan điểm. Hôm nay, tôi muốn cùng các bạn thảo luận về một vấn đề cũng gây nhiều phản ứng trái chiều ở phụ huynh và chính trong lứa tuổi học sinh như chúng ta: Tình yêu tuổi học trò, nên hay không nên?
Trước hết, tôi muốn giới thiệu một cách hiểu về tình yêu tuổi học trò. Hiểu đơn giản theo đúng mặt chữ, tình yêu tuổi học trò là những tình cảm gắn bó thân thiết, rung động giữa hai học sinh. Đối với tôi, tình yêu tuổi học trò là khi giữa hai người có một rung động vượt lên trên sự quan hệ bạn bè. Hai người bạn thân thiết hơn mức bạn bè bình thường, học cùng lớp thì thường xuyên nhìn về phía nhau, nói chuyện với nhau, có thể nắm tay nhau trong lớp, tan trường cùng về chung đường, lai nhau trên xe, học khác trường thì chỉ mong tan học để đến cổng trường gặp nhau…
Tình yêu là một phần của cuộc sống. Tình yêu giúp cho sự sống được nối dài, giúp con người gắn kết với nhau và làm cho cuộc đời trở nên hạnh phúc hơn. Nhưng tình yêu giữa những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường lại phải đối diện với rất nhiều những ý kiến trái chiều: Nên hay không nên yêu sớm, yêu khi còn đang đi học?
Theo quan điểm của tôi, tất cả mọi sự việc trên đời đều có hai mặt, đồng thời có mặt tốt và mặt xấu, mặt lợi và mặt hại. Có chăng, trong từng trường hợp khác nhau, gắn với từng đối tượng khác nhau, kết quả đưa ra sẽ khác nhau.
Tình yêu tuổi học trò xuất phát khi những người trong cuộc còn là những người rất trẻ, xét theo tâm sinh lý lứa tuổi thì tình cảm này biểu thị sự phát triển bình thường về mặt cảm xúc mà không ai có thể điều khiển được. Hơn nữa, những cô cậu học sinh vẫn được sống trong tháp ngà của trường học, tình cảm giữa họ vẫn trong sáng, hồn nhiên, chưa hề bị những yếu tố khác như vật chất, danh lợi, quyền lực, thậm chí điều kiện gia đình, “môn đăng hộ đối” chi phối. Vì thế, tình cảm đó còn đơn giản, không mang nặng những tính toán, không phức tạp và cần phải đắn đo nhiều như tình yêu của những người trưởng thành. Với nhiều người, mối tình khi còn ngồi trên ghế nhà trường thường là mối tình đầu, lưu giữ rất nhiều kỷ niệm trong trẻo và đáng nhớ. Đồng thời, với nhiều bạn, tình yêu trở thành một động lực to lớn để các bạn nỗ lực trong học tập, hoặc để được sóng vai cùng “người thường”, hoặc để cùng nhau thi vào một môi trường tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải vô lý khi người lớn lo lắng cho các con nếu các con khoác trên vai áo trắng đồng phục, trở về nhà và khoe rằng “bố ơi, mẹ ơi, hôm nay con và bạn ấy tỏ tình rồi”. Với những học sinh đã bước vào ngôi trường trung học phổ thông, các phụ huynh có điều kiện để tin rằng các con đã có được nhận thức nhất định về cuộc đời, biết suy nghĩ trước khi hành động. Nhưng với nhiều bạn, tình yêu khi còn học trung học cơ sở, thậm chí học tiểu học dễ khiến người lớn lo lắng. Bởi nếu còn quá nhỏ, tình yêu - một trải nghiệm mới mẻ về mặt tình cảm, cảm xúc dễ khiến chúng ta quên đi nhiệm vụ học hành vốn nhiều gian khổ. Hơn thế nữa, khi xã hội ngày càng cởi mở, nhiều luồng văn hóa của người ngoài tự do du nhập vào Việt Nam, tình trạng các bạn trẻ yêu sớm, sinh hoạt tình dục không an toàn, gây ra hậu quả đáng tiếc đã không còn quá xa lạ trên các phương tiện truyền thông.
Nói tóm lại, đối với tình yêu tuổi học trò, tôi quan niệm rằng đây không phải một hiện tượng quá xấu, đáng phải lên án, chỉ trích. Thiết nghĩ trong cuộc sống bất cứ một việc gì cũng có hai mặt của nó. Chúng ta chẳng nên vội phán xét rằng nên hay không nên, mà cần xem xét từng hoàn cảnh. Tình yêu tuổi học trò đem lại những điều tiêu cực hay tích cực, phụ thuộc rất nhiều vào những người trong cuộc. Bản thân chúng ta đang ở lứa tuổi học sinh, cũng cần tự vạch rõ giới hạn cho bản thân, suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động, để dù trải nghiệm một thứ quả ngọt như tình yêu cũng sẽ không phải nếm hạt đắng về sau.
Trên đây là những suy nghĩ của cá nhân tôi đối với hiện tượng tình yêu tuổi học trò. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe thêm chia sẻ của thầy cô và các bạn xung quanh vấn đề này.
3. Trao đổi
- Người nghe đưa ra các nhận xét, góp ý, câu hỏi về bài nói. Người nói tiếp nhận các ý kiến này và trao đổi thêm (tán đồng, bác bỏ, trả lời câu hỏi, bàn luận mở rộng,...).
- Thực hiện tự đánh giá và đánh giá về bài trình bày dựa trên các nội dung được nêu trong bảng sau: