Top 30 Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống


Haylamdo biên soạn tổng hợp trên 30 bài trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống (hay nhất)

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống - mẫu 1

Không có gì quý trọng hơn gia đình. Đó là tổ ấm yêu thương cần được vun đắp mỗi ngày. Vậy mỗi thành viên cần làm gì để gia đình có thể trở thành tổ ấm yêu thương?

Gia đình chính là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Bởi vậy nếu gia đình luôn yêu thương, đầm ấm thì sẽ tạo ra những thành viên tích cực. Họ sẽ biết chia sẻ buồn vui cùng nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và bảo vệ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, trong cuộc sống, người trưởng thành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chông gai. Nhưng nếu có gia đình luôn đứng phía sau động viên, khích lệ thì sẽ có được nguồn động lực to lớn để vượt qua.

Tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được. Của cải, vật chất là những thứ có thể mua được, nhưng những tình cảm gia đình thì thật sự là vô giá. Nhưng để có một gia đình bình yên, hạnh phúc phải đến từ sự cố gắng của các thành viên trong gia đình.

Về phía người lớn, cha mẹ phải là tấm gương để con cái học tập, noi theo. Từ hành vi rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày đến cách đối nhân xử thế. Nhiều nghiên cứu cho rằng, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Bởi vậy ngoài việc dạy dỗ con cái những điều đúng đắn, cha mẹ cần phải chú ý hành vi của bản thân. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần học cách trở thành một người bạn của con. Điều đó có nghĩa là cha mẹ sẽ cùng chia sẻ với con những vấn đề hằng ngày, lắng nghe con tâm sự và có thể đưa ra những lời khuyên hay lời động viên đúng lúc.

Về phía con cái thì cần biết vâng lời, lễ phép và học tập những đức tính tốt đẹp của cha mẹ. Khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống, con cái nên chia sẻ với cha mẹ để có thể nhận được sự thấu hiểu, hay nhận được lời khuyên đúng đắn. Đối với anh chị em trong một gia đình cần sống hòa thiện, nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Có đôi khi, tình yêu thương lại xuất phát từ những hành động vô cùng nhỏ bé. Đó có thể là cả gia đình cùng nhau ăn một bữa cơm, lời nhắc nhở người cha người mẹ mặc ấm, cùng chụp chung một tấm ảnh vào năm mới… Tuy nhỏ bé nhưng lại đem đến sự ấm áp vô cùng.

Trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Việt Nam, một nhân vật đã khẳng định: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Những thứ khác có hay không, không quan trọng”. Câu nói này đã cho thấy tầm quan trọng trong cuộc sống. Mỗi người cần phải biết quý trọng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình hãy cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống - mẫu 2

Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, con người đã tạo ra game để phục vụ mục đích giải trí. Chơi game có lợi ích, nhưng cũng có tác hại.

Game là một trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để giải trí để tạo ra một hệ thống phần mềm mà người chơi có thể tương tác. Ví dụ như FIFA, Candy Crush Saga, Call of Duty, Pubg… Nó được sáng tạo ra bởi những người am hiểu công nghệ, có sự sáng tạo và đầu óc tưởng tượng phong phú. Đó không chỉ là trò tiêu khiển của lứa tuổi trẻ em mà còn là người lớn.

Việc chơi game thực ra không chỉ hoàn toàn có hại, mà cũng đem lại một số lợi ích nhất định. Game giúp con người thư giãn, giải trí sau những giờ học tập, căng thẳng mệt mỏi. Nhiều nội dung game hấp dẫn giúp người chơi rèn luyện được kĩ năng, kĩ thuật nhanh tay nhanh mắt. Có nhiều game còn có nội dung trò chơi liên quan đến các lĩnh vực khoa học, lịch sử, địa lí (ví dụ như Ai là triệu phú) giúp người chơi bổ sung được những kiến thức quý giá.

Nhưng cần ý thức được rằng nếu chỉ đơn thuần chơi game với mục đích giải trí sẽ không mất quá nhiều thời gian. Nhưng ở đây, nhiều người (đặc biệt là học sinh, sinh viên) lại ngồi trước màn hình máy tính đến hàng giờ và mải chơi đến mức quên ăn, quên ngủ thì đã trở thành tình trạng “nghiện game online”. Thậm chí, nhiều trường hợp còn có những hành vi sai trái như trốn học, ăn trộm tiền của bố mẹ… để đi chơi điện tử. Đó quả thật là một thực trạng đáng ngại trong giới trẻ hôm nay.

Tác hại của việc chơi game đầu tiên chính là ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc ngồi trước màn hình vi tính trong một thời gian dài có thể làm cho mắt quá tải, nặng hơn là bị cận thị. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần khi lúc nào cũng sống trong thế giới ảo. Ngoài ra, nó còn làm tiền bạc của gia đình một cách vô ích (nhiều trò chơi phải dùng tiền để mua những đồ vật trong game…) có khi còn làm thay đổi nhân cách của con người. Học sinh, sinh viên là những đối tượng chưa làm ra tiền, vì thế để có tiền chơi điện tử nhiều thói hư tật xấu bắt đầu nảy sinh như: nói dối, trộm cắp, lừa lọc, thậm chí còn giết người. Quan trọng nhất là khi ham mê trò chơi điện tử học sinh sẽ xao nhãng việc học, bỏ học, trốn học, không làm bài tập dẫn đến học tập sa sút. Những hình ảnh ở trò chơi điện tử khiến tâm hồn con người bị đầu độc.

Qua đây, chúng ta có thể khẳng định việc chơi game không chỉ có hại mà còn có một số lợi ích nhất định. Nhưng con người cũng cần tránh để bản thân rơi vào tình trạng “nghiện game”.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống - mẫu 3

Vật nuôi đã trở thành những người bạn thân thiết của con người. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng nên có vật nuôi trong nhà. Ý kiến trên đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ.

Đầu tiên, vật nuôi (thú cưng) là những loài động vật được con người nuôi dưỡng và chăm sóc. Một số loài vật thường được con người nuôi dưỡng phổ biến như chó, mèo, cá, thỏ, rùa…

Việc nuôi thú cưng sẽ đem đến nhiều lợi ích hơn là tác hại. Chúng đã trở thành người bạn thân thiết của con người, giúp xoa dịu tâm hồn và giảm stress. Hành động, cử chỉ vuốt ve, âu yếm vật giúp con người cảm thấy bình yên, dễ chịu hơn. Thú cưng có thể lắng nghe mọi tâm sự mà không phàn nàn, chán nản hay cố gắng đưa ra những lời khuyên ngăn khiến chúng ta cảm thấy chán ghét.

Bên cạnh đó, nuôi thú cưng cũng đem lại lợi ích khi gia đình bạn có trẻ nhỏ. Thú cưng luôn cần được quan tâm và chăm sóc. Chúng cần được cho ăn, tắm rửa, hoặc chơi đùa. Việc này giúp đứa trẻ hình thức ý thức trách nhiệm khi nuôi thú cưng. Khi hoàn thành tốt công việc này, trẻ nhỏ cảm thấy tự hào về bản thân, sống trách nhiệm hơn. Đồng thời, đứa trẻ cũng sẽ học cách huấn luyện con vật nghe lời, từ đó giúp rèn luyện tính kiên nhẫn.

Khi khoa học công nghệ phát triển, con người có nhiều trò chơi giải trí hơn. Cả ngày ngồi trước màn hình máy tính để chơi điện tử hay xem phim sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc có vật nuôi khiến chúng ta phải vui chơi và luyện tập cùng chúng. Nếu không làm thế thì vật nuôi sẽ rất buồn và sinh bệnh. Ví dụ những chú chó cần phải đi dạo, chơi ném bóng… Việc vui đùa cùng vật nuôi sẽ kéo chúng ta ra ngoài trời hay là phải vận động, điều này sẽ giúp sức khỏe của chúng ta tốt hơn.

Bên cạnh đó, các loài vật nuôi cũng sẽ giúp con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn, ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật khác, đặc biệt là động vật hoang dã.

Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy rằng việc nên có vật nuôi trong nhà là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta hãy coi những loài vật nuôi như người bạn tốt của mình.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống - mẫu 4

Hiện nay, con người vẫn luôn tranh cãi về vấn đề nên hay không có vật nuôi trong nhà. Theo cá nhân tôi, việc nuôi thú cưng trong nhà là hoàn toàn cần thiết.

Đầu tiên, cần hiểu được vật nuôi (hay còn gọi là thú cưng) là những loài động vật được con người nuôi dưỡng, chăm sóc với mục đích làm như làm cảnh, bầu bạn. Bên cạnh những mặt hạn chế, vật nuôi đem đến nhiều lợi ích cho con người hơn.

Vật nuôi giúp con người biết sống trách nhiệm. Rõ ràng, các loài vật nuôi cần có sự chăm sóc. Chúng cần được cho ăn uống, tắm rửa, vui chơi. Khi chúng ta có ý thức chăm sóc vật nuôi, sẽ học cách sống trách nhiệm hơn.

Tiếp theo, vật nuôi giúp con người cân bằng cảm xúc, giảm stress. Chúng giống như một người bạn luôn biết cách chia sẻ, thấu hiểu. Những hành động như vuốt vẻ, ôm hay hôn vật nuôi giúp con người cảm thấy dễ chịu và bình yên. Từ đó, cảm xúc tiêu cực cũng dần tan biến. Sự gắn kết với các loài vật nuôi, cũng sẽ giúp con người biết trân trọng, yêu thương thiên nhiên hơn.

Thứ ba, nuôi thú cưng giúp con người bồi dưỡng sự tự tin. Khi thành công trong việc chăm sóc thú cưng, chúng ta cũng sẽ cảm thấy bản thân mình tốt hơn. Để có thể chăm sóc vật nuôi, con người cũng cần phải có điều kiện kinh tế. Bởi vậy, chúng ta sẽ biết cách chi tiêu hợp lí, tiết kiệm hơn.

Dù vậy, mỗi người cũng nên cân nhắc kĩ trước khi quyết định nuôi thú cưng. Chúng ta cần phải có đủ điều kiện, thời gian cũng như sự kiên nhẫn và quan tâm với vật nuôi. Không nên đánh đập, bỏ đói hay giết hại các loài vật nuôi.

Tóm lại, mỗi người đều có quan điểm riêng về vấn đề này. Nhưng không thể phủ nhận rằng sự gắn bó thân thiết với loài vật sẽ đem đến cho con người rất nhiều lợi ích.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống - mẫu 5

Kính thưa thầy/ cô giáo và các bạn! Trong những tiết học trước chúng ta đã được tìm hiểu các văn bản: “Người đàn ông cô độc giữa rừng” (Đoàn Giỏi), “Dọc đường xứ Nghệ” (Sơn Tùng) và “Buổi học cuối cùng” (Đô-đê), các văn bản đó đều có những nội dung thể hiện lòng yêu nước. Vậy lòng yêu nước là gì và được biểu hiện cụ thể như nào chắc hẳn trong mỗi bạn ngồi đây đều có câu trả lời riêng của mình. Bản thân tôi nhận thấy cả ba văn bản đều có nội dung liên quan đến tinh thần yêu nước nhưng mỗi văn bản có cách thể hiện rất khác nhau.

Trước hết chúng ta cần hiểu yêu nước là yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, yêu tiếng nói, yêu con người; là hành động sẵn sàng đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc mỗi lúc nguy nan. Vì thế mà biểu hiện của lòng yêu nước cũng khác nhau ở mỗi thời, mỗi hoàn cảnh.

Trong thời chiến tranh loạn lạc, tình yêu nước được biểu hiện là đấu tranh chống giặc ngoại xâm, như nhân vật Võ Tòng trong “Người đàn ông cô độc giữa rừng” (Đoàn Giỏi). Võ Tòng yêu nước được thể hiện ở việc giết tên địa chủ tham lam độc ác, ở việc làm những mũi tên tẩm độc để bắn giặc Pháp. Hành động làm vũ khí thầm lặng nhưng lại thể hiện được tấm lòng lớn lao, chính vì thế mà ông Hai đã trịnh trọng cảm ơn người anh em của mình “xin đa tạ chú! Đa tạ chú!”. Lời cảm ơn không chỉ của ông Hai mà còn của nhân dân, đất nước.

Tình yêu nước còn được thể hiện ở việc yêu tiếng mẹ đẻ, trân trọng, giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Nhân vật thầy Ha-men trong “Buổi học cuối cùng” (Đô-đê) là gương mặt tiêu biểu cho tấm lòng yêu nước tha thiết ấy. Được tin buổi học cuối cùng, thầy đã ăn vận trang trọng khác mọi ngày với chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen…mũ lụa đen thêu, thái độ dịu dàng ân cần với học trò. Bài giảng cuối cùng của thầy say sưa dịu dàng về thứ tiếng mà thầy cho là hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất và thầy nhấn mạnh phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó. Tình cảm của thầy H-men còn được thể hiện trong những dòng chữ cuối cùng, cầm một hòn phấn dằn mạnh hết sức và thầy viết thật to “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.

Đó là tình yêu nước trong thời chiến tranh, lọa lạc, còn ở thời bình tình yêu nước lại được biểu hiện ở tình yêu gia đình, tình yêu giữa con người với von người, ở việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong văn bản “Dọc đường xứ Nghệ” (Sơn Tùng) tình yêu nước là câu chuyện về nhân vật lịch sử như Lý Nhật Quang chăm lo cho đời sống nhân dân, là phê phán vua Thục Phán chủ quan khinh địch để mất nước của cụ Phó bảng và các con. Yêu nước còn là việc am hiểu, giải thích cặn kẽ về các địa danh như hòn Hai Vai, núi Trống Thủng, núi Cờ Rách… là nhớ ơn đại thi hào Nguyễn Du…

Như vậy chúng ta không nên hiểu lòng yêu nước một cách hạn hẹp, chẳng hạn quan niệm: chỉ ra trận đánh giặc mới là yêu nước. Yêu nước còn được thể hiện bằng nhiều cách thức, nhiều hành động ... khác nhau. Bản thân tôi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc học hành thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ và thầy cô, hòa thuận với an hem, bạn bè. 

Trên đây là bài nói của tôi về lòng yêu nước qua các văn bản đã học, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống - mẫu 6

Lòng yêu nước - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ba văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi), Dọc đường xứ Nghệ (Sơn Tùng), Buổi học cuối cùng (Đô-đê) đều nói đến lòng yêu nước, nhưng lại thể hiện theo những cách khác nhau.

Trước hết, lòng yêu nước được hiểu theo cách chung nhất là sự gắn bó, yêu mến của con người với đất nước của mình. Lòng yêu nước được biểu hiện rất khác nhau. Trong văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, tác giả Đoàn Giỏi đã khắc họa lòng yêu nước của người dân Nam Bộ. Điều đó được thể hiện qua nhân vật Võ Tòng, một con người có cuộc đời trải qua nhiều bất hạnh, nhưng tình nghĩa. Như bất cứ người dân Việt Nam nào, chú cũng căm ghét giặc Pháp. Trong cuộc trò chuyện với tía nuôi của An, Võ Tòng đã kể về đã chia cho tía nuôi của An về chiến công giết chết tên giặc Pháp một cách đầy sung sướng, tự hào. Chú còn chuẩn bị những mũi tên tẩm thuốc độc để giết lũ giặc Pháp và chia cho tía nuôi của An. Nhân vật Võ Tòng được xây dựng đại diện cho con người Việt Nam, có tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù lũ giặc xâm lược.

Ở văn bản “Dọc đường xứ Nghệ”, lòng yêu nước được thể hiện qua lời thắc mắc của chú bé Côn hay câu trả lời của cụ Phó bảng. Ông là một người có vốn hiểu biết sâu rộng, đi đến đâu cũng giải thích cho con về lịch sử đất nước cũng như giáo dục con về lòng yêu nước. Ông kể về câu chuyện tình sử Mị Châu - Trọng Thủy, dạy các con là người thì phải biết giữ trọn khí tiết giống như vua Thục Phán nhận ra lỗi lầm của mình khiến đất nước rơi vào tay giặc đã tự kết liễu đời mình chứ không chịu đầu hàng trước quân giặc. Ông giải thích cho con về Hai Vai, hòn Trống Thủng, núi Cờ Rách là muốn nói với các con nhân dân chính là những người đã tạo nên tên núi sông, đất nước, nhân dân luôn có những ước vọng cao đẹp. Đến đền Quả Sơn thờ quan Lý Nhật Quang, ông Phó đã giải thích cho các con hiểu không phải quan nào cũng là quan tham có rất nhiều vị quan tốt bụng, giúp đỡ dân mang tới lợi ích cho nhân dân. Còn khi thăm mộ Đại thi hào Nguyễn Du, ông đã lan tỏa tới các con tinh thần yêu văn chương, nghệ thuật. Chú bé Côn cũng lắng nghe, hiểu và ý thức được lời cha dạy.

Đến văn bản “Buổi học cuối cùng”, lòng yêu nước thể hiện qua tình yêu dành cho ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhân vật chính trong truyện là cậu bé Phrăng hiện lên với vẻ ngây thơ, hồn nhiên và nghịch ngợm cũng giống như biết bao đứa trẻ bằng tuổi. Phrăng cũng từng định trốn học để đi chơi, chểnh mảng việc học. Để rồi đến khi phải đối mặt với sự việc xảy ra quá đột ngột buổi học cuối cùng còn được học tiếng Pháp, cậu đã cảm thấy đau đớn, xót xa. Trong suốt cả buổi học, cậu chăm chú nghe thầy giảng như nuốt lấy từng lời cho đến khi tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên báo hiệu giờ học kết thúc. Nhờ có buổi học cuối cùng này mà cậu đã hiểu được giá trị của tiếng Pháp - đó không chỉ là tiếng mẹ đẻ mà còn thể hiện lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Nhân vật này đã giúp em nhận ra được một bài học giá trị, thêm trân trọng ngôn ngữ của dân tộc.

Tóm lại, lòng yêu nước là một truyền thống quý giá, mà bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng có, cần giữ gìn và phát huy.

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống - mẫu 7

Theo em, “Người đàn ông cô độc giữa rừng” (Đoàn Giỏi), “Dọc đường xứ Nghệ” (Sơn Tùng) và “Buổi học cuối cùng” (Đô-đê) là ba văn bản đều nói về lòng yêu nước. Nhưng trong mỗi văn bản, lòng yêu nước được thể hiện theo những hướng khác nhau.

Trong văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, tình yêu nước xuất phát từ tinh thần gan dạ, quả cảm của những con người bình dị, chân chất nơi núi rừng phương Nam. Hay trong văn bản “Buổi học cuối cùng”, lòng yêu nước được thể hiện qua sự yêu ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và tình yêu nghề dạy học của thầy giáo người Pháp trong buổi học cuối cùng học bằng tiếng Pháp. Đặc biệt, chi tiết thầy giáo đứng lên, cầm phấn và viết “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”. Đó là hình ảnh đẹp thể hiện tình yêu nước thiêng liêng, mang theo sự tiếc nuối, sót xa của một người trí thức yêu nước, yêu nghề. Cuối cùng, trong văn bản “Dọc đường xứ Nghệ”, ta bắt gặp hình ảnh ba cha con đang bàn luận về những di tích lịch sử, những địa danh nổi tiếng cùng với những câu chuyện, sự tích gắn liền với mỗi địa danh. Qua đó, ta thấy nỗi khát vọng, niềm mong ước của nhân dân đều in hằn lên hình sông, dáng núi đất Việt. Những câu chuyện đó giúp người con hiểu thêm về cội nguồn, lịch sử dân tộc, từ đó củng cố lòng yêu nước, yêu những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc. 

Như vậy, qua ba văn bản, ta thấy lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở các chiến sĩ, những người trực tiếp giết giặc mà nó có thể được biểu hiện theo nhiều cách, nhiều phương diện khác nhau trong cuộc sống. Vì vậy, chúng ta phải biết trân trọng mọi thứ xung quang, bồi dưỡng lòng yêu nước của mình từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác: