Top 30 Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng (hay nhất)


Haylamdo biên soạn tổng hợp trên 30 bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng (hay nhất)

Dàn ý Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

I. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Nghĩa đen: “mực” thường có màu đen, khi sử dụng dễ bị vấy bẩn; còn “đèn” là đồ vật được sử dụng để thắp sáng.

- Nghĩa bóng: “mực” là những điều xấu xa, tiêu cực, không tốt đẹp; còn “đèn” là những điều tốt đẹp, trong sáng.

=> Câu tục ngữ là lời khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

2. Dẫn chứng

- Những người nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh…

- Trong cuộc sống hằng ngày: cha mẹ, thầy cô và bạn bé có ảnh hưởng đến mỗi người…

3. Liên hệ bản thân

- Biết lựa chọn một người bạn tốt để chơi.

- Cố gắng rèn luyện để trở thành một người có ích cho xã hội…

III. Kết bài

Khẳng định giá trị của câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 1

Nếu ca dao là tiếng nói của tình cảm nồng nàn thì tục ngữ chính là sản phẩm của trí tuệ, kinh nghiệm phong phú của cha ông chúng ta để lại cho con cháu nhằm mục đích khuyên răn lớp người sau gần điều lành, tránh điều dữ để trở thành người tốt. Chẳng hạn, để khuyên nhủ thanh thiếu niên học sinh phải chọn bạn mà chơi, tục ngữ ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Nghĩa đen của câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng?” thật quá rõ ràng. Người học trò thường xuyên tiếp xúc với mực thì trước sau gì nhất định là mực cũng sẽ rây vào quần áo, chân tay nghĩa là bị lấm lem vì mực, gần mực thì đen là như vậy. Ngược lại, bất cứ ai, khi đến gần ngọn đèn đang thắp sáng thì nhất định ánh đèn sẽ làm rạng rỡ thêm khuôn mặt vì được đèn chiếu sáng.

Thế nhưng, ý nghĩa chủ yếu của câu tục ngữ này là ở nghĩa bóng. Trong sinh hoạt học tập, nếu ta chỉ chung đụng, gần gũi, tiếp xúc với những người xấu thì ta cũng sẽ dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Trái lại, nếu ta chỉ gần gũi, tiếp xúc với những người tốt thì ta cũng dễ học tập những phẩm chất tốt đẹp. Suy rộng ra, sống trong xã hội, nếu ta thường xuyên chỉ tiếp xúc với những người xấu, môi trường và hoàn cảnh xấu xa là ta dễ bị tiêm nhiễm những tật xấu thói hư. Trái lại, nếu ta sống gần gũi với những người tốt, môi trường và hoàn cảnh tốt thì ta cũng sẽ dễ học tập được những lề hay lối tốt.

Suy nghiệm lại thì thấy quả đúng như vậy thật. Vì sao? Vì con người nói chung, đặc biệt tuổi thiếu niên học sinh còn non trẻ, chưa có bản lĩnh vững vàng nói riêng, dễ bắt chước lẫn nhau, một cá nhân thường dễ bị đám đông lôi cuốn và cảm hóa. Do đó, sống trong hoàn cảnh xấu như người bên cạnh lúc nào cũng không hay biết. Đã vậy, sống trong hoàn cảnh, môi trường ấy, có điều tốt cũng không ai ủng hộ, làm điều xấu thì cũng không ai chê bai lại còn được khen ngợi và kích thích nữa. Rốt cuộc lại mình cũng không phân biệt được tốt xấu, nghĩ xấu là tốt, nghĩ tốt là xấu. Thế nhưng, sống với người tốt, giữa môi trường tốt thì chính việc tốt của họ là tấm gương để mình noi theo, những ý kiến hay, lời nói tốt của họ giúp mình biết cái đúng để theo, cái xấu để tránh. Từ đó cái đúng, cái tốt của mình ngày sẽ nhiều thêm, còn cái xấu, cái hư cũng sẽ ngày một ít dần đi để mỗi ngày một thành người tốt hơn.

Người xưa thường nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, tâm hồn các em thiếu niên học sinh không khác gì tờ giấy trắng. Do đó, điều hay điều dở rất dễ tác động vào. Chính vì vậy, mà có câu tục ngữ vừa phân tích.

Thấy rõ ảnh hưởng, tác động vô cùng to lớn và quan trọng của môi trường xung quanh đặc biệt môi trường bè bạn, thanh thiếu niên học sinh chúng ta, hơn ai hết, nên gần gũi, học tập các bạn tốt, không nên a dua, đua đòi theo các bạn xấu. Từ đó, chúng ta càng quan tâm hơn nữa đến việc tự rèn luyện bản thân, tu dưỡng, tạo cho mình một bản lĩnh để phân biệt được đúng sai, tốt xấu để bảo vệ và phê phán khi cần thiết.

Ngoài ra, cũng cần hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn. Xưa nay, trong xã hội cũng có những người gần mực nhưng vẫn không đen. Tuy sống trong môi trường xấu, nhưng họ vẫn là người tốt, vẫn là “sen trong bùn”, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chu Văn An, Trần Bình Trọng, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thái Bình... là minh chứng cụ thể. Trái lại, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... dẫu có gần đèn nhưng vẫn tối om.

Đủ thấy trong đời sống, bản lĩnh của mỗi người là điều hệ trọng, thêm vào đó cần tự chủ và cẩn thận khi tiếp xúc với sự việc, với con người. Xa lánh cái xấu chứ không xa lánh con người, xa lánh các bạn có khuyết điểm.

Là học sinh hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ trên, ta phải làm gì? “Chọn bạn mà chơi” ta phải biết gần gũi khiêm tốn để học tập các bạn tốt đồng thời phải chân thành thẳng thắn giúp đỡ bạn chưa tốt để cùng nhau tiến bộ trong học tập và rèn luyện.

Cũng nên lưu ý rằng sách báo, phim ảnh, các trò chơi cũng là người bạn gần gũi với ta trong cuộc sống. Do đó, ta nên thận trọng trong việc tiếp xúc. Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay, trong xã hội còn nhiều tệ nạn, thì câu tục ngữ này là phương châm hành động thiết thực cho tuổi trẻ.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 2

Ở môi trường nào, điều kiện nào thì con người sẽ thích nghi theo môi trường, điều kiện ấy. Do đó tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

“Mực” có màu đen, tượng trưng cho những cái xấu xa, không tốt đẹp. “Đèn” là vật phát ra ánh sáng, soi tỏ mọi vật xung quanh, tượng trưng cho những cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau là “mực và đèn” có thể hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ. Môi trường sống có ảnh hưởng đến mỗi người.

Xưa kia, mẹ của thầy Mạnh Tử phải chuyển nhà tới ba lần để có được môi trường tốt nhằm nuôi dạy con thành người. Bà đã thấy được mối quan hệ mật thiết giữa môi trường sống và việc hình thành nhân cách ở con người. Ta cũng nhìn nhận rằng: Nếu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nền nếp đạo đức, ở trong một xóm ấp yên lành, có nếp sống văn hóa, học trong một lớp, một trường tiên tiến có kỷ luật khắt khe… thì ta sẽ có nhiều khả năng trở thành con ngoan, trò giỏi. Bởi ánh sáng của bao nhiêu cái tốt đẹp soi rọi, lan tỏa khắp nơi nơi chung quanh ta, bởi ta đang “gần đèn” thì ắt phải được “sáng”. Phải chăng chính vì điều này mà ông cha ta thường hay nhắc nhở con cháu phải biết chọn bạn tốt mà chơi.

“Thói thường gần mực thì đen

Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Thật vậy, nếu ta quan hệ với người bạn tốt biết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong mọi sinh hoạt khác thì dần dần ta sẽ tập cho mình có cách sống “vì mọi người”. Bạn siêng năng, hiếu học, chăm chỉ, ta cùng thi đua học theo bạn, tất nhiên kết quả học tập của ta được tiến bộ hơn… Ngược lại, nếu ta quan hệ tiếp xúc thường xuyên với nhóm bạn xấu, lười học, chỉ biết rong chơi… thì một ngày nào đó những thói xấu, tật hư đó sẽ nhiễm vào ta và ta trở thành người xấu. Cho nên ta cần phải tránh xa bạn xấu và đến gần những bạn tốt là như thế. Hiện nay, những tệ nạn xã hội, những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống tăng nhanh, bọn xấu đầy rẫy, thường dụ dỗ tuổi trẻ bằng nhiều hình thức khá tinh vi, nêu mất cảnh giác ta khó lòng tránh khỏi.

Câu tục ngữ trên là một bài học vô cùng quý báu. Nó vừa giúp ta giữ được bản thân và sửa mình để ngày càng sống đẹp hơn. Và khi ta đã hiểu rằng môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đối với bản thân thì ta sẽ chủ động tìm đến môi trường tốt để học tập và rèn luyện. Nếu như không may gặp phải môi trường xấu” mà ta phải sống, thì ta phải bình tĩnh để nhận định phân biệt tốt xấu để cái xấu không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến nhân cách của ta. Được như vậy, ta càng hãnh diện bởi vì ta “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 3

Mỗi câu tục ngữ đều ẩn chứa trong đó một bài học mà người xưa đúc kết để lại, truyền dạy cho con cháu. Trong đó, câu Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là kinh nghiệm từ cuộc sống của ông cha ta. Nó thể hiện mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách con người.

“Mực” có màu đen, tượng trưng cho những cái xấu xa, những điều không tốt đẹp. Tay khi bị dính mực thì sẽ dính màu đen của mực. Vậy nên “gần mực thì đen” tức là khi ta tiếp xúc với những điều xấu thì sẽ dễ dàng bị tiêm nhiễm theo. Đối ngược với mực, “đèn” lại là một vật phát ra ánh sáng khiến cho mọi thứ xung quanh trở nên rõ ràng hơn. Vậy nên, “đèn” trưng cho những điều tốt đẹp. “Gần đèn thì sáng” ý muốn nói đến việc ta được sống trong môi trường lành mạnh thì cuộc sống sẽ được ảnh hưởng nhiều về mặt tích cực. Như vậy, cả câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là lời nhắc nhở cho chúng ta phải biết lựa chọn những cái tốt, cái phù hợp với bản thân để phát triển.

Trong một lớp học, không phải ai cũng là người tốt. “Con sâu làm rầu nồi canh”, sẽ có những bạn học sinh lười học, ham chơi, vô kỉ luật. Đồng thời, bên cạnh đó, nhiều bạn cũng đang cố gắng học hành chăm chỉ, lễ phép với thầy cô, chan hòa với bạn bè. Bởi vậy, nếu chúng ta không cẩn thận trong việc lựa chọn một người bạn để chơi thích hợp, sẽ dễ gặp phải những người bạn không tốt. Họ sẽ tiêm nhiễm cho chúng ta những thói hư tật xấu, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Ngược lại, nếu chịu khó học hỏi những bạn học giỏi, có ý thức, bản thân sẽ có nhiều tiến bộ hơn, kết quả học tập cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, câu tục ngữ vẫn còn có mặt khiếm khuyết. Thực tế không phải ai cũng dễ dàng bị lôi kéo bởi môi trường xấu. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, có rất nhiều người tuy cuộc sống khó khăn, vất vả, phải tiếp xúc nhiều với những thói hư tật xấu của xã hội, nhưng họ vẫn giữ được cho mình một nếp sống lành mạnh. Hơn nữa, với những bạn xấu, nếu được các bạn tốt chơi cùng, hướng dẫn khuyên nhủ, thì cũng sẽ có sự thay đổi về nhận thức. Những bạn hư được ngồi cùng với những bạn ngoan sẽ nhìn thấy mặt thiếu sót của bản thân mà sửa đổi, cố gắng.

Câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn nhưng đồng thời chúng ta cũng cần phải xem xét một vấn đề trên nhiều khía cạnh. Diều quan trọng ở đây chính là ý thức của bản thân trong việc rèn luyện đạo đức và học tập.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 4

Từ xưa, ông cha ta đã luôn đúc kết những lời khuyên răn từ những điều giản đơn trong cuộc sống, đó là kho tàng ca dao tục ngữ với ngụ ý khuyên dạy con cháu nên người trong đó có câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Đây là một câu dạy bảo của ông cha với hàm ý cho chúng ta biết tầm quan trọng của môi trường sống cũng như những người xung quanh đến nhân cách cũng như đạo đức của một con người.

Tục ngữ là một kho tàng vốn sống, kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của thế hệ trước dành cho những lớp thế hệ sau. Từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, ông cha đã đúc kết ra những bài học sâu xa qua từng câu chữ. Với câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, cha ông đã mượn những vật dụng vô cùng thân thuộc với mỗi người để dạy ta một đạo lý, một bài học. "Mực" vốn là loại mực Tàu dùng để viết của những ông đồ ngày xưa, có màu đen tuyền, dùng để mài cùng nước lấy mực viết. "Đèn" là một vật dụng dùng để thắp sáng cho con người, soi tỏ mọi vật. "Gần mực thì đen" tức là nếu khi tiếp xúc, sử dụng mực mà không khéo, ta có thể bị vấy bẩn bởi mực, dễ bị lem nhem, xấu xí. "Gần đèn thì rạng" tức là nếu gần nơi có ánh sáng thì ta sẽ được soi tỏ bởi lớp ánh sáng ấy, dễ tỏa ra hào quang rực rỡ hơn người khác.

Mượn những hình ảnh dễ thấy, dễ hiểu, người xưa muốn khuyên răn con cháu một bài học về tầm quan trọng của môi trường sống khi nó ảnh hưởng tới nhân cách của một con người. Con người ta khi sống trong một môi trường lành mạnh, được giáo dục và dạy bảo những điều hay điều tốt thì nhất định cũng sẽ trở thành một người có nhân cách, có đạo đức tốt.Giống như đèn hay cách so sánh "Gần đèn thì rạng", nếu ta được sống trong một môi trường với những người có đạo đức tốt, giỏi giang, biết cách cư xử, lễ phép thì đó chính là ngọn "đèn" soi tỏ, giúp người đó hình thành nhân cách cũng như phẩm chất đạo đức tốt. "Đèn" là tượng trưng cho những điều tốt đẹp, điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Còn "Mực" tức là những điều xấu, điều không tốt, không lành mạnh, "gần mực" tức là gần những cái xấu, dễ bị ảnh hưởng, bị vấy bẩn nếu "gần mực" mà không khéo léo, chắc chắn sẽ bị dính bẩn.

Qua những hình ảnh trên, hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nhận ra lời khuyên mà ông cha ta muốn dành cho chúng ta qua câu tục ngữ trên. Rằng mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết chọn những người bạn hiền để cùng tu tập đạo đức, nhân cách cũng như trí tuệ. Ngoài ra, ta cũng nên tạo ra những môi trường lành mạnh để mọi người có thể cùng nhau phát triển, soi sáng lẫn nhau, mỗi người đều là ngọn "đèn" để người khác được soi tỏ. Đừng sa đà vào những điều xấu xa sẽ bị "lấm bẩn" trở thành một vệt mực xấu xí, bao người xa lánh. Mỗi chúng ta cũng cần tôi rèn ý chí kiên cường trước mọi hoàn cảnh khó khăn, để dù trong hoàn cảnh khó khăn, ta vẫn biết vươn lên, biết tránh những điều xấu, bảo vệ được nhân cách đạo đức của mình.

Không phải ngày nay, mà từ xưa, câu nói của cha ông đã được bao đời kiểm nghiệm và thực hiện, Chúng ta biết đến một Trang Tử đạo cao, đức trọng, hiểu biết thâm sâu, nhưng lại không hề biết sau ông có một người mẹ hiền đã nuôi dạy ông nên người. Xưa kia, nhà Trang Tử vốn ở gần trường học, nhưng trường học đó lại có những đứa trẻ hay gây gổ, bắt nạt bạn bè, không chịu khó học hành. Lo sợ Trang Tử sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều xấu xa, những vết "mực" từ bạn bè, bà đã chuyển nhà tới gần một trường học khác. Nhưng trường học này cũng không có những người bạn hiền, giỏi giang để Trang Tử có thể học hỏi, chính vì thế bà lại chuyển nhà. Đến lần thứ ba, bà đã tìm được một ngôi trường ưng ý để Trang Tử có thể học hành, tu dưỡng tại đó, và sau này là người được lưu danh muôn thuở, là kẻ học sâu hiểu rộng. Vậy ta mới thấy môi trường và bạn bè ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách cũng như đạo đức của một đứa trẻ đến mức nào!

Cũng như một Nguyễn Bỉnh Khiêm tài giỏi một đời không chịu đựng nổi chốn quan trường quỷ kế đã một mình cáo quan về ở ẩn tại rừng trúc

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người tới chốn lao xao"

Ông lo sợ chốn quan trường ấy sẽ biến mình trở thành một kẻ đầy mưu mô, tham lam. Vậy nên môi trường không chỉ hình thành nhân cách mà còn ảnh hưởng vô cùng tới nhân cách một người. Phải luôn biết chọn cho mình con đường trong sáng, lành mạnh để giữ được nhân cách làm người.

Không chỉ với người xưa, mà lời khuyên cha ông ta "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" còn nguyên giá trị tới tận ngày nay. Trong một gia đình, nếu cha mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, luôn giáo dục con cái phải biết lễ phép, học hỏi những điều tốt thì chắc chắn những đứa trẻ đó lớn lên sẽ là những người có phẩm cách tốt. Bởi vì cha mẹ chính là tấm gương, là ngọn "đèn" soi tỏ con đường con cái mình đi. Chính môi trường mà cha mẹ tạo dựng cũng như tính cách, sự giao tiếp, đối xử lẫn nhau của cha mẹ là kim chỉ cho mỗi đứa con của mình. Gia đình là một phần nhỏ của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng là những người bạn tốt, những người thầy tốt mà ta đáng học hỏi, vậy nên phải biết chọn lấy người để chơi, để học tập cùng. "Học thầy không tày học bạn", hãy biết chọn những người có tư cách đạo đức tốt, ngay thẳng để cùng nhau học hỏi. Chỉnh bản thân ta cũng phải biết tu dưỡng học hỏi tốt để có thể trở thành một ngọn "đèn" soi tỏ cho người khác.

Trong xã hội, vẫn còn đâu đó những thành phần cá biệt, là "mực", là những điều xấu. Vậy nên mỗi con người cần chú ý tu tập, rèn luyện để có thể hướng những người khác trở thành một con người tốt, một ngọn "đèn" rạng chứ không phải một viên "mực" đen.

Từ câu tục ngữ trên, ta đã rút ra được bài học cho chính mình, phải biết học hỏi bạn bè, cũng như biết cách chọn lấy những người bạn tốt, những môi trường tốt để rèn luyện, tránh xa những cái xấu, cái không lành mạnh và phải luôn rèn luyện cho xứng đáng với lời dạy của cha ông ta.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 5

Tục ngữ đúc kết những bài học kinh nghiệm quý giá. Chúng ta có thể kể đến câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” nói đến tầm ảnh hưởng của môi trường sống đến con người.

"Mực" có màu đen, nếu tiếp xúc hoặc sử dụng không khéo léo sẽ dễ dàng bị vấy bẩn. “Mực” tượng trưng cho những cái xấu xa, những điều không tốt đẹp. Còn “đèn” là vật phát ra ánh sáng soi tỏ mọi vật xung quanh. Đến gần đèn, ta được soi sáng. “Đèn” tượng trưng cho những cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “ mực” và “ đèn”, câu tục ngữ nhằm nhắc nhở chúng ta: Nếu giao du với những người xấu ta sẽ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu; ngược lại nếu ta quan hệ với người tốt ta sẽ được ảnh hưởng tốt, sẽ học tập được những đức tính của bạn.

Câu tục ngữ là bài học kinh nghiệm của người xưa được đúc kết từ cuộc sống. Nó thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách con người. Ở gia đình, cha mẹ anh chị là tấm gương để cho đứa trẻ bắt chước. Nếu gia đình hòa thuận, cha mẹ là tấm gương sáng về học tập, về đạo đức thì gia đình đó sẽ có những đứa con ngoan. Trong khu xóm cũng vậy, nếu cả tập thể đều biết chấp hành tốt những quy định chung về nếp sống văn minh đô thị , biết giáo dục con cái tốt thì con em trong khu phố đó sẽ có một cuộc sống nề nếp đạo đức tốt. Gần gũi với chúng ta nhất là việc giao du với bạn bè trong trường trong lớp, nếu ta quan hệ được với nhiều bạn tốt, chăm ngoan học giỏi, nói năng lễ độ biết kính trên nhường dưới… thì chúng ta sẽ học tập được những đức tính tốt ấy và trở nên tốt đẹp hơn.

Ngược lại, trong gia đình, nếu cha mẹ chỉ biết lo làm ăn không quan tâm đến con cái, vợ chồng luôn luôn bất hòa thì chắc chắn những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đó sẽ nhanh chóng trở thành đứa con hư. Ngoài xã hội, khi tiếp xúc gần gũi với môi trường không tốt đẹp, con người dễ dàng tập nhiễm những thói hư tật xấu và dần dần đánh mất bản chất lương thiện của mình. Cụ thể ở môi trường học tập, quanh ta có biết bao nhiêu bạn xấu thường xuyên trốn học, quậy phá, học yếu làm phiền lòng thầy cô. Nếu ta cứ lân la gắn bó với những bạn ấy ấy thì sớm muộn gì ta cũng bị ảnh hưởng lây. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu ca dao mang nội dung giáo dục về vấn đề này:

“Thói thường gần mực thì đen

Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng bị lôi kéo bởi môi trường xấu xa. Vẫn có những cánh sen vươn lên từ bùn lầy nước đọng, dù xung quanh hôi hám sen vẫn nở đẹp và tỏa ngát hương thơm. Thực tế vẫn có những người sống trong môi trường không tốt đẹp, không thuận lợi mà vẫn giữ mình không sa ngã. Môi trường càng xấu xa thì phẩm chất của con người càng tuyệt vời đáng khâm phục. Anh Nguyễn Văn Trỗi, người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Ngày nay, trong xu thế cả nước tiến lên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa, vẫn có những con người không giữ vững bản chất tốt đẹp của mình. Giữa cuộc sống tốt đẹp, giữa môi trường thân thiện, họ vẫn biến chất, thoái hóa, sống ăn chơi sa đọa trên những đồng tiền bất chính, những đồng tiền mồ hôi xương máu của nhân dân đóng góp… Những con người đó chính là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là thứ ung nhọt của xã hội mà chúng ta có nhiệm vụ phải loại trừ.

Có thể nói, câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, giúp em có bài học bổ ích, một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Câu tục ngữ giúp em có tinh thần cảnh giác trong việc giao du tiếp xúc với bạn bè, đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “ gần mực” mà vẫn không “ đen” và “ gần đèn” để luôn tỏa sáng.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 6

Cuộc sống xung quanh ta là một bức tranh muôn màu vạn vẻ, và môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến với sự hoàn thiện và phát triển của mỗi con người. Vậy nên, từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Trước tiên chúng ta phải hiểu, “mực” ở đây xét về nghĩa đen và một đồ dùng có màu tối, thường để tô hay viết nên những trang giấy trắng, tuy nhiên nó cũng mang nghĩa để chỉ những thói hư tật xấu, những cạm bẫy trong xã hội. “Gần mực thì đen” tức là khi ta tiếp xúc hoặc sống trong một nơi đầy rẫy những điều, những kẻ xấu xa, ta cũng sẽ dễ dàng bị tha hoá, bị “vấy bẩn” nhân cách. Ngược lại, “đèn” là một vật dụng dùng để soi sáng, thắp lên ánh sáng ở những nơi tối tăm, hay sâu xa hơn, nó là hình ảnh để chỉ những điều hay lẽ phải, nơi có những con người tốt đẹp. Đồ vật nào ở gần đèn cũng được soi sáng, giống như con người khi được sống ở một nơi tràn đầy những điều đúng đắn, tốt đẹp, ta cũng sẽ tiếp thu được và trở thành một con người sống lương thiện, hoàn thiện về nhân cách.

Lời nhắn nhủ của thế hệ đi trước thật đúng đắn làm sao. Thật vậy, trước tiên cần phải hiểu rằng, con người từ khi sinh ra cũng giống như một tờ giấy trắng vậy, chưa thể có những định hình về nhân phẩm, về cái xấu, cái tốt trong xã hội. Chính môi trường sống xung quanh, chính những người ở bên cạnh ta sẽ tác động rất lớn trong việc hoàn thiện và định hướng tư duy, cách nghĩ của mỗi người. Dó đó, dù xung quanh chúng đều là những người xấu xa, đầy rẫy những thói hư tật xấu, hay đều là những người lương thiện, với những điều hay lẽ phải, chúng cũng sẽ dễ dàng bị tác động, hình thành nhận thức và hành động theo.

Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Chẳng hạn, nếu con người ta sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên cãi vã, anh chị không có đạo đức tốt thì làm sao có thể là tấm gương sáng để đứa trẻ noi theo? Thậm chí, không nhất thiết là từ bé, mà ngay cả khi con người đã trưởng thành, đến một môi trường sống mới, đến một môi trường làm việc hay học tập đầy rẫy những kẻ lười biếng, gian manh,... đầy rẫy những thói hư, tật xấu như ăn cắp, ăn trộm, lừa đảo,..có thể ban đầu ta sẽ bài xích nó nhưng rồi dần dần, qua thời gian, sự bài xích ấy sẽ nhạt dần đi, ta học cách chấp nhận và sống cùng những điều ấy,thậm chí đến một lúc nào ấy, ta sẽ làm, học đòi theo họ. Đó chẳng phải là lúc nhân cách của ta đã bị tha hoá hoàn toàn hay sao?

Ngược lại, ở với những người mà là tấm gương sáng về đạo đức, được tiếp thu những điều hay, lẽ phải, dù là khi còn là một đứa trẻ hay đến khi trưởng thành, ta vẫn sẽ trở thành những con người tốt đẹp. Một gia đình mà cha mẹ anh chị em đều yêu thương, đùm bọc bọc lẫn nhau, một nơi học tập và làm việc mà mọi người luôn giúp đỡ, cùng vươn lên, một hay những người bạn mà có những điểm tốt đẹp để ta học hỏi theo,.. chẳng phải con người ta cũng sẽ tiếp thu và không ngừng vươn lên trong cuộc sống hay sao?

Vậy nên, có thể thấy, môi trường sống có ảnh hưởng lớn thế nào đến cuộc sống của mỗi người, Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu, sẽ có những trường hợp, con người ta không thể tự quyết định được ta sẽ sống ở đâu, ta sẽ tiếp xúc với những ai. Dù vậy, “ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng ta có thể chọn cách mình sẽ sống” , điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người, liệu ta có thể giữ cho mình một tâm lý vững vàng trước những cái xấu xa, để bảo toàn trọn vẹn nhân phẩm hay không? Đó là lý do vì sao trong những trang sử vàng son của dân tộc, vẫn có biết bao người anh hùng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như Danh tướng Trần Bình Trọng trước những dụ dỗ của quân giặc đã tuyên bố với một câu nói vang danh muôn đời "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc", hay cụ Nguyễn Khuyến vì “lánh đục về trong”, đã quyết từ quan về ở ẩn...và còn rất nhiều những tấm gương sáng nữa.

Qua câu tục ngữ trên, ông cha ta đã nêu ra một chân lý thật sâu sắc và hoàn toàn đúng đắn, từ đó khuyên nhủ con cháu muôn đời phải biết tỉnh táo, cảnh giác trước những điều xấu xa, những cạm bẫy trong xã hội cũng như luôn hướng mình theo những lẽ lẽ sống tốt đẹp, biết lựa chọn đúng đắn trong mọi hoàn cảnh, luôn giữ cho mình một nhân cách tinh khiết. Với mỗi gia đình hay cơ quan, thế hệ đi trước cần là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo. Một xã hội với những con người lương thiện sẽ kéo theo cả một xã hội lương thiện, ngược lại một xã hội mà toàn những cạm bẫy xấu xa thì xã hội ấy cũng sẽ chẳng thể tồn tại được lâu dài, vĩnh cửu.

Bức tranh cuộc sống sẽ thay đổi màu sắc theo thời gian, sẽ có những người tô lên đó những màu sắc rực rỡ, nhưng cũng sẽ có những người tô lên đó gam màu tối sẫm.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 7

Nhân dân ta đã khẳng định rằng môi trường xã hội và đặc biệt là mối quan hệ bạn bè có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi con người. Câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đã nói lên điều đó.

Để nêu lên một bài học hoặc một kinh nghiệm, ông cha ta thường mượn hình ảnh của sự vật có liên quan đến con người để thể hiện ý của mình. Mực có màu đen. (Ngày xưa, mực Tàu được đúc thành thỏi dài, khi dùng thì đem mài với nước, lấy bút lông chấm vào nước để viết chữ Hán. Nếu sơ ý bị mực dây vào chân tay, quần áo thì khó tẩy sạch). Từ thực tế đó, người xưa mượn mực để ám chỉ những cái xấu xa. Còn đèn là vật phát ra ánh sáng. Đến gần đèn ta sẽ được soi sáng. Cho nên đèn tượng trưng cho điều tốt đẹp, sáng sủa. Mượn hai hình ảnh tương phản nhau là mực và đèn, câu tục ngữ ngầm nhở: Nếu giao du với với hạng người xấu, ta sẽ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu; nếu ta kết bạn với những người tốt thì ta sẽ học tập được nhiều điều hay, điều tốt.

Xét trong phạm vi gia đình thì cha mẹ, anh chị là tấm gương để cho con em noi theo. Nếu cha mẹ hòa thuận và coi trọng việc giáo dục con cái, anh em yêu thương nhau thì đó là gia đình hạnh phúc, sẽ có được những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, giỏi giang. Ngược lại, nếu cha mẹ lục đục, anh em bất hòa thì con cái sẽ hư hỏng, khó nên người. Ngoài xã hội, nếu tiếp xúc thường xuyên với những đối tượng xấu xa, lừa đảo, giựt giọc, chà đạp lên nhau để sống thì một ngày nào đó, ta sẽ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu.

Đối với lứa tuổi học sinh, việc kết bạn là hết sức quan trọng. Nếu chơi với những bạn chăm ngoan, học giỏi, lễ phép, biết kính trên nhường dưới... thì chúng ta sẽ học tập được những đức tính tốt đẹp và sẽ trở thành người tốt. Bạn bè sẽ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ.

Ý nghĩa của câu tục ngữ trên từ lâu nay đã được công nhận nhưng trong một lần tranh luận ở lớp, bạn em lại cho rằng: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Suy ngẫm lại, em thấy ý kiến của bạn ấy cũng có lý phần nào, sống không phải vì thế mà ý nghĩa của câu tục ngữ bị phủ nhận. Quả thật, yếu tố con người vô cùng quan trọng. Nếu làm chủ được bản thân, có ý chí, lập trường, quan điểm vững vàng thì chúng ta khó bị tha hóa với cái xấu.

Sống trong môi trường không tốt mà con người vẫn giữ được nhân cách trong sáng thì cũng giống như hoa sen nở trên đầm lấy vẫn tỏa ngát hương thơm. Xung quanh ta có rất nhiều tấm gương như vậy. Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ suốt mấy chục năm sống ngay trong hang ổ quân thù là bè lũ bán nước Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ ngụy quyền Sài Gòn, tay sai của đế quốc Mỹ xâm lược, vậy mà "ông cố vấn" vẫn nguyên vẹn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Ông đã vượt qua vô vàn thử thách, hiểm nguy để theo đuổi đến cùng lý tưởng cách mạng, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần gũi hơn, quen thuộc hơn là gương sáng của các bạn nhỏ nhà nghèo mà hiếu học. Có bạn ngày ngày vượt hàng chục cây số đèo dốc, rừng núi đến trường. Có bạn mồ côi cha mẹ, sống cơ cực, thiếu thốn trăm bề vẫn phấn đấu vượt lên hoàn cảnh để học tốt, học giỏi. Không ít những anh chị sinh viên vừa làm vừa học, vừa rèn luyện bản lĩnh để vững vàng bước vào đời... Điều đáng nể phục là họ đã chiến thắng hoàn cảnh và chiến thắng được chính mình.

Ngược lại, có những người điều kiện sống hoàn toàn thuận lợi, tốt đẹp nhưng bản thân lại chẳng ra gì. Sinh ra trong gia đình giàu sang thừa thãi tiền bạc, danh vọng, họ không phải lo lắng, bươn chải để mưu sinh mà chỉ việc học cho tốt, sống cho tốt. Thế nhưng họ lại sớm sa ngã bởi những thú ăn chơi sa đọa như tiêu xài hoang phí, nay vũ trường, mai quán rượu, rồi hút chích ma túy, điên cuồng đua xe gây tai nạn trên đường phố mà các nhóm thanh niên đua oto tốc độ cao vừa qua ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình. Như vậy là họ đã tự nhuộm đen nhân cách của mình.

Ngày nay, trong xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang sống, vẫn còn một số người vì nhắm mắt chạy theo đồng tiền để thỏa mãn những dục vọng vật chất mà đánh mất đạo đức, nhân cách, thậm chí mất cả sự nghiệp. Vì vậy, trong quan hệ ta phải thận trọng, sáng suốt để không phải ân hận về sau.

Tuy vậy, đối với người chưa tốt, không phải chúng ta một mực xa lánh họ để họ buông xuôi trước cái xấu. Những năm gần đây, vòng tay nhân ái của cộng đồng đã cưu mang nhiều số phận đã lỡ bước sa chân vào con đường tăm tối của các tệ nạn, giúp họ trở về cuộc sống lương thiện, thành người hữu ích cho xã hội.

Câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là một lời khuyên thiết thực và bổ ích. Em cũng rút ra từ đó bài học bổ ích cho bản thân là phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong để có được một quan điểm sống lành mạnh, đúng đắn. Hãy tránh xa bóng tối của những cám dỗ xấu xa; chọn bạn tốt mà chơi để học tập và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Gần đèn để được soi sáng là điều cần thiết nhưng ngọn đèn sáng nhất vẫn là ngọn đèn tỏa chiếu từ chính tâm hồn mình.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 8

Một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách con người là môi trường sống bởi thế nhân dân ta có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Nhưng yếu tố con người là quan trọng hơn cả môi trường sống, bởi con người tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh của chính con người đó vì thế gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng.

Trước hết ta phải hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ. "Mực" ở đây là mực tàu để viết bút lông khi dùng phải mài vào đĩa có nước rồi nhúng ngòi bút lông vào mực mài đó mà viết chữ nho nếu sơ ý hoặc không cẩn thận thì dễ bị dây mực ra chân tay, quần áo, đen bẩn. Còn "đèn" là vật phát sáng ngồi gần đèn sẽ sáng sủa rạng rỡ. Tuy nhiên không dừng lại ở nghĩa này, điều mà ông cha ta muốn nói sâu xa hơn là sống trong môi trường xấu cũng dễ trở thành người xấu và ngược lại, sống trong môi trường tốt sẽ trở thành người tốt. Sở dĩ như vậy vì con người ta là sự bắt chước, sự học hỏi – bắt chước cái hay cái tốt và cũng bắt chước được cả cái dở cái xấu.

"Gần mực thì đen" ta đã bắt gặp hình ảnh Chí Phèo trong chuyện của nhà văn Nam Cao, vốn là anh nông dân hiền lành chất phát bỗng nhiên bị nghi ngờ có tội phải đi tù, sau bao năm trở về quê cũ Chí Phèo thay đổi hẳn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chính nhà tù của thực dân Pháp đen tối khắc nghiệt đã làm thay đổi con người như thế. Ngược lại gần đèn thì rạng câu chuyện "mẹ hiền dạy con" đã chứng minh rõ nét nhất. Mạnh tử khi còn bé sống gần trường học nên lễ phép chăm chỉ học hành, giả sử người mẹ của Mạnh tử cho cậu sống gần chợ hay ở nghĩa địa thì chưa chắc sau này Mạnh tử đã trở thành bậc hiền tài của Trung Quốc.

Trong thực tế ta thấy học sinh sống trong tập thể lớp, trường có nhiều bạn tốt được giáo dục chu đáo sẽ trở thành người tốt, gia đình sống hòa thuận con cái sẽ chăm ngoan, xã hội tốt đẹp sẽ có công dân tốt. Ngược lại, nếu sống trong môi trường gia đình bạn bè không tốt con người sẽ bị ảnh hưởng, thay đổi theo chiều hướng xấu, trong những trường hợp như vậy ta thấy "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là đúng tuy nhiên không phải ai gần mực cũng đen, ai gần đèn cũng rạng bởi lúc đó ta cẩn thận nên mực không thể gây bẩn, bởi ra cố tình ngồi khuất nên gần đèn chưa chắc đã rạng.

Bởi vậy phẩm chất của con người nằm ở chính bản lĩnh của con người ấy. Sống trong môi trường xấu mà biết giữ mình thì như viên ngọc quý sáng ngời giữa đêm đen. Còn sống trong môi trường tốt mà không chịu thường xuyên tu dưỡng thì cũng chỉ như thanh thép để lâu ngày không tôi luyện sẽ han rỉ trở nên vô dụng.

Trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm có những chiến sĩ tình báo hoạt động thầm lặng, chiến trường của họ không đầy bom rơi lửa đạn nhưng cũng thật cam go khắc nghiệt. Sống giữa sự xa hoa những lời lẽ tán dương của quân địch liệu họ có phản bội Tổ quốc, làm thế nào để bên ngoài vỏ bọc lính ngụy bên trong họ vẫn giữ phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ? Sống quanh những lời xì xầm, bàn tán bị coi là Việt gian liệu họ có dũng cảm tiếp tục công việc trong môi trường ấy đòi hỏi người chiến sĩ tình báo không chi cần bộ óc nhanh nhẹn mà còn cần một bản lĩnh vững vàng để tự chiến đấu với bản thân.

Tóm lại câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" đã giúp ta thấy rằng môi trường sống có ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi con người, đặc biệt là tính cách. Tuy nhiên con người có thể hoàn toàn chủ động đón nhận hoàn cảnh dù sống trong môi trường không tốt – gần mực nhưng nếu bản lĩnh thì ta vẫn như đóa hoa thơm ngát: "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 9

Tục ngữ là kho tàng vô giá về kinh nghiệm trong sản xuất, trong học tập và đấu tranh. Nó cho ta nhiều bài học hay, nhiều nhận xét sâu sắc trong ứng xử, giao tiếp. Trải qua bao đổi thay của thế sự, nhân tình, lớp bụi thời gian có thể phủ mờ lên nhiều thứ, nhiều điểm có thể bị lãng quên... nhưng kho tàng vô giá này vẫn có một sức sống lâu bền và có nhiều ý nghĩa đối với nhân sinh. Câu tục ngữ "'Gần mực thì đen", "Gần đèn thì sáng"- hai biểu tượng tương phản nhau: “mực”, "đèn". Do đó, tác dụng cũng trái ngược nhau: “đen” và “sáng".

Màu đen của mực (mực tàu), nguồn ánh sáng của đèn là hai biểu tượng về cái xấu và cái tốt, về dở và hay, cái lạc hậu, tiêu cực và cái tiến bộ, tích cực. "Gần" là bên cạnh, đặt bên cạnh, sống gần gũi. Đối lập với gần là xa, là tách biệt, cách ly. "Mực thì đen" nhưng có ở "gần" thì mới “đen". "Đèn thì sáng" nhưng có đặt gần, ở gần thì mới sáng. Câu tục ngữ chỉ ra mối tương quan gần gũi của hai sự vật. Nhân dân ta mượn hai biểu tượng đối lập (mực, đèn) để nói lên tầm quan trọng to lớn của mối quan hệ xã hội, của môi trường tác động đến con người. Tóm lại, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" nêu lên một bài học, một kinh nghiệm về cách sống, thái độ sống, khuyên bảo chúng ta nên biết gần gũi người tốt, xa lánh kẻ xấu, đặc biệt là biết chọn bạn mà chơi.

Câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" chứa đựng một kinh nghiệm sống, cách sống đúng đắn và hay. Con người ta sinh ra tính vốn thiện và lành nhờ sự dạy dỗ, giáo dục, học tập mà trở thành người hữu ích. Nếu sống trong một môi trường xấu thì dễ trở nên xấu như "Gần mực thì đen" vậy. Nhưng nếu sống trong một môi trường tốt, có quan hệ xã hội tốt thì có thể trở thành người tốt, chẳng khác nào “gần đèn thì sáng". Sự nhiễm bẩn lây lan rất đáng sợ, khi sống “gần mực". Điều tốt đẹp, trong sáng, cái hay, cái tôi của người, của đời sẽ toả sáng tâm hồn ta, cảm hóa lòng ta nếu ở “gần đèn".

Mối quan hệ xã hội, môi trường sống... đã tác động vào tâm hồn làm thay đổi tâm tính của mỗi người. Gần người hiền, xa kẻ dữ, chọn bạn mà chơi, học cách làm người, cách làm ăn của những gương cần cù, tài giỏi...là bài học quý báu hàm chứa trong câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

Đáng ngại biết bao khi ta phải sống gần gũi những kẻ bất lương, trộm cắp rượu chè, cờ bạc? Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được ở gần, có mối quan hệ với những người bạn tốt, láng giềng tốt. Ta sẽ học được bao điều hay lẽ phải ở đời. Phương ngôn có câu: “bạn tốt quý hơn vàng" là thế! Truyện cổ tinh hoa nhắc lại chuyện bà mẹ Mạnh Tử dời nhà nhiều lần; lần sau cùng bà chuyển đến trường học. bà mới yên tâm. Có bà mẹ vĩ đại như thế mới có người con Mạnh Tử ở đời.

Cũng cần phải quan niệm câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng'' một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Sự tác động của con người đối với hoàn cảnh, với quan hệ xã hội rất lớn. Con người giàu bản lĩnh, tài năng có thể góp phần cải tạo hoàn cảnh, làm thay đổi mối quan hệ xã hội. Họ lấy tài năng, đạo đức, tình thương của mình, mà cảm hoá đồng loại, giáo dục kẻ bất lương. Câu ca dao "Gần mực mà chẳng hôi tanh mùi bùn" càng làm cho ta cảm nhận thêm sự thật ấy. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", chân lý ấy hiển nhiên rồi. Nhưng nếu thiếu chí tiến thủ. không có ý thức tốt trong học tập vươn lên không khiêm tốn... thì "gần đèn" nhưng khó mà “sáng" lên được, học thiếu cố gắng... thì không thể nào “sáng" hơn chúng bạn. Môi trường, quan hệ xã hội gia đình, nhà trường xã hội - rất quan trọng. Bởi vậy, mỗi người phải luôn luôn có ý thức tốt trong học tập, tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên, tiến bộ không ngừng.

Tuổi trẻ có bạn bè. Chọn bạn tốt mà chơi. Không đua đòi kẻ xấu. Câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" giúp ta định hướng lộ trình đi tới tương lai tốt đẹp.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 10

Kho tàng lịch sử dân tộc ta có rất nhiều ca dao, tục ngữ được đúc rút từ kinh nghiệm của nhân dân từ bao đời nay. Trong quá trình tồn tại, con người nhận ra được ảnh hưởng của môi trường tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Từ đó, ông cha ta đã gói gọn thông điệp đó trong câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Đây là một câu tục ngữ hay và để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm.

Để nêu lên một kinh nghiệm, một bài học trong cuộc sống, ông cha ta thường mượn những hình ảnh gần gũi để so sánh, ví von nhằm thể hiện ý của mình. “Mực” tượng trưng cho những cái xấu xa, tiêu cực, không tốt đẹp. Còn “đèn” là vật phát sáng tỏa sáng soi rọi mọi thứ, ở gần đèn ta được soi chiếu sáng trưng. Còn “đèn” tượng trưng cho những điều tốt đẹp, trong lành, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn” thể hiện hai hàm ý đối ngược nhau nhằm nhắc nhở chúng ta về cái xấu, cái tốt.

Câu tục ngữ có ý nghĩa nhấn mạnh sự ảnh hưởng lớn của môi trường sống. Khi ở trong môi trường hay tiếp xúc nhiều với những người tiêu cực, không tốt thì chúng ta cũng rất dễ bị nhiễm những thói hư tật xấu, dễ bị lôi kéo theo những điều sai trái. Và ngược lại, khi chúng ta sống trong môi trường hay tiếp xúc với những người tích cực, cuộc sống của chúng ta sẽ học thêm được những điều hay, bổ ích. Môi trường ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến suy nghĩ, cư xử, hành động của mỗi chúng ta.

Không phải chỉ đến ngày nay mà từ thời Mạnh Tử, mẹ của ông đã nhận thức được tác động to lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con. Chúng ta biết đến Mạnh Tử là người giỏi giang, hiểu sâu biết rộng, đạo cao, đức trọng nhưng để có một ngày giỏi giang như ông thì đằng sau là một người mẹ hiền nuôi dạy ông nên người. Bà đã từng chuyển nhà tới ba lần để tìm cho Mạnh Tử một môi trường ưng ý. Hay Nguyễn Bỉnh Khiêm - một vị quan tài giỏi xin rút lui khỏi chốn quan trường về ở ẩn vì ông sợ rằng chốn quan trường mưu mô sẽ kéo ông theo nó, biến ông thành một kẻ mưu mô, tham lam. Qua đó, chúng ta nên chọn cho mình một môi trường làm việc, môi trường sống, con đường đi tốt đẹp, tích cực để gìn giữ và phát triển nhân cách bản thân hơn.

Ngày nay thì câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” vẫn được mọi người nhắc nhở nhau. Trong gia đình, nếu bố mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, cùng nhau giáo dục con cái thì chắc chắn những người con sẽ phát triển tốt hơn, đạo đức, nhân cách hướng thiện. Bởi bố mẹ chính là tấm gương phản chiếu, là ngọn đèn soi đường cho con cái mình dõi theo, học tập. Chính những cư xử, giao tiếp, đối xử lẫn nhau của bố mẹ là kim chỉ nam cho mỗi đứa con của mình. Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới bình yên. Ngược lại, nếu trong gia đình nếu bố mẹ bất hòa, hay cãi nhau, không quan tâm đến con cái thì đứa trẻ lớn lên trong môi trường ấy thường hư hỏng hơn. Ngoài xã hội, khi làm việc, tiếp xúc thường xuyên với môi trường không tốt đẹp thì chúng ta dễ bị nhiễm những thói hư tật xấu và dần đánh mất bản tính lương thiện, thật thà của mình. Lấy ví dụ cụ thể trong môi trường trường học, nếu xung quanh là những người bạn xấu thường trốn học, quậy phá, học lực yếu, ăn chơi, đàn đúm, nếu bản thân lập trường không vững thì dễ bị lôi kéo, dễ hùa theo.

Tuy nhiên, không phải ai ở môi trường tốt cũng sẽ là người tốt, sống ở môi trường xấu thì cũng sẽ là người xấu, vấn đề nằm ở bản lĩnh, lập trường của chính mỗi con người. Có những người sai lầm, từng nghiện ngập, ra tù vào tội nhưng khi họ muốn hoàn lương thì chúng ta không được kì thị. Chúng ta phải dang rộng vòng tay để họ làm lại cuộc đời, ở bên chia sẻ, hòa đồng với họ chứ không phải xem họ là người xấu rồi tránh xa. Ở bên cạnh họ, ta còn biết được những sai lầm mà họ từng vấp phải để bản thân có thể tự rút ra cho mình, học được bài học từ người khác

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một lời khuyên, một triết lý sâu sắc giúp tôi có thêm cách nhìn đúng đắn về mối tương quan giữa môi trường và việc hình thành nhân cách của bản thân. Câu tục ngữ giúp chúng ta xác định đúng đắn trong việc chọn nơi để ở, để làm việc, chọn bạn để chơi và hiểu hơn tầm quan trọng của môi trường tác động đến con người.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 11

Trong cuộc sống chắc mỗi người đều tìm cho mình những người bạn tốt để chơi và gắn bó đó là một truyền thống lâu bền của dân tộc ta. Trong kho tàng những câu ca dao và tục ngữ Việt Nam đã nổi bật lên rất nhiều những đạo lý đó và tiêu biểu là câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” đã được xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta từ rất nhiều năm và nó được lưu truyền một cách rất rộng rãi thể hiện một truyền thống cũng như kinh nghiệm sống mà ông cha ta đã để lại. Nó giống như một kim chỉ nam soi đường và là bài học kinh nghiệm quý báu của mỗi con người. Mỗi người chúng ta đều hiểu rằng câu tục ngữ có ý nghĩa rất sâu sắc. Nghĩ đen của câu này nói về gần mực thì đen, bởi mực có màu đen vì vậy gần mực sẽ đen, gần đèn có ánh sáng thì rạng. Nhưng đó chỉ là ở khía cạnh nghĩ đen, còn nghĩa bóng, nghĩa sâu xa mà ông cha ta muốn nhắn nhủ đó là nên tìm những người bạn tốt để chơi bởi khi chúng ta chơi với những người bạn xấu hoặc không tốt thì dần chúng ta cũng sẽ trở thành những người như vậy.

Câu tục ngữ trên đã mang một ý nghĩa sâu rộng bởi khi sống trong cuộc sống này ông cha ta đã đúc kết được những kinh nghiệm sống của bản thân để từ đó đúc kết nên câu tục ngữ này, khi sống trong một xã hội chúng ta nên tìm và chơi với những người có phẩm chất đạo đức tốt, không nên chơi với những người tệ nạn, nó sẽ làm cho chúng ta dần trở thành những con người xấu, cuộc sống trải qua bao nhiêu năm thì câu tục ngữ này vẫn đúng bởi lẽ đó là những bài học kinh nghiệm đường đời mà ông cha ta đã gắn bó và để lại cho nhân dân, mỗi con người chúng ta đều phải học hỏi và coi đó là vốn sống riêng của mình để có thể tìm những người bạn tốt để phấn đấu trở thành những con người có ích cho xã hội này, mỗi chúng ta đều phải gần những người thực sự có phẩm chất cao quý do đó chúng mới có thể trở thành những con người đức hạnh.

Câu tục ngữ này rất đúng bởi trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều những trường hợp tương tự như vậy, ai chơi với những người xấu và không tốt thì họ cũng là con người như vậy, chơi lâu ngày thì bản chất của chúng ta cũng giống họ, nhưng ngược lại đối với những người luôn chọn cho mình những người bạn tốt để chơi họ sẽ trở thành người tốt và vô cùng đức độ, những điều đó đều có nguyên nhân và hệ quả của riêng nó, nó đem lại những điều rất tốt đẹp cho mỗi con người chúng ta, chính vì vậy mà mỗi chúng ta cũng đều cần có những phẩm chất tốt như vậy để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội này. Gần mực thì đen cũng giống như gần những người xấu thì nhân cách và phẩm chất của chúng ta sẽ bị thay đổi theo họ, chơi với những người tệ nạn thì trước sau gì chúng ta cũng giống họ. Trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp rất nhiều những hoàn cảnh như vậy, thường thì những người tệ nạn cờ bạc chơi với những người cờ bạc và rồi học vào con đường cùng, con đường tăm tối của xã hội, không ai coi trọng và còn bị người đời phê phán, đó là những điều cực kỳ không tốt.

Những người học tốt, có công danh xán lạn thì chơi với những người xán lạn, những người có đạo đức tốt sẽ chơi với những người có phẩm chất tốt, vậy tại sao mỗi chúng ta không chọn cho mình những người bạn thực sự tốt để chơi từ đó chúng cũng trở thành con người như họ, mỗi người đều cần phải có những chính kiến riêng của mình vì vậy hãy coi trọng và phát triển họ cũng giống như phát triển chính bản thân mình. Không ai có thể lựa chọn được nơi mình sinh ra nhưng chắc chắn họ có thể lựa chọn được nơi mình sẽ đứng và lựa chọn cho mình những người bạn cực kì tốt để chơi, đó là một quy luật mà không thể nào có thể thay đổi được. Nếu muốn trở thành con người như thế nào thì đều do chúng ta lựa chọn để trở thành những con người như thế, bởi lẽ không ai có thể chọn bạn cho mình ngoài mình ra.

Nhưng câu tục ngữ trên cũng có mặt chưa hoàn toàn đúng bởi trong xã hội, cũng có những trường hợp họ tốt nhưng học có thể chơi với những người không tốt, nhưng tính kiên định của họ lớn vì vậy họ không bị sao nhãng và trở thành con người xấu kia. Trường hợp này cũng có nhưng rất ít chính vì vậy mà nhân dân ta vẫn rất coi trọng câu tục ngữ mà ông cha ta đã để lại, đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, chúng ta chỉ có thể phát huy và giữ gìn nó chứ không thể thay đổi nó. Nhiều người không biết vận dụng câu tục ngữ này, cuối cùng đã trở thành những con người xấu và không tìm được con đường đi cho chính mình. Kết quả họ chỉ là những con người có phẩm chất không tốt và rồi họ lâm vào những con đường tối tăm và không có nơi lương tựa, điều đó là hệ quả của việc gần mực thì đen. Cũng có những trường hợp người xấu chơi với những người tốt, học có thể thay đổi chính bản thân họ để trở thành những con người tốt kia. Đó là một điều vô cùng cao quý và mỗi chúng ta có thể học hỏi và phát huy nó một cách tối đa, bởi lẽ trong cuộc sống này chúng ta cần học hỏi và phát triển nó theo một quy luật.

Có rất nhiều những trường hợp trong cuộc sống chúng ta cần phải học hỏi và rút kinh nghiệm từ đó, nó là vốn sống và những phẩm chất cao quý trong con người Việt Nam. Mỗi con người đều có thể phát huy được chính bản năng của mình trong đó nó góp phần tạo nên cho chúng ta những nền tảng và kinh nghiệm sống quý giá mà ông cha ta đã để lại, kinh nghiệm sống đã được đúc kết ngắn gọn trong câu tục ngữ này, nhiệm vụ quan trọng của mỗi chúng ta là biết vận dụng và phát huy nó một cách tối đa và hiệu quả, mỗi người đều biết học tập và tu dưỡng đạo đức tốt để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội này.

Trong cuộc sống cũng có rất nhiều những tấm gương sáng về tinh thần học hỏi câu tục ngữ của dân tộc tiêu biểu đó là những con người biết vươn lên trong cuộc sống, học chơi với những người có ý chí tiến lên và rồi chính bản thân họ cũng có thể phát triển được những điều quý báu mà tiềm ẩn đã lâu trong con người của họ. Mỗi người chúng ta đều có quyền được học hỏi và đó được coi như là bài học quý báu và cũng là những bài học đường đời và nó đem lại cho mỗi chúng ta những niềm tin tươi sáng vào một cuộc sống tốt đẹp. Như trong cuộc sống này chúng ta thấy rất nhiều những tấm gương sáng về tinh thần biết học hỏi và vươn lên, chính vì vậy họ cũng sẽ trở thành những con người đức độ và có ý chí vươn lên mạnh mẽ, họ là những con người đại diện cho đèn mà những ai gần những ngọn đèn này cũng sẽ rạng sáng, đó là những điều mà ông cha ta muốn nhắn nhủ lại cho mỗi chúng ta.

Câu tục ngữ này là bài học quý báu cho dân tộc ta. Chúng ta cần phải biết giữ gìn và phát huy nó một cách tối đa để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội này. Mỗi người đều là những tấm gương sáng cho tinh thần phát triển cội nguồn và những bài học vô cùng quý giá cho dân tộc ta, mỗi chúng ta cần coi nó là kim chỉ nam để phát triển cuộc đời của mình một cách toàn diện và ngày càng mạnh mẽ.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 12

Trong cuộc sống hằng ngày môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành của mỗi cá nhân con người. Các mối quan hệ như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đều tác động tới mỗi cá nhân chúng ta, và điều đó đã được thể hiện qua câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Vì sao ông cha ta lại mượn hình ảnh “mực” và “đèn” để thể hiện ý của mình? Như ta đã biết “mực” thì có màu đen khi ta không cẩn thận bị làm bẩn ra áo hay ra tay thì rất khó tẩy sạch nên thực tế ông cha ta mượn nó để so sánh với hành động xấu xa. Còn “đèn” là vật phát ra ánh sáng tượng trưng cho điều tốt đẹp, sáng sủa vậy nên ý nghĩa của toàn bộ câu tục ngữ là nếu ta tiếp xúc hay giao du với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, nếu ta chơi với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ.

Chúng ta biết rằng môi trường học tập của các em học sinh hay như môi trường sống của chúng ta là đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của mỗi người. Đặc biệt là các em học sinh người ta nói tâm hồn học sinh lứa tuổi thiếu niên như tờ giấy trắng quả không sai tuổi trẻ có môi trường, hoàn cảnh để rèn luyện, thử thách nhiều vì vậy cũng chưa có chưa có bản lĩnh vững vàng để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống khi được tiếp xúc với cái xấu, cái hay cái đúng nhiều khi chưa phân biệt được đúng sai, chính xác.

Một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có điều kiện giáo dục tốt, một môi trường trong sáng lành mạnh sẽ khác hẳn với một đứa trẻ sống trong môi trường có nhiều cái xấu. Hay như trong môi trường học tập, ngay cả khi một đứa trẻ được sống trong một trường có văn hóa được giáo dục tốt thì học trong một môi trường có nhiều bạn có thói quen xấu hay không được giáo dục tốt thì cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến việc hình thành tính cách của em đó. Và ngược lại môi trường giáo dục sư phạm mẫu mực của nhà trường cũng có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với những đứa trẻ chưa ngoan đưa chúng trở lại với chuẩn mực đạo đức con người, cũng có biết bao đứa trẻ hư được gia đình chiều chuộng nhưng khi đưa đến trường với sự rèn rũa của cô giáo và quy luật của nhà trường mà các em dần biết lỗi sai của mình và kịp thời sửa lỗi để từ đó các em có thể trở thành một đứa trẻ ngoan.

Khi ta phần nào hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ thì chúng ta cần thấy rõ ảnh hưởng và sức tác động to lớn quan trọng của môi trường bạn bè đối với cuộc sống học tập sinh hoạt của thiếu niên, học sinh. Mỗi người cần chọn cho mình một người bạn tốt để chơi, để có thể học tập được ở bạn nhiều cái hay cái tốt.

Nhưng chỉ học tập cái tốt mà tránh xa cái xấu ra thì chưa đủ, ta còn phải lên án cái xấu không thỏa hiệp với nó để cái xấu ngày càng có cơ hội phát triển, đồng thời ta cũng phải biểu dương cái đẹp để cho cái đẹp tiếp tục được phát huy, nhân rộng hơn trong xã hội.

Ngày nay trong xã hội mà ta đang sống vẫn còn không ít những người nhắm mắt chạy theo đồng tiền để thỏa mãn lòng tham của mình mà đánh mất đi đạo đức và nhân cách của mình thậm chí là mất cả sự nghiệp. Vì vậy trong quan hệ ta phải sáng suốt để không phải ân hận về sau.

Qua câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” khuyên nhủ chúng ta phải biết lựa chọn cho mình những cái đúng, cái hay cái đẹp để chơi cũng như chọn bạn mà chơi. Tuy nhiên không phải là xa lánh người mắc khuyết điểm mà là ta nên chỉ ra cái điểm sai của bạn để từ đó bạn có thể đẩy xa cái xấu và tiến lại gần hơn đèn, làm như vậy không những giúp được bạn mà ta còn tự mình tỏa sáng. Hãy tránh xa những cám dỗ của bóng tối, chọn bạn tốt để chơi để cùng học tập và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Gần đèn để được soi sáng là điều cần thiết nhưng ngọn đèn sáng nhất vẫn là ngọn đèn tỏa chiếu từ chính tâm hồn mình.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 13

Môi trường sống có những ảnh hưởng nhất định đến con người. Điều đó được thể hiện qua lời khuyên quý giá của ông cha ta qua câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Câu tục ngữ đã mượn hai hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống của con người là mực và đèn. Trước hết, “mực” là mực tàu để viết bút lông khi dùng phải mài vào đĩa có nước rồi nhúng ngòi bút lông vào mực mài đó mà viết chữ nho nếu sơ ý hoặc không cẩn thận thì dễ bị dây mực ra chân tay, quần áo, đen bẩn. Còn “đèn” là vật phát sáng ngồi gần đèn sẽ sáng sủa rạng rỡ. Tuy nhiên không dừng lại ở nghĩa này, điều mà ông cha ta muốn nói sâu xa hơn là sống trong môi trường xấu cũng dễ trở thành người xấu và ngược lại, sống trong môi trường tốt sẽ trở thành người tốt. Sở dĩ như vậy vì con người ta là sự bắt chước, sự học hỏi - bắt chước cái hay cái tốt và cũng bắt chước được cả cái dở cái xấu.

Có thể kể đến nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao là dẫn chứng cho “gần mực thì đen” vốn là anh nông dân hiền lành chất phát bỗng nhiên bị nghi ngờ có tội phải đi tù, sau bao năm trở về quê cũ Chí Phèo thay đổi hẳn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chính nhà tù của thực dân Pháp đen tối khắc nghiệt đã làm thay đổi con người như thế. Ngược lại câu chuyện “Mẹ hiền dạy con” đã chứng minh rõ nét nhất cho “gần đèn thì rạng”. Mạnh Tử khi còn bé sống gần trường học nên lễ phép chăm chỉ học hành, giả sử người mẹ của Mạnh Tử cho cậu sống gần chợ hay ở nghĩa địa thì chưa chắc sau này Mạnh tử đã trở thành bậc hiền tài của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bắt gặp một số người không chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh - “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ… Họ đều là những con người đã lựa chọn rời xa chốn quan trường để tìm về với thiên nhiên đẹp đẽ, không màng những bon chen quyền lực, địa vị.

Đối với lứa tuổi học sinh, việc kết bạn là hết sức quan trọng. Nếu chơi với những bạn chăm ngoan, học giỏi, lễ phép, biết kính trên nhường dưới... thì chúng ta sẽ học tập được những đức tính tốt đẹp và sẽ trở thành người tốt. Bạn bè sẽ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ.

Tóm lại, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một lời khuyên đúng đắn, giàu giá trị đối với mỗi người. Mỗi người cần suy nghĩ về nó để tìm một môi trường tốt đẹp mà sống và quyết xa lánh môi trường xấu.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 14

Tục ngữ được coi là “chiếc túi khôn” của nhân loại khi đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu từ đời trước. Và câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” cũng là một trong số đó.

Trước hết, hình ảnh “mực” có màu đen, dễ bị vấy bẩn. “Mực” tượng trưng cho những cái xấu xa, tiêu cực, không tốt đẹp. Còn “đèn” là vật phát sáng tỏa sáng soi rọi mọi thứ, ở gần đèn ta được soi chiếu sáng trưng. Còn “đèn” tượng trưng cho những điều tốt đẹp, trong lành, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn” thể hiện hai hàm ý đối ngược nhau nhằm nhắc nhở chúng ta về cái xấu, cái xấu. Từ đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Câu tục ngữ chính là bài học mà kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc sống. Môi trường có vai trò với việc hình thành nhân cách của con người. Trong một gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái nói theo. Ở trường học, thì thầy cô lại chính là người có ảnh hưởng đến học sinh. Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Bạn bè cũng có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của mỗi người. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu ca dao mang nội dung giáo dục về vấn đề này:

“Thói thường gần mực thì đen

Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp, giống như đóa hoa sen vậy:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng của dân tộc. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi - người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị tốt đẹp đã bị thay đổi. Chính vì vậy, câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, giúp cho con người có bài học bổ ích, một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Đối với một học sinh như em, câu tục ngữ đã giúp em có tinh thần cảnh giác trong việc giao du tiếp xúc với bạn bè, đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “đen” và “gần đèn” để luôn tỏa sáng.

Như vậy, đây là một câu tục ngữ giàu ý nghĩa. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” sẽ trở thành một bài học nhắc nhở con người cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 15

Tục ngữ gửi gắm nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, sâu sắc. Một trong số đó là câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” nói lên tầm quan trọng của môi trường trong cuộc sống của con người.

Xét theo nghĩa đen, mực là một loại chất lỏng, dùng để in hoặc viết. Còn đèn là một đồ vật, có thể phát ra ánh sáng. Xét theo nghĩa bóng, mực gợi đến những điều tăm tối, xấu xa. Còn đèn gợi về những điều sáng rõ, tốt đẹp. Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” muốn nói đến ảnh hưởng của môi trường đối với con người. Chúng ta sống trong môi trường xấu, thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu. Ngược lại, chúng ta sống trong môi trường tốt, tiếp xúc với những người tốt thì ta sẽ học hỏi được điều tốt hay, trở thành người có ích.

Không thể phủ nhận rằng, môi trường có tầm ảnh hưởng rất lớn sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Khi chúng ta sống trong một môi trường xấu, tiếp xúc với người có nhiều thói hư tật xấu thì dễ trở nên sa ngã, sai lầm. Và ngược lại, nếu chúng ta sống trong một môi trường tốt, tiếp xúc với những người có lối sống lành mạnh, nhân cách tốt đẹp thì sẽ trở học được nhiều điều đáng giá, trở thành người có ích. Cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập, cả bố mẹ đều là giảng viên đại học. Họ đã có cách dạy dỗ và định hướng đúng đắn để Đỗ Nhật Nam trở thành một con người tài năng, giỏi giang. Ngược lại, có nhiều bạn trẻ sống trong một gia đình bất hạnh, chịu nhiều đau khổ khi còn bé, dễ hình thành suy nghĩ lệch lạc và gây ra những hành động sai lầm.

Tuy nhiên, rất nhiều người không chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Họ vẫn giữ được lối sống đẹp đẽ, nhân cách tốt đẹp dù sống trong hoàn cảnh xấu xa. Viên quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” là một ví dụ điển hình. Mặc dù, ông sống trong môi trường nhà lao toàn lừa lọc, chém giết nhưng vẫn giữ phẩm chất thanh cao - biết quý trọng người tài, có thiên lương trong sáng. Hay những tấm gương như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều là các bậc ẩn sĩ, từ bỏ chốn quan trường xô bồ để tìm về với thiên nhiên, quê hương. Họ đều là những tấm gương để chúng ta học tập.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đã giúp người đọc có được một lời khuyên quý giá. Chúng ta cần biết lựa chọn môi trường sống hợp lí, nhưng cũng nên giữ được phẩm chất thanh cao dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 16

Môi trường có ảnh hưởng đến mỗi người. Ở môi trường nào, điều kiện nào thì con người sẽ thích nghi theo môi trường, điều kiện ấy. Do đó, ông cha ta đã có lời răn dạy qua câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Câu tục ngữ mượn hai hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống của con người là mực và đèn. “Mực” là mực tàu để viết. Còn “đèn” là một đồ vật dùng để phát sáng. Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” muốn nói đến ảnh hưởng của môi trường đối với con người. Chúng ta sống trong môi trường xấu, thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu. Ngược lại, chúng ta sống trong môi trường tốt, tiếp xúc với những người tốt thì ta sẽ học hỏi được điều tốt hay, trở thành người có ích.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp. Ví dụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người dù sống trong hoàn cảnh lao tù, cực nhọc nhưng người vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp.

Thầy Mạnh Tử khi còn bé sống gần trường học nên lễ phép chăm chỉ học hành, giả sử người mẹ của Mạnh Tử cho cậu sống gần chợ hay ở nghĩa địa thì chưa chắc sau này Mạnh Tử đã trở thành bậc hiền tài của Trung Quốc. Có thể thấy rằng, điều đó được xuất phát từ việc lựa chọn môi trường sống đúng đắn.

Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đã đem đến cho con người bài học quý giá. Mỗi người hãy ghi nhớ đến tích cực hoàn thiện bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 17

Từ xưa trong cuộc sống lao động và chiến đấu của mình, nhân dân ta đã rút ra biết bao bài học, kinh nghiệm quý báu, đó là cách nhìn nhận của nhân dân ta về mối quan hệ giữa môi trường xã hội và nhân cách con người,để diễn tả cách nhìn nhận này,nhân dân ta đã thể hiện qua câu tục ngữ: “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”.

“Mực và đèn” đều là những hình ảnh của sự vật có quan hệ với tư cách của con người được ông cha ta sử dụng để thể hiện ý của mình. Mực có màu đen tượng trưng cho những cái không tốt đẹp,những gì xấu xa,đèn là vật phát ra ánh sáng,soi rõ mọi vật xung quanh, tượng trưng cho cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau là mực và đèn,câu tục ngữ đã đưa ra một kết luận đúng đắn:gần người tốt thì sẽ tốt gần người xấu thì sẽ xấu.

Dựa vào thực tế cuộc sống con người ta thấy câu tục ngữ rất đúng khi xét trong mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách mỗi người vì con người không sống lẻ loi cô độc một mình mà luôn có mối liên hệ với mọi người xung quanh.

Lưu Bình sống cạnh Dương Lễ nên đã thành tài trở thành người hữu ích cho xã hội. Thuở nhỏ để tạo điều kiện tốt cho con học tập mà mẹ của Khổng Tử đã phải dời nhà mấy lần.

Nhưng trong vài trường hợp đặc biệt thì có một vài trường hợp gần mực chưa chắc đã đen gần đèn chưa chắc đã rạng. Đối với trường hợp gần mực chưa chắc đã đen ta có thể nói đến Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Ơn trong thời Mỹ đang chiếm đóng miền nam nước ta các anh là những bông sen thơm ngát tỏa hương trong bùn lầy hôi tanh như bài ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Câu tục ngữ trên xứng đáng là một lời khuyên quý báu, giúp cho chúng ta xác lập được ý chí của mình khi đứng trước mọi cám dỗ và sẽ mãi là ngọn đèn tỏa sáng trong bóng đen của cuộc sống.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng - mẫu 18

Những câu tục ngữ luôn gửi gắm những bài học có giá trị. Một trong số đó là câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Xét về nghĩa đen, “mực” là loại chất lỏng có màu, khi sử dụng thường gây bẩn. Còn “đèn” là một đồ vật dùng để thắp sáng. Nhưng xét về nghĩa bóng, “mực” chỉ những điều xấu xa, còn “đèn” chỉ những điều tốt đẹp. Có thể hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ là một người khi thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, còn nếu tiếp xúc với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ. Từ đó, ông cha ta muốn k huyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Truyện “Mẹ hiền dạy con” là một dẫn chứng điển hình của câu tục ngữ “gần đèn thì rạng”. Mạnh Tử khi còn bé sống gần trường học nên lễ phép chăm chỉ học hành, giả sử người mẹ của Mạnh Tử cho cậu sống gần chợ hay ở nghĩa địa thì chưa chắc sau này Mạnh Tử đã trở thành bậc hiền tài của Trung Quốc. Có thể thấy, gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách của học sinh.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người không bị ảnh hưởng môi trường. Dù sống trong hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ được nhân cách tốt đẹp. Câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, giúp cho con người có bài học bổ ích. Đồng thời có một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân.

Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một lời khuyên vô cùng đúng đắn, mà mỗi người cần phải ghi nhớ.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác: