Câu hỏi ôn tập bài Tục ngữ về con người và xã hội chọn lọc - Ngữ văn lớp 7


Câu hỏi ôn tập bài Tục ngữ về con người và xã hội chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Tục ngữ về con người và xã hội Ngữ văn lớp 7 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Tục ngữ về con người và xã hội này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 7 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 7.

Câu hỏi ôn tập bài Tục ngữ về con người và xã hội chọn lọc - Ngữ văn lớp 7

Câu hỏi: Tục ngữ về con người và xã hội được hiểu theo những nghĩa nào?

Trả lời:

Được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Câu hỏi: Tục ngữ về con người và xã hội có điểm gì nổi bật về hình thức?

Trả lời:

- Diễn đạt bằng hình ảnh so sánh

- Diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ

- Từ và câu có nhiều nghĩa.

Câu hỏi: Tục ngữ về con người và xã hội tập trung phản ánh đối tượng nào?

Trả lời:

Tục ngữ về con người và xã hội luôn chú ý tôn vinh giá trị con người, đưa ra nhận xét, lời khuyên về những phẩm chất và lối sống mà con người phải có.

Câu hỏi: Giải thích ý nghĩa của một câu Tục ngữ về con người và xã hội mà em thích.

Trả lời:

Giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu

“Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”:

Bài học mà câu tục ngữ muốn nói đến chính là vai trò của tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Xét theo nghĩa đen, “một cây” vốn dĩ chỉ là cô độc mình nó, không thể chống chọi được hết với giông gió, bão tố, không thể làm nên một ngọn núi non cao. Nhưng nếu là “ba cây chụm lại”, cùng nhau kết hợp vào, chúng có thể vượt qua được bất kỳ tác động nào của thời tiết, thiên nhiên, cùng nhau tạo nên một “hòn núi cao”. Từ đó, đến với nghĩa bóng của ca dao, ta nhận ra ông cha ta đã liên tưởng đến tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của một tập thể, nó là sẽ nguồn sức mạnh to lớn để tập thể ấy vượt lên trên tất cả mọi khó khăn, thử thách, đạt được mục tiêu chung của mình. Qua đó, ông cha ta khẳng định ý nghĩa to lớn về sức mạnh của tập thể, nếu một cá nhân lẻ loi, xa rời tập thể thì sẽ chẳng làm được điều gì hay đạt được mục đích của mình.

Câu hỏi: So sánh hai câu tục ngữ sau:

• Không thầy đố mày làm nên.

• Học thầy không tày học bạn.

Trả lời:

Hai câu tục ngữ tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại bổ sung ý nghĩa cho nhau: đề cao việc học tập, nói đến vai trò quan trọng của người thầy trong việc dạy dỗ, định hướng tri thức. Không chỉ tìm thầy giỏi mà những người bạn sẽ giúp đỡ chúng ta mở rộng tri thức. Chúng ta phải biết kết hợp học ở cả hai sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Câu hỏi: Em hãy giải thích câu tục ngữ của nhân dân ta: "Học ăn, học nói, học gói, học mở".

Trả lời:

Câu tục ngữ tuy ngắn gọn, giản dị nhưng ẩn chứa bài học về cách ứng xử sao cho chuẩn mực của con người trong cuộc sống. Chữ “học” được lặp lại bốn lần, điều đó nhấn mạnh, chúng ta cần luôn học hỏi mọi điều trong cuộc sống, dù là những điều nhỏ nhất. Thứ nhất là học cách ăn uống, cần biết các phép tắc ăn uống lịch sự, tế nhị. Văn hóa Việt Nam coi trọng cách ăn tập thể, đông người, tính cách con người được thể hiện qua văn hóa ăn uống và ứng xử bên mâm cơm. Thứ hai là học cách nói năng, lễ độ với người lớn tuổi và hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Lời nói cần nhẹ nhàng, nói những điều hay lẽ phải bởi “lời nói chẳng mất tiền mua”. Tuy nhiên cần tránh những lời giả dối, xu nịnh hay nói xấu, nói sai cho người khác. Học hỏi từ cuộc sống, chúng ta cần cả “học gói, học mở”, biết làm theo thứ tự trước – sau cho đúng, biết sắp xếp công việc cho hợp lí. Theo cách hiểu khác, học gói còn học cách tiết kiệm chi tiêu, không lãng phí tiền bạc còn học mở là học cách mở lòng để bao dung và giúp đỡ người khác. Như vậy, chỉ với câu tục ngữ ngắn gọn nhưng đã truyền tải bao bài học ứng xử sâu sắc, là lời nhắc nhở với mỗi chúng ta cần luôn cố gắng học hỏi từ cuộc sống để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Câu hỏi: Hãy chia các câu Tục ngữ về con người và xã hội trong SGK thành các nhóm phù hợp và nêu nhận xét về nội dung và nghệ thuật của mỗi câu trong nhóm.

Trả lời:

Nhóm 1: Nói về phẩm chất giá trị con người:

a, Một mặt người bằng mười mặt của

● Nội dung: đề cao giá trị của con người, tính mạng của một con người bằng rất nhiều thứ của cải vật chất có giá trị to lớn và còn có nhiều to lớn hơn thế nữa.

● Nghệ thuật: So sánh, hoán dụ, ẩn dụ.

b, Cái răng, cái tóc là góc con người

● Nội dung: Câu tục ngữ không những chỉ nêu lên nét đẹp con người mà còn nhắc nhở chúng ta biết giữ gìn chăm sóc cái răng cái tóc của mình.

● Nghệ thuật: so sánh.

c, Đói cho sạch, rách cho thơm

● Nội dung: dù có đói nghèo, khổ cực, dù vật chất có thiếu thốn nhưng vẫn giữ được cái đạo làm người, vẫn giữ được sự trong sạch, liêm khiết của đạo đức, phẩm chất của một con người.

● Nghệ thuật: Sử dụng tính từ

Nhóm 2: Tục ngữ về học tập, rèn luyện.

d, Học ăn, học nói, học gói, học mở

● Nội dung: khuyên nhủ con người hãy cư xử, nói năng cho thấu tình đạt lý.

● Nghệ thuật: so sánh.

e, Không thầy đố mày làm nên

● Nội dung: là lời răn dạy mang tính khẳng định vị trí, vai trò của người thầy đối với sự thành đạt của người học trò.

● Nghệ thuật: không có

g, Học thầy không tày học bạn

● Nội dung: nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi từ bạn bè và những người xung quanh.

● Nghệ thuật: so sánh không ngang bằng

Nhóm 3: Tục ngữ về quan hệ xã hội

h, Thương người như thể thương thân

● Nội dung: nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương giúp đỡ người khác như yêu thương chính bản thân mình.

● Nghệ thuật: so sánh

i, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

● Nội dung: dạy con cháu về đạo lí làm người, sống có tình nghĩa đó là khi được hưởng một thành quả nào đó trong cuộc sống phải nhớ đến công lao của những người đó tạo ra thành quả đó, phải biết đền ơn người đó giúp đỡ mình chớ nên vong ân bội nghĩa.

● Nghệ thuật: ẩn dụ

k, Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

● Nội dung: khẳng định ý nghĩa to lớn về sức mạnh của tập thể, nếu một cá nhân lẻ loi, xa rời tập thể thì sẽ chẳng làm được điều gì hay đạt đạt được mục đích của mình.

● Nghệ thuật: ẩn dụ

Câu hỏi: Nhận xét về các câu tục ngữ chủ đề con người và xã hội, có ý kiến cho rằng: "Những câu tục ngữ này thường rất giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hàm súc về nội dung, luôn chú ý tôn vinh giá trị con người, đồng thời hướng mỗi người tới các phẩm chất , lối sống tốt đẹp".

Em có tán thành ý kiến trên không? Vì sao?

Trả lời:

Em tán thành với ý trên. Bởi tục ngữ không chỉ đơn thuần là một câu nói mà thông qua những câu tục ngữ đó ông cha ta đã gửi gắm cho ngàn đời những bài học sâu sắc về giá trị đạo đức, con người, những kinh nghiệm cuộc sống, hướng tới những điều tốt đẹp nhất.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 7 chọn lọc, hay khác: