Top 20 Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (hay nhất)
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 30 bài văn Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (mẫu 1)
- Dàn ý Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống
- Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (mẫu 2)
- Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (mẫu 3)
- Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (mẫu 4)
- Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (mẫu 5)
Top 30 Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (hay nhất)
Dàn ý Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống
1. Mở bài:
- Giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận
2. Thân bài:
- Khái niệm và bản chất của hiện tượng (giải thích); mô tả hiện tượng
- Nêu thực trạng và nguyên nhân (khách quan – chủ quan) của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
- Nêu tác dụng – ý nghĩa (nếu là hiện tượng tích cực; tác hại – hậu quả (nếu là hiện tượng tiêu cực)
- Giải pháp khuyến mãi (nếu là hiện tượng tích cực); Biện pháp khắc phục (nếu có hiện tượng tiêu cực)
3. Kết bài:
- Bày tỏ ý kiến về hiện tượng xã hội vừa bàn luận
- Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân
Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 1
Cùng với sự thành công thái quá của con người trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ, khoa học kĩ thuật thì nó cũng gây áp lực cho vấn đề môi trường của thế giới. Ở Việt Nam ngày nay, bên cạnh những vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện tượng xả nước thải trực tiếp ra sông suối, khai thác sa khoáng làm ô nhiễm nguồn nước, còn có một vấn đề gây nhức nhối làm ô nhiễm môi trường do ý thức con người gây ra, đó là vứt rác bừa bãi. Có những người ngồi bên hồ ngắm cảnh, do lười ra chỗ thùng rác mà người ta cũng tiện tay vứt rác xuống bờ hồ.
Xả rác bừa bãi là thói quen từ lâu của nhiều người. Hiện tượng này có cả trong trường học, nhiều học sinh sau khi ăn quà không để rác vào sọt mà vứt lung tung trên sàn lớp, sân trường. Nhiều túi ni lông, giấy thải bay tứ tung nhìn rất bẩn và khó chịu. Ở một số gia đình, khi có xe đổ rác thì không mang rác ra xe mà khi xe đi qua rồi lại vứt ở góc tường, trước ngõ hay gần nơi họ sống. Một số người đi xe gắn máy, xe buýt, ô tô. Sau khi dùng thứ gì đó thì tiện tau mở của sổ vứt luôn vỏ đựng xuống lòng đường khi đang trên xe. Hay một số người ý thức kém, uống nước ngọt bên đường sẵn sàng vứt luôn que kem vỏ chai gần nơi họ ngồi. Và còn biết bao người thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Họ vứt rác bừa bãi thành thói quen, xả rác bừa bãi nơi công cộng, đường phố.
Nhiều người đi du lịch các nước phát triển về khoe: Ôi đi Singapore sạch lắm, ôi qua Mỹ sạch lắm, họ đi du lịch không tiếc tiền. Nhưng chính tại nơi mình sống, họ lại tiếc 30 - 50 ngàn đồng tiền đổ rác, đem rác ném lung tung, gây ra một vấn nạn rác ô nhiễm.
Vậy, nguyên nhân của hành động thiếu văn hóa này xuất phát từ đâu? Khách quan, có thể thấy việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân của các cơ quan chuyên trách đối với việc bảo vệ môi trường chưa thực sự cao. Các qui định xử phạt lại thiếu và chưa thật nghiêm khắc. Về chủ quan, ta thấy rất nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường tiện tay thì vứt, cốt sao sạch nhà mình, còn ngoài đường ra sao thì kệ. Họ đâu ý thức rằng những việc làm tưởng như rất bình thường, đó lại có tác hại lớn thế nào đến môi trường sống của chính họ và những người xung quanh.
Vứt rác bừa bãi gây ra hậu quả vô cùng lớn. Hành động này làm xấu cảnh quan thiên nhiên gây mất mĩ quan đường phố. Nguy hại hơn, nó làm cho môi trường sống của chúng ta lại ô nhiễm: Vứt rác ra sông hồ làm ô nhiễm nguồn nước, chôn rác không phân hủy làm ô nhiễm đất, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tầm nhìn. Gây ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật chứ không kể riêng con người. Sức khỏe của con người suy giảm, dễ mắc các bệnh về hô hấp, về tiêu hóa, ung thư. Các loại sinh vật sống ở biển, hồ sẽ chết vì nuốt phải rác không phân hủy, chết vì nguồn nước quá ô nhiễm gây hoang mang cộng đồng.
Bởi vậy, chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Ở Sing-ga-po, những người vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng dù là rác rất nhỏ như mẩu thuốc lá hay vỏ kẹo cao su. Cũng bị phạt rất nặng. Đó chính là một kinh nghiệm mà đất nước ta cần học tập. Cần có những hình thức xử phạt thật nghiêm hành động này. Bên cạnh đó, các ban ngành chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân để họ không vứt rác bừa bãi. Mặt khác chúng ta cần tích cực trồng cây xanh, phủ đồi trọc giữa môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.
Tóm lại, hành vi vứt rác bừa bãi là một hành động xấu, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, thể hiện sự vô văn hóa. Vì vậy, hãy nâng cao ý thức, mỗi người hãy tiện tay mang rác đến đúng thùng rác và nơi quy định để vứt, giúp giữ cho môi trường sống luôn trong lành, sạch đẹp.
Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 2
Hiện tượng học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên đến trường diễn ra khá phổ biến. Bất chấp quy định pháp luật, nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, chở quá người quy định... khi tham gia giao thông.
Giờ tan học tại nhiều trường THPT, THCS, bên cạnh các phương tiện có phần "quen mắt" như xe đạp, hay mới hơn là xe đạp điện, xe máy điện thì tình trạng các bạn học sinh điều khiển mô tô trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí "kẹp ba, kẹp bốn" trên đường dẫn tới nguy cơ cao tai nạn giao thông (TNGT), khiến nhiều người đi đường không khỏi giật mình.
Vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh và trẻ vị thành niên hầu như không có; cộng với tâm lý muốn thể hiện nên thường vi phạm luật giao thông.
Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, thế nhưng hiện nay, tình trạng trên vẫn đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong luật giao thông đường bộ hiện hành cũng đã có hình thức xử phạt vi phạm giao thông như phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với người chưa đủ tuổi đã điều khiển xe máy phân khối lớn. Nhưng mức phạt đó, nếu so với sự hậu thuẫn của cha mẹ thì như "muối bỏ biển"
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con đã chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về tai nạn giao thông. Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích "thể hiện", ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều,...
Hơn nữa, việc giao thông đô thị như tình trạng tắc đường, thiếu các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu cao tốc hiện đại... có thể cũng chính là một trong những nguyên nhân mà nhiều bạn học sinh lựa chọn sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy để đến trường.
Tóm lại, việc học sinh, trẻ vị thành viên sử dụng xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Em mong rằng các nhà trường không chỉ giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh về ATGT, mà các bậc phụ huynh cũng sẽ nghiêm túc chấp hành quy định luật giao thông, không cho con em tự điều khiển các phương tiện giao thông có tốc độ cao, bị cấm khi chưa đủ tuổi.
Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 3
Gia đình là nơi ta sinh ra, lớn lên, là nơi gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời. Chình vì vậy gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Gia đình là một cụm từ, một khái niệm rất quen thuộc, gần gũi và gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Vậy bạn có hiểu đúng về khái niệm gia đình này chưa? Chúng ta cùng tìm hiểu xem gia đình là gì, ý nghĩa của gia đình và vai trò của gia đình đối với mỗi người nhé! Gia đình là tập hợp những người quen thuộc, thân thương, gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một cách thức tổ chức sống nhỏ nhất trong xã hội, trong gia đình có mối liên kết với nhau từ quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về gia đình, nhưng chung quy lại thì đây là một nơi mà những con người liên kết với nhau, sinh sống với nhau tạo nên mối quan hệ mật thiết, gia đình là hình ảnh phản ảnh của một xã hội thu nhỏ. Đúng vậy, gia đinh chính là nơi bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con người, nơi đó có những người thương yêu, quý giá như cha, mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác, ông bà,…Cũng chính vì vậy, mà gia đình đóng góp một vai trò không nhỏ đối với quá trình trưởng thành của một người. Chẳng ai có thể khẳng định người ấy có thể sống tốt, vui vẻ mà hạnh phúc mà không có gia đình. Những ai không may mắn không có được một gia đình tử tế từ khi mới lọt lòng vẫn luôn đau đáu một nỗi đau tìm ra nguồn gốc người thân của mình, hoặc những ai khi mất đi những người mình yêu thương trong cuộc sống, sau đó chẳng phải sẽ tìm một gia đình khác làm bến đỗ tinh thần cho mình đấy thôi. Gia đình chính là tế bào của xã hội, cho nên chúng ta hãy vì hạnh phúc gia đình và tương lai phát triển của xã hội mà cùng nhau đóng góp xây dựng tình cảm của mình. Sẽ thật là may mắn khi bạn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, êm ấm, tuy nhiên, dù chẳng được may mắn như vậy, hãy vẫn cho mình cơ hội tìm một gia đình đúng nghĩa nhé.
Tình cảm gia đình có thể khiến cho một người luôn tươi vui, rực rỡ và lạc quan hơn trong cuộc sống. Muốn gia đình hạnh phúc thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải có tình cảm, biết vun đắp, sẻ chia, và đức hy sinh. Không những vậy, vai trò của mỗi gia đình còn giúp sức tạo nên một xã hội văn minh, phát triển hơn nữa trong tương lai.
Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 4
Không biết từ bao giờ "bệnh thành tích" đã trở thành một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Học tập, lao động, chiến đấu, cá nhân nào cũng có ước muốn chính đáng là lập được nhiều thành tích tốt đẹp. Nhưng vì hám thành tích mà có hiện tượng làm láo báo cáo hay. Thành tích được vẽ ra, được thổi phồng lên làm theo cấp số nhân, cấp số cộng để nhận huy chương, để lấy bằng khen, rước xách rầm rộ, liên hoan lu bù, báo công ầm ĩ.
Hầu như ngành nào cũng lắm "bệnh thành tích". Nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân thất nghiệp, nhưng năm nào cũng hoàn thành kế hoạch. Lâm trường nọ trồng cây gây rừng, thành tích được thổi phồng lên, nào là phủ xanh đồi trọc, nào là trồng được hàng triệu cây có bóng mát, cây ăn quả, cây gỗ quý, thông và bạch đàn bao la. Nhưng câu chuyện xảy ra như một vở bi hài kịch khi đoàn kiểm tra "sờ" đến. Những con số ấy, những cây cối ấy chỉ là số không. Rừng phòng vệ bị phá tan hoang. Diện tích hoang hóa, đồi trọc mênh mông. Rừng đầu nguồn bị chặt phá trơ trụi.
Ngành giao thông vận tải thì đường sá mới làm xong đã xuống cấp, tai nạn giao thông xảy ra đến chóng mặt, mỗi năm có hàng trăm người chết vì tai nạn ô tô, chẹt tàu. Hiện tượng lún móng cầu, sập cầu đâu còn là sự cố hiếm thấy nữa!
Ngành giáo dục, "bệnh thành tích" trở nên trầm kha. Thi cử gian dối, trường nào, địa phương nào cũng lo chạy theo thành tích nên đã buông lỏng kỉ cương. Bằng giả, học giả, tiến sĩ rởm không còn là hiện tượng hi hữu nữa. Khẩu hiệu: "Nói không với tiêu cực" tuy đã giảm bớt được một phần nào, nhưng bệnh tiêu cực không thể nào một sớm một chiều mà giảm bớt được, hạn chế được. Bệnh thành tích đã làm suy thoái đạo đức cán bộ, người lao động vì cái tệ làm láo báo cáo hay. Con số thống kê là con số ảo, không đúng với thực tế sản xuất của nước ta. Dịch cúm gà, cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh, có nơi, có lúc đã báo cáo sai. Do "bệnh thành tích" mà từng gây ra nhiều thảm họa! Phải thanh tra, kiểm tra thật chặt chẽ, xử phạt thật nghiêm minh mới có thể chữa được căn bệnh "ung thư" này.
Có chữa được "bệnh thành tích" thì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước mới phát triển và giành được nhiều thành tựu rực rỡ. Có chữa được tận gốc "bệnh thành tích" mới chống các hiện tượng thi cử gian lận, mới xây dựng được con người mới, đạo đức mới xã hội văn minh.
Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống - mẫu 5
Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, theo đó mà guồng quay công việc nhanh chóng đã gây ra áp lực lớn cho mỗi người. Để tìm cách giải tỏa áp lực, nhiều người lựa chọn chơi game online. Mặc dù trò chơi điện tử có thể đem lại nhiều lợi ích, như giúp người chơi thư giãn và rèn luyện tư duy, song nghiện game online lại gây nhiều tác hại đối với con người và cuộc sống.
Về mặt lợi ích, chơi game có thể giúp con người giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi sau giờ học tập hoặc làm việc căng thẳng. Ngoài ra, có những loại game còn giúp người chơi rèn luyện tư duy và nâng cao kiến thức. Thậm chí, game còn trở thành một bộ môn được đưa vào giảng dạy và học tập cũng như tổ chức thi đấu chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, sự phổ biến của game online cũng đã gây ra nhiều tác hại lớn đến sức khỏe và thành tích học tập của học sinh. Hiện tượng "nghiện game" là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất trong xã hội hiện nay. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chơi game quá nhiều có thể gây ra một loạt các vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của người chơi. Bên cạnh đó, chơi game còn tiêu tốn nhiều tiền bạc, gây ra những thói hư tật xấu như nói dối, trộm cắp, lừa lọc...
Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía. Trước tiên phải kể đến phụ huynh thường quá bận rộn với công việc và không dành thời gian để kiểm soát việc chơi game của con cái. Tiếp đến là trường học, giáo viên chưa giám sát chặt chẽ đối với học sinh và sinh viên của mình. Ngoài ra, sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè cũng góp phần làm nhiều người sa đà vào việc nghiện game online.
Trên hết, nguyên nhân chủ quan có lẽ là đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi có nhiều cá nhân do quá đam mê với trò chơi và bỏ quên việc học tập. Họ có thể muốn chứng tỏ bản thân với bạn bè rằng mình là người giỏi nhất hay chỉ đơn giản là thích thú với thế giới ảo trong trò chơi. Có rất nhiều trường hợp những người trẻ tuổi bị mê hoặc bởi thế giới ảo của trò chơi, dẫn đến việc họ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng trong cuộc sống thực. Những hệ lụy tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội nói chung.
Do đó, mỗi học sinh và sinh viên nên có ý thức tránh xa các trò chơi độc hại, tập trung vào những hoạt động có ích, giúp bản thân ngày một tốt đẹp hơn. Chỉ khi có được sự cân bằng trong cuộc sống thực và ảo, ta mới có thể có một tương lai tươi sáng và phát triển.